Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954), nếu như Việt Bắc được chọn làm nơi đóng quân của các cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thì Thanh Hóa lại được Đảng và Hồ Chủ tịch xác định là vùng hậu phương to lớn đáng tin cậy của cả nước - nơi có sự đóng góp sức người, sức của vô cùng đáng kể cho tiền tuyến lớn suốt hơn 3000 ngày không nghỉ, với “Bắp chân, đầu gối vẫn săn gân” (thơ Tố Hữu). Đặc biệt, nơi đây, nền công nghiệp quốc phòng non trẻ với việc sản xuất gang để chế tạo vũ khí cung cấp cho chiến trường đã ra đời khi cuộc kháng chiến vừa bước vào giai đoạn tấn công chiến lược (1949) và địa điểm được Cục Quân giới Bộ Quốc phòng chọn làm nơi xây dựng lò cao để sản xuất gang ấy chính là khu vực miền núi Đồng Mười, huyện Như Xuân (nay thuộc xã Hải Vân, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa).
Về địa hành chính thì từ cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX (tức thời cuối Lê, đầu Nguyễn), khu vực Đồng Mười (xã Hải Vân nay) là thuộc về tổng Lãng Lăng, huyện Nông Cống, phủ Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Đến năm Thành Thái thứ 6 (1895), nhà nước “Nam triều” cho tách hai tổng Xuân Du, Lãng Lăng và một tổng mới lập là Hạ Thưởng của huyện Nông Cống cùng tổng Như Lăng của châu Thường Xuân để lập ra châu Như Xuân. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công (1945), châu Như Xuân được đổi gọi là huyện Như Xuân. Mãi đến ngày 18 tháng 11 năm 1996, Chính phủ mới ra Nghị định số 72 - CP về việc cho tách 16 xã của huyện Như Xuân để thành lập huyện Như Thanh. Và từ đó đến nay, khu vực Đồng Mười vẫn thuộc xã Hải Vân, huyện Như Thanh.
Về vị trí địa lý thì vùng thung lũng núi non Đồng Mười là địa bàn của miền núi rừng phía Tây Nam cách thành phố Thanh Hóa chừng 45km. Trước và sau năm 1945, đây vẫn được xem là vùng đất hoang vu, hẻo lánh và dân cư thưa thớt được dăng đầy những cánh rừng đại ngàn với hệ sinh thái động, thực vật rất phong phú, đa dạng.
Giờ đây, dù diện mạo đã có nhiều thay đổi, nhưng thung lũng Đồng Mười và xã Hải Vân - nơi có lò cao kháng chiến vẫn là vùng miền núi thuần túy với cảnh quan quyến rũ của núi non, hang động, suối nước, rừng cây, đồng ruộng bản làng chen lẫn, hòa quyện với nhau như bức tranh sơn thủy hữu tình. Nơi đây lại cũng liền kề với khu vực Vườn Quốc gia Bến En - một địa chỉ du lịch sinh thái nổi tiếng ở xứ Thanh và trong cả nước đã và đang trở thành nơi hẹn hò, gặp gỡ của du khách bốn phương. Đến với Đồng Mười và Lò cao kháng chiến Hải Vân, du khách còn được đi qua nhiều di tích lịch sử văn hóa như đền Khe Rồng và đền Phủ Sung trong hệ thống đạo Mẫu linh diệu của xứ Thanh, nước Việt xưa kia, đây cũng là nơi có đường thượng đạo mà hồi thế kỷ XV (vào năm 1424), Lê Lợi sau khi chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn tập kích thắng lợi vào thành Đa Căng (ở xã Vạn Hòa, huyện Nông Cống) đã cho đại quân theo đường núi Như Xuân tiến đánh lần lượt các nơi đóng quân của quân Minh ở Nghệ An trở vào để rồi mở ra cục diện mới cho việc đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi vào năm 1427. Xung quanh khu vực Đồng Mười, Hải Vân, Như Thanh từ hơn mấy trăm năm trở lại đây đã là nơi cư trú của đồng bào Mường, Thái, Thổ sống xen kẽ bên nhau trong các khu vực thung lũng, chân núi để tạo ra những bản sắc văn hóa rất đáng được ghi nhận.
Hiện nay, đường sá từ thành phố Thanh Hóa đến khu vực Đồng Mười và Lò cao kháng chiến Hải Vân đã được nâng cấp, mở rộng, cho nên, với khoảng cách 45km, ô tô, xe máy chỉ trên dưới 1 tiếng đồng hồ đã có thể đến nơi. Và có đi trên “Đường xuân quê hương” (Tên của bài thơ dài của tác giả Xuân Long) thì chúng ta mới có sự cảm nhận và rung động đầy đủ bởi một di tích lò cao đã từng ra đời, hoạt động trong kháng chiến trường kỳ quyết liệt chống thực dân Pháp xâm lược ở miền núi rừng xứ Thanh: Đồng Mười ở chốn rừng xanh/ Những ngày kháng chiến ân tình biết bao/ Hang này ôm bóng lò cao/ Mở trang sử thép tự hào công nhân...
Trước khi tham quan khu vực thung lũng Đồng Mười và Lò cao kháng chiến Hải Vân, chúng ta cũng cần tìm hiểu về lịch sử, xuất xứ ra đời của nó thì mới thấy hết được sự quyết tâm kháng chiến đến cùng trên cơ sở tự lực cánh sinh là chính của Đảng, Chính phủ và nhân dân ta.
Ngày ấy, vào mùa Thu 1949, trước nhu cầu của tiền tuyến, được lệnh của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch, Cục Quân giới và Sở Kỹ nghệ Trung bộ đã giao nhiệm vụ cho xưởng hóa chất miền Nam đảm nhiệm việc nghiên cứu, thử nghiệm sản xuất gang một cách khẩn trương, nhanh chóng để lấy nguyên liệu chế tạo ra vũ khí (súng ống, lựu đạn, bom ba càng v.v...). Ngay sau đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp của kỹ sư Võ Quý Huân (một người cùng với Kỹ sư Trần Đại Nghĩa - Cục trưởng Cục Quân giới là trí thức Việt kiều được Bác Hồ đưa từ Pháp về), một xí nghiệp chế biến gang bí mật có tên là 3 KC được xây dựng ở vùng Cầu Đất, sông Con (thuộc huyện Con Cuông, Nghệ An). Lúc đầu có hai lò cao X1m3. Nhưng vì đây là địa điểm quá heo hút, hiểm trở, gây nhiều khó khăn cho sinh hoạt, vận chuyển, đi lại và làm cho nhiều cán bộ, công nhân ốm đau, sốt rét cho nên sau khi có đồng chí Trần Đăng Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng đến kiểm tra xem xét thấy tình hình như vậy nên đã quyết định cho di chuyển xí nghiệp 3KC về địa điểm khác thuận lợi hơn (đó là vùng Cát Văn, bên bờ sông Lam, tỉnh Nghệ An). Tại địa điểm mới, công suất của lò cao được nâng lên 6m3. Lò cao xây dựng sắp hoàn chỉnh thì bị máy bay Pháp ném bom. Kỹ sư Võ Quý Huân phải lên ngay Việt Bắc xin ý kiến Trung ương cho xây dựng lò cao mới tại vùng núi Thái Nguyên để tiện cho việc khai thác, sử dụng quặng sắt ở Trại Cau, nhưng Trung ương (mà cụ thể là Đại tướng Võ Nguyên Giáp) không đồng ý vì Pháp sắp đánh tới Thái Nguyên. Sau đó, theo sự chỉ đạo của cấp trên, công ty hóa chất miền Nam (có văn phòng ở khu vực Chuối, Nông Cống) do ông Trịnh Tam Tĩnh làm Giám đốc đã khẩn trương cho di chuyển lò cao Cát Văn (Nghệ An) ra vùng thung lũng Đồng Mười của huyện miền núi Như Xuân, Thanh Hóa chỉ với lượng kinh phí ít ỏi do Bộ Quốc phòng cấp. Tại đây, Kỹ sư Lương Ngọc Khuê được ông Trịnh Tam Tĩnh chỉ định làm Giám đốc Lò cao Như Xuân (với cái tên Bí mật là NX1). Tiếp sau đó, lò cao NX2 có tính chất thử nghiệm phối liệu trước khi áp dụng vào lò NX1 với công suất nhỏ hơn cũng được xây dựng trong khu vực rừng lim của thung lũng Đồng Mười. Cả hai lò cao này được ghép liên hoàn trên một quy mô tương đối bề thế. Đến ngày 19-12-1951, mẻ gang đầu tiên ra lò trên vùng đất Đồng Mười đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của nền công nghiệp luyện kim phục vụ quốc phòng ở Việt Nam trong hoàn cảnh kháng chiến vô cùng cam go, ác liệt. Đó cũng là sự thể hiện tinh thần quyết tâm kháng chiến đến cùng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Từ đó, chỉ sau 2 năm, cả lò NX1 và NX2 đã thi nhau sản xuất để cung cấp được tới 400 tấn gang cho các công binh xưởng chế tạo ra một số vũ khí cần thiết cung cấp cho các chiến trường đánh Pháp.
Như vậy, chỉ sau 15 tháng trời vận chuyển từ Cát Văn (Nghệ An) ra để xây dựng hai lò cao NX1, NX2 ở Đồng Mười (Như Xuân, Thanh Hóa), tập thể cán bộ, công nhân gang thép đầu tiên của Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và lao động sáng tạo một cách phi thường để sản xuất được nguyên liệu gang (dù số lượng chưa nhiều) cho nhu cầu kháng chiến, kiến quốc. Đó là một chiến tích to lớn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trên lĩnh vực công nghiệp quốc phòng non trẻ của Việt Nam ngày ấy. Nhưng cũng trong 15 tháng ấy, đồng bào các dân tộc Như Xuân, nhất là những bản làng ở xung quanh khu vực Đồng Mười (nay thuộc huyện Như Thanh) cũng hết lòng vì kháng chiến, đã bỏ ra hàng ngàn, hàng vạn ngày công vào rừng lấy gỗ, luồng, nứa về làm lán trại cho công nhân ở và giúp tham gia việc vận chuyển máy móc, công cụ nặng hàng tấn qua những đường đèo dốc, suối khe đến địa điểm Đồng Mười một cách an toàn. Và chính sự tham gia đóng góp công sức to lớn ấy của đồng bào các dân tộc ở Như Xuân ngày đó cũng góp phần quan trọng vào sự thành công của việc xây dựng lò cao kháng chiến ở nơi đây.
Cho đến hôm nay, qua những tài liệu lưu trữ và những bài hồi ký hiện còn, chúng ta vẫn có thể biết được chính xác về quy mô của hai lò cao kháng chiến ở Như Xuân như: Lò cao NX1 có chiều cao trác đồ 6m, chiều cao toàn thân 12m, dung tích 6,5m3, sản xuất trung bình 2 tấn gang/ngày. Lò cao NX2 có tính chất thử nghiệm là chính, có chiều cao trác đồ 6m, chiều cao toàn thân 8m, dung tích 1,6m3, sản xuất trung bình 0,7 tấn gang/ngày. Cả hai lò đều chung một ống khói dài 45m và có một sự liên hoàn giữa các bộ phận máy phát lực, cung cấp nước, lò gió nóng, hệ thống lọc bụi đến quạt gió và hệ thống xả hơi độc v.v... Ngoài ra, ở đây còn có cả phòng kiểm nghiệm và bộ phận thí nghiệm gạch chịu lửa nằm rải rác trong khu vực Đồng Mười.
Giữa lúc hai lò cao NX1 và NX2 đang hoạt động bình thường thì thực dân Pháp phát hiện có dấu hiệu khả nghi nên đã cho máy bay oanh tạc liên tiếp xuống thung lũng Đồng Mười hòng triệt phá cơ sở sản xuất gang của chúng ta tại đây. Đúng thời điểm đó, Kỹ sư Trần Đại Nghĩa - Cục trưởng Cục Quân giới cũng có mặt và trên cơ sở khảo sát và nghiên cứu tình hình thực địa, ông đã bàn bạc và chỉ đạo ban lãnh đạo xí nghiệp Lò cao Như Xuân nên tìm cách đưa lò NX1 vào trong hang núi thì mới đảm bảo được sự an toàn cho việc sản xuất gang. Sau khi bàn bạc, cân nhắc và tính toán kỹ càng về sự chỉ đạo của cấp trên, ban lãnh đạo xí nghiệp đã quyết định việc di chuyển lò cao NX1 vào một hang đá lớn ở thung lũng Đồng Mười. Hang này cách địa điểm cũ hơn 1 cây số. Cho nên, việc di chuyển cả hệ thống lò cao đồ sộ, cồng kềnh vào hang đá quả là rất phức tạp và không mấy dễ dàng. Nhưng với tinh thần quyết tâm cao độ và trí sáng tạo đặc biệt, tập thể, cán bộ công nhân xí nghiệp một lần nữa lại đoàn kết cùng nhau vượt qua mọi thử thách, khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ mà cấp trên giao phó. Do đó, chỉ trong một thời gian ngắn, tập thể của những chiến sĩ gang thép ở đây đã vận chuyển, cải tạo các thiết bị máy móc một cách phù hợp với địa hình, cấu trúc của hang để lắp dựng thành công lò cao NX1 trong niềm phấn khởi vô hạn của mọi người mà sau đó ít ai có thể hình dung và tưởng tượng nổi.
Để vận chuyển, lắp đặt các thiết bị máy móc cồng kềnh, cao lớn phía trong hang, xí nghiệp cũng phải cho nổ tới 400 phát mìn để mở rộng cửa hang, đồng thời phải tìm cách cải tiến nhiều chi tiết thiết bị làm sao cho phù hợp với cấu trúc của hang. Ngoài ra, để đảm bảo cho sự vận hành liên tục của lò cao, các hệ thống xả hơi nước, xả hơi độc và thoát khói được đặt ở ngoài hang một cách an toàn, kín đáo để máy bay địch không thể phát hiện được. Nói chung, nhờ trí thông minh, sáng tạo và lòng quyết tâm cao độ mà lò cao trong hang núi Đồng Mười vẫn được lắp đặt hoàn thiện và vận hành hiệu quả theo ý muốn.
Sau khi được lắp đặt thành công để tiếp tục sản xuất gang từ trong lòng hang núi, lò cao NX1 lại được đổi tên ký hiệu là NX3. Lúc này lò cao NX3 có dung tích 8,3m3, với chiều cao toàn thân là 13m, mỗi ngày sản xuất trung bình được 3 tấn gang (gấp đôi công suất của lò cao NX1 và NX2 cộng lại). Lò NX3 sản xuất đúng vào lúc quân dân ta vừa làm nên chiến thắng lớn ở đèo Hải Vân (tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng). Vì vậy, mà cấp trên đã quyết định cho lò cao Như Xuân NX3 được mang tên là “Lò cao Hải Vân”. Và từ ngày ấy (tháng 11-1953 - ngày bắt đầu vận hành sản xuất gang của lò NX3), mối tình Thanh Hóa - Quảng Nam ruột thịt cũng đã được kết dính một cách đầy ý nghĩa từ sự kiện ra đời của lò cao NX3 và chiến thắng lớn tại đèo Hải Vân. Cũng từ đây, Lò cao kháng chiến Hải Vân (tức NX3) đã liên tục sản xuất ra được trên 1000 tấn gang để cung cấp cho các công binh xưởng (chủ yếu cũng đóng trên vùng hậu phương Thanh Hóa) sản xuất kịp thời nhiều loại vũ khí, đạn dược rất công hiệu để cung cấp cho các chiến trường đánh Pháp (như lựu đạn, bom ba càng, đạn ba dô ca...) hay nồi, chảo quân dụng và một số dụng cụ sản xuất cần thiết khác như cày, cuốc phục vụ yêu cầu ở vùng hậu phương v.v...
Đến tháng 12 năm 1954, Lò cao kháng chiến Hải Vân mới chính thức ngừng hoạt động vì trong điều kiện hòa bình đã được xác lập trên miền Bắc, việc sản xuất gang với quy mô lớn cần phải được đặt ở một địa điểm thuận lợi hơn.
Và trong những năm đầu xây dựng Chủ nghĩa xã hội, ở miền Bắc nước ta, những khu công nghiệp gang thép liên hợp ở một số nơi đã lần lượt ra đời với quy mô, công suất lớn gấp nhiều lần so với Lò cao kháng chiến Hải Vân (như khu gang thép Thái Nguyên ra lò tới hàng triệu tấn gang). Nhưng với những thành quả của các lò cao NX1, NX2, NX3, đội ngũ cán bộ công nhân gang thép Việt Nam vẫn có quyền tự hào về những gì đã làm được trong những năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên vùng đất Đồng Mười, Hải Vân, Như Xuân trước đây. Dù ngày ấy, khối lượng gang sản xuất chưa nhiều, song chỉ có hơn một ngàn tấn gang, Lò cao Hải Vân cũng đã góp phần thiết thực vào chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu. Trên con đường đi tiếp, đội ngũ cán bộ công nhân gang thép đầu tiên của Việt Nam và những thế hệ tiếp theo vẫn tiếp tục phấn đấu xây dựng, phát triển ngành công nghiệp gang thép tiến lên trong một tầm cao mới để đáp ứng yêu cầu tái thiết đất nước sau chiến tranh.
Ngày nay (vào năm 2013), Lò cao kháng chiến Hải Vân đã chính thức được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cách mạng - kháng chiến cấp Quốc gia. Đó chính là niềm tự hào chung của cả tỉnh và cả nước.
Rất may mắn là sau 60 năm ngừng hoạt động với biết bao biến đổi trong đời sống xã hội ở xung quanh, nhưng tại hang đá Đồng Mười, di tích Lò cao kháng chiến Hải Vân vẫn còn đó như một bảo tàng sống giữa miền rừng núi phía Tây Nam Thanh Hóa. Mặc dù nhiều cấu kiện, máy móc, thiết bị đã bị tháo dỡ sau khi ngừng hoạt động (từ tháng 4-1954) nhưng với những gì còn lại như lò đứng, ống khói, đường thoát nước, thoát hơi độc và lò gió nóng v.v... cùng các khẩu hiệu cách mạng viết trên vách hang và các cảnh vật từ ngoài vào trong hang, tất cả đều trở nên ý nghĩa, sinh động đến vô cùng. Biết bao du khách, phái đoàn trong, ngoài nước đã từng được đến thăm quan di tích Lò cao kháng chiến Hải Vân, bất kể ai cũng đều phải trầm trồ, thán phục về tài trí thông minh, sáng tạo của đội ngũ cán bộ công nhân gang thép Việt Nam đã làm nên một công trình luyện gang độc đáo có một không hai trên thế giới trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt. Ngay từ năm 1960, nhà khảo cổ học người Nga nổi tiếng thế giới là Giáo sư, Tiến sĩ Bropsky, khi đến thăm nơi đây, đã phát biểu cảm tưởng một cách ngắn gọn mà hàm chứa tất cả, rằng: “Thật là vĩ đại ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi”.
Và hôm nay, Lò cao kháng chiến Hải Vân còn trở thành một trường học để bồi dưỡng, giáo dục tư tưởng và truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ cùng các tầng lớp nhân dân trong, ngoài tỉnh có thêm sức mạnh để cống hiến ngày càng nhiều hơn cho quê hương, đất nước.
Để thấy được sự độc đáo ngoài sức tưởng tượng của công trình Lò cao kháng chiến Hải Vân, chúng ta hãy lần lượt vào trong hang Đồng Mười để tham quan những gì còn hiện hữu.
Hang chứa lò cao gồm có 3 ngách:
- Ngách hang chính (gọi là hang lớn) có chiều dài 62m, rộng 28m, cao 15m. Đây là nơi đặt lò cao sản xuất gang và các thiết bị cần thiết. Ngoài ra, còn có sân ra sỉ, ra gang, nơi nghỉ của cán bộ công nhân.
- Ngách hang phía Nam (gọi là hang nhỏ) dùng làm kho để quặng, đá vôi và than.
- Ngách hang phía Bắc (gọi là hang cao vì ở trên cao) được xây bể nước tuần hoàn thông ra lưng núi ở phía Bắc. Hang phía Bắc có kích thước cao 15m, dài 42m, rộng 10,25m. Trong hệ thống bể nước tuần hoàn hiện vẫn còn 5 bể nước (bể thứ nhất dài 5,3m, rộng 4,1m; bể thứ hai dài 5,3m, rộng 4,1m; bể thứ hai dài 5,3m, rộng 4,1m; bể thứ ba rộng 2,9m, dài 6m; bể thứ tư rộng 6,4m, dài 7m; bể thứ năm dài 9,4m, rộng 8m).
Ngăn cách giữa ngăn trong và ngăn ngoài hang là bức tường gạch xây cao lên tận đỉnh hang nhưng được mở hai cửa ra vào theo kiểu cuốn vòm (cửa thứ nhất phía bên phải rộng 1,6m, cao 3,5m, dày 0,84m, cửa thứ hai bên trái rộng 1,6m, cao 3,15m, dày 0,84m).
Riêng hang ngoài có kích thước dài 62m, rộng 28m, cao 15m, có chứa các công trình như lò ủ gang (tức lò đứng) được cấu trúc thành 5 tầng theo kiểu hình trụ tháp, ở trong lát bằng gạch chịu lửa, phía ngoài bọc bằng sắt được đặt trên 4 trụ sắt hình chữ Y. Các tầng ống của lò cao như sau: Tầng 1 (thấp nhất) có kích thước cao 2,3m, đường kính miệng 2m; tầng 2 cao 2,1m, đường kính miệng 2m; tầng 3 cao 2,1m, đường kính miệng 1,75m; tầng 4 cao 2,1m, đường kính miệng 1,5m; tầng 5 cao 2,1m, đường kính miệng 1,25m.
Còn hang phía Nam có kích thước dài 30m, rộng 6,55m, đây là nơi để làm kho chứa quặng, đá vôi và than. Trong hang vẫn còn đọc rõ những khẩu hiệu cách mạng viết trên tường, vách hang như: “Đẩy mạnh thi đua sản xuất tiết kiệm, tăng gia trồng trọt để chống đói, phòng nghèo, cứu đói, chuẩn bị tổng kết”, “Đề cao tương trợ, đẩy mạnh sản xuất, giúp nhau kiểm điểm lấy thành tích, viết tự thuật tốt”, v.v...
Ra bên ngoài cửa hang phía sau, chúng ta vẫn còn thấy hệ thống thoát khói, thoát nước, thoát hơi độc, v.v... được náu mình một cách khá an toàn, kín đáo.
Cứ thế, lần lượt quan sát các ngách hang và thấy những gì còn sót lại (dẫu không còn nguyên vẹn như trước) nhưng vẫn là những dấu tích gốc vô giá giúp chúng ta hình dung được sự vận hành sản xuất gang trong hang núi một cách thật sống động. Và từ đó, trong tâm khảm chúng ta sẽ giữ mãi những ấn tượng tốt đẹp về Lò cao Hải Vân trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
P.T