Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   Tự nhiên Thanh Hóa nhìn từ góc độ văn hóa
Tự nhiên Thanh Hóa nhìn từ góc độ văn hóa

1. Thanh Hóa - đất rộng, người đông, là vùng đất "địa linh, nhân kiệt" như người xưa suy tôn. Thanh Hóa cũng là vùng quê giàu truyền thống lịch sử - văn hóa từ nghìn đời xưa đến nay như người đương đại luôn ca ngợi. 
Địa hình hiểm trở, thời tiết dữ dằn và khí hậu khắc nghiệt... là những điều kiện tự nhiên khách quan góp phần hình thành nên tính cách con người xứ Thanh vừa cương quyết, can trường vừa ôn hòa, lịch lãm... để sáng tạo ra một nền văn hóa Đông Sơn vừa đậm đà bản sắc dân tộc vừa giàu sắc thái bản địa. Mặt khác, cũng từ điều kiện tự nhiên như vậy mà Thanh Hóa được thừa hưởng những chứng tích, danh lam, thắng cảnh của thiên nhiên ban tặng. 
Thiên nhiên văn hóa và văn hóa thiên nhiên đang được người xứ Thanh làm chủ và không ngừng sáng tạo, góp phần làm giàu, làm đẹp cho văn hóa dân tộc và đất nước. 
2. Địa hình, khí hậu, thời tiết - khởi nguồn văn hóa. Các tài liệu viết về địa lý Thanh Hóa đều có nhận định: Thanh Hóa là vùng đất có đặc điểm địa chất và sự vận động kiến tạo chung của cả khu vực Đông Nam Á. Xét về mặt địa hình, Thanh Hóa có độ nghiêng và dốc chạy xiên theo chiều Tây Bắc - Đông Nam. Núi đồi xuôi về biển. 
Diện tích núi đồi chiếm ưu thế: 8.079 km2 với nhiều đỉnh núi cao, tiêu biểu như đỉnh Phu Pha Phong 1587m, Bù Chó 1563m, Hooc 1418m... Diện tích đồng bằng: 3.027 km2 có độ nghiêng trung bình 0,33%. Diện tích biển rộng hơn cả 17500 km2, độ sâu hạn chế không tới 100m. Nhìn chung, Thanh Hóa có đồi núi cao hiểm trở với nhiều hang động đá vôi có tuổi Cổ sinh. Đồng bằng có độ dốc cao (so với đồng bằng sông Hồng chỉ 0,09%), luôn phát sinh khô hạn và lũ úng, biển tương đối hài hòa, có bờ biển đẹp so với khu vực Đông Nam Á và thế giới là bờ biển Sầm Sơn. Phía Bắc và phía Nam có hai đảo ngọc: Hòn Nẹ và Hòn Mê. 
Thanh Hóa có 5 hệ thống sông chính. Sông xứ Thanh đều có độ dốc cao nên chảy xiết. Sông Lạch Bạng ngắn nhất với 34,5 km; sông Mã dài nhất với 242 km. Những sông chính là sông Mã, sông Chu từ thượng nguồn Tây Nam đổ về đồng bằng và biển tạo thành đồng bằng châu thổ sông Mã. 
Địa hình Thanh Hóa phức tạp, hiểm trở, đa thành phần. Điều này kéo theo sự phức tạp đa thành phần về khí hậu, thời tiết. Ta thường nghe dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng: khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, hoặc khu vực Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế. Như vậy, về thời tiết, Thanh Hóa nằm trong vùng đệm và chuyển tiếp giữa Nam Bắc bộ và Bắc miền Trung.
Nhưng nhìn chung Thanh Hóa có 3 tiểu vùng khí hậu chủ yếu bao trùm là: tiểu vùng đồng bằng - ven biển, tiểu vùng trung du và tiểu vùng đồi núi. 
Miền đồng bằng ven biển tương đối ôn hòa nhưng thường xảy ra mưa lớn kéo dài gây nạn lũ lụt. Miền trung du tương đối khắc nghiệt. Mùa đông kéo dài và lạnh, thường xuất hiện sương muối, gió tây khô nóng cục bộ ở Tây Nam. Miền núi cao khí hậu khắc nghiệt hơn cả: mùa đông rét đậm, sương muối xuất hiện thường xuyên. Mùa hè nắng nóng, nhiệt độ cao, điểm cực nóng thường xuất hiện tại Quan Hóa. 
Từ góc nhìn khái quát trên hai phương diện địa hình và khí hậu, thời tiết, ta sẽ dễ dàng tiếp cận với văn hóa xứ Thanh hơn. Văn hóa vật chất và tinh thần. “Đất lành chim đậu” thì đất lành cũng sinh ra con người. Con người sáng tạo ra văn hóa, là trung tâm của văn hóa. 
Tài liệu khảo cổ học đã chứng minh: Thanh Hóa là quê hương của người nguyên thủy, quê hương của loài người. Từ những thập niên 60 của thế kỷ trước, các nhà khảo cổ của nước ngoài và Việt Nam đã phát hiện địa bàn sinh sống, công cụ và di chỉ hóa thạch của người nguyên thủy từng sinh sống vào thời sơ kỳ đồ đá cũ cách nay 30 - 40 vạn năm ở các vùng trung du và đồi núi cao như vùng núi Nưa - Nuông - Quan Yên (Thiệu Hóa - Yên Định) và Lâm Sa (Bá Thước). 
Đến thời đại kim khí cách nay 4000 năm (tương đương với thời kỳ dựng nước của các vua Hùng), Thanh Hóa có nền văn minh Đông Sơn, nền văn hóa Hoa Lộc, phát triển tương đương với các nền văn minh, văn hóa trên thế giới và khu vực. Điều này cho ta một kết luận quan trọng và thú vị, đến thời đại kim khí, người xứ Thanh đã sinh sống phổ biến ở đồng bằng và tràn xuống vùng ven biển. Vùng biển Thanh Hóa đã có chủ quyền. Văn hóa biển được hình thành ở xứ Thanh. 
Ở đâu có dân ở đấy được hoạch định, phân định về cương giới, lãnh thổ. Chính vì vậy, Thanh Hóa từ thời nhà nước Văn Lang của các vua Hùng, khi phân chia các đơn vị hành chính, đã là một địa phương độc lập, bấy giờ gọi là bộ. Thanh Hóa là bộ Cửu Chân (một trong 15 bộ thời bấy giờ).
Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử và những biến động lịch sử lớn, Thanh Hóa có nhiều thay đổi về tên gọi. Thời Lý, có tên phủ Thanh Hóa. Thời Nguyễn đổi là trấn Thanh Hoa. Cũng trong thời Nguyễn, năm 1841, Thiệu Trị lấy tên tỉnh Thanh Hóa. Thanh Hóa tỉnh hay tỉnh Thanh Hóa từ bấy đến nay không thay đổi nữa. 
Từ điều kiện tự nhiên cộng với những nội dung lịch sử vừa nêu trên để nhận ra tính cách của người xứ Thanh. 
Tính cách của người xứ Thanh là mạnh mẽ, cương quyết và không chịu khuất phục, bởi không cương quyết, mạnh mẽ sẽ không sống nổi với địa hình sông núi hiểm trở, khí hậu thời tiết khắc nghiệt. Đã không khuất phục trước giặc dữ thiên nhiên thì cũng không khuất phục trước giặc xâm lăng hung bạo. Đây là những cơ sở để cắt nghĩa tại sao Thanh Hóa lại là quê hương của các cuộc khởi nghĩa chống xâm lược. 
Từ thế kỷ thứ III với cuộc khởi nghĩa chống giặc Ngô của nữ tướng Triệu Thị Trinh cho đến các cuộc khởi nghĩa chống Pháp thế kỷ XIX của các chí sĩ ở chiến khu Ba Đình, Ngọc Trạo do Đinh Công Tráng, Phạm Bành, Trần Xuân Soạn... 
Những anh hùng hào kiệt một thời này đã để lại nền văn hóa vật chất vĩnh cửu cho xứ Thanh như đền Bà Triệu (Hậu Lộc), quần thể di tích Lam Kinh (Thọ Xuân), thành nhà Hồ (Vĩnh Lộc) nay được Ủy ban văn hóa - khoa học - giáo dục (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Thành nhà Hồ và Lam Kinh còn là kinh đô của các vương triều nhà Hồ, nhà Hậu Lê, hội tụ văn hóa dân tộc một thời. 
Người xứ Thanh không chỉ có tính cách mạnh mẽ, cương quyết, không chịu khuất phục của con nhà võ, người xứ Thanh còn có tính cách kiên trì, ham học, giàu lòng nhân ái, hội đủ các tư chất nghệ sĩ để sáng tạo nền văn hóa tinh thần của con nhà văn, mà tiêu biểu là Khương Công Phụ (thế kỷ VII), người đã để lại áng văn viết cổ nhất cho dân tộc “Bạch văn chiều xuân hải" (Mây trắng rọi biển xuân). Ông là vị “lưỡng quốc tiến sỹ" của Trung Quốc và Việt Nam thời trung đại, là người xứ Thanh. Lê Văn Hưu (thế kỷ XIII) viết “Đại Việt sử ký", tập đại thành biên niên sử, bộ sử cổ nhất, đồ sộ nhất thời phong kiến. Đào Duy Từ (thế kỷ XVII) có công khai phá văn hóa Đàng Trong. Ông để lại hai áng văn tiêu biểu “Ngọa Long cương vãn" và “Tư dung văn". Theo truyền ngôn, ông còn đưa và truyền bá nghệ thuật hát tuồng của xứ Thanh vào Đàng Trong... 
Trường hợp Khương Công Phụ, Đào Duy Từ là điển hình của việc xuất ngoại chất xám của Thanh Hóa sang Trung Quốc và Đàng Trong. Nói như vậy để thấy phẩm chất văn hóa của người xứ Thanh nhanh chóng hòa nhập với bên ngoài và thành đạt nơi đất khách. 
Thanh Hóa đất rộng (là đương nhiên), người đông. Người đông một phần là do các tộc người ngoài xứ nhập nội xứ Thanh. Điển hình là người Dao. Họ có nguồn gốc từ Trung Quốc nhập cư vào Việt Nam hàng trăm năm nay. Từ Tuyên Quang, Quảng Ninh, Phú Thọ, người Dao nhập cư xứ Thanh khoảng gần 200 năm nay. Người Mường xứ Thanh có tỷ lệ dân số đông thứ hai (sau người Việt). Một bộ phận không nhỏ người Mường Hòa Bình di cư vào xứ Thanh, bộ phận người Mường di cư này gọi là người Mường ngoài, người Mường bản địa xứ Thanh gọi là người Mường trong. 
Dân số Thanh Hóa đông hơn lên từ nguồn ngoại nhập nói trên chứng tỏ Thanh Hóa là vùng quê “Đất tốt...". Nhưng điều quan trọng là các tộc người đó đã mang theo nền văn hóa của họ vào xứ Thanh, hòa nhập vào văn hóa xứ Thanh. Người Dao có hai lễ tết đặc biệt: Tết nhảy và Tết năm cùng. Người Mường có lễ hội Pồôn Pôông rất đặc sắc. Đặc biệt người Mường đã sáng tạo ra mo Mường, ta thường gọi là sử thi “Đẻ đất, đẻ nước", bộ “Bách khoa toàn thư” của người Mường. Người Mường tỉnh Hòa Bình cũng có mo Mường. Phải chăng người Mường ngoài đã bổ sung hoàn thiện cho mo Mường Thanh Hóa như ngày nay. 
Văn học là bộ phận quan trọng bậc nhất của văn hóa vì văn học chứa đựng đầy đủ các nội dung văn hóa. Đặc điểm địa hình, khí hậu và thời tiết vùng miền đã sản sinh ra nền văn học xứ Thanh đậm chất văn hóa dân tộc và giàu sắc thái văn hóa bản địa. 
Người Việt Nam nói chung, người Thanh Hóa nói riêng trong gian khổ, hy sinh vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Người Việt Nam luôn thường trực nụ cười trên môi trong mọi điều kiện, hoàn cảnh và đặc biệt là trong giao tiếp. Do đó người Việt có cả một kho tàng truyện cười dân gian. Nhưng đặc sắc nhất trong kho tàng đó là hệ thống truyện cười “Trạng Quỳnh” ở Thanh Hóa. Cống Quỳnh nhân vật lịch sử có thật ở Hoằng Lộc (Hoằng Hóa) đã trở thành nhân vật trung tâm của truyện. Từ thực tế cuộc sống trở thành hư cấu nghệ thuật, từ Cống Quỳnh trở thành Trạng Quỳnh là cả một công trình sáng tạo nghệ thuật tuyệt vời. Truyện “Trạng Quỳnh”, bổ sung nét tính cách độc đáo của người Thanh Hóa: yêu đời và hài hước, giàu chất dân gian và bác học. 
Thanh Hóa có địa hình nghiêng, dốc, như đã nêu trên, do vậy sông, suối Thanh Hóa thường chảy xiết. Đặc biệt là sông Mã xứ Thanh bắt nguồn từ Sóp Sim (Mường Lát) đến cuối nguồn Cửa Hới (Quảng Xương) đổ ra biển Đông, có độ dài 242 km. Sông Mã chảy dữ dằn, cuồng nhiệt và hoang dã, đã vào thơ “Tây tiến" của Quang Dũng thời chống Pháp: “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. 
Thơ “Sông Mã" của Huy Trụ thời nay viết: “Một tiếng “huầy dô” xô con đò dọc/ Người trên bờ, áo cũng đẫm mồ hôi”. Để nói lên cái gian khổ, khốc liệt của những người chèo thuyền, đi bè mảng trên sông Mã. Sự gian khổ trong cuộc sống của người sông nước lại sáng tạo ra làn điệu dân ca "Hò sông Mã”. Cũng phải nói thêm các điệu hò, hát trên biển, trên sông chỉ có ở các tỉnh Nam Bộ, đặc biệt phát triển ở miền Trung như hò kéo lưới; hò giật chì; hò kéo gỗ trên rừng, đến Thanh Hóa là điểm dừng, trở ra Bắc không có nữa. Bởi ca dao, dân ca đồng bằng Bắc bộ, nhạc điệu luôn khoan thai, êm ái và trữ tình đúng với điều kiện thiên nhiên và khí hậu vùng miền. 
Hò sông Mã, dân ca truyền thống của người xứ Thanh một lần nữa lại được sáng tạo trên đường hành quân, tiếp vận của người xứ Thanh trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Người Thanh Hóa phục vụ kháng chiến dễ nhận ra từ điệu hò tiếp vận: 
“Đèo cao thì mặc đèo cao 
Tinh thần tiếp vận còn cao hơn đèo”.
Nhạc sĩ Hoàng Đạm khi sáng tác ca khúc “Thanh Hóa anh hùng” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã dựa trên làn điệu hò sông Mã, bài hát nổi tiếng một thời, đến nay vẫn sống động trong lòng người dân xứ Thanh. 
Ta vẫn thường nghe các câu nhận định quen thuộc: môi trường, hoàn cảnh nào thì sinh ra tính cách ấy. Hiện thực thế nào sẽ sản sinh ra nền văn học, văn hóa tương ứng. Nhận định khái quát thì dễ. Phân tích và chứng minh cho ra vấn đề mới là chuyện khó. 
Địa văn hóa xứ Thanh phải được nhìn nhận, phân tích và đánh giá trên những cơ sở lý luận và thực tiễn mới có sức thuyết phục. 
3. Thanh Hóa là vùng đất cổ xưa có lịch sử địa chất và kiến tạo rõ ràng. Vùng đất sinh ra con người thì cũng đồng nghĩa với việc sinh ra các nền văn minh, văn hóa từ thuở hồng hoang nguyên thủy, liên tục phát triển qua các thời kỳ cho đến nay. Thanh Hóa cũng là vùng đất sớm được phân định ranh giới và tên gọi từ thời nhà nước Văn Lang. 
Cấu tạo địa chất, địa hình xứ Thanh đa thành phần, vừa phức tạp vừa phong phú. Cùng với nó, xứ Thanh có tới 7 vùng khí hậu, thời tiết (theo cơ quan khí tượng - thủy văn Thanh Hóa), Thanh Hóa đất rộng, số dân lên tới gần 4 triệu (3,8 triệu dân, thống kê năm 2011), với 7 dân tộc sinh sống lâu đời, ổn định. 
Với các điều kiện, yếu tố tự nhiên của xứ Thanh như vậy, cộng đồng các dân tộc Thanh Hóa đã đóng góp một phần quan trọng vào sự phát triển văn hóa dân tộc, đồng thời ghi dấu ấn đậm nét sắc thái văn hóa tỉnh nhà. 
Núi cao, rừng sâu, sông dài, biển rộng... đều phát lộ những mảng màu văn hóa của các vùng miền xứ Thanh. 
Hang con Moong nghìn tuổi, một trong những mái nhà chung của người nguyên thủy Đồi núi Đông Sơn - Hàm Rồng quê hương của nền văn hóa kim khí, đỉnh cao là trống đồng Đông Sơn. Thời hiện đại là một trong những huyền thoại thắng giặc Mỹ.
Núi rừng miền tây Thanh Hóa hoành tráng và kỳ vĩ có ngọn Pù Rinh (Chí Linh) cao 1.291m gắn với nội dung lịch sử của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, với cuộc đời và sự nghiệp người anh hùng dân tộc Lê Lợi, thế kỷ XV. Những ngọn núi sót Trường Lệ, có hòn Trống Mái ở bờ biển Sầm Sơn; núi Vọng Phu trên đất liền thành phố đều ẩn chứa mái ấm gia đình hạnh phúc và tình chung thủy vợ chồng trong mọi điều kiện và hoàn cảnh của người xứ Thanh. Sông Mã Thanh Hóa nguồn sáng tạo thi ca và âm nhạc từ nghìn đời nay chưa khai thác hết. 
Người Thanh Hóa được thừa hưởng cái đẹp của tự nhiên ban tặng. Tự nhiên hay thiên nhiên chứa đựng cái đẹp vốn có, bản thể, là thiên nhiên thứ nhất. Con người sáng tạo ra văn hóa là thiên nhiên thứ hai, theo quan niệm của nhà văn Nga vĩ đại Goroki “Con người sáng tạo ra thiên nhiên thứ hai, đó là nền văn hóa". Nhìn Thanh Hóa từ phương pháp khoa học địa - văn hóa, tôi cho rằng Thanh Hóa có phẩm chất của hai nền thiên nhiên: 
1. Thiên nhiên thứ nhất (bản thể). 
2. Thiên nhiên thứ hai (nền văn hóa).
                            

   Tháng 4 năm 2022
                                N.M.H


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 59
 Hôm nay: 831
 Tổng số truy cập: 9291947
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa