Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   Bảng nhãn Lương Đắc Bằng người thầy mẫu mực trong lịch sử
Bảng nhãn Lương Đắc Bằng người thầy mẫu mực trong lịch sử

Lương Đắc Bằng người làng Hội Triều nay thuộc xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ông sinh năm 1472, cha mẹ đặt tên là Ngạn Ích. Được cha mẹ dạy dỗ từ rất sớm nên từ nhỏ ông đã học chữ rất giỏi, nổi tiếng thần đồng. Năm 1484 cha ông mất lúc ông mới 12 tuổi. Theo lời dặn lại của cha, ông tìm đến người học trò ưu tú của cha ông là Lương Thế Vinh để theo học. Không phụ lòng tin tưởng của thầy Trạng Lường Lương Thế Vinh dạy dỗ sớm khuya, ân cần chỉ bảo nên ông tiến bộ rất nhanh. Năm 28 tuổi ông thi đỗ Bảng nhãn khoa Kỷ Mùi (1499), đời vua Lê Hiến Tông năm Cảnh Thống thứ 2. Sau khi đậu, ông được nhận chức Tả Thị lang Bộ Lại, Đông Các Đại học sĩ. Khi đường công danh phát đạt đỉnh cao là lúc ông được triều đình phong chức Thượng thư Bộ lại, tước Đông Trung Bá.
Trong thời gian làm quan tại triều, Lương Đắc Bằng là một người liêm khiết, đem hết khả năng, tài trí phục vụ triều đình và dân chúng. Ông được xếp vào hàng ưu tú vì tài văn phú của ông làm cho cả triều đình khâm phục nên từ tên là Lương Ngạn Ích ông được vua ban cho tên mới là Lương Đắc Bằng.
Ông tham gia làm quan trải bốn triều vua thời hậu Lê đó là Hiến Tông, Túc Tông, Uy Mục và Tương Dực.
Trong thời gian tham gia triều chính (khi làm Thượng Thư), ông có dâng lên vua một kế sách trị nước gồm 14 điều mà sử sách xưa thường gọi là Trị bình thập tứ sách. 14 điều đó là: Cần răn dạy dân cho kỹ để phòng tai biến; Dốc lòng hiếu để giữ tính trung hậu; Xa rời thanh sắc để giữ cho lòng chính; Bỏ kẻ tà nịnh để làm sạch cái gốc của muôn việc; Giữ gìn quan tước để cải thiện khuôn phép; Tuyên bố cho công bằng để làm trong sạch giới quan trường; Tiết kiệm chi tiêu để giữ lấy phong tục cần kiệm; Khen thưởng người tiết nghĩa để giữ đạo cương thường; Cấm hối lộ, triệt bỏ tệ tham nhũng; Lo sửa sang võ bị để có lực lượng mạnh; Chọn chức đài gián để khuyến khích việc nói thẳng; Bớt việc phu phen để nương sức dân; Ra hiệu lệnh cho nhất định để bốn phương đều tin; Cẩn thận phép tắc để mở đường lối thái bình cho đất nước.
Vốn là một vị đại thần thanh liêm, thẳng thắn lại nhất mực trung thành nên những nho sĩ có tiếng thời ấy như Lê Tung, Lê Nại, Nguyễn Trực... đều rất nể trọng ông.
Sau khi vua Hiến Tông ở ngôi 8 năm rồi mất, Túc Tông lên ngôi lại băng hà khi lên ngôi chưa đầy một năm. Uy Mục lên ngôi vào năm 1505. Vua hiếu sắc, hoang dâm lại nghiện rượu, tàn hại người tông thất, ngầm hại tổ mẫu vì oán hận người không ủng hộ việc nối ngôi của mình làm trăm họ đều căm ghét. Tất cả những người tông thất đều bị xua đuổi về Thanh Hoa đã cùng cử Lương Đắc Bằng viết hịch dụ đại thần và các quan. Bài hịch do ông viết lời lẽ sắc bén đã vạch trần đời sống trụy lạc, xa hoa của một vương triều.
Với một thể chế không gì có thể cứu vãn nổi vì những lời nói phải không lọt tai vua. Mặc dù ông đã tâu lên nhà vua nhiều lần những điều tâm huyết vì sự vững mạnh của nước nhà nhưng kế sách trị bình của ông không được thi hành, nên năm 1517 đời vua Chiêu Tông ông đã từ quan xin về quê để chăm lo dạy học.
Cuộc đời của ông từ người làm quan lại chuyển sang làm thầy. Ông đã đem hết tài năng, chí hướng truyền thụ cho học trò, đặc biệt là những điều tâm huyết đời ông chưa thực hiện được và những người học trò mà ông yêu nhất chính là những thí sinh ưu tú sau này đã nối chí hướng của ông mà đi thi đỗ đạt, đó là Nguyễn Bỉnh Khiêm quê Hải Dương thi đỗ Trạng nguyên, Đinh Bạt Thừa Hưu đỗ Tiến sĩ, Lại Kim Bảng sau đỗ Hoàng Giáp... Là một nhà giáo ưu tú, nhân hậu, hết lòng thương yêu, giúp đỡ học trò. Ngoài việc dạy dỗ học trò theo yêu cầu kiến thức, ông đặc biệt quan tâm việc truyền thụ đạo lý, hun đúc chí hướng nhân tài để học trò khi có thời cơ là có thể giúp nước, giúp đời. Khoa thi Nhâm Tuất đời vua Lê Thái Tông 1442, nhà vua đã ra đề thi hỏi rất tỉ mỉ về trí nhạc, cửu quan, tứ hung, thập loạn... Việc này được trò Nguyễn Bỉnh Khiêm chất vấn thầy vì không hiểu mục đích đề thi hỏi những việc đó nhằm mục đích gì? Thầy Lương Đắc Bằng đã không ngần ngại chỉ cho trò hiểu rằng cách hỏi như vậy là chỉ cho trò thấy trước hết phải học bài cho thuộc, lấy xưa vì nay và vận dụng những điều cốt yếu, sát thực vào cuộc sống chứ không phải học chỉ thuộc như loài vẹt vậy. Có lần Nguyễn Bỉnh Khiêm lại hỏi thầy có phải đời nào cũng có “tứ hung” không? Thầy Lương Đắc Bằng đã giảng giải cho trò hiểu một cách thấu đáo ví như khi gà mẹ ấp nở được một đàn con, khi gà bé đều lít nhít đáng yêu như nhau nhưng khi lớn lên mỗi con một vẻ; hoặc như lá trên cành cũng vậy, nhìn tuy sinh ra cùng một cành, một gốc nhưng không bao giờ có hai lá giống hệt nhau. Cho nên “tứ hung” đời nào cũng có chỉ là do chúng tồn tại dưới các dạng khác nhau mà thôi. Thấm nhuần tư tưởng, đạo lý của thầy, các học trò xuất sắc của ông đều đã tiếp thu từ ông cách sống, lẽ sống và kinh nghiệm sống, đồng thời học vấn học rộng, hiểu nhiều của ông đã đào tạo được những người học trò xuất sắc, thông thuộc nho, y, lý, số làm rạng danh đất nước và tỏ rõ tấm lòng biết ơn thầy sâu sắc.
Cuộc đời làm quan của Lương Đắc Bằng luôn giữ mình trong sạch, ông chỉ có năm gian nhà gỗ lợp kè vừa làm buồng ở, vừa thờ gia tiên vừa làm nơi tiếp khách. Bản thân ông vất vả hiếm muộn đường con cái, khi người thiếp mang thai ba tháng thì ông đã ngã bệnh rồi qua đời. Trước lúc lâm chung ông đã dặn lại người vợ sau này sinh con trai, hãy đặt tên con là Lương Hữu Khánh và đem con đến gửi Trình Tiên Sinh là học trò cũ của ông dạy dỗ, có vậy mới mong nối được chí của ta.
Sau khi ông qua đời, học trò về chịu tang rất đông. Riêng trò Nguyễn Bỉnh Khiêm về làng Hội Triều dựng nhà ở chịu tang thầy ba năm mới về.
Sau khi ông mất được 6 tháng, người thiếp sinh ra con trai, theo lời ông bà đặt tên con là Lương Hữu Khánh và đã tìm đến thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm theo học như lời cha dặn. Sau này ông đã thi đỗ Tiến sĩ thời Lê Trịnh được thăng đến Lại bộ Thượng Thư.
Trong lịch sử nước nhà Bảng nhãn Lương Đắc Bằng không chỉ được biết đến là một người quan thanh liêm, chính trực mà còn được tri ân một người thầy mẫu mực của nhiều thế hệ.
Lăng mộ thầy Lương Đắc Bằng được xây cất tại làng Hội Triều nay thuộc xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa. Năm 1994 khu lăng mộ và nhà thờ của ông đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
                                                                                         

T.T.L


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 119
 Hôm nay: 4233
 Tổng số truy cập: 7488089
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa