Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   Giai thoại về Lê Văn Hưu - Nhận diện thể loại và giá trị nội dung, nghệ thuật
Giai thoại về Lê Văn Hưu - Nhận diện thể loại và giá trị nội dung, nghệ thuật

Giai thoại và truyền thuyết về Lê Văn Hưu là hệ thống những câu chuyện kể về cuộc đời, sự nghiệp của vị Bảng nhãn họ Lê. Với “sân khấu chính” là vùng văn hóa Kẻ Rị (làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa) quê nhà của Lê Văn Hưu và rộng hơn là vùng “đất học xứ Thanh” nổi tiếng cả nước; lại đặt trong bối cảnh đạo Khổng được nhà nước quân chủ đương thời sử dụng làm hệ thống đạo đức, triết học xã hội, triết lý giáo dục và triết học chính trị để xây dựng một xã hội hài hòa, thái bình, thịnh vượng; điều chỉnh hành vi ứng xử của con người theo đạo đức và lẽ phải - đã trở thành chất liệu thú vị, phong phú cho sự hình thành những giai thoại, truyền thuyết về ông.
Tiếp cận với hệ thống giai thoại, truyền thuyết về Lê Văn Hưu, chúng tôi mong muốn xác lập đặc trưng, diện mạo, làm nổi bật những giá trị nội dung, nghệ thuật của nhóm truyện này.
Qua nhiều nguồn tư liệu, có thể khẳng định: Nhà sử học Lê Văn Hưu sinh năm Canh Dần (1230) tại giáp Thần Hậu, làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn (nay là xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Ông là cháu đời thứ 7 của hào trưởng Lê Lương nổi danh Ái Châu thời Đinh - Lê. Nguồn tư liệu dòng họ Lê chép: Lê Văn Hưu là người “khôi ngô, tuấn tú, tư chất thông minh”, từ nhỏ đã nổi tiếng thần đồng.
Một trong những nghiên cứu sớm nhất về Lê Văn Hưu là cuốn “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim, theo đó, năm 1247, Lê Văn Hưu tham dự kỳ thi Thái học sinh dưới triều Trần và đỗ Bảng nhãn. Trong đền thờ Lê Văn Hưu hiện vẫn còn cặp câu đối ca ngợi ông: “Khắc Thiệu Hóa cơ, Nam - Bắc - Đông - Tây, sơn đẩu vọng/ Vĩnh Thanh Hóa địa, y quan chương phú lý dư hương” (Đặt nền Thiệu Hóa, bốn phương trông về Thái sơn sao Đẩu/ Vững đất Thanh Hóa, văn chương áo mũ thơm ngát quê hương). Các mốc sự nghiệp quan trọng trong quan nghiệp của Lê Văn Hưu cũng được Ngô Sỹ Liên ghi chép khá tường tận trong Đại Việt sử ký toàn thư, theo đó Lê Văn Hưu từng giữ các chức vụ: Hàn lâm Thị độc Viện, Phó quan - giúp việc cho Thái úy. Kiểm pháp quan Viện Đăng văn, Hàn lâm Viện học sỹ kiêm Quốc sử Giám tu và Binh bộ Thượng thư. Với vai trò là tác giả bộ Đại Việt sử ký gồm 30 quyển, Lê Văn Hưu được thừa nhận là người đặt nền móng cho nền quốc sử Việt Nam.
Tư liệu dân gian về Lê Văn Hưu “bị tản mát, thất lạc nhiều”(1); song bắt đầu được hệ thống bài bản khoảng vài thập kỷ trở lại đây và được đề cập rải rác trên các sách lịch sử địa phương, văn học dân gian Thanh Hóa (và Việt Nam), truyền thông, mạng Internet… Hệ thống tư liệu khá phong phú nhưng không thuần nhất, do đó đã đặt ra một số vấn đề vẫn tiếp tục khảo cứu.
Thứ nhất là về văn bản tư liệu! Do không có văn bản để đối sánh (phê phán văn liệu) nên mức độ xác tín của một số giai thoại về nhà sử học Lê Văn Hưu chưa cao. Chẳng hạn như cuộc đối đáp nổi tiếng giữa Lê Văn Hưu thuở nhỏ với bác thợ rèn (Vế đối: Than trong lò, sắt trong lò, lửa trong lò, thổi phì phò đúc nên dùi vở, Lê Văn Hưu đối lại: Giấy trong túi, bút trong túi, mực trong túi, viết lúi húi mà đậu khôi nguyên); tương tự như vậy, màn đối đáp giữa Lê Văn Hưu với vị tiên núi Nhồi (tiên ông ra vế đối: Cây thiên tuế sống ngàn năm; Lê Văn Hưu đối lại: Hoa thiên lý thơm ngàn dặm) - đều để lại nhiều băn khoăn về tính chính xác; bởi lẽ thời điểm này, nước Đại Việt sử dụng Hán ngữ chứ chưa thịnh hành kiểu chữ La tinh như hiện tại. Sự khác biệt (giữa chữ Hán với chữ La tinh) về thanh điệu, từ láy khiến chúng ta hoàn toàn có thể đặt ra yêu cầu kiểm chứng bằng bản tiếng Hán mới có thể khẳng định đấy không phải là sự thêu dệt, gán ghép của hậu thế cho Lê Văn Hưu. Tiếc rằng, cho đến nay, vẫn chưa tìm thấy tự dạng chữ Hán của cặp câu đối này! Vẫn ở cặp câu đối này, việc xác định tác giả cũng để lại nhiều băn khoăn, tranh cãi. Có thuyết nói rằng, người ra vế đối là quan chủ khảo của một kỳ thi Hương tại Nam Định, biết Đoàn Hy xuất thân nghề thợ rèn nên đã thử tài bằng cách ra vế đối: Than bỏ vào lò, sắt bỏ vào lò, bể thổi phì phò, đúc ra miếng bạc. Vị tân khoa kì thi Hương đã đối lại: Mực nằm trong túi, bút nằm trong túi, người viết lúi húi, tên chiếm bảng vàng.
Bên cạnh đó, hiện tượng “một giai thoại - nhiều chủ nhân” xuất hiện khá phổ biến trong hệ thống giai thoại về nhà sử học quê chốn Kẻ Rị. Nhà nghiên cứu Lê Huy Trâm đã sớm nhận ra điều này: “Có mẩu kể miệng lẫn lộn với giai thoại của các nhà nho sau này”. Chẳng hạn như tình tiết “Con học văng vẳng đọc sách hằng đêm đầu làng Nam” (Bên quán học) - được Lê Huy Trâm so chiếu và nhận thấy sự tương đồng với giai thoại về ông Nghè họ Trần thời Nguyễn; mô típ này cũng xuất hiện trong truyện về Trạng Lợn(2). Lê Huy Trâm cũng tiến hành khảo cứu, hệ thống từ nhiều nguồn tư liệu (đặc biệt là gia phả họ Lê) và tập hợp được 10 đơn vị truyện về nhân vật Lê Văn Hưu. Đáng nói hơn, kể từ sau nghiên cứu của Lê Huy Trâm, học giới Thanh Hóa (cũng như cả nước) vẫn chưa thể bổ sung hay tìm thêm được những giai thoại, truyền thuyết khác.
Đặc điểm về thể loại
Việc xác định thể loại của nhóm truyện về Lê Văn Hưu được dựa vào các biểu hiện như chức năng, hình thức, nhân vật đề cập, tâm thế - tình cảm người kể và sự lô gíc giữa các chi tiết trong truyện (địa danh, thời điểm, nhân vật…). Đó là những câu chuyện kể ngắn gọn, cấu trúc đơn giản, ít nhân vật, không nhiều lời thoại, chủ yếu gắn với giai đoạn niên thiếu của Lê Văn Hưu. Đặc biệt, dẫu số lượng giai thoại về ông không nhiều song những địa danh gắn với vùng đất Kẻ Rị xưa xuất hiện với tần suất khá “dày”, đó là: Mả Hỗn/ Hón (Giấc mộng hoa lan), làng Thần Hậu, Mả ông Hương (Bên quán học), bến đò Diệc (Bốn đám mây che), làng Phúc Triền (Câu đối ông thợ rèn), Kẻ Chè (giáp ranh Kẻ Rị - truyện Cây đèn hình rồng), dòng sông Chu (Trường giang phong lộng), chùa Báo Ân(3) (Hoa thiên lý thơm ngàn dặm)… Nói cách khác, hệ thống giai thoại về Lê Văn Hưu là các câu chuyện kể về cuộc đời, hành trạng của Lê Văn Hưu và “gắn rất chặt” với vùng không gian văn hóa Phủ Lý - Đông Sơn xưa, giúp củng cố độ xác tín về một nhân vật thật, một vùng đất hiện hữu trên bản đồ hành chính đương thời cũng như hiện tại.
Bên cạnh đó, chuỗi giai thoại về Lê Văn Hưu cũng mang hơi hướng của truyền thuyết khi có không ít yếu tố huyễn hoặc, hoang đường, kỳ ảo về một nhân vật lịch sử. Đó là các chi tiết: Bà mẹ được thần linh báo mộng (Giấc mộng hoa lan), mỗi bước chân của Lê Văn Hưu thuở nhỏ luôn có bốn đám mây che trên đầu (Bốn đám mây che); vị tiên trên núi Nhồi thỉnh thoảng lại hạ phàm để đàm đạo văn chương (Hoa thiên lý thơm ngàn dặm)… Có thể xếp những giai thoại này vào “nhóm giai thoại kỳ ảo” với nhân vật trung tâm mang tính chất “đặc biệt”, sinh ra theo sắp xếp của thần linh, mỗi bước đi đều được lực lượng siêu nhiên hiển linh bảo trợ. Điều này cho thấy, những câu chuyện về Lê Văn Hưu có sự giao thoa, chuyển biến về thể loại, khi thì mang tính giai thoại, lúc lại đậm đặc yếu tố truyền thuyết, hoặc chuyển thể, hoán đổi giữa truyền thuyết với giai thoại. 
Đặc điểm về cấu trúc
Cốt truyện: Chuỗi giai thoại về Lê Văn Hưu là những câu chuyện đơn lẻ, rời rạc, song đặt cạnh nhau lại cho thấy sự liền mạch, xuyên suốt, mô tả hành trạng, cuộc đời của Lê Văn Hưu từ khi thân mẫu thụ thai đến giai đoạn lão niên. Các giai thoại này đều có mô hình cốt truyện truyền thống điển hình với lược đồ gồm 3 phần, gắn với các tiến trình sự kiện sau:
- Phần thứ nhất nêu lên hoàn cảnh, sự kiện xuất hiện của nhân vật chính. Phụ họa, “hợp thức hóa” cho nhân vật chính là các “nhân vật phụ” (bác thợ rèn, thầy dạy học, vị tiên ông) hoặc các địa tích hiện tồn. 
- Phần thứ hai kể lại những sự kiện gây ấn tượng về nhân vật với những hành trạng, hoạt động thường ngày. 
- Phần thứ ba, kết thúc sự việc, bao gồm kết quả cụ thể liên quan đến nhân vật, thường là khiến đối phương khâm phục, kính nể.
Khảo sát giai thoại về Lê Văn Hưu, chúng tôi thấy có các tình tiết, mô típ điển hình sau.
Các tình tiết, mô típ điển hình của chuỗi giai thoại
Hệ thống giai thoại về Lê Văn Hưu có kiểu nhân vật trung tâm là một “thần đồng”, “thông minh, nhanh nhẹn”, “học một biết mười”, “khả năng đối ứng mau lẹ, trí tuệ phi thường”. Đây chính là những tiền đề, bệ đỡ để Lê Văn Hưu trở thành một trí thức lỗi lạc của thời đại. Tương ứng với mô típ này là các truyện: Bên quán học, Câu đối ông thợ rèn, Cô lớn hái hoa - cô bé hái hoa, Đứng cửa khôi nguyên, Giang trường phong lộng, Hoa thiên lý thơm ngàn dặm…
Giai thoại về Lê Văn Hưu còn là những câu chuyện về một nhân vật có sự phù trợ kỳ bí của các lực lượng siêu nhiên. Đề tài - cốt truyện này được xác lập với nhân vật mang đặc điểm: Điềm lạ xuất hiện, phù trợ thần kỳ của thần linh qua những dấu ấn hành trạng và dấu tích lưu lại (bến Diệc, chùa Báo Ân). Nhóm này có các truyện tiêu biểu như: Giấc mộng hoa lan, Bốn đám mây che, Hoa thiên lý thơm ngàn dặm…
Nhân vật mang đặc điểm hiếu học, thông minh, giỏi giang - biểu hiện ở các đơn vị truyện: Bên quán học, Cây đèn hình rồng, Cô lớn hái hoa - cô bé hái hoa, Đứng cửa khôi nguyên, Hoa thiên lý thơm ngàn dặm, Câu đối ông thợ rèn, Giang trường phong lộng… gắn với bước chân Lê Văn Hưu từ nhỏ tới lúc thành niên không ngừng tìm thày học chữ. Theo bước chân của Lê Văn Hưu, người ta không thể không thán phục về một tài năng xuất chúng. 
Nhân vật mang đặc điểm những dấu ấn hành trạng và dấu tích lưu lại: môtip này có các truyện: Giấc mộng hoa lan, Bên quán học, Bốn đám mây che, Câu đối ông thợ rèn, Giang trường phong lộng, Hoa thiên lý thơm ngàn dặm, Vợ hiền… Sơ đồ kết cấu cốt truyện của nhóm giai thoại này kể về hành trình nhân vật (Lê Văn Hưu) đi qua những vùng đất cụ thể, hữu hình (kẻ Chè, sông Chu, mả Hỗn, làng Phúc Triền, chùa Báo Ân…) và lưu lại dấu tích (ở đây là các truyện kể).
Giá trị văn hóa - nhân văn của hệ thống giai thoại về Lê Văn Hưu 
Cần phải nói ngay rằng, do đặc thù nổi bật của giai thoại, một thể loại chuyện kể truyền miệng, lưu truyền chủ yếu trong giới nhà văn và lớp công chúng ưa thích thơ văn nhất là những người có hiểu biết Hán học và văn chương chữ Hán. Thuật ngữ giai thoại được mượn từ Trung Hoa (thoại: truyện kể; giai: hay, đẹp, thú vị). Mỗi giai thoại là một truyện kể ngắn gọn, lý thú, xoay quanh những nhân vật có thực, thường là những danh nhân… Giai thoại văn học thường không phân giới rõ rệt với truyền thuyết, truyền kỳ; có những mảng giai thoại xuất hiện thời kỳ sau lại gần với tiếu lâm. Tuy vậy giai thoại vẫn mang tính độc lập như một thể loại độc đáo; nó thuộc về văn chương bác học, gắn với sinh hoạt văn học thành văn nhưng lại tồn tại dưới dạng truyền miệng, tức là dạng thức tồn tại của các truyện kể dân gian”(4) - nên sẽ là khiên cưỡng, thiếu toàn diện khi xem xét yếu tố xác thực của những giai thoại về Lê Văn Hưu. Bởi vậy, tìm hiểu giá trị nội dung hệ thống giai thoại về ông, không nên đặt nặng tính lịch sử mà cần chú trọng đến những giá trị nhân văn cốt lõi.
Thứ nhất là thể hiện thái độ trọng thị của nhân dân đối với những người giỏi giang, ham học hỏi. Qua những ghi chép chưa hẳn đã giống nhau, nhìn chung các truyện kể được sáng tác và lưu truyền về Lê Văn Hưu đã thể hiện ở bề sâu thái độ tình cảm của nhân dân đối với nhà sử học lừng danh họ Lê. Truyện Giấc mộng hoa lan, Bốn đám mây che có nhiều chi tiết hoang đường, thần bí, phi thực tế nhưng là tình cảm, sự ngưỡng mộ của người dân đối với Lê Văn Hưu, xem ông như là “người trời”, được thượng giới gửi gắm hạ phàm. Nói cách khác, tâm lý trọng những bậc trí giả đã định hình một nếp nghĩ quen thuộc của người dân xứ Thanh nói riêng, người dân Việt nói chung. Ở khía cạnh khác, khi hệ thống giai thoại về Lê Văn Hưu đã xây dựng nên một hình tượng thần đồng hiếu học, giỏi giang, xuất chúng thì từ “gốc rễ nhân vật” đã sinh ra nhiều cành lá, những câu chuyện (có thể) gắn với các nhân vật khác nhưng đều được quy về hành trạng của Lê Văn Hưu thuở thiếu thời.
Thứ hai là lý giải sự hình thành một không gian văn hóa Kẻ Rị, quê hương của Lê Văn Hưu. Các câu truyện kể về ông chủ yếu ghi nhận hành trình “tầm sư học đạo” với những hành trạng ly kỳ trong một không gian rộng với “vùng lõi” là Kẻ Rị, qua Bến Diệc, sang Phúc Triền và mở rộng ra các làng, xã lân cận (Kẻ Chè, chùa Báo Ân), hợp thành một không gian văn hóa của hệ thống giai thoại về Lê Văn Hưu. Tuy nhiên, sự gắn kết địa - văn hóa chưa hẳn đã nghiêm chặt, vẫn còn không ít địa danh (có thể là) mang ý nghĩa hư cấu, thêu dệt (thí dụ như làng Yên Lạc trong câu chuyện Bốn đám mây che - đến nay vẫn chưa được định danh chính xác) hoặc được “gán ghép” để tăng tính “chân thực” cho nhân vật. Chẳng hạn như giai thoại Giang trường phong lộng kể rằng trong đêm động phòng hoa chúc, vì không đối lại được vế đối của tân nương nên chàng tân lang Lê Văn Hưu đã chán nản, bỏ ra ngắm cảnh bên bờ sông Chu - xem ra không phù hợp về địa lý (theo Lê Huy Trâm, gần một nghìn năm trước, có lẽ sông Chu ở bên này núi Go) cũng như tâm lý nhân vật.
Tóm lại, truyền thuyết, giai thoại về Lê Văn Hưu mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa địa phương của vùng “đất học” Thanh Hóa. Nghiên cứu của chúng tôi miêu tả, phân tích sự phong phú, sự tồn tại thực tế và đặc điểm của nhóm truyền thuyết về nhân vật này. Đó là những câu chuyện kể có dấu ấn riêng về mặt tư liệu, không gian lưu hành, đặc trưng nghệ thuật… Nguồn truyện kể về Lê Văn Hưu chưa thật sự phong phú, tính ổn định cũng chưa cao nhưng sự tồn tại, lưu truyền của các giai thoại ấy (đã được “văn bản hóa”) đã minh chứng cho sức sống và giá trị của nó trong đời sống thực tiễn. Đặc biệt, có những giai thoại cổ nhưng lại mang dấu ấn hiện đại (sử dụng chữ La tinh thay cho Hán ngữ) cho thấy một giá trị đặc sắc, đó chính là sự tương tác giữa văn học dân gian và văn học viết, được coi là quy luật chung của văn học Việt Nam và rộng hơn là các nền văn học trên thế giới. 
Mặt khác, hệ thống giai thoại về Lê Văn Hưu đã góp phần tô đậm thêm sắc thái văn hóa địa phương của văn hóa dân gian Thanh Hóa trên nền thống nhất và đa dạng của văn hóa dân gian Việt Nam.
                            

T.T.L - Đ.T.L

(1) Danh nhân Thanh Hóa Lê Văn Hưu và Chương trình nghiên cứu danh nhân Thanh Hóa, Kỷ yếu Hội thảo khoa học trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa 1993, tr. 320. 
(2) Danh nhân Thanh Hóa Lê Văn Hưu và Chương trình nghiên cứu danh nhân Thanh Hóa, Kỷ yếu Hội thảo khoa học trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa 1993, tr. 313 và 315.
(3) Thuộc núi Nhồi, huyện Đông Sơn - Thanh Hóa.
(4) Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (CB), Từ điển Văn học, Nxb Thế giới, 2004, tr.519.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Thị Bích Hà, Giai thoại - một thể loại văn học dân gian, Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, 2000, bản điện tử (http://nguvan.hnue.edu.vn/Nghi%C3%AAn-c%E1%BB%A9u/V%C4%83n-h%E1%BB%8Dc-d%C3%A2n-gian/p/giai-thoai-mot-the-loai-van-hoc-dan-gian-204).
2. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, (Chủ biên), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2012.
3. Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Đông Sơn, Địa chí huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006.
4. Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (CB), Từ điển Văn học, Nxb Thế giới, 2004. 
5. Kiều Thu Hoạch, Văn học dân gian người Việt, góc nhìn thể loại, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2006.
6. Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb Tân Việt, Hà Nội, 1919.
7. Ngô Sĩ Liên và các sử thần nhà Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993.
8. Hoàng Ngọc Phách - Kiều Thu Hoạch, (Văn học cổ cận đại Việt Nam. Giai thoại văn học Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội, 1988.
9. Phạm Tấn (chủ biên), Địa chí huyện Thiệu Hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2010.
10. Lê Huy Trâm (sưu tầm và biên soạn), Giai thoại Lê Văn Hưu, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, tr.313-322.


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 124
 Hôm nay: 8518
 Tổng số truy cập: 7453650
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa