Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   Học tập và làm theo lời Bác - Thanh Hóa phấn đấu xây dựng thành tỉnh kiểu mẫu
Học tập và làm theo lời Bác - Thanh Hóa phấn đấu xây dựng thành tỉnh kiểu mẫu

Thanh Hóa vùng quê “địa linh nhân kiệt”, địa bàn chiến lược quan trọng, vùng đất “căn bản”, “phên dậu” của đất nước trong lịch sử luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm. Người đã 4 lần về thăm Thanh Hóa vào các năm 1947, 1957, 1960, 1961. Người ân cần dặn dò Đảng bộ, chính quyền tỉnh phải nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, tuyên truyền, vận động, tập hợp sức mạnh các tầng lớp nhân dân, chọn lựa, bố trí cán bộ đúng người, đúng việc, phấn đấu xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu. Lời di huấn đó đang ngày càng trở thành hiện thực trên quê hương Thanh Hóa anh hùng.
Nhớ lời Bác dạy:
Chỉ sau ngày Toàn quốc kháng chiến hai tháng, trong điều kiện phương tiện đi lại rất khó khăn, dẫu bận trăm công ngàn việc nhưng Bác Hồ vẫn dành thời gian đi thăm Thanh Hóa - vùng “tự do” trong kháng chiến chống Pháp. Bác đã được Đảng bộ, chính quyền, thân hào, thân sĩ, trí thức, nhân dân đón tiếp long trọng. Từ tình cảm chân thành, nồng ấm của các tầng lớp nhân dân Thanh Hóa, lãnh tụ tối cao của dân tộc đã thăm hỏi ân cần, động viên xây dựng khối đoàn kết toàn dân, tham gia xây dựng chính quyền dân chủ của dân. Bác đã đề nghị đồng bào Thanh Hóa học tập văn hóa, xóa bỏ nạn mù chữ. Người khuyên đồng bào tổ chức lại sản xuất đi đôi với thực hành tiết kiệm “đủ trở nên giàu, giàu thì giàu thêm”, “làm cho đồng bào mình khỏi đói rét, đồng bào khỏi đói rét tức là kháng chiến”. Trong không khí thắm đượm tình người, trước trọng trách đối với đất nước, Bác đã đề ra nhiệm vụ đối với Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa “Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu”.
Lần thứ hai Bác thăm Thanh Hóa vào ngày 13-6-1957. Đại biểu các tầng lớp phụ lão, công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, tôn giáo, dân tộc ít người nồng nhiệt đón Bác. Trước tình cảm nồng ấm, Bác ghi nhận, khen ngợi những đóng góp lớn lao của quân dân Thanh Hóa trong kháng chiến chống Pháp, nhất là chiến dịch Điện Biên Phủ: “… Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu tiếng Điện Biên Phủ đến đó, tiếng Điện Biên Phủ đến đâu đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.
Bác vui mừng về thành tích đạt được trong hàn gắn, cải tạo vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển sản xuất. Bác ngợi khen phụ nữ tỉnh Thanh cần cù, đảm đang, thanh niên gương mẫu chống úng, lao động sản xuất, xóa nạn mù chữ. Đồng thời Bác phê bình thói lãng phí trong ngày lễ, Tết, không thực hành tiết kiệm,… Bác kêu gọi đoàn kết lương giáo, dân tộc, Nam - Bắc, quân dân,… Cuối cùng, Bác nhắc nhở Thanh Hóa phải xây dựng thành tỉnh kiểu mẫu.
Bác thăm Thanh Hóa lần thứ ba ngày 17-7-1960. Người đã gặp gỡ, nói chuyện ân cần và trực tiếp kéo lưới cùng ngư dân xã Quảng Vinh (nay là Thành phố Sầm Sơn). Bác đi thăm nhà nghỉ Tổng Công đoàn, Trại nuôi dưỡng thương binh, Trại an dưỡng các cụ miền Nam tập kết. Người thăm và nói chuyện tại Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ VI. Bác mong muốn giai cấp công nhân phải giúp đỡ giai cấp nông dân thường xuyên, cụ thể để củng cố vững chắc khối liên minh công nông.
Trong lần thứ tư về thăm Thanh Hóa từ ngày 10 đến 12-12-1961, Bác làm việc với lãnh đạo tỉnh, đi thăm Hợp tác xã Yên Trường (Yên Định), Hợp tác xã cơ khí Thành Công - lá cờ đầu ngành thủ công nghiệp miền Bắc. Bác đi thăm phân xưởng sản xuất nhà máy cơ khí tỉnh, thăm trường mầm non và một số đơn vị bộ đội. Bác cổ vũ nhân dân nêu cao tinh thần làm chủ tập thể, coi hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ, ra sức thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Tại Sân vận động tỉnh vào sáng 12-12-1961, Bác thân mật nói chuyện với cán bộ và nhân dân trong tỉnh. Bác khen Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa có nhiều tiến bộ trong phong trào hợp tác hóa và sản xuất nông nghiệp, trong công tác bổ túc văn hóa. Bác phê bình những thiếu sót trong quản lý hợp tác xã, chăn nuôi, trồng cây. Bác nhắc nhở những việc cần làm và nhấn mạnh: “… Cán bộ, đảng viên phải chống quan liêu, mệnh lệnh, chống lãng phí, tham ô,… ra sức phát triển củng cố Đảng, Đoàn”.
Bốn lần Bác về thăm Thanh Hóa là sự đánh dấu chặng đường, bước phát triển, trưởng thành của cách mạng Việt Nam. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Thanh Hóa khắc ghi lời Bác dặn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành sứ mệnh mà lãnh tụ tin tưởng giao cho trong xây dựng, phát triển quê hương đất nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia theo con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác đã lựa chọn.
Quyết tâm làm theo lời Bác xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu
Những năm kháng chiến chống Pháp, “vùng tự do” Thanh Hóa trở thành hậu phương vững chắc, là điểm tựa của ba chiến trường: Đồng bằng Bắc Bộ, Bình Trị Thiên và nước bạn Lào. Thanh Hóa là địa phương cung cấp nhiều sức người, sức của cho chiến trường Điện Biên Phủ làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” mà Bác Hồ từng khen ngợi trong lần Người thăm Thanh Hóa lần thứ hai (1957). Sau hòa bình lập lại ở miền Bắc (1954), toàn tỉnh nhanh chóng hàn gắn, khôi phục, cải tạo vết thương chiến tranh, đồng thời tập trung xây dựng quê hương theo con đường xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thống nhất nước nhà. Các mô hình hợp tác xã Đông Phương Hồng, Cơ khí Thành Công,… trở thành điển hình của miền Bắc trong thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bước vào cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ ra miền Bắc, các địa danh Hàm Rồng, Đò Lèn, Phà Ghép, Dốc Bò Lăn,… đã trở thành niềm tự hào của quân dân ta, là nỗi khiếp đảm của “bầy quạ trời” Mỹ. Toàn tỉnh bắn tan xác 376 máy bay, 57 tàu biệt kích, khu trục hạm Mỹ bị bắn cháy. Hàm Rồng “cây cầu huyền thoại” đã trở thành biểu tượng chói sáng, bản anh hùng ca bất tử của thời đánh Mỹ, thắng Mỹ. Cùng với đội ngũ trùng điệp của thanh niên cả nước, lớp lớp trai gái quê Thanh từ giã mái trường, xóm làng lên đường ra trận chiến đấu và phục vụ chiến đấu với lý tưởng, hoài bão: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
Sau chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và Toàn thắng năm 1975 Nam - Bắc đã sum họp một nhà, đất nước trọn niềm vui thống nhất. Xây dựng, phát triển quê hương, đất nước sau những năm dài chiến tranh khốc liệt với nhiều mất mát, đau thương là sứ mệnh lớn lao nhưng vô cùng nặng nề. Từ giã những cây súng các chàng trai, cô gái từ chiến trường trở về lại lao vào học tập, tiếp thu các thành tựu khoa học kỹ thuật để làm ra nhiều công trình, sản phẩm phục vụ nhu cầu đời sống xã hội. Kiến thiết, xây dựng quê hương từ những đống hoang tàn, đổ nát thời kỳ chiến tranh phá hoại vẫn không thể làm nản lòng nhụt chí người dân tỉnh Thanh. Bước vào thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng lãnh đạo từ Đại hội VI (1986), 35 năm qua diện mạo kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tăng cường quan hệ đối ngoại trong hội nhập quốc tế của tỉnh ta có nhiều chuyển biến tiến bộ. Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã khơi dậy lòng yêu nước nồng nàn, lòng nhân ái, niềm tự hào, ý thức trách nhiệm với dân tộc; sự gắn bó với gia đình, dòng họ, làng xóm, quê hương; sự hiếu học, thông minh, cần cù, chịu khó, sống tình nghĩa thủy chung của người dân Thanh Hóa trong truyền thống vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương. Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, thống nhất của Đảng bộ, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc toàn tỉnh ta nên cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư nâng cấp, đời sống người dân được cải thiện. Thế mạnh, tiềm lực của từng vùng miền được khai thác, phát huy mang lại hiệu quả rõ nét. Các vùng động lực kinh tế của tỉnh như Nghi Sơn, Lam Sơn - Sao Vàng, Sầm Sơn - Thành phố Thanh Hóa, Bỉm Sơn - Thạch Thành đang ngày càng trở thành đầu tàu thúc đẩy kinh tế - xã hội toàn tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, an sinh xã hội, đời sống việc làm được quan tâm đầu tư đúng mức nên có nhiều chuyển biến tiến bộ. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã khơi dậy truyền thống “đất Thanh đất học” nhiều năm giành giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế, trong nước. Số lượng học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng luôn ở tốp đầu toàn quốc. Xã hội hóa giáo dục, y tế đáp ứng nhu cầu học tập, khám chữa bệnh cho người dân. Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức với quy mô hoành tráng để lại ấn tượng sâu đậm, có sức lan tỏa trong nước. Toàn tỉnh ta có 6 di tích văn hóa được công nhận di tích quốc gia đặc biệt (trong đó Thành Nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới). 11 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận quốc gia là sự nỗ lực, cố gắng trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong hội nhập, phát triển bền vững. Đào tạo nghề, phát triển các doanh nghiệp, thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân những năm qua luôn được quan tâm. Nhiều sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông, lâm nghiệp từng bước tạo chỗ đứng cạnh tranh trên thị trường. Những năm qua tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách đối với người có công, người neo đơn, tàn tật,… đã giúp tình hình chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội khá ổn định. Trên địa bàn tỉnh ít xảy ra các “điểm nóng”, các vụ khiếu kiện đông người.
Trong học tập và làm theo lời dặn của Bác, triển khai thực hiện Chỉ thị 06, 05 của Bộ Chính trị nhiều năm qua Đảng bộ, chính quyền tỉnh luôn quan tâm, chú trọng xây dựng khối đoàn kết, thống nhất. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ được duy trì thường xuyên. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý các sai phạm bảo đảm công khai, minh bạch nên ngăn chặn được các hành vi cửa quyền, quan liêu, tham nhũng. Vai trò nêu gương của người đứng đầu ở các ngành, đoàn thể, địa phương, cơ quan, đơn vị,… đã giúp hoạt động quản lý, điều hành đi vào nề nếp, kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả. Các phong trào thi đua: Chung sức xây dựng nông thôn mới; Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; Lao động học tập sáng tạo; Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; Đền ơn đáp nghĩa; Xóa đói giảm nghèo,… đã xây dựng được nhiều điển hình tiên tiến có sức lan tỏa trong cộng đồng. Những việc làm thiết thực trên đã góp phần củng cố lòng tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước.
Triển khai thực hiện Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị khóa XII, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc khóa XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp càng đòi hỏi sự nỗ lực quyết tâm, đoàn kết, thống nhất của Đảng bộ, chính quyền các cấp, sự đồng thuận của người dân. Từ kinh nghiệm, bài học thực tiễn những năm qua, chúng tôi tin rằng nhất định tỉnh ta sẽ vượt qua những khó khăn, thử thách hiện tại. Tận dụng mọi cơ hội, thời cơ khi Quốc hội, Chính phủ quan tâm với cơ chế, chính sách đặc thù, tỉnh sẽ huy động mọi nguồn lực để tăng tốc, bứt phá trong thời gian tới. Phấn đấu đến năm 2025 Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở các tỉnh phía Bắc của Tổ quốc, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống bình quân cao hơn cả nước, góp phần cùng cả nước đưa mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, nước phát triển có thu nhập cao vào giữa thế kỷ XXI. Làm được điều đó là Thanh Hóa đã thực hiện thành công lời căn dặn của Bác: “Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu”.
                              

 P.M.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 252
 Hôm nay: 3138
 Tổng số truy cập: 9300463
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa