Nghè Thọ Đồn lưu giữ văn bản sắc phong có giá trị
Nằm cách trung tâm huyện Vĩnh Lộc khoảng 6 km về phía tây bắc, xã Vĩnh Yên xưa thuộc động An Tôn, miền quê được hình thành từ nền văn minh lúa nước, nơi đây có bề dày truyền thống và lịch sử, liên quan đến việc nhà Trần rời kinh đô từ Thăng Long về An Tôn, triều Hồ được thành lập năm 1400. Trải qua quá trình đấu tranh, xây dựng và phát triển đã vun đắp nên vùng kẻ Don, Thọ Đồn bởi những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc. Với hệ thống quần thể di tích phong phú, nằm rải rác ở tất cả các thôn trên địa bàn xã như đình làng: Yên Tôn Hạ, Phù Lưu, Yên Tôn Thượng, Mỹ Xuyên và đặc biệt là nghè Thọ Đồn (nghè Đồn) còn lưu giữ sắc phong của các triều vua ban tặng.
Nghè Đồn thuộc làng Thọ Đồn, xưa kia là Thọ Sơn trang, thuộc xã Thổ Sơn, huyện Vĩnh Lộc. Nghè Đồn tọa lạc trên đỉnh núi Ngưu Ngọa. Đến đây du khách được thả hồn cùng với cảnh vật hữu tình, có rừng cổ thụ thảo mộc quanh năm xanh mát tạo thêm cho nghè sự linh thiêng, huyền bí. Nhìn từ trên cao, phía đông là thành Tây Đô xưa, đan xen là các thôn trong vùng với những đồng ruộng xanh tốt, phía tây là dòng sông Mã uốn lượn như ôm lấy mảnh đất nơi đây, bãi bồi dọc sông, đất phù sa mầu mỡ đã tạo nên một thương hiệu dưa Don nổi tiếng.
Cũng như nhiều danh sơn cổ tự trong tỉnh Thanh Hóa, nghè Đồn được hình thành có truyền thuyết giai thoại gắn với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi. Truyền thuyết kể lại rằng nghĩa quân Lam Sơn, trong những năm đầu gặp muôn vàn khó khăn, luôn bị giặc Minh bao vây, truy lùng chủ tướng. Một lần, Lê Lợi (Bình Định Vương) rời căn cứ, cải trang đi quan sát tình hình ở thành Tây Đô lúc này đang bị quân Minh chiếm đóng. Khi qua Thọ Sơn Trang, Lê Lợi cùng tùy tùng lên đỉnh núi Ngưu Ngọa, trông thấy cảnh núi non huyền bí, lại có giếng tự nhiên nước trong vắt, sâu không thấy đáy, Lê Lợi cho lập bàn thờ cỏ để hành lễ khấn xin đức Long Vương phù hộ cho nghĩa quân đánh thắng giặc Minh. Kể từ đó nghĩa quân lớn mạnh không ngừng, tiến vào Nghệ An, đánh đâu thắng đấy. Cuối năm Đinh Mùi, đầu năm Mậu Thân 1428, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng. Lê Lợi lên làm vua củng cố triều chính. Nhớ tới công ơn Thủy thần, nhà vua lệnh cho dân trong vùng lập ngôi nghè để thờ đức Thủy thần hộ Quốc cứu dân và ban danh hiệu cho thần là “Long Vương Uyên Tịnh Cao Sơn Trấn Quốc”.
Theo truyền ngôn, ban đầu nghè có 3 gian chỉ làm bằng gỗ lợp lá, trải qua các triều đại nhiều lần trùng tu, tôn tạo, lần gần đây nhất là năm Quý Mùi 1943. Hiện nay nghè có 5 gian, chiều dài 13,6m, chiều rộng 8m, cửa bức bàn, cột nhà bằng gỗ, riêng dãy cột ngoài hiên bằng đá được đục đẽo vuông vức, xà và bẩy kẻ chạm trổ tinh xảo. Hậu cung hai gian bày hương án, long ngai bài vị, thờ Long Vương tôn thần và các vị thần được phối thờ là thành hoàng của làng, nghè có kiệu và binh khí, đồ tế tự. Nghè Đồn được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 1993.
Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, nghè Đồn luôn song hành và phù hộ cho các triều đại phong kiến Việt Nam. Từ thời Lê Lợi xưng vương cho đến triều đại nhà Nguyễn, đều ban sắc phong mỹ tự cho thần, giao cho dân trong vùng có trách nhiệm bốn mùa cúng tế. Đại lễ vào mùa xuân có nghi thức rước kiệu, thần vị, sắc phong từ nghè về đình, dân làng tổ chức lễ hội theo phong tục, có rước nước mộc dục. Đội tế gồm chủ tế, bồi tế, chấp sự, đồng văn, chúc văn tán dương công đức của thần, có công hộ quốc cứu dân, cầu mong thần gia ân phù hộ cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt. Phần hội có múa hát chầu văn, các trò chơi truyền thống dân gian như kéo co trên bãi cát, bịt mắt bắt vịt, cờ tướng, thi cỗ giữa các họ... Nghè Đồn nổi tiếng linh thiêng, nên không chỉ được nhân dân trong vùng đến dâng hương lễ bái, mà còn được du khách thập phương biết đến, đặc biệt là những ngày sóc vọng nhân dân xa gần đến tạ ơn cầu an, cầu phúc lộc, với một tấm lòng thành kính.
Nghè Đồn hiện nay còn lưu giữ được một đạo sắc phong và một cuốn sách Hán Nôm cổ, chép lại nội dung của 11 đạo sắc phong khác, với ấn “Sắc mệnh chi bảo”, có nghĩa là đồ báu do vua ban sắc xuống. Qua nghiên cứu mỹ tự của các sắc phong triều Lê, Viện nghiên cứu Hán Nôm cho biết Long Vương tôn thần được thờ ở nghè Đồn, đã được triều đình 30 lần ban cấp sắc phong. Một nguyên bản sắc phong của triều Lê còn lưu giữ được đến ngày nay là đạo sắc đề ngày 24/7 niên hiệu Cảnh Hưng năm đầu 1740. Hiện trạng văn bản đạo sắc phong này còn rất tốt, sắc giấy còn tươi, nhũ trang kim chưa bị bạc, nếu soi ánh sáng vào thì vẫn thấy phản quang. Các dòng chữ Hán trong văn bản vẫn giữ được nguyên không mờ, mặc dù đã trải qua gần 300 năm, toàn văn đạo sắc phong:
敕 龍王淵靖,高山鎮國,扶運,剛毅,雄略,顯應,匡國扶祚,惇信,明義,德寬仁,正直,聰断果决,威勇,助勝,衍福,豐功,默相,闡靈孚感,大王.
陰陽合德,海岳鍾靈,實不揜夫,囿民生於和衍,德其盛矣,奠國脉於泰磐,允芙詒爾之徵,蓋舉遍于之典,為嗣王進封王位,臨正府,尊扶宗社鞏固 鴻圖,禮有登秩.
應加封可加封,龍王淵靖,高山鎮國,扶運剛毅,雄略,顯應匡國,扶祚惇信,明義,威德寬仁正直,聰断果决,威勇助勝,衍福,豐功, 默相,闡靈孚, 錫嘏 大王.
故敕.
景興元年七月二十四日
Phiên âm:
Sắc Long Vương Uyên Tịnh, Cao Sơn Trấn Quốc, Phù vận, Cương nghị, Hùng Lược, Hiển Ứng, Khuông Quốc, Phù Tộ, Đôn Tín, Minh Nghĩa, Uy Đức, Khoan Nhân, Chính Trực, Thông Đoán, Quả Quyết, Uy Dũng, Trợ Thắng, Diễn Phúc, Phong Công, Mặc Tướng, Xiển Linh, Phu Cảm Đại Vương.
Âm dương hợp đức, hải nhạc chung linh, thực bất ấp phù, Hựu dân sinh ư hỏa diễn, đức kỳ thịnh hỹ, điện quốc mạch ư Thái bàn. Doãn phù di nhĩ chi trưng, cái cử biến vu chi điển. Vi tự vương tiến phong vương vị, lâm cư chính phủ, tôn phù tông xã, củng cố hồng đồ, lễ hữu đăng trật.
Ứng gia phong khả gia phong, Long Vương Uyên Tịnh, Cao Sơn Trấn Quốc, Phù vận, Cương nghị, Hùng Lược, Hiển Ứng, Khuông Quốc, Phù Tộ, Đôn Tín, Minh Nghĩa, Uy Đức, Khoan Nhân, Chính Trực, Thông Đoán, Quả Quyết, Uy Dũng, Trợ Thắng, Diễn Phúc, Phong Công, Mặc Tướng, Xiển Linh, Phu Cảm, Tích Hỗ Đại Vương.
Cố Sắc!
Cảnh Hưng nguyên niên thất nguyệt nhị thập tứ nhật.
Dịch nghĩa:
Sắc cho Long Vương Uyên Tịnh, Cao Sơn Trấn Quốc, Phù vận, Cương nghị, Hùng Lược, Hiển Ứng, Khuông Quốc, Phù Tộ, Đôn Tín, Minh Nghĩa, Uy Đức, Khoan Nhân, Chính Trực, Thông Đoán, Quả Quyết, Uy Dũng, Trợ Thắng, Diễn Phúc, Phong Công, Mặc Tướng, Xiển Linh, Phu Cảm Đại Vương.
Âm dương hợp đức, sông núi linh thiêng, thực chẳng thể lường, khiến dân sinh hòa mục, khiến đạo đức mở mang đẹp đẽ, dựng vận nước vững như Thái Sơn Bàn Thạch. Tỏ rõ việc huấn dạy đời sau. Nêu cao điển chương cũ, vì Tự Vương (vua nối ngôi), tiến phong ngôi báu, ngồi nơi chính phủ, tôn phù xã tắc củng cố hồng đồ. Có lễ đăng lên hạng.
Đáng gia phong là Long Vương Uyên Tịnh, Cao Sơn Trấn Quốc, Phù vận, Cương nghị, Hùng Lược, Hiển Ứng, Khuông Quốc, Phù Tộ, Đôn Tín, Minh Nghĩa, Uy Đức, Khoan Nhân, Chính Trực, Thông Đoán, Quả Quyết, Uy Dũng, Trợ Thắng, Diễn Phúc, Phong Công, Mặc Tướng, Xiển Linh, Phu Cảm, Tích Hỗ Đại Vương.
Cho nên ban Sắc này.
Ngày 24 tháng 7 năm Cảnh Hưng thứ nhất (1740).
Di tích lịch sử - văn hóa nghè Đồn là minh chứng của niềm tin và là điểm tựa của người dân trong làng. Bản sắc phong duy nhất còn lại và cuốn sách Hán Nôm cổ sao lưu các bản sắc phong khác, rất có giá trị về mặt nghệ thuật và lịch sử. Đó là vật báu của làng được truyền từ đời này qua đời khác, vật thiêng được để trong hậu cung, vì đã được bao đời hương khói, bao nhiêu người khấn nguyện và gia trì, vì vậy cần phải được bảo tồn, theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Hiện tại do việc xây dựng nghè Đồn đã quá lâu, lần trùng tu gần đây nhất là triều vua Bảo Đại, và dưới sự tác động của thiên nhiên và lịch sử, nghè Đồn đang bị xuống cấp trầm trọng. Mong rằng các cơ quan có trách nhiệm quan tâm, khảo sát, có kế hoạch trùng tu tôn tạo, để giữ lại một điểm di tích lịch sử - văn hóa cho muôn đời sau.
N.H.M
Tài liệu tham khảo:
1, Sắc phong và văn bản Hán Nôm.
2, Lịch sử xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc.
3, Bản nghiên cứu của Viện nghiên cứu Hán Nôm 2009.