Chợ Bái Đô (hay còn gọi là chợ Đô) thuộc xã Bái Đô, huyện Tống Sơn xưa (nay thuộc làng Đô Mỹ, xã Hà Tân, huyện Hà Trung). Đây cũng thuộc loại chợ lớn nổi tiếng ở vùng bán sơn địa của huyện Tống Sơn đã được sách Đại Nam nhất thống chí điểm tên cụ thể. Qua sự tìm hiểu các bậc cao niên địa phương, được biết chợ có từ thời cuối Lê, đầu Nguyễn. Lúc thuở ban đầu, chợ đóng ở làng Tâm Quy, đến đầu thời Nguyễn mới rời về xã Bái Đô (tức làng Đô Mỹ nay) nên từ đó mới có tên là chợ Bái Đô (hay chợ Đô).
Chợ được họp ở một địa điểm cao ráo, rộng rãi ở phía trước sân đình làng Đô Mỹ(*), sát gần với bến đò Đô bên hữu ngạn sông Hoạt - một con sông bắt nguồn từ vùng núi cao Thạch Thành để hòa nhập cùng sông Tống tại một địa điểm của xã Hà Dương để đổ về ngã tư Thanh Đớn rồi về Chính Đại (Nga Sơn) ra Ninh Bình… Do ở cận sông, nên việc vận chuyển và mua bán hàng hóa ở chợ Đô diễn ra rất thuận lợi. Trên bến sông xưa, thuyền bè từ vùng miền núi Thạch Thành đến vùng ven biển Hậu Lộc, Nga Sơn và các nơi gần xa khác trong, ngoài huyện, v.v… đến chợ Đô giao lưu bán, mua hàng hóa rất nhộn nhịp. Hàng lâm sản (như gỗ, luồng, nứa, mây, v.v…) của vùng núi Thạch Thành thường tập kết ở đây rồi từ đây thương lái chuyên nghề buôn hàng lâm sản lại vận chuyển đi bán ở nhiều vùng quê khác.
Tiếng là chợ quê ở vùng đất chiêm trũng và bán sơn địa, nhưng lại cận sông, nên chợ Đô vẫn đông người và có rất nhiều hàng hóa đặc trưng, nhất là các loại hàng nông - lâm - thuỷ sản từ nhiều nơi dồn tới.
Ở khu vực chợ, từ trước sân đình đến bến đò sông Hoạt của làng Đô Mỹ, chỗ bày bán luồng, gỗ, củi, nứa, song, mây,… chỗ bán vải, chỗ bán bông, quang giắng, chỗ bán thóc, gạo, sắn, ngô, chỗ bán lợn, gà, ngan, vịt, chỗ bán mắm muối, cá khô. Chỗ bán hàng xén, nón mè, cho đến chỗ lò rèn, hàng ăn, thầy bói hành nghề, v.v… chỗ nào cũng kín người qua lại. Riêng hàng thủy sản như cá, tép, cua, ốc, rồi mắm tôm, mắm tép đến các loại giắng giọ của làng Đô vẫn là loại hàng hóa đặc trưng phong phú mà thương lái rất muốn đến thu mua để mang đến các vùng quê khác bán kiếm lời.
Với sự phong phú của các mặt hàng nông - lâm - thuỷ sản mà chợ Đô được xem như là một chợ đầu mối để thu hút người gần, người xa đến mua bán rất đông. Sự mua bán nhộn nhịp ở chợ Đô đã được văn học dân gian địa phương phản ánh một cách rất sinh động:
… Đất Bái Đô dưới thuyền trên chợ
Cứ năm ngày lại có một phiên
Chợ này dưới biển cũng lên
Trên rừng cũng xuống, bốn bên đều vào
Động tiếng người lao xao mua bán
Chợ Đô đây hàng quán thiếu chi…
Hoặc:
Hoạt Giang thuận tiện lắm thay
Thuyền to ngược nước về đây (tức về chợ Đô) nhận hàng.
Chỉ riêng đặc sản ốc lồi mà người làng Đô đánh bắt được trên đồng chiêm trũng để bán ở chợ cho người nơi khác đến mua cũng được thơ ca xưa ghi nhận rõ ràng:
… Ốc Bái Đô chuyển hết gần xa…
Hay:
Bái Đô đắt ốc lòng ta vui vầy…
Cũng nhờ có ốc, hay cá, tép bắt được ở đồng sâu để bán ở chợ mà người làng Đô mới có thêm điều kiện thuận lợi để “làm nhà, sắm sửa, tậu trâu mọi bề”, v.v…
Ngoài việc tự hào về việc đánh bắt và bán các loại thuỷ sản cho khách gần, xa, người làng Đô còn rất tự hào về nghề làm giọ giắng - một mặt hàng mà phần lớn các nông dân trong huyện, ngoài huyện đến với chợ Đô cũng không bao giờ quên mua về để sử dụng. Sau đây là những lời ngợi ca của người địa phương về cái nghề này:
Đất Bái Đô có nghề giọ giắng
Bứt dây rừng mưa nắng quản chi
Sơn lâm dĩ xuất dĩ kỳ
Trập trùng chín núi dù dì cá khe
Đủ thứ dây bứt về cạo dóc
Cả gia đình chắp nối thành quang
Nhà nhà ai nấy luận bàn
Gần xa các chợ bán quang đắt tiền…
Như vậy, từ những sự phản ánh trên đây, chúng ta có thể hình dung sống động về một làng quê điển hình ở vùng đồng chiêm trũng có chợ, có nghề truyền thống, và có bến sông tấp nập đã làm lay động tâm trí bao người mỗi khi nhớ lại.
Có thể nói, trước năm 1945, rồi kháng chiến trường kỳ (1946-1954) và đến sau hòa bình lập lại (7-1954) cho đến tận năm 1964 (trước lúc cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ diễn ra) thì chợ Bái Đô (tức chợ Đô) không còn là chợ quê của một làng xã, mà đã trở thành một chợ quê lớn của cả huyện Tống Sơn xưa và Hà Trung sau đó. Tại đây, chợ có cả sự giao lưu giữa người địa phương với người gần, xa trong ngoài huyện, trong đó có người Mường ở vùng núi Thạch Thành, người từ vùng biển Nga Sơn, Hậu Lộc lên, ngoài ra còn có cả thương lái Hoa Kiều và người Việt đến thu mua hàng nông - lâm - thuỷ sản, làm cho không khí chợ Đô thêm sôi động. Trên bến sông sát chợ Đô ngày trước còn thấy xuất hiện cả thuyền của người xứ Nghệ chở nồi đất và mắm muối đến bán, v.v… Vì đây là một chợ quê trên bến, dưới thuyền, cho nên cũng góp phần làm cho nơi đây trở thành một địa điểm hò hẹn đầy ý nghĩa của người gần, xa. Từ việc giao lưu mua bán hàng hóa ở chợ Đô mà có nhiều người đã kết thân thành bạn hữu, rồi có người lại trụ lại đất làng Đô để làm ăn sinh sống lâu dài. Và trên thực tế, cũng có những mối tình nảy nở từ việc đi chợ, chơi chợ và mua bán hàng ở chợ, để rồi bén duyên thành vợ, thành chồng cùng sống bên nhau.
Rất tiếc là trong thời quan liêu bao cấp, cũng như các chợ trong tỉnh, trong nước đã có tới 2 thập kỷ ngủ dài. Nhưng đến khi công cuộc đổi mới mở ra với sự mở cửa, hội nhập và cơ chế thị trường thì chợ quê Đô Mỹ lại trở lại hoạt động bình thường. Nhưng từ năm 1986 trở đi cho đến nay, do địa phương nào cũng có tụ điểm mua bán và dịch vụ phong phú, cho nên chợ Bái Đô hiện nay chỉ thuần tuý là chợ của địa phương. Sự giao lưu với người gần xa như trước đây chỉ còn là kỷ niệm. Tuy vậy, chợ Đô của thời kỳ đổi mới mở cửa như hiện nay vẫn có tác dụng phục vụ kịp thời các nhu cầu đời sống của người địa phương trong làng - xã. Việc mua bán hàng hóa bây giờ theo xu hướng hiện đại và văn minh, lịch sự hơn trước bởi sự tiến bộ của thời đại. Nhưng dẫu sao, mỗi lần viết lại những kỷ niệm về hoạt động mua bán ở chợ Đô từ trước cho đến cả sau này vẫn có tác dụng giúp chúng ta suy nghĩ hãy làm gì để chợ Đô trở thành một tụ điểm kinh tế cần phát huy tích cực nhiều hơn nữa, nhất là để phục vụ trực tiếp cho yêu cầu đời sống ngày một cao trong và ngoài địa phương.
Nếu như trước kia chợ Đô họp một tháng chỉ có 6 phiên (cứ 5 ngày 1 phiên vào các ngày 3, 8, 13, 18, 23, 28) thì bây giờ mỗi tháng họp những 12 phiên. Ngoài ra, trong những ngày không có phiên chợ, vào buổi sáng hoặc chiều hôm, việc mua bán lặt vặt như rau cỏ, cá mắm vẫn diễn ra.
Tóm lại, chợ Bái Đô (tức chợ Đô) vẫn xứng đáng để chúng ta suy ngẫm và duy trì, phát triển để phục vụ đời sống của nhân dân.
P.T
(*) Đình Đô Mỹ được xây dựng vào năm Tự Đức thứ 30 (187).