Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   Bàn về niên đại bài thơ “Đề Hồ Công động” của vua Lê Thánh Tông
Bàn về niên đại bài thơ “Đề Hồ Công động” của vua Lê Thánh Tông

Động Hồ Công nằm trên dãy núi Xuân Đài, thuộc xã Ninh Khang, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Sách Thanh Hóa kỷ thắng của Tổng đốc Thanh Hóa Vương Duy Trinh viết năm 1903 cho biết: “Trên núi Xuân Đài có động Hồ Công. Dưới chân núi có chùa Du Anh, lối lên núi men theo đường đá nhỏ sau chùa mà lên. Lên đến động xoay nhìn xung quanh. Thì thấy bốn phía trước mắt núi non hình tựa như chim Loan, chim Phượng đang bay lượn trên bầu trời, như trâu ngựa đang uống nước sông...”. Đây là một thắng cảnh nổi tiếng được nhiều sách ghi chép, ca ngợi là "Động đẹp nhất trong 36 động ở phương nam". Nơi đây còn lưu nhiều bút tích của các vua  chúa, cùng các bậc tao nhân mặc khách, khi đến vãn cảnh không kìm được nỗi lòng đã xúc cảm đề thơ. Sớm nhất là bài thơ “Đề Hồ Công Động” của vua Lê Thánh Tông, sau là thơ của vua Lê Hiến Tông, chúa Trịnh Sâm, Nguyễn Nghiễm, Phùng Khắc Khoan, Trịnh Quốc Hiến, Lưu Công Đạo, Lê Sâm, Hồ Tư Cung, v.v...
Những bài thơ được khắc trên vách đá. Mặc dù đã qua thời gian dài thăng trầm cùng lịch sử nhưng vẫn còn rõ nét. Đặc biệt là bài thơ của vua Lê Thánh Tông là đẹp nhất. Bia thuộc thể loại ma nhai, cao 0,80m, rộng 1,30m. Xung quanh tạo đường viền hoa leo, phía trong các đường dây leo chạm cách điệu lá hình đao lửa xoắn. Toàn văn chữ Hán khắc dạng chữ Khải, gồm 14 dòng, mỗi dòng từ 6 đến 12 chữ, chữ sâu đậm nét. Bia đề ngày Canh Tý, tháng Trọng Xuân, năm Hồng Đức thứ 9 (1478). Thiên Nam Động chủ (vua Lê Thánh Tông) đề.
Nguyên văn chữ Hán:
題壺公洞並引 
洪德九年重春戊子 大駕發自藍京醴江駐扎時微風吹暖薄日照晴余乘興登舟遊壺公洞攀缘白石倚徙綠 陰望遠登高渺茫雲海紛披塵擾適爾忘懷偶寫近體一章留于石云:
神椎鬼鑿萬重山 
虚室高窗宇宙寬 
世上功名都是夢 
壺中日月不勝閑 
華陽龍化玄珠墜 
碧落泉流白玉寒 
我欲乘風淩絕頂 
望窮雲海有無間 
    天南洞主題 

Phiên âm: 
Đề Hồ Công Động tịnh dẫn
Hồng Đức cửu niên Trọng Xuân Mậu Tý. Đại giá phát tự Lam Kinh, Lễ Giang trú trát, thời vi phong xuy noãn, bạc nhật chiếu tình, dư thừa hứng đăng chu, du Hồ Công Động, phan duyên bạch thạch, ỷ tỷ lục âm, vọng viễn đăng cao, diễu mang vân hải, phân phi trần nhiễu, thích nhĩ vong hoài, ngẫu tả cận thể nhất chương, vĩnh lưu vu thạch vân:
Thần chùy quỷ tạc vạn trùng san
Hư thất cao song vũ trụ khoan
Thế thượng công danh đô thị mộng
Hồ trung nhật nguyệt bất thăng nhàn
Hoa Dương long hóa huyền châu trụy
Bích lạc tuyền lưu bạch ngọc hàn 
Ngã dục thừa phong lăng tuyệt đỉnh
Vọng cùng vân hải hữu vô gian.
        Thiên Nam Động chủ đề

Dịch nghĩa: 
Lời dẫn và thơ đề động Hồ Công
Giữa mùa xuân ngày Mậu Tý, năm Hồng Đức thứ 9 (1478), ta đi từ Lam Kinh, thuyền đỗ bên bờ sông Lễ Giang (sông Mã). Khi đó gió thổi nhè nhẹ, chiều tà soi bóng, nhân hứng lên núi thăm động Hồ Công, men theo đá trắng, nương bóng cây xanh, trông xa lên cao thấy mây biển mịt mùng, như rẽ bụi trần, thật khiến cho lòng quên hết bao vất vả. Bèn ngẫu hứng viết một bài thơ cận thể để lưu mãi trên đá, thơ rằng:
Thần đào quỷ đẽo núi muôn trùng
Cửa trống nhà cao rộng thoáng không
Cõi thế công danh toàn ảo mộng
Trong bầu ngày tháng thật ung dung
Non hoa rồng hóa châu rơi rắc
Động biếc khe tuôn ngọc lạnh lùng
Muốn cưỡi gió trèo lên tuyệt đỉnh
Khắp nhìn trời biển khoảng mênh mông.
        Thiên Nam Động Chủ đề thơ
        (Trần Tuấn Khải dịch thơ)
Bài thơ khắc trên vách đá của vua Lê Thánh Tông đã được nhiều sách xưa và nay giới thiệu như: “Lịch triều hiến chương loại chí”, “Đồng Khánh dư địa chí”, “Đại Nam nhất thống chí”, “Thơ văn Lê Thánh Tông” (Nhà xuất bản Khoa học xã hội - Hà Nội, 1997), “Hoàng Việt thi văn tuyển” (1958), “Vĩnh Lộc huyện chí” của Lưu Công Đạo (bản dịch), “Thanh Hóa kỷ thắng” của Vương Duy Trinh (bản dịch, Nhà xuất bản Thanh Hóa 2021)... Song phần chú thích thời gian sáng tác thơ thì không thống nhất. Có sách ghi là năm Hồng Đức thứ 4 (1463). Có tài liệu chú thích là năm Mậu Tý, niên hiệu Hồng Đức thứ 9 (1468). Cũng có những tài liệu, khi phiên âm và dịch nghĩa lại khác năm nhau, v.v… Qua tìm hiểu nghiên cứu, chúng tôi thấy việc chú thích của nhiều sách và tài liệu, về niên đại và lịch sử, chưa có tính thuyết phục: Vua Lê Thánh Tông (1460-1497). Lên ngôi từ năm Canh Thìn (1460-1469). Đặt niên hiệu là Quang Thuận. Từ năm Canh Dần (1470-1497) đổi niên hiệu là Hồng Đức. Vậy chú thích, Hồng Đức thứ 4 (1463), Hồng Đức thứ 9 (1468) là không chính xác. Vì trong lời tịnh dẫn có chữ Mậu Tý, nên có sách chú thích là: Năm Mậu Tý, Hồng Đức thứ 9 (1478). Nhưng năm 1478 lại là năm Mậu Tuất. Như vậy cứ theo nguyên bản chữ Hán khắc trên bia thì bài thơ của vua Lê Thánh Tông viết vào ngày Mậu Tý, tháng Trọng Xuân (tức tháng hai), năm Hồng Đức thứ 9 (Mậu Tuất 1478).
Có một điều làm chúng tôi băn khoăn, khi nghiên cứu năm của lời tịnh dẫn. Vua Lê Thánh Tông là vị vua anh minh. Thời vua Lê Thánh Tông là triều đại cường thịnh nhất trong lịch sử. Đất nước thanh bình, nền hành chính quy củ từ Trung ương đến địa phương. Các sự kiện, hoạt động của vua, của đất nước đều được sử quan ghi chép cẩn thận, tỉ mỉ vào Thực Lục. Qua tra cứu Đại Việt sử ký toàn thư (Kỷ nhà Lê đời Lê Thánh Tông). Trong 37 năm trị vì, vua Lê Thánh Tông nhiều lần về Lam Kinh (Thanh Hóa). Vua bái yết lăng miếu, phủ dụ dân chúng và thưởng ngoạn phong cảnh. Những danh sơn cổ tích, vua đến thăm đều có làm thơ bằng chữ Hán, hoặc Quốc âm, cho khắc bia in sách lưu lại như: Núi Chích Trợ, cửa biển Thần Phù, động Hồ Công, núi Mật Sơn, động Long Quang (Hàm Rồng), cửa biển Linh Trường... Đối chiếu lời tịnh dẫn bài thơ ở động Hồ Công, đề năm Hồng Đức thứ 9 (1478) với bộ sử nhà Lê thì năm ấy không có sự kiện vua về Lam Kinh. Qua tra cứu những năm về Lam Kinh của vua Lê Thánh Tông, chúng tôi thấy có năm Hồng Đức thứ 4, Quý Tỵ (1473), là có việc vua đậu thuyền ở sông Lỗi giang (sông Mã) để bái yết nguyên miếu ở thành Tây Đô và về quê ngoại ở huyện Yên Định: “Quý Tỵ, Hồng Đức năm thứ 4 (1473)... Tháng 2, vua ngự về Tây kinh bái yết lăng miếu. Vua đi thuyền nhẹ ngược dòng sông Lỗi bái yết Nguyên miếu ở thành Tây Đô, rồi đến từ đường Thuần Mậu ở bờ sông (từ đường này ở quê hương của cha sinh ra thánh mẫu hoàng Thái hậu họ Ngô và của mẹ là họ Đinh)”*.  Lỗi giang: Tức sông Mã ở khoảng các huyện Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Yên Định. Động Hồ Công, nằm trên dãy núi Xuân Đài, ngay sát bờ sông Mã, gần thành Tây Đô, nơi vua đi qua. Có lẽ năm này, nhân có việc, mới chính là năm, vua lên núi thăm động và cảm tác đề thơ cho khắc vào đá. Vả lại vua đề ở lời tịnh dẫn là: 大駕發自藍京 (đại giá phát tự Lam Kinh): Chuyến đi có nhiều xe theo hầu. Việc lớn này phải có trong Thực Lục năm ấy. Theo chúng tôi nghĩ, khi vua lên núi thăm động, tức cảnh làm thơ. Nhưng lúc đó núi động còn hoang sơ. Sau quan lại địa phương, mới tổ chức cho thợ chạm khắc đá, liệu có nhầm lẫn về năm niên hiệu chăng? Dù sao những giả thiết trên, cũng chỉ mang tính suy luận. Còn để có những kiến giải khoa học xác đáng, thì cần có những nghiên cứu và kết luận chi tiết hơn.
                                                                                       

N.H.M
 

(*) Đại Việt sử ký toàn thư (Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, Hà Nội 2004, tập II, trang 343).
Tài liệu tham khảo: Đại Việt sử ký toàn thư (Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, Hà Nội 2004); Thanh Hóa kỷ thắng (bản dịch, Nhà xuất bản Thanh Hóa 2021); Văn bia huyện Vĩnh Lộc (Nguyễn Văn Hải - 2018); Vĩnh Lộc huyện chí của Lưu Công Đạo (bản dịch) và nhiều tài liệu khác.

 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 135
 Hôm nay: 10096
 Tổng số truy cập: 7199855
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa