Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   Ngày tết nói về thơ - họa tranh xuân Nhâm Dần
Ngày tết nói về thơ - họa tranh xuân Nhâm Dần

Vào những ngày giáp Tết, thông lệ những người làm báo chúng tôi lại có dịp đến gặp gỡ các bác, anh, chị văn nghệ sĩ để tìm hiểu khai thác tư liệu viết bài phục vụ số báo xuân mừng Tết cổ truyền. Sau nhiều lần lỡ hẹn vì công việc cuối năm bận bịu, cuối cùng tôi cũng có cơ hội gặp anh vào một chiều cuối năm tại tư gia. Ông là Nguyễn Văn Lợi, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, một người yêu và luôn có quỹ thời gian dành cho thơ. Ông chưa xuất bản tập riêng nhưng người đọc đã biết đến dòng thơ giàu chất truyền thống của ông đăng trên nhiều số báo, tạp chí văn nghệ cả Trung ương và địa phương, đặc biệt là thơ xuân. Đó cũng là lý do để tôi tìm gặp và được nghe anh chia sẻ đôi điều về họa thơ trên tranh.
“Tôi vừa viết xong bài thơ họa tranh Chúa sơn lâm du xuân Nhâm Dần của họa sĩ Hoàng Hoa Mai vẽ tặng cách đây ít bữa, để tôi lấy anh xem cho vui!”, anh vẫn giữ cái tác phong gần gũi và quý mến đối với cánh văn nghệ sĩ, phóng viên báo chí chúng tôi như ngày nào: 
Nhâm Dần non nước vào xuân
Chim kêu vượn hót gió ngân tiếng lòng
Suối kia ai vắt nên trong
Rừng kia ai họa xanh cùng trời mây
Hương xuân ủ chín men say
Chúa sơn lâm cũng ngất ngây tình rừng
Quan sơn muôn dặm điệp trùng
Bình yên vạn vật đón mừng xuân sang
Có người bảo thơ gợi mở bên trong một bức tranh hay bức tranh gợi mở bên trong bài thơ. Đọc xong bài thơ và ngắm bức tranh được treo ngay ngắn nơi phòng khách của anh tôi mới cảm thấy giữa bài thơ và bức tranh có mối liên hệ tương hợp, tương đồng. Bài thơ của anh có sức truyền cảm sát với nội dung của tranh! Ngôn từ và vần điệu của bài thơ đã lột tả được cái tứ của bức tranh cũng như các chi tiết về đường nét màu sắc, hình ảnh trong tranh. 
Mở đầu bài thơ: 
Nhâm Dần non nước vào xuân
Chim kêu vượn hót gió ngân tiếng lòng
Ngay từ hai câu mở đầu, tác giả đã làm được cái việc khó nhất của một bài thơ đó là rung lên nhạc điệu của thơ. Cái nhịp nhấn nhá 2/2 khoan thai, nhẹ nhàng, uyển chuyển của ánh mắt thơ hay của “Nhâm Dần” mà như dân gian vẫn thường gọi là “ông ba mươi”? Cùng với sự uyển chuyển của nhịp điệu là mềm dẻo của câu chữ đã gợi mở ra ý tưởng xuân ngập tràn non nước đất trời. Ngắm tranh thì không thấy chim kêu, vượn hót đâu, nhưng chỉ nhìn chú hổ đang đủng đỉnh, thong thả bước, thỉnh thoảng dừng lại nghe ngóng đâu đây có tiếng động của muông thú, trong rừng cây bên suối làm cho người xem tranh hình dung ra một không gian đầy sức xuân vui tươi, rộn ràng. Nhà thơ tài ở chỗ đã chuyển từ không gian tĩnh lặng của bức tranh sang một trạng thái sơn thủy hữu tình, rộn ràng tiếng chim báo hiệu một mùa xuân và cái Tết đang đến gần chỉ qua hai câu thơ, đó là sức mạnh của ngôn ngữ kết hợp với tâm hồn đa cảm của người dụng ngôn.
Trong bài thơ họa tranh tác giả không chỉ cảm thụ được cái đẹp tự nhiên mà tạo hóa đã ban tặng cho trần gian với những suối, rừng cây, mây trời, muông thú mà còn có một thế lực thứ hai đó là con người, ở đây ta cần hiểu theo cách trừu tượng hóa:
Suối kia ai vắt nên trong
Rừng kia ai họa xanh cùng trời mây
Trong bức tranh, họa sĩ tả thực về cảnh vật của thiên nhiên, nước chảy hiền hòa, qua nhiều thác ghềnh uốn lượn nhưng trong cách miêu tả của tác giả thơ thì dòng nước mát trong kia như vắt lên lưng chừng núi, lưng chừng trời và chỉ bằng chữ “vắt” cả bức tranh trở nên sống động hơn, biểu cảm hơn vì có sự tác động của con người vào phong cảnh thiên nhiên. Điều đó cũng dễ hiểu bởi lẽ đặc trưng của thơ là ngôn ngữ và hình tượng, còn hội họa là đường nét và màu sắc, cả hai loại hình nghệ thuật và văn học đã kiến tạo một hình ảnh khá sinh động cho việc diễn tả bức tranh phong cảnh hữu tình giàu cảm xúc.
Hương xuân ủ chín men say
Chúa sơn lâm cũng ngất ngây tình rừng
Nếu bức tranh, họa sĩ bằng cái tài của người cầm cọ đã đặc tả chú hổ thong thả rạo bước trong cánh rừng êm đềm, thoáng đãng một cách chân thực. Thì hai câu thơ hay nhất bài, tình tứ nhất bài, dụng công nhất bài, với sự nhạy cảm của một hồn thơ đã để câu chữ “ủ chín” hương rừng tạo ra cái chất men của mùa xuân khiến “Chúa sơn lâm cũng ngất ngây”, người đọc cũng “ngất ngây” theo nhịp thơ 2/2 - 4/4 nửa tỉnh, nửa mơ ấy. Có thể nói hai câu thơ trên là điểm nhấn của cả bài thơ họa tranh bởi nó được tạo nên từ sự kết hợp tinh tế giữa xây dựng hình ảnh thơ với nhịp đi của câu chữ bằng chính nguồn cảm xúc mãnh liệt của một hồn thơ.
Hai câu kết bài thơ đã thể hiện rõ nét cả về tính cách, cả về tầm tư tưởng của nhà thơ. Nếu những câu trên là sự kết hợp phong cách thơ vừa hiện thực vừa lãng mạn một cách nhuần nhị thì đến hai câu kết lại rất chuẩn bài. Nó đã khái quát lên được tầm tư tưởng của tác phẩm, mà ở đó vừa có cả cái tôi và cái ta, nghĩa là trong cái chung có cái riêng và ngược lại. “Quan sơn muôn dặm” là hình ảnh được đặc tả trong tranh nhưng “Quan sơn muôn dặm” cũng có nghĩa là đất nước. Vừa thể hiện cái nhìn của một nhà thơ rất bay bổng trong mừng đón xuân sang với chim muông, hoa lá, ngất ngây men rừng. Vừa thể hiện nhãn quan chính trị về giá trị của sự trường tồn, giá trị của sự bình yên đối với non sông, đất nước. Hai câu thơ mà gửi gắm thật nhiều ý nghĩa, tâm tư, xúc cảm và cả mong muốn của thi nhân. Đọc xong bài thơ, người ta có thể hình dung ra được vẻ đẹp của bức tranh cũng như tâm tư của người họa sĩ, bởi mỗi câu mỗi chữ của bài thơ là một quá trình dụng công tinh tế. Thế mới nói bài thơ là sự đồng điệu về tâm hồn và bức tranh là sự rung cảm về cảm xúc, trong thơ có họa, trong họa nên thơ, đó còn là sự nhất quán giữa ngôn ngữ của thơ với hội họa.
Quan sơn muôn dặm điệp trùng
Bình yên vạn vật đón mừng xuân sang
Họa tranh hay vịnh tranh xưa nay có nhiều nhà thơ đã làm, không những vịnh tranh mà cả phong cảnh trong thiên nhiên, điều này hay gặp ở dòng thơ cổ, thơ truyền thống. Nghe ra cũng không cầu kỳ nhưng để có bài thơ họa tranh hay, nhà thơ phải hiểu về nghệ thuật tạo hình như hình họa, bố cục, màu sắc, đường nét, cấu trúc trong mỗi tác phẩm hội họa. Là một người làm thơ và có nhiều bài thơ hay nói về tình yêu thiên nhiên, đất nước, con người, ông Nguyễn Văn Lợi cũng đã có không ít bài thơ họa tranh hay, như tranh con trâu, dòng sông con đò,... Thế đó, năm Dần nói chuyện về thơ họa tranh thì thú vị lắm. Nói không khó nhưng cũng không dễ, vấn đề là thơ và họa có bắt nhịp được với nhau hay không? Hay nói như cách nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đó là “luôn có sự tương tác rất rõ rệt trong thơ ca và hội họa, nên chăng nhà thơ hãy xem tác phẩm hội họa để làm thơ và họa sĩ nên đọc thơ để gợi mở làm hội họa”.
Sau buổi trò chuyện chân tình, cởi mở, tôi chia tay anh ra về ngoài trời lúc này mưa phùn cũng nặng hạt. Tôi thầm nghĩ để có một bài thơ hay chỉ có 8 câu thôi nhưng rất súc tích, giàu cảm xúc, chắc tác giả đã dành nhiều thời gian để suy tư, tìm tòi cảm hứng cho bài thơ họa tranh xuân này.
                                

M.H


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 128
 Hôm nay: 7605
 Tổng số truy cập: 7443732
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa