Ở phía sau bãi biển Sầm Sơn là khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng cao tầng, tấp nập, sôi động của những mùa hè nghỉ mát, tắm biển. Trong một không gian cao rộng, người ta khôn ngoan nghĩ ngay đến một con sông lặng lẽ trong xanh, lặng lẽ khuất lấp cùng thời gian, cùng sự lãng quên ngay ở phía sau mình, đó là con sông Đơ. Sông Đơ chính là hậu duệ của con “sông đào nhà Lê”.
Con sông Đơ như một dải khăn xanh vắt qua eo thành phố, như một cô gái ngày đêm đỏng đảnh trước biển biếc mộng mơ. Dải khăn này vắt từ Lạch Hới đến gót chân đền Cô Tiên. Cái thời còn là thị xã, con sông này là chỉ giới hành chính giữa Sầm Sơn và huyện Quảng Xương, tạo cho Sầm Sơn như một bán đảo với đất liền. Đề án quy hoạch xây dựng và phát triển “Con sông Đơ” là một đề án lớn của một đô thị du lịch biển hiện đại. Con sông sẽ trở thành vùng lõi, điểm nhấn của cảnh quan thành phố du lịch. Trong một thời gian rất ngắn thôi và có thể ngay từ bây giờ, con sông ngắn ngủi, xinh xinh này đang lên tiếng nói rằng: “Ta là thế này... và ta đang sẽ là thế kia...”. Các diễn văn hành chính, các nhà báo, nhà văn sẽ rất tốn giấy mực miêu tả, chụp ảnh, quay phim ngợi ca dài dài...
Còn ta lầm lũi tìm về cội nguồn của con sông mà hậu duệ của nó là con sông Đơ.
Trong sơ lược lịch sử làng Mỹ Lâm, xã Quảng Đại năm 1998 viết rằng: “Làng Mỹ Lâm ven bờ con sông cổ nhà Lê. Sông nhà Lê chạy ven theo bờ biển dài 22km nối từ sông Mã - cửa Lạch Trào đổ ra cửa Ghép của sông Yên ở phía tây xã Quảng Nham. Dòng sông lọt vào dải đất trũng phía nội đồng, sát với đất cao, liền kề cồn cát dài ven biển theo hướng tây nam qua các xã: Quảng Tiến, Quảng Tường, Quảng Châu, Quảng Vinh, Quảng Minh, Quảng Hùng, Quảng Đại, Quảng Hải, Quảng Lưu, Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng Nham ngày nay”.
Tên gọi “sông nhà Lê” chỉ nguồn gốc của nó, dư âm từ xa xưa, thì các tên như: Sông Cũ, sông Rào, sông Điều, sông Bình Hòa, sông Vạn Lịch, sông Tuấn Giang và về xa xưa hơn thời nhà Trần gọi là “Cổ Khê Đạo” là một con đường thủy ven biển đi tắt phía đông qua huyện Quảng Xương. Nó được khai thông thời Tiền Lê trên cơ sở khe ngòi tự nhiên để tiêu úng ngập và thau chua, rửa mặn cho đồng ruộng suốt một dải ven biển. Tác dụng “Hải đạo Cổ Khê” rất tiện lợi về giao thông và cả quân sự. Thời Trần dòng chính sông Mã đổ ra cửa biển Lạch Trường, nên dòng Cổ Khê nối với sông Lễ ở mạn trên phía Quảng Phú, hiện còn dấu tích Đồng Bến và Bến Thuyền ngày xưa do sông bị bồi lấp hóa thành đồng.
Theo các sách sử Đại Việt Sử ký, Thông giáo cương mục đều chép: “Tháng 6 năm Kỷ Mùi (1259), sau cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông - lần thứ nhất toàn thắng vua Trần phong cho Lê Phụ Trần (Lê Tần) tức Lê An làm “Thủy quân đại tướng quân”. Ông đã cho quân đào kênh để quân lính có đường đi về”. Như vậy Cổ Khê đạo đã được đào sâu mở rộng thuận lợi cho việc đi lại của quân lính.
Trên văn bia thời Trần ở chùa Hưng Phúc, xã Quảng Hùng viết năm Giáp Tý niên hiệu Khai Thái 1324 ghi lại: “Khoảng năm Thiệu Bảo (1279-1285) giặc Nguyên Mông kéo xuống phương Nam. Sau khi tiến đánh Chiêm Thành, Toa Đô trở ra làm một gọng kìm”. Thoát Hoan từ ngoài đánh vào, chúng chắc chắn bắt được hai vua Trần cùng Tam cung lục viện tại Thanh Hóa.
Lúc này nhà Trần đã rút về Yên Trường (Nam Định) liền bị đại quân Thoát Hoan tràn xuống truy đuổi. “Ngày Giáp Tuất 2-3 âm lịch (7-4-1285) hai vua Trần liền bỏ thuyền đi bộ về Thủy chú lấy thuyền ra sông Nam Triệu (tức sông Bạch Đằng) rồi lại ra cửa Đại Bàng (cửa Văn Úc) Quảng Ninh rồi theo đường biển đi thẳng vào Thanh Hóa”(*).
Đại quân Toa Đô từ Chiêm Thành ra đến Châu Hoan không thấy động tĩnh gì liền tiến thẳng về Trường Yên - Ninh Bình. Cũng là lúc hai vua nhà Trần từ Hải Đông đã vào Thanh Hóa nơi quân địch đã đi qua biết được vua Trần đã vào Thanh Hóa, Thoát Hoan liền lệnh cho đại quân Toa Đô đã mệt mỏi phải vòng lại đánh vào Thanh Hóa. Toa Đô đem đạo quân từ Trường Yên (Ninh Bình) đi tắt từ sông Cổ Lễ theo dòng Cổ Khê tiến thẳng vào Phủ Đệ Lê Tần ở hương Yên Duyên. Đại Toát Lê Mạnh đốc suất người trong hương dàn trận phục binh tại bến Cổ Bút. Thời Trần kể tục chính sách “Ngụ binh ư nông” từ thời nhà Đinh. Quân đội chính quy không nhiều, vì số trai tráng đàn ông khỏe mạnh phần lớn phục vụ tại các điền trang thái ấp của vương hầu quý tộc và quan chức địa phương. Do đó các điền trang đều tổ chức gia binh và hương binh để khi cần Nhà nước điều động, xong việc lại trở về điền trang “Tĩnh vi dân, Động vi binh”. Dưới thời Trần đơn vị “hương” rất lớn tương đương một huyện. Bấy giờ hương Yên Duyên gồm 3 khu Trang Trung khu, Trang Thượng khu và Trang Hạ khu, là 3 khu điền trang lớn tập trung nhiều nhân lực để khai phá miền đất hoang từ đường số 4 xuống phía đông ven biển từ cửa Lạch Hới đến Lạch Ghép.
Có điều lần này tấn công từ phía Bắc vào cánh quân Toa Đô không thể tìm ra chỗ ở của vua Trần, theo địa chí huyện Quảng Xương xuất bản năm 2010 ghi: “Sau những chặng đường rút quân đánh lừa địch, Thượng hoàng Thánh Tông, Hoàng Đế Nhân Tông và Tam cung lục viện cùng cận thần tướng sĩ hộ giá lui vào Thanh Hóa, được đón về Phủ Đệ Ngọc Sơn an toàn”. Là điền trang Thái ấp của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật mà đại bản doanh là núi Ngọc Sơn (huyện Quảng Xương). Từ cửa sông Bố Vệ trở vào, Trần Nhật Duật đã bố phòng nhiều cửa ải và ổ phục kích.
Lúc này trên dòng Cổ Khê, đại quân Toa Đô đã đi tắt đường sông Lễ tràn vào hương Yên Duyên nơi bản danh phủ đệ của Thượng tướng quân Lê Tần (Lê An).
Đội hương binh của đại toát đại liêu ban Lê Mạnh dùng giáo dài, câu liêm, cung nỏ mai phục dọc bờ sông Cổ Khê mà tập trung điểm tại bến Cổ Bút (Làng Yên Nam, xã Quảng Hải ngày nay). Dưới sự chỉ huy của Lê Mạnh đội phục binh tràn ra lăn xả đánh úp vào đoạn giữa đại quân Toa Đô. Bị đánh bất ngờ quân Toa Đô vỡ trận, đầu đuôi hoảng loạn, Toa Đô thất thần chờ chết liền được gian tế dẫn đường mở lối cho Toa Đô và một nhóm tàn quân vào cửa Ghép chạy thoát ra biển. Còn cánh quân Giảo Kỳ nhờ tên gian tặc Trần Kiện dẫn đường vòng lại tàn phá cướp bóc phủ đệ hương Yên Duyên để trả thù rồi tháo chạy theo đường sông Lễ lên kênh Bố Vệ, trong khi lực lượng hùng mạnh của Đại Toát Lê Mạnh đang tập trung truy bắt Toa Đô ở bến Cổ Bút.
Khi kháng chiến thắng lợi vua Trần trở về kinh đô Thăng Long. Ông Lê Mạnh đem việc vì quân phản quốc mà trận không thành, còn bị thiệt hại, nhà vua ban khen và hạ lệnh tịch thu tài sản của kẻ phản bội đem bồi thường cho dân hương Yên Duyên để khuyến khích người “Trung Cần”.
Trận phục binh đánh chặn Đại quân Toa Đô khi mới đặt chân vào đất hương Yên Duyên tại bến Cổ Bút trên dòng Cổ Khê liền bị đánh bật ra có ý nghĩa vô cùng quan trọng đã góp phần cơ bản bảo toàn được nhà Trần khi rút vào Thanh Hóa để củng cố lực lượng phản công và chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai (1285).
Như trên ta đã biết con sông nhà Lê được đào vào thời Tiền Lê (980-1009) được nhà Trần khơi đào mở rộng. Sau khi chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ 2 và thứ 3. Do dòng sông lọt vào dải đất trũng phía nội đồng sát doi đất cao liền kề cồn cát dài ven biển nên sự bồi lấp dòng sông khá nhanh. Theo Đại Việt sử ký toàn thư - bản dịch Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1984, tập II, Tr. 231 ghi: “Qua các thời kỳ nhà Hậu Lê đều được nạo vét... kể từ thời Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông lần lượt vào các năm: Mậu Ngọ, Thiệu Bình năm thứ 5 (1438), Ất Sửu, Thái Hòa năm thứ 3 (1445), Quang Thuận năm thứ 8 (1467) trên đất Thanh Hóa theo chủ trương của Triều đình hệ thống kênh sông được mở mang thêm nhiều. Đó cũng là sự kế tục và mở rộng việc làm từ thời Tiền Lê trên 400 năm trước”.
Sau này năm 1744 triều Lê Hiển Tông lại cho nạo vét sông nhà Lê. Dọc theo sông nhà Lê triều đình đã áp dụng chính sách “Ngụ binh ư nông”, mở các đồn điền cho quan binh đưa gia đình cùng đến ở. Chiêu tập dân ly tán xây làng lập ấp vừa sản xuất sinh cơ lập nghiệp vừa làm nhiệm vụ phòng vệ bờ biển. Hàng loạt khu dân cư được hình thành tại vùng này như Đồn Điền Sở (Quảng Thái) lập năm 1473; Du vịnh Sở (Quảng Vinh) lập năm 1482. Những làng như Mỹ Lâm, Phú Xá, Bình Hòa, Lương Trung lần lượt ra đời tạo nên một phòng tuyến dân cư, dân binh suốt dọc 22km bờ biển từ cửa Hội Triều đến cửa Hàn Lạch Ghép.
Lần cuối cùng dòng sông nhà Lê được nạo vét vào năm 1859 dưới thời Tự Đức triều Nguyễn, với mục đích phòng ngự bờ biển. Sự kiện này được Đặng Huy Trứ - Tri huyện Quảng Xương ở những năm (1858-1860) phản ánh trong đoạn văn: “Sông này trước là sông Vạn Lịch bị bồi lấp từ thời Lê, nay vì việc phòng ngự bờ biển nên có chỉ dụ khai thông để tiện đường vận chuyển. Đào con sông này tuy theo kế hoạch quân sự nhưng nhờ con sông dân cũng đi lại buôn bán thực là có lợi cho hàng ngày vạn năm sau...”.
Năm 1858 thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Triều đình nhà Nguyễn tổ chức phòng ngự khắp miền biển Trung Kỳ. Theo tài liệu của Đặng Huy Trứ: Sông Rào bấy giờ là sông Vạn Lịch, toàn tuyến từ Hoa Lư Ninh Bình qua Thanh Hóa đến giáp Nghệ An. Sông đã bị bồi lấp thời Hậu Lê. Lúc này công việc đào đắp khai thông lại quả là công việc có thể nói cũng khá nặng nề vì gần như phải đào mới toàn bộ dòng sông. Đặc biệt từ địa phận xã Quảng Vinh. Đặng Huy Trứ không theo lối cũ qua các xã Quảng Thọ, Quảng Phú phía sông Lễ ngày xưa, mà mở thẳng đến cửa Triều để nối tấn Hội Triều (cửa sông Mã) với tấn Hàn (cửa sông Ghép) và đều đặt đồn phòng thủ mặt biển. Từ đây con sông Rào dài 22km chạy qua các xã Quảng Tiến, Quảng Minh, Quảng Tường, Quảng Châu, Quảng Vinh, Quảng Hùng, Quảng Minh, Quảng Đại, Quảng Hải, Quảng Lưu, Quảng Lợi và Quảng Nham (Lạch Ghép).
Công trình đào lại sông cũ hoàn thành Đặng Huy Trứ đặt tên mới là sông Tuấn Giang và viết bài thơ:
Bắc tiếp Hoa Lư, Nam tiếp Hoan
Ái Châu cực cảng họa trung khan
Quân thân quốc chỉnh vô cùng lợi
Khai tạc thần lao bãi đạn nan
Vạn lịch tòng kim thông cố đạo
Thiên sưu chỉ nhật đáo Tràng An
Tuy nhiên tổng vị Thương sinh kế
Lai vãng hoàn đồng ức triệu hoan.
Dịch:
Bắc gối Hoa Lư, Nam giáp Nghệ
Bản đồ Châu Ái, cảng xưa trông
Biển khơi gồm tóm bao thần diệu
Đào, xử bầy tôi sá ngại ngùng
Đường cũ nay đã thông vạn lịch
Thuyền xa ngày trọn đến Thần trung
Thảy vì trăm họ mưu nguồn sống
Xuôi ngược vui chung triệu tấm lòng.
Và trên hai cửa sông này (Tấn Triều sông Mã và Tấn Hàn Lạch Ghép) tri huyện Đặng Huy Trứ cũng nhận lệnh xây dựng Đền Bảo công trình phòng vệ ven biển. Việc này nói rõ trong bài “Vãn tấn Hàn” của ông:
Tiêu cán Trần trung cấp bị biên
Hàn môn tuy tiểu diệc đồ tuyền
Bảng mi tà đối song sơn trĩ
Triều Bạng giao lưu nhất thủy liên
Thuyết lũy ký năng nhân địa hiểm
Thừa cơ chung khả tiễn dương thuyền
Tọa đàm tướng sĩ nha đa hậu
Thụ đắc binh thư đệ kỷ triên?
Dịch:
Lòng chúa ngày đêm lo giữ biên
Cửa Hàn tuy nhỏ cũng lo toan
Mảng, Mê sừng sững non hai ngọn
Triều Bạng giao lưu nước một miền
Dựng lũy đã hay nhờ đất hiểm
Thời cơ có thể đánh dương thuyền
Ngồi bàn tướng sĩ sao ngây mặt
Thử hỏi binh thư thuộc mấy thiên.
(Trong “Đặng Huy Trứ - Con người
và tác phẩm”, NXB thành phố Hồ Chí Minh)
Trên đất Thanh Hóa có một hệ thống sông ngòi chảy qua nhiều địa phương đều mang một tên chung: “Sông đào nhà Lê” hay “Sông nhà Lê”. Nhưng lịch sử nước ta có hai nhà Lê: Tiền Lê (980-1008), Hậu Lê (Thế kỷ XV - Thế kỷ XVIII), đều chú trọng đào sông khơi ngòi, nhằm phục vụ giao thông và thủy lợi đặc biệt là phục vụ cho công tác quân sự phòng thủ, chiến lũy chống giặc ngoại xâm. Trong thực tế lịch sử, nhiều “nhà”, nhiều “đời” cùng khơi đào, nạo vét, uốn nắn, mở rộng trên cùng một dòng sông như: Sông Cũ, sông Cổ Khê, sông Rào, sông Vạn Lịch, sông Tuấn Giang, sông Đơ là tên gọi qua các thời kỳ của một con sông được gọi tên chung là “Sông đào nhà Lê”.
Sau nhiều thập kỷ con sông Tuấn Giang không được nạo vét thường xuyên, lại bị quá trình canh tác và cát bồi từ biển vào làm cho sông bị lấp cắt khúc thành nhiều đoạn. Chỉ còn một đoạn kéo dài từ cánh đồng phía tây Sầm Sơn về phía nam gần như bị lấp cạn. Để làm thay nhiệm vụ sông Cũ, Tuấn Giang về mặt tiêu thủy. Phía bắc từ Quảng Lợi trở lên có cống Sông Đơ ở xã Quảng Vinh và phía nam từ xã Quảng Lợi trở vào có cống Ngọc Giáp với các sông Lý, sông Hoàng mới đào.
Như vậy cuộc đời một con sông đã kết thúc vĩnh viễn thay vào đó là con đường mới đại lộ “ven biển” đi gần khít trên mặt con sông đào xưa. Riêng cửa sông tại Lạch Hới sông Mã đã được xây cống gọi là cống sông Đơ gồm 5 cửa đồng thời mở dòng nối đoạn sông đào nhà Lê còn lại đi thẳng qua đường Quốc lộ 47 nối với cống Trường Lệ thành con sông Đơ từ cửa Tấn Hội Triều sông Mã đến cống Trường Lệ đổ ra biển dưới chân đền Cô Tiên. Con sông Đơ chính là hậu duệ của con “sông đào nhà Lê” mà tên “húy” của nó là: sông Cũ, Cổ Khê Đạo (tên gọi thời nhà Trần), sông Rào thời nhà Lê, sông Vạn Lịch, sông Tuấn Giang thời nhà Nguyễn.
Cuộc đời một con sông thật oai hùng đã từng dìm sâu vào cát đại quân Toa Đô, xâm lược Nguyên Mông lần thứ 2, suýt trở thành một “Chương Dương” của xứ Thanh, con sông nhỏ nhoi đã trằn lưng gánh vác bao cảnh bần hàn lưu lạc tụ về, tìm đến ngụ cư sinh cơ lập nghiệp nương tựa vào nhau cùng uống, cùng tắm, lặn ngụp trên dòng sông cạn mà quây tụ lập nên xóm, nên làng thành người dân binh canh giữ biển trời cho Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió, nơi chang chang cồn cát này. Dòng sông đã hoàn thành sứ mệnh của mình đã hóa thân thành một phần của Đại lộ “ven biển” hiện đại và đã để lại một hậu duệ sông Đơ lấp lánh giữa thành phố du lịch Sầm Sơn hiện đại, văn minh.
Tháng 11-2021
H.T.N
(*) Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII - Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm - NXB Quân đội nhân dân - Hà Nội, 2009, Tr.245.