Mấy nét về văn học thời kỳ khởi nghĩa Lam Sơn
Từ năm 1407 đến năm 1427 đất nước Đại Việt bước vào một khúc quanh đau thương - oanh liệt. Cơ đồ xây dựng trong mấy trăm năm cơ hồ bị nhà Minh đập phá hòng nhào luyện lại theo mô hình của chúng. Nhưng phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc sau kháng chiến thất bại của nhà Hồ đã bùng lên ngay lập tức, tiếp nối liên tục. Cuối cùng tập trung lại cao nhất, mạnh nhất trong Khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi tổ chức và lãnh đạo. Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc này đã thắng lợi hoàn toàn cùng sự ra đời của vương triều Hậu Lê (1428).
Với một hiện thực như vậy, văn học trung đại Việt Nam đã phát triển như thế nào?
Thứ nhất, từ giữa thế kỉ XIV đến đầu thế kỉ XV chế độ quý tộc thống trị nhà Trần đã bất lực, tuy nhiên tiếng nói chính thống trong văn học vẫn là nhân đạo và yêu nước. Đây là tấm lòng Nguyễn Phi Khanh (1355? - 1428) viết trong một bài thơ gửi nhạc phụ tể tướng Trần Nguyên Đán: “Ruộng nương ngàn dặm đỏ như thiêu/ Đồng nội tiếng than: chẳng thuận chiều/ Mặt đất non sông đương ngập lụt/ Lưng trời mưa móc vẫn đìu hiu/ Quan nha cạm bẫy nhiều vơ vét/ Dân chúng xương da nửa đã tiêu”. Còn đây là tinh thần Hồ Quý Ly (1336 - 1407?) khi trả lời người phương Bắc hỏi về phong tục nước ta: “An Nam muốn hỏi rõ/ Phong tục vốn thuần lương/ Lễ nhạc giống triều Hán/ Mũ áo như nhà Đường/ Dao vàng cá nhỏ vảy/ Bình ngọc rượu lừng hương/ Mỗi độ mùa xuân tới/ Mận đào nở chật vườn”. Nhưng khuynh hướng chung lại tiêu cực vì nó buông xuôi, lựa chọn phương pháp ứng xử xuất thế - vô vi: “Đống sách hóa ra tờ giấy vụn/ Bạc đầu luống những phụ dân đen” (Trần Nguyên Đán). Tiếng ngân cuối cùng của nền văn học này là tiếng thở dài đau đớn. Thơ Nguyễn Húc (1379 - 1469) chẳng hạn: “Quay xe trở lại dạ thương đau/ Giặc phá đồng hoang, nội cỏ rầu/ Binh lửa mười năm tàn sức sống/ Mơ màng ngàn dặm dạ thương châu”. Nguyễn Trãi (1380 - 1442) khi chưa tham gia trực tiếp Khởi nghĩa Lam Sơn cũng không thoát khỏi bối rối, thất vọng. Bài Gửi cậu Dịch Trai Trần Công là một ví dụ: “Sau cuộc binh lửa thân thích đã rơi rụng một nửa/ Trải muôn chết thân tàn ngẫu nhiên còn sống/ Việc cũ xưa đã thành giấc mộng Hòe quốc/ Nhớ xa nhau ai tả được mối tình Vị Dương…/ Muốn hỏi chỗ nhớ nhung sầu biệt (của tôi)/ Ấy là một phòng vắng gió mưa suốt ba canh”. Và hình ảnh cao đẹp cuối cùng là sự dồn nén tất cả tinh hoa, hào khí Đông A đầy bi kịch “Quốc thù chưa báo đầu đã bạc/ Mấy độ mài gươm dưới bóng trăng”(1) (Cảm hoài, Đặng Dung).
Thứ hai, từ năm 1416 trở đi đến hết năm 1428 là Văn học Khởi nghĩa Lam Sơn mang hào khí, ánh hào quang của cuộc khởi nghĩa và hình ảnh lớn lao của Anh hùng dân tộc Lê Lợi.
Bài viết này sẽ làm sáng tỏ thời kì văn học này.
Trên cái mặt bằng xã hội bị giặc Minh đốt sạch, vét sạch, giết sạch, văn học Việt Nam đã phải bắt đầu lại từ đầu. Tầng lớp trí thức hoặc còn băn khoăn, day dứt tìm đường, hoặc đã rút vào tháp ngà xuất - xử quen thuộc nên không thể là lực lượng chủ công xây dựng tư trào văn học mới. Lê Lợi và phong trào Lam Sơn do nhiệm vụ trọng tâm ban “thức ngủ chẳng quên”, “nghiền ngẫm những sách lược thao”, “xét suy mọi cơ hưng phế”, lo khởi nghĩa cũng chưa hề nghĩ đến sáng tác văn học. Vì thế lực lượng đầu tiên xây dựng văn học chỉ có thể là nhân dân lao động. Cho nên, ta mới thấy, thoạt kì thủy, đi cùng Khởi nghĩa Lam Sơn là văn học dân gian hùng mạnh, tập trung, gắn chặt với nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Trong đêm đen mịt mùng dưới ách đô hộ nhà Minh, ở đất Lam Sơn le lói ánh dương quang cũng phe phẩy làn gió mát lành là những câu chuyện dân gian, những bài ca dao, những câu sấm truyền. Gần như cả một miền thượng du Thanh Hóa bao gồm các huyện Thọ Xuân, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Thường Xuân, Quan Hóa, Bá Thước bấy giờ khởi nguồn một vùng văn học dân gian của các dân tộc Việt, Mường, Thái với một hệ thống truyện dân gian mờ ảo màn sương huyền thoại về Lê Lợi. Thể hiện mạnh mẽ niềm tin vào thắng lợi của dân tộc, niềm tin vào vị anh hùng xuất hiện để cứu dân, cứu đời này. Hệ thống truyện này tập trung vào 3 chủ đề. Chủ đề 1- Chứng minh, khẳng định tính chất cứu tinh, tính chất chân chúa của Lê Lợi. Như các chuyện về sự phát tích của dòng họ Lê, của Lê Lợi, chuyện Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn được Thánh Chèm báo mộng. Chủ đề 2, có thể xem như bổ đề của chủ đề 1. Đó là các câu chuyện mang tính chất khai sáng non sông đất nước, con người của vị anh hùng - thánh nhân. Đó là các chuyện về sự tích núi - sông - đồng ruộng, xóm làng và con người được Lê Lợi đặt tên, phát xuất từ Lê Lợi và Khởi nghĩa Lam Sơn. Như chuyện sự tích núi Dầu, núi Mục, sông Cầu Chày chó chạy đứt đuôi, cánh đồng Ao Voi, cánh đồng Mẫu Hậu, làng Nhân, làng Năng Cát, chòm Thiu, chòm Đỏ, thôn Đoán Quyết, chuyện Mai Trọng Nghĩa, v.v... Chủ đề 3 là chủ đề về những anh hùng hữu danh (Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Chích, Lê Văn Linh, Trần Soi...) và vô danh là đông đảo tầng lớp nhân dân thể hiện cái tinh thần mà sau này Bình Ngô đại cáo đã tổng kết “Dựng gậy làm cờ, dân chúng bốn phương tụ họp/ Hòa rượu cùng uống, binh sĩ một dạ cha con”.
Bắt đầu từ khi nghĩa quân Lam Sơn phát triển ra khỏi đất Thanh Hóa, nhất là khi bước vào thời kì tổng phản công, văn học dân gian ít dần. Ở một số vùng như Nghệ An hay ngoài Bắc vẫn còn một số tác phẩm văn học dân gian nhưng không thành hệ thống mạnh mẽ như trước nữa. Phải chăng nhân dân lao động sau khi dùng văn học dân gian để tôn tạo, dựng xây xong hình tượng người anh hùng cứu nước theo ước nguyện mà họ khao khát thì xem như đã hết nhiệm vụ? Dù sao chăng nữa chúng ta cũng có quyền cho rằng, văn học dân gian của Văn học Khởi nghĩa Lam Sơn đã là sự thể hiện lòng dân, thể hiện dư luận nhân dân Đại Việt. Nó không chỉ là văn học, nó còn là chỗ dựa tinh thần, một vũ khí tư tưởng góp phần nâng đỡ, nuôi dưỡng, góp công lớn lao vào sự thành công của Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa.
Thực ra văn học dân gian còn một chủ đề nữa, có tính chất hệ quả, phần lớn ra đời sau khi Khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi. Nhằm giữ gìn hình ảnh cao đẹp của Lê Lợi, lòng tự hào về cuộc khởi nghĩa. Đó là những câu chuyện giải thích nguồn gốc di tích gắn với Khởi nghĩa Lam Sơn và những câu chuyện được xây dựng chung quanh các thành hoàng có gốc tích là tướng lĩnh Lam Sơn. Tuy nhiên có thể nói rằng, mở đầu bằng huyền thoại trao gươm, kết thúc bằng huyền thoại trả gươm, văn học dân gian đã trở thành một bộ phận mang tính chỉnh thể cao, đảm nhận nhiệm vụ tuyên truyền chính trị lớn lao và đắc lực trong chỉnh thể Văn học Khởi nghĩa Lam Sơn. Nghiên cứu riêng biệt và kỹ càng hơn bộ phận văn học này chắc chắn sẽ cho phép chúng ta rút ra nhiều điều sâu sắc và mới mẻ về văn học dân gian Việt Nam nói chung.
Bên cạnh văn học dân gian, Văn học Khởi nghĩa Lam Sơn còn một bộ phận văn học viết quan yếu - chính thống mang tính chiến đấu mạnh mẽ, trực tiếp là văn học - chính trị, gồm văn binh vận - ngoại giao và văn tổng kết. Tác phẩm tiêu biểu là Văn thề Lũng Nhai, Văn thề Chí Linh, Văn thề Đông Quan; các thư từ gửi tướng lĩnh xâm lược tập hợp trong Quân trung từ mệnh và tập đại thành trong Bình Ngô đại cáo.
Mục đích, nhiệm vụ, đối tượng tiếp nhận ở loại văn học này được xác định hết sức rõ ràng, cụ thể. Chính luận là đặc điểm nổi lên hàng đầu, tinh thần đánh giặc, khẳng định thế chính nghĩa, thế tất thắng, thế quyết tâm chiến đấu, một lòng một dạ đoàn kết, giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước hòa bình, thống nhất, hòa hợp và hữu nghị dân tộc là nội dung bao quát, trọng tâm.
Về mặt hình tượng, bộ phận này đã xây dựng được một hệ thống hình tượng khái quát bao gồm Lê Lợi - Tướng sĩ - Dân tộc và Đất nước Đại Việt. Cũng qua đây, hình ảnh kẻ thù với những tên tuổi, những bộ mặt cụ thể, ta có thể nhìn sâu vào bên trong (qua thư từ ngoại giao - địch vận) hoặc thấy những đường nét cơ bản được phác họa sinh động (qua Bình Ngô đại cáo). Hai loại hình tượng song hành này sẽ cho ta một bức tranh sinh động về lịch sử xã hội nói chung, về phong trào giải phóng dân tộc Lam Sơn nói riêng, đồng thời cũng cho một số ghi nhận về bộ mặt tinh thần Đại Việt bấy giờ. Ngoài những đặc điểm chung về mặt tư tưởng - nghệ thuật như vậy, mỗi một thể loại trong bộ phận văn học - chính trị này đều có những nét khác nhau.
Văn hội thề khẳng định ý chí chiến đấu và tính cam kết như nhất xuất hiện theo các nhu cầu tất yếu của cuộc khởi nghĩa ở các thời điểm then chốt. Hình tượng khối Lam Sơn ở 2 văn bản đầu tách làm hai: một là Lê Lợi, hai là tướng lĩnh Lam Sơn. Sự tách đôi hình tượng để xuyên thấu hơn nữa vào nhau chính là sự thể hiện bước tiến mới của hình thái khởi nghĩa. Tính mục đích được mở rộng “làm cho thiên hạ được an toàn”, “điếu dân phạt tội”, “giữ lấy muôn dân khỏi khốn cực”. Tính chính thống của Lê Lợi được thừa nhận “... Đức vua ứng lệnh trời, được thần kiếm bảo ấn... dẹp giặc Ngô cho yên thiên hạ”. Văn thề Đông Quan là một văn bản ngoại giao, có tính chất như một hiệp định đình chiến làm vào lúc công cuộc giải phóng dân tộc đã thu được thắng lợi, cuối cùng giặc ngoại xâm phải “giải giáp xin hàng”. Ngoại trừ tính chất tế nhị của công tác đối ngoại, văn bản này chính là một hàng ước của Vương Thông và bộ chỉ huy quân xâm lược ký với sự chứng kiến của Lê Lợi và đại diện nghĩa quân Lam Sơn. Từ việc xây dựng văn bản đến tổ chức lễ thề, nội dung lời thề đều thể hiện vai trò chủ động, chủ đạo của ta, sự bị động, thụ động của giặc. Ở đây, tính điều luật là đặc điểm chủ yếu. Văn hội thề trung đại thực ra còn một hình tượng thứ ba là thần linh, núi sông, trời đất Đại Việt mà hiểu một cách hiện thực thì đây chính là chủ quyền quốc gia, truyền thống văn hiến - độc lập dân tộc.
Tóm lại hội thề là một hình thức vốn đã tồn tại trong đời sống chính trị xã hội Đại Việt. Gắn chặt với việc thề là các lễ nghi tôn giáo nguyên thủy. Như lễ thề ở miếu Đồng Cổ thời Lý. Sự bất lực của Phật giáo ở lĩnh vực này nên phải tìm đến chỗ dựa Đạo giáo. Hội thề - văn thề trong thời kỳ Khởi nghĩa Lam Sơn thì khác, mục đích chính trị của nó rất rõ. Tính chất tôn giáo chỉ là hình thức bề ngoài. Đây chính là phương pháp “bình cũ rượu mới”.
Văn địch vận và văn ngoại giao là loại văn đánh địch trực tiếp. Tính chất chính luận, luận chiến, vận động, thuyết phục nổi bật. Trong loại văn này hai hình tượng Lê Lợi - Nghĩa quân Lam Sơn và tướng giặc bao giờ cũng ở bình diện thứ nhất. Những luận đề, luận điểm, luận cứ và phương pháp luận chứng được kết cấu theo hình thức của chứng minh - khẳng định hoặc chứng minh bác bỏ. Trong suốt mười năm kháng chiến, bên cạnh mặt trận quân sự, hệ thống văn địch vận, ngoại giao làm thành mặt trận thứ hai hỗ trợ, không kém phần quan trọng. Đó là mặt trận tư tưởng chính trị. Theo nội dung của thể loại văn này, chúng ta có thể thấy được bộ mặt và diễn biến cuộc chiến đấu của nghĩa quân Lam Sơn, của dân tộc ta chống xâm lược Minh. Văn chương của loại văn này là Hình tượng - xu thế được tạo dựng bằng các luận điểm sắc bén, chân thực. Trong chi tiết có các điển tích, điển cổ, các sự thực khách quan của chiến cuộc.
Qua văn địch vận - ngoại giao bản chất, phẩm chất trí tuệ - đạo đức Đại Việt được phản ánh hết sức sáng rõ. Đó là ý thức độc lập, tự cường; ý chí quyết tâm giải phóng dân tộc, thế đứng chính nghĩa, tinh thần nhân đạo, ước nguyện chung sống hòa bình trên cơ sở tôn trọng chủ quyền quốc gia. Đấy cũng chính là cơ sở tư tưởng của loại văn này. Cơ sở thực tiễn của nó là xu thế chiến thắng của nghĩa quân trên chiến trường. Học thuyết Nho giáo - luận điểm, điền chương mẫu mực của học thuyết này chỉ mang tính chất hỗ trợ, vận dụng linh hoạt, dùng địch đánh địch mà thôi, cũng như tính chất nghi thức của loại văn này vậy.
Thể hiện như một tập đại thành của văn học - chính trị trong Văn học Khởi nghĩa Lam Sơn là Bình Ngô đại cáo - một “thiên cổ hùng văn” như mấy trăm năm trước đây đã thừa nhận. Bình Ngô đại cáo chặt chẽ, sâu sắc về mặt chính luận; hoàn hảo về mặt câu chữ; giàu tính hình tượng và có những hình tượng hết sức hào hùng, xúc động, chân xác; điêu luyện về mặt văn phong, để phản ánh một cách chân thật, sinh động dân tộc Việt Nam trong một chặng lịch sử đau thương - oanh liệt. Loại văn Hội thề còn phải dựa vào “thần linh chứng giám”, văn địch vận - ngoại giao còn phải “giữ gìn, ý tứ” vì yêu cầu chiến thuật. Bình Ngô đại cáo là một bản tuyên ngôn của cả một dân tộc đã chiến đấu và chiến thắng ở thời điểm đất nước hoàn toàn sạch bóng quân thù, bước vào một kỷ nguyên mới: “Xã tắc từ đây vững bền/ Giang sơn từ đây đổi mới/ Kiền khôn bĩ mà lại thái/ Nhật nguyệt hối mà lại minh/ Muôn thuở nền thái bình vững chắc/ Nghìn thu vết nhục nhã sạch làu” (Theo bản dịch của Bùi Văn Nguyên). Hình tượng bao trùm bài cáo chính là hình tượng dân tộc Đại Việt - đất nước Đại Việt với tầm vóc sừng sững, khí thế hào hùng, tinh thần sảng khoái cao độ.
Với Bình Ngô đại cáo được công bố vào đầu năm 1428 Văn học Khởi nghĩa Lam Sơn đã khép lại. Điều đáng tiếc là ngoài bộ phận văn học dân gian và văn học chính trị, Văn học Khởi nghĩa Lam Sơn cho đến nay vẫn chưa tìm thấy văn chương trữ tình cá nhân.
Nhưng Văn học Lam Sơn thì vẫn nối dài đến hết kỷ nguyên Lê Thánh Tông mang tên Hào quang Lam Sơn.
L.Đ.H
(1) Các văn bản trích dẫn đều bằng chữ Hán. Chúng tôi chỉ dẫn phần chữ Việt.
(2) Tài liệu tham khảo chính:
- Thơ Văn Lý Trần, tập III, Nxb Khoa học Xã hội, H. 1977.
- Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb Khoa học Xã hội, H. 1976.
- Truyện cổ dân gian Thanh Hóa, song ngữ Việt - Lào, Nxb Thanh Hóa 2018.