Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   Tục hát ghẹo ở làng Hồ Nam, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa
Tục hát ghẹo ở làng Hồ Nam, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa

Làng Hồ Nam trước đây thuộc tổng Hồ Nam, huyện Vĩnh Lộc, phủ Quảng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Hồ Nam là một làng (thôn) lớn, thuộc loại “nhất xã, nhất thôn”. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Hồ Nam cũng là một đơn vị hành chính cấp xã được đặt tên là xã Hạnh Phúc, sau đổi là xã Vĩnh Khang. Ngày 01 tháng 12 năm 2019, xã Vĩnh Khang và xã Vĩnh Ninh sáp nhập thành một xã đặt tên là xã Ninh Khang. Hiện nay làng Hồ Nam thành lập bốn thôn thuộc vào xã Ninh Khang, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Hồ Nam nằm giáp ngã ba sông, nơi hợp lưu của sông Bưởi và sông Mã. Trên đất Hồ Nam có di tích khảo cổ học Phà Công, các nhà khảo cổ học cho biết Hồ Nam là vùng đất cổ, có cư dân sinh sống cách ngày nay khoảng đến 2300 năm.
Làng Hồ Nam có đồng ruộng, đồng bãi màu mỡ do được phù sa sông Bưởi và sông Mã bồi đắp lâu đời. Từ xưa và đến những năm gần đây, người Hồ Nam sống bằng nghề nông, cây trồng chính là lúa, ngô, bông đậu, lạc và các nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, kéo sợi. Làng Hồ Nam có đủ đình, chùa, nghè. Đình làng Hồ Nam thuộc loại đình to 5 gian, làm từ năm 1832 bằng gỗ lim, được chạm trổ tinh xảo, trong đó có bức chạm đặc sắc vua đang cày ruộng, mà vật kéo không phải trâu hay bò mà là voi.
Mặc dù đời sống của người dân Hồ Nam xưa kia rất vất vả “đầu tắt mặt tối”, nhưng ở đây hằng ngày vẫn diễn ra các hội hè, đình đám, có những phong tục tập quán phong phú như: Lễ bách tính (lễ trăm họ), kỵ Thành hoàng làng, tục mừng thọ, tục kết chạ, hội đua thuyền, hội thả diều, tục cầu mưa, tục hát ghẹo... Chính vì vậy mà kho tàng văn hóa dân gian ở làng Hồ Nam rất phong phú, bao gồm: tục ngữ, ca dao, dân ca, đồng dao...
Trong bài viết này xin được giới thiệu sơ lược về tục hát ghẹo ở làng Hồ Nam, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Hát ghẹo là một hình thức hát giao duyên, hát đối đáp nam nữ. Ở Hồ Nam có hát ghẹo giữa trai gái trong làng, hát trong lao động sản xuất (khi cấy lúa, làm cỏ lúa, sáo cỏ bông) và hát ghẹo giữa trai gái làng Hồ Nam với trai gái làng Phù Hưng (huyện Yên Định) với trai gái làng Phi Bình (huyện Vĩnh Lộc).
Hát ghẹo được mở ra lúc nông nhàn, thường vào tháng giêng, tháng tám (âm lịch) hoặc những đêm trăng sáng vào mùa hạ như một sinh hoạt văn nghệ của con trai, con gái trong làng.
Sách Địa chí Thanh Hóa tập II viết: “Trong xã hội xưa, việc quan hệ trai gái hôn nhân và gia đình còn bị ràng buộc khắt khe trong lễ giáo phong kiến. Tình cảm trai gái vốn bị giám sát chặt chẽ trong sinh hoạt hằng ngày, thậm chí từ một câu nói, một cái liếc mắt, một lời chào thưa, một cử chỉ thân thiện giữa một đôi trai gái còn được cả họ, cả làng bình giá, xem xét, phê phán. Trong hát ghẹo trai gái “tha hồ nói lên tiếng nói của trái tim mình”, tha hồ ân ái bằng lời, thề non hẹn biển hoặc bởn cợt, bông lơn mà không hề bị phê phán gì cả”... (trang 290).
Hát ghẹo giữa nam nữ trong làng chỉ dùng làn ngang hay làn trống quân. Hát ghẹo giữa hai làng ở hai bờ sông gọi là hát qua sông, nhưng lại dùng làn điệu hò sông Mã. Những câu hát đối đáp chủ yếu là mỗi bên tự đặt, nhưng có lúc vận dụng các câu trong truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Nhị Độ Mai, Lưu Bình - Dương Lễ. Chính vì vậy mà mỗi nhóm hát qua sông có một số người tuổi trung niên cùng đi để “làm thầy” tức giúp cho nhóm hát gỡ bí khi có những câu hát khó của đối phương.
Về hát ghẹo của nam nữ trong làng với nhau: Ban đêm con gái tụ tập tại một gia đình nào đó, có khi con gái ngồi quay tơ đánh sợi, con trai đứng ngoài ngõ hát vào. Nam nữ thi nhau lời ca tiếng hát, vận dụng những làn điệu quen thuộc phổ biến như hát làn ngang, hát làn trống quân.
Ví dụ câu hát:
Thuyền than lại đậu bến than
Thấy em vất vả cơ hàn anh thương
Hát làn ngang:
Thuyền than (thời) lại (á) đậu bến (á) than
Thấy em (thời) vất vả (chứ) cơ hàn (a à) anh (a) thương
Hát làn trống quân:
(Thời) lại đậu (í) bến than (chứ) thuyền than (thời)
Lại đậu (í) bến than (a)
(Mà) thấy em vất vả (í) cơ hàn (a) anh (a) thương (ì i)
Nam nữ trong làng hát với nhau gọi là hát lẻ, loại hát tự do không thành chặng như hát cuộc.
Ví dụ mở đầu đám hát, bên nam hát:
Hôm nay mát trời tôi đi chơi xuân
Ở đây có hội trống quân tôi vào
Bên nữ đáp:
Ba anh em lạ cả ba
Bốn anh lạ bốn biết là quen ai
Bên nam hát:
Bây giờ trước lạ sau quen
Trước đứng ngoài ngõ sau len vào nhà
Hát đố: 
(Nam)     - Đố ai biết núi mấy hòn
                Biết sông mấy ngách, người giòn mấy năm
(Nữ)        - Người giòn từ tuổi mười lăm
                  Trăng tròn chỉ một đêm rằm mà thôi
Hát trách:
(Nam)      - Mình về bỏ đấu ai đong
                  Khóa đồng ai mở, buồng trong ai nằm
(Nữ)        - Buồng trong anh mắc chăn tằm
                  Nhà ngoài mắc khách thiếp nằm nơi nao
Hát dặn:
(Nữ)       - Đò đầy anh chớ vội sang
                 Đường xa anh chớ vội vàng theo ai
(Nam)     - Đôi ta nghĩa thắm tình ghi
                  Xa xôi ắt cũng có khi ở gần
                 …
Về hát cuộc giữa trai gái làng Hồ Nam với trai gái làng Phù Hưng (huyện Yên Định). Hai làng cách nhau bởi con sông Mã, trai gái hai làng ngồi hai bên bờ sông nơi gần nhất để hát, gọi là hát qua sông. Mỗi đêm làng Hồ Nam có hai nhóm hát, một nhóm nam và một nhóm nữ, mỗi nhóm có 10 đến 15 người, nhóm ngồi cách nhau khoảng sáu bảy chục mét. Nhóm con trai làng Hồ Nam hát với nhóm con gái làng Phù Hưng và nhóm con gái làng Phù Hưng hát với nhóm con trai làng Hồ Nam.
Làn điệu trong cuộc hát qua sông, hát qua cánh đồng phải sử dụng một làn điệu của hò sông Mã với giọng cao vút, ngân vang để tiếng hát đến được với nhau.
Ví dụ câu hát: 
Yêu nhau vì thuốc vì trầu
Vì đôi mắt liếc, vì đầu ngón tay
Làn điệu hò như sau:
(ơ ơ ơ... ớ ớ ớ... hò hò hò) Yêu nhau vì thuốc (mà) vì (ớ ớ) trầu
Vì đôi mắt liếc, vì đâu (mà) tay ngón tay (ớ là).
Nam nữ hò qua sông cơ bản có ba chặng:
Chặng thứ nhất gồm hò dạo đầu, rồi hò mừng cho cuộc gặp gỡ và hò thăm hỏi nhau về hoàn cảnh gia đình, về tình duyên đã ước hẹn với ai chưa.
+ Hò dạo đầu: 
Đôi bên lặng ngắt như tờ
Nỗi niềm tâm sự bây giờ hỏi ai
Ngồi cành trúc tựa cành mai
Đông đào, Tây liễu lấy ai bạn cùng.
Hoặc:
- Rồng vàng tắm nước ao sen
Trăm năm mới gặp người quen một lần
- Đi đâu từ tối đến giờ
Để cho em đợi, em chờ, em mong
+ Hò mừng cho cuộc gặp nhau:
- Bây giờ em gặp anh đây
Như con cá cạn gặp ngày trời mưa
- Bây giờ ta mới gặp mình
Khác nào Dương Lễ - Lưu Bình gặp nhau
- Bây giờ ta lại gặp ta
Như xuân đang độ, như hoa đang thì
+ Hò thăm hỏi nhau:
- Hoa đào còn đợi gió Đông
Hỏi em mười tám có chồng hay chưa
- Anh hỏi thì em xin thưa
Tuổi xuân mười tám em chưa lấy chồng
- Em về thưa với mẹ cha
Có cho em lấy chồng xa hay đừng
- Nước lên rồi nước lại dừng
Xin anh chờ đợi, anh đừng lấy ai
Chặng thứ hai gồm có hò đối, hò đố nhau và hò xe kết.
Hò đối: Hò đối là mỗi bên hò một câu cùng một đề tài và bên nữ là người hò trước. 
Ví dụ:
(Nữ)       - Vì sàng cho gạo xuống nia
                 Vì anh em phải đi khuya về thầm
(Nam)     - Vì dần cho gạo xuống nong
                 Vì em anh phải long đong chốn này
+ Hò đố nhau: Bên nữ đố, bên nam giải đố, đề tài rất rộng rãi. 
Ví dụ:
(Nữ)       - Đố anh đố cả ông thầy
                 Sao rua lặn xuống mấy ngày sao lên
(Nam)     - Đố anh không phải đố thầy
                 Sao rua lặn xuống một ngày sao lên
+ Hò xe kết: Tức lời hát hò thể hiện gắn bó yêu thương nhau:
- Nguyệt hoa, hoa nguyệt não nùng
 Không bùa không thuốc mà lòng mê say
- Sông Ngân vằng vặc giữa trời
 Lệ tương tư chảy đắm người tương tư
Chặng thứ ba có hát hò thề nguyền, hò dặn nhau, hò tiễn nhau ra về.
+ Hò thề nguyền: Lời thề thể hiện lòng chung thủy với nhau.
 Ví dụ:
(Nữ)        - Lòng thành đã quyết yêu anh
                  Trọn tình, trọn hiếu em dành cả hai
                  Dù cho đá nát vàng phai
                  Em thề em chẳng yêu ai bằng chàng
(Nam)     - Trăm năm kết nghĩa đá vàng
                 Lòng anh đã quyết lấy nàng nàng ơi
+ Hò dặn dò nhau:
- Dù đi góc bể chân trời
Yêu nhau giữ lấy những lời vàng son
- Dù cho sông cạn đá mòn
Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ
+ Hát tiễn nhau ra về kết thúc cuộc hát:
- Em về mai tối lại ra
 Đừng để anh đợi sương sa lạnh lùng
- Em về rồi em lại lên
 Xin anh đừng nhớ mà quên việc làm
Theo các cụ bà, cụ ông đi hát thì cuộc hát ghẹo theo trình tự như trình bày ở trên, song cũng không cứng nhắc, không khắt khe, tùy từng buổi hát có thể bỏ qua phần nào đó trong chặng hát. Ví dụ chặng thứ hai chỉ có hát đố và hát xe kết, không hát đối. Vì có cuộc hát chỉ vận vào cây đa, hoặc vận vào miếng trầu mà hát suốt cả buổi.
Nói chung đi hát ghẹo là đi chơi, nhằm mục đích vui đùa làm cho tâm hồn sảng khoái và có thêm bạn bè. Nhưng cũng có một số người đi hát mà nên vợ nên chồng. 
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Dị quê ở làng Thọ Vực, nay cũng thuộc xã Ninh Khang, trong cuốn hồi ký của mình xuất bản năm 1999, phần viết về nét đẹp văn hóa quê hương trong đó có nói đến hát ghẹo giữa trai gái làng Thọ Vực với trai gái làng Đại Hải (huyện Yên Định) đã viết: “Tôi có một kỷ niệm trong sáng khó quên thời niên thiếu. Hồi tôi còn bé, hằng năm cứ đến mùa trăng từ trung tuần tháng 7 âm lịch trở đi, sau bữa cơm tối, thanh niên nam nữ quê tôi thường tổ chức hát ghẹo qua sông dưới ánh trăng thu ở vị trí đôi bờ gần nhau nhất. Ở ghềnh Đông bên tôi là nhóm nam, đối diện với bãi cát bên kia là nhóm nữ. Ngược lại ở ghềnh Đoài bên tôi là nhóm nữ thì ở bên kia lại là nam.
Trong một khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời trăng thanh gió mát, với núi non, sông nước, giọng hát cất lên làm say đắm lòng người, không những đối với thanh niên mà cả một số trung niên hoặc thiếu niên như tôi mỗi buổi tối đều nhập cuộc. Một số trung niên cùng đi, một là còn thích “chơi trăng”, hai là làm cố vấn “làm thầy” cho số trẻ để gỡ bí mỗi khi phải tìm nội dung câu hát cho thật đắt nghĩa, đúng vần. Và mỗi buổi hát kéo dài cho đến tận đêm khuya mà không thấy buồn ngủ. Cứ mỗi tối cảnh ấy lại tiếp diễn chỉ trừ những đêm trăng thượng tuần quá sớm, hoặc hạ tuần quá muộn và tiếp diễn cho đến cuối tháng 10 âm lịch, bắt đầu đêm đông giá lạnh mới đành phải chịu để gián đoạn mối tình thanh khiết tưởng tượng ấy đến mùa trăng thu năm sau”.
Những câu hát ghẹo mộc mạc, tha thiết trữ tình có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa cộng đồng. Không chỉ có giá trị về thẫm mỹ, giá trị nghệ thuật, hát ghẹo còn có giá trị to lớn về giáo dục và nhận thức cho thế hệ trẻ về tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa. Hát ghẹo không chỉ là nét đẹp văn hóa dân gian của làng Hồ Nam, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) mà còn là một loại dân ca quý trong kho tàng dân ca Việt Nam phong phú và đáng tự hào. Chính vì vậy, thế hệ hôm nay cần phải có trách nhiệm gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của quê hương, đất nước.
                                                                                       

 L.K.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 59
 Hôm nay: 833
 Tổng số truy cập: 9291949
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa