Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   Di sản miền đất “Quý Hương” gìn giữ cho muôn đời sau
Di sản miền đất “Quý Hương” gìn giữ cho muôn đời sau

“Quý Hương” (貴鄉) nghĩa là “làng quê của ngài”(*), một cách tôn xưng đất phát tích của bậc vua chúa. Gia Long Nguyễn Thế Tổ đã biến tôn xưng thành danh hiệu vinh phong cho mảnh đất nguồn cội Gia Miêu Ngoại Trang, nơi đã phát tích nên nhà chúa và vương triều Nguyễn ngay khi ngài lên ngôi (năm Gia Long thứ nhất, 1802). 
Tuy nhiên, miền “Quý Hương” mà bài viết đang nói tới là không gian rộng hơn, không gian “Quý huyện” Tống Sơn xưa và là Hà Trung bây giờ. Tống Sơn là vùng đất cổ, nơi tiếp nối với trung du, miền núi và vùng cửa biển Thần Phù xưa. Dãy Tam Điệp hùng vĩ như con rồng khổng lồ chạy từ tây sang đông trấn giữ mặt bắc, phía tây kết nối với những thảm rừng trùng điệp trải dài hàng trăm cây số, mặt đông hướng ra biển (Hà Trung hiện nay không giáp biển nhưng cách đây khoảng trên dưới một nghìn năm, sóng biển Thần Phù còn vỗ vào các làng xã phía đông như Hà Vinh, Hà Thanh, Hà Châu, Hà Toại), mặt nam kết nối với dải đồng bằng ven biển miền Trung. Vùng đất còn là cầu nối đường thượng đạo với hạ đạo, với vị trí này, Tống Sơn là không gian “mở”, nơi có thể tiếp nhận mọi nguồn thông tin và những giá trị văn hóa từ bắc xuống nam, từ đông sang tây và ngược lại. Không phải ngẫu nhiên, nhìn lại những di tích, di sản trên đất quý huyện Hà Trung ngày nay, người ta nhận ra vị trí đặc biệt này: Thái sư Lý Thường Kiệt sau khi phá Tống, Bình Chiêm giữ yên bờ cõi đã xin vào làm tổng trấn Thanh Hoa suốt 19 năm (1082-1101) và giữ cho nơi đây vững như bàn thạch. Lý Thường Kiệt đã chọn Tống Sơn làm thái ấp và gọi là đất “thọ thân”, vì vậy, khi ông mất (ở Thăng Long), dân Tống Sơn đã dựng đền thờ ông ở núi Ngưỡng Sơn, nay thuộc địa phận xã Hà Ngọc. Đền thờ Lý Thường Kiệt là ngôi đền cổ nhất ở xứ Thanh, vẫn giữ được quy mô khang trang, trang trí tinh xảo. Đây được coi là đền chính thờ Thái sư Lý Thường Kiệt vì duy nhất nơi đây giữ ấn tín của Thái sư đến tận bây giờ. Theo tục, người dân Tống Sơn vẫn đến dự hội khai ấn tại đền thờ ông vào 25 tháng giêng hàng năm. 
Trong kháng chiến chống Nguyên Mông, địa cứ Tống Sơn cận sơn, cận thủy, cận giang được vua tôi nhà Trần chọn làm an toàn khu để thực hiện kế sách “dĩ dật đãi lao” (lấy gần chờ xa, lấy khỏe chờ mệt, lấy no chờ đói) chờ thời cơ quật lại đội quân vừa đông vừa hung hãn. Đất Thổ Khối thuộc trang Phú Dương, nay thuộc xã Yên Dương, nơi hợp lưu của ba con sông: Tống Giang, Hoạt Giang và Lũng Khê đã được chọn làm tổng hành dinh của cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Khi Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương mất, người dân Thổ Khối đã dựng đền thờ ngài trên chính thân đất trước đây vua Trần Nhân Tông, Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông cùng thân tộc đã ngự giá lánh nạn. Cũng thật lạ, cũng chỉ duy nhất đền thờ này còn giữ ấn tín của Đức Thánh Trần. Vào đêm 14 tháng giêng hàng năm, lễ khai ấn đền Trần vẫn được duy trì trong đền Thổ Khối, không gian Tống Sơn - Hà Trung. 
Thời Hậu Lê, Tống Sơn là đất “công thần - ngoại thích”. Lê Thái Tổ khi lên ngôi đã ban chiếu tuyên khen dòng họ hào trưởng Nguyễn Công Duẩn người Gia Miêu Ngoại Trang “đời đời trung trinh”: “Trẫm nhớ thuở xưa tổ tiên nhà ngươi thờ nhà triều Đinh, Lý, Trần, Lê đều hết lòng” (Gia phả họ Nguyễn trước Gia Long). Trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn chép: “Lúc này họ Nguyễn có hơn 200 người làm quan trong triều”. Cháu gái hào trưởng Nguyễn Công Duẩn (Nguyễn Thị Ngọc Hằng) là quý phi của vua Lê Thánh Tông. Từ nền tảng này, thế lực họ Nguyễn ở Gia Miêu đất Tống Sơn ngày càng hùng mạnh, Nguyễn Kim đã phất ngọn cờ “Phù Lê diệt Mạc” để trung hưng nhà Lê. Từ đây, Gia Miêu Ngoại Trang và đất Tống Sơn đi vào lịch sử dân tộc với địa chỉ là nơi phát tích 9 chúa, 13 vua nhà Nguyễn (trừ 24 năm triều Tây Sơn), các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn đã quản trị đất nước tới ngót bốn thế kỷ (từ giữa thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XX). Lăng Trường Nguyên, nơi vua Gia Long cho xây dựng năm 1803 để ghi nhớ công ơn Triệu Tổ Nguyễn Kim và lần đầu tiên có chiếu vinh phong “Quý Hương” cho vùng đất nguồn cội. Các vua Nguyễn đời sau tôn tạo Lăng Trường Nguyên thành Thành Trường Nguyên và được ví như kinh thành Huế thu nhỏ. Một giai đoạn với quan niệm ấu trĩ về “phản phong”, Lăng Trường Nguyên đã bị san phẳng một cách đáng tiếc. Tuy nhiên, gần đây, với quan điểm lịch sử biện chứng, vai trò, vị trí của vương triều Nguyễn trong lịch sử dân tộc đã và đang được đánh giá khách quan và khoa học. Sau khi được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, nhiều năm trở lại đây, Khu di tích Lăng Miếu Triệu Tường đã được đầu tư bảo tồn, tôn tạo. Công trình này hoàn thành, trên mảnh đất Thanh Hóa sẽ tự hào có hai vùng không gian đặc biệt là Thành điện Lam Kinh và Lăng Trường Nguyên là những di tích lịch sử - văn hóa gắn với hai triều đại có thời gian trị vì lâu dài nhất trong lịch sử dân tộc. 
Không chỉ sở hữu kho báu lịch sử - văn hóa, không gian “Quý Hương” còn ghi danh với kho tàng văn hóa kiến trúc độc đáo: đình, đền, chùa! “Đình huyện Tống, trống huyện Nga”, dân gian đã đúc kết sản phẩm độc nhất vô nhị trên đất Thanh Hóa. “Trống huyện Nga” từ lâu đã thất truyền nhưng “Đình huyện Tống” thì vẫn bền bỉ trường tồn. Hà Trung hiện còn tới 28 ngôi đình cổ hàng trăm năm tuổi: đình Gia Miêu, đình Thượng Phú, đình Trung, đình Động Bồng, đình Quan Chiêm, đình Cơm Thi, đình Đô Mỹ, v.v… Đình huyện Tống nổi tiếng vì kiến trúc vừa rộng rãi, to lớn vừa phong phú, đặc sắc về trang trí mỹ thuật. Liệu có mối liên hệ nào giữa anh thợ mộc tài hoa trong bài ca dao “Anh là thợ mộc Thanh Hoa” với những người thợ - nghệ sỹ đã dựng nên những ngôi đình huyện Tống đặc sắc kia không? Đình là nơi sinh hoạt cộng đồng, việc đầu tư ngôi đình khang trang, rộng rãi đủ chỗ cho mọi người có thể cùng tập trung lắng nghe và bàn bạc chuyện liên quan đến làng xã cho thấy dấu ấn của tinh thần dân chủ và đoàn kết của người dân vùng đất này. Sức mạnh và trí tuệ cộng đồng sẽ được khai thác và phát huy ở những môi trường có sự kết nối rộng rãi, phải chăng, đó là nguyên nhân khiến cho mảnh đất không thực sự có thế mạnh về sự ưu đãi của thiên nhiên lại trở thành nơi rèn luyện nên con người có chí lớn, có nghị lực và thủy chung. Khi Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng xin vào trấn nhậm đất Thuận Quảng xa xôi, hàng ngàn dân binh Tống Sơn đi theo cùng thủ lĩnh của mình mở mang lập nghiệp nơi đất mới. Sau khi lên ngôi, gần như cùng lúc, Gia Long Nguyễn Thế Tổ đã trở về quê hương bái yết lăng Triệu Tổ, lễ tạ quê hương. Cũng lý giải tại sao, phong tục của Gia Miêu Ngoại Trang vào đầu năm mới, các suất đinh của làng dù đi đâu về đâu phải về tế thành hoàng làng, ai không thực hiện sẽ bị làng phạt. Chả thế mà vua Gia Long có lần bận không về, làng đã cử một đoàn các bô lão khăn gói vào tận kinh thành Huế hạch tội. Ngay sau đó nhà vua đã phải cử một quan đại thần cùng tùy tùng về quê tạ lỗi trước liệt tổ liệt tông.     
Qua năm tháng mới tỏ bày bản lĩnh của đất danh hương, mảnh đất ấy qua những năm tháng gian truân vẫn nhẫn nại gìn giữ danh thơm hào kiệt, gìn giữ nét văn hóa đã từng tạo nên vang danh một thuở.  
Miền đất giờ đây đang mang một diện mạo mới, công cuộc xây dựng nông thôn mới đã tạo nên sự khang trang cho vùng đất giàu nghị lực. Người Hà Trung đã biến chính hạn chế, khó khăn của vùng chiêm trũng, thuần nông để làm ra những đặc sản nông nghiệp danh tiếng: nếp cái hoa vàng, ốc nhồi, mắm tép… Việc đưa những sản phẩm OCOP vào đồng đất Hà Trung cũng đang là hướng mở tiềm năng tạo nên sức bật cho vùng đất này: nhân giống thành công giống bưởi da xanh đắt giá của Nam Bộ và hiện đã có sản phẩm ra thị trường; những giống lúa ngon nổi tiếng cũng đã hiện diện: Đài Thơm, Bắc Thơm, Hana… Và quan trọng hơn hết, khi văn hóa được coi là nền tảng soi đường cho dân tộc vững bước trên hành trình hội nhập thì kho tàng lịch sử vô giá trên đất Quý Hương mãi là địa chỉ đỏ trong những cuộc hành hương tri ân tiền liệt.  
                                    

H.D.T


(*) Theo Từ điển Hán Nôm của Nguyễn Quốc Hùng.  
 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 138
 Hôm nay: 4947
 Tổng số truy cập: 7459178
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa