Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   CHUYỆN TÌNH PHA DUA
CHUYỆN TÌNH PHA DUA

Tóm tắt câu chuyện:
Chuyện tình Pha Dua là câu chuyện có thật, rất đặc biệt, kết thúc có hậu. xảy ra ở Mường Mìn và Mường Xia thuộc huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa ngày nay. Chuyện được kể lại dưới dạng truyện thơ của dân tộc Thái Thanh Hóa. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nhiều tình tiết bi thương, bi hài tồn tại trong dân gian; Đến nỗi, cứ mỗi khi khặp (hát) thường bắt đầu bằng câu: “Ý đú năm ne nọng ơi - thương lắm em ơi..”! Có lẽ, vì khía cạnh này và do Mường Xia và một số nơi khác có các quan tài được cất giấu trong các hang đá ở trên núi cao (Cố mạy lam chanh); nên các tri thức bản địa đã thần thánh hóa cho thêm phần ly kỳ. Qua nghiên cứu, tìm hiểu nội dung các bài khặp, một số tài liệu viết bằng giấy gió và nghiên cứu cuốn “Lam Sơn Thực lục” do Nguyễn Diên Niên khảo chứng, Lê Văn Uông chú dịch thì câu chuyện xảy ra vào khoảng thời kỳ hậu Lê, nhất là khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nổ ra và khi nghĩa quân Lê Lợi thất thế phải lui về đóng quân ở khu vực Mường Xia (Do Thống lĩnh Khằm Ban, Lê Sát, Lê Hào tham mưu, dẫn đường). 
Chuyện kể rằng: Tạo Mường Mìn có người con trai thứ ba, mà dân quen gọi là Ót Nọi (Ba Nhỏ) và do giỏi khặp, nên chàng còn có tên là chàng Tiêu Láy, vừa khỏe mạnh,vừa khôi ngô tuấn tú, giỏi đan lát, săn bắn và sử dụng dìu rất thành thạo. Đặc biệt là giỏi ca hát (Khặp) và phi ngựa.
Khi khặp về Ót Nọi, lời khặp có đoạn:
Tang khoán kiếng dong bớ nót hánh ta
Mư sán dắng pín lai khóp cút,
Ná kiếng póm bín mạnh hóc chón tán pưng.
Kho chai khặp linh cắng lưm nhóc,
Xiếng chai muốn nộc chóc lưm bín
Hín chai bín khứn tinh lắng mạ
Mạ teo quá lái pọng tăng hánh lái mương 
Páy mương đớ húng hương mương nặn…!
Nghĩa là:
Đường dìu trơn như vừa sát lá nót (1)
Tay đan gión khóp cút viền quanh (2)
Bắn tên nỏ tan đàn cày, sóc
Cất tiếng khặp chim chóc quên bay
Nhảy lưng ngựa phi đi nhiều hướng
Đến mường nào mường ấy sáng lên…
Còn tạo Mường Xia cũng có cô con gái thứ tư, nết na, xinh đẹp, giọng nói ngọt ngào như nước mía mà dân quen gọi là Lá Đí (Út đẹp) và cũng do giỏi khặp, nên dân còn gọi là nàng Cang Lạn, nàng giỏi thêu thùa, may vá và cũng rất giỏi ca hát (Khặp).
Khi khặp về nàng, lời khặp có đoạn:
Mư nọng khắm pín lai
Mư nang hái pín bóc
Khén sóc tạu túa túng na luống.
Nghĩa là: 
Tay em sấp thành nụ
Tay em ngửa thành hoa
Cánh tay em bung ra, 
Ôm cả cánh đồng lớn.
Hay, khi nói về sắc đẹp của nàng, lời khặp có đoạn:
Nang áp nặm tăn tý Pha Dua
Nộc thúa tóm bóc bua lưm họng
Pưng pá mọm tím hát lưm loi
Mú đáo đói bún tinh lắm moi nang áp (Tán ơi).
Nghĩa là:
Nàng tắm làn nước trong chân núi Pha Dua
Nộc thúa* đậu hoa bua quên hót (* Chim khiếu)
Đàn cá chép nhùng nhằng quên bơi
Sao trên trời soi cho nàng tắm (Ngài ơi)
Tiếng đồn gần xa, về sắc đẹp và khả năng ca hát của Lá Đí; Ót Nọi rất muốn gặp Lá Đí và Lá Đí cũng vậy. Hai người liền hẹn nhau thi khặp lên Pha Dua, xem ai thắng, ai thua. Nếu Ót Nọi thua thì phải vác ống vèo đủ nước sông Luồng cho nàng tắm và làm một khung cửi có hình chim công (Nộc khóa lai) tặng nàng; Còn nếu Lá Đí thua thì phải làm một bộ chăn đệm nằm và 9 đệm ngồi tặng cha, mẹ và ngoại (Lung tá - Ý nói về làm vợ chàng).
Khốn nỗi, do tạo Mường Mìn và tạo Mường Xia khúc mắc nhau. Lý do thật đơn giản là: Do Mường Xia ở phía trên sông Luồng và ở phía trong. Còn Mường Mìn ở phía dưới và phía ngoài. Nên khi người Mường Xia xuôi bè trên sông Luồng hoặc đi xuống vùng dưới thì phải qua Mường Mìn, nên hay bị Tạo Mường Mìn bắt nạt. Do đó, hai tạo can ngăn không cho Ót Nọi và Lá Đí gặp nhau. Nhưng, do tiếng tăm hai người vừa khặp hay vừa biết nhiều bài khặp nhất vùng, nên dân hai mường rất muốn nghe và chứng kiến hai người thi khặp. Trước sức ép của dân chúng , hai Tạo mường đành phải đồng ý cho Ót Nọi và Lá Đí gặp nhau để thi khặp (Thi ca hát). Chuyện cũng kể rằng: Hai người nhớ nhau, nhưng không được gặp nhau, nỗi nhớ nhung da diết, nên Ót Nọi đành viết thư cho Lá Đí. Nhưng, viết xong lại không có người được phép vào Mường Xia, đành nhờ con nhan mang thư vào cho nàng (Xứ chíp nhan). Một hôm, khi gặt lúa nương xong và chuẩn bị đón xuân mới (Pí mớ), dân hai mường lập bàn trầu, cau để hai bên thi khặp đối đáp. Họ khặp với nhau được tám ngày, tám đêm mà vẫn chưa phân thắng bại; Cứ anh gọi, em có lời thưa và ngược lại, cứ thế. Hết khặp chào, đến khặp khen bản, khen mường, khặp khen con cái, khặp chíp nhan, khặp lên Pha Dua (Nua), khặp mở cổng mường (Kháy cón mương)... Đến ngày thứ chín, có lẽ do mệt mỏi, nên Ót Nọi đã có những hành động thiếu tế nhị, chàng vừa khặp chàng vừa kéo ống quần lên, do ống quần rộng như kiểu quần nông dân, nên để lộ phần kín. Thấy vậy, nàng Lá Đí cất tiếng khặp nhắc nhở:
Ý đú nắm ne ái ơi!
Lơ vá phú tắng chặng, tắng lý kín pá (3)
Ái sớ bang xía nuối khí cá báu nhăng thứng miện?
Nghĩa là:
Thương lắm anh ơi!
Sao người ta làm chặng, làm lý bắt cá,
Còn anh thì có mỗi quả cà cũng không còn chỗ treo?
Ót Nọi đáp:
Ý đú nắm ne nọng ới!
Ái sớ phái bặt pín phái báng
Lơ bá nọng dác ấu nuối háng cáng ái mưa púc ệt neo?
Nghĩa là:
Thương lắm em ơi!
Anh thì không mơ cũng hơi màng,
Hay em muốn lấy quả cà chàng về nhân làm giống?
Thấy Ót Nọi bắt đầu khặp với lời lẽ trêu trọc, nàng Lá Đí cũng không vừa, nàng đáp:
Khóng nang, khóng hại
Khóng háp hạ, tá xứng
Nghĩa là:
Thân em xấu lắm,
Lắm lỗ như mặt sàng?
Ót Nọi lại đáp:
Khóng chai, khóng huấn
S.Tung khún mín,
Một lím khấu mốt hu.
Nghĩa là:
Thân anh khỏe mạnh
Nhiều như lông nhím
Mỗi chiếc cắm một hu (lỗ).
Lá Đí có biểu hiện thua cuộc, liền nói:
Nọng có bới lơ pín nộc pín chi bí khóng mưa phạ.
Nghĩa là:
Em ước gì thành con chim ri ngửa bụng bay lên trời.
Ót Nọi lại đáp:
Ái có bới lơ pín nộc kệch mạ tón pạ cáng tang.
Nghĩa là:
Anh ước gì thành con chim ngựa đón em giữa đường.
Xét về mặt lý lẽ thì Lá Đí thua cuộc và do quá uất ức nên nàng chạy ra đầu làng trèo lên cây đa thắt cổ tự tử. Chờ mãi không thấy Lá Đí quay lại, bỗng có tiếng la nhao nhác, có người treo cổ trên cành cây đa. Ót Nọi chạy ra, thấy vậy, chàng khóc than vãn, não nuột, nước mắt chàng tưới ngập bộ rễ cây đa. Thương cho đôi trẻ, Trời - Đất cho cành đa từ từ trĩu xuống. Ót Nọi gỡ lấy nàng, nước mắt chàng rơi vào khóe mắt nàng và thế là nàng từ từ mở mắt ra. Hai người ôm nhau khóc lóc. Ót Nọi than vãn vì trót khặp với lời lẽ trêu chọc, làm Lá Đí uất ức, đến nỗi phải đi tự tử. Rồi dân làng dìu đôi trai gái về bản.
Rồi, một hôm Ót Nọi thưa với bố rằng: Chàng muốn kết duyên với Lá Đí. Chàng nói:
Ót chắng ma cáo đắng chá chiện nám pó tâng lái
Chai só ấu Lá Đí pín mia chóm cháu
Pín nấu cú sọn pú xứa hiêng sóng,
Sóng tang hặc yếu cắn báu bang cắn đáy, pó ơi!
Nghin khoam nặn pó cáo khoam né
Ý đú năm ne lúc panh cú ơi!
Xóng mương luống Xía - Min khặt khín té dam páng cón,
Lái khuốp khấu pí phạ nhúng dác ben lái
Bá chai ấu Lá Đí pín hiêng súm sáu
Pín náu cú sọn pú sứa hiêng sóng
Sú có đáy páy cáy khói mương hâu lẹo lúc ơi!
Nghĩa là:
Một hôm, chàng thưa chuyện với bố tạo mương (Tạo Mường Mìn)
Chàng muốn cùng Lá Đí thành vợ, thành chồng
Thành người yêu trải đệm song đôi?
Nghe nói vậy tạo mương liền đáp
Thương con nhiều trai út của ta ơi!
Hai mường lớn Xia - Min khúc mắc
Bao năm trời gặp khó nhiều hơn
Nếu con ta lấy Lá Đí làm vợ
Thì hãy đi khỏi hai mường lớn Mìn - Xia
Đến nơi xa để xây mường mới.
Mặc dù vậy, thấy tình cảm hai người quá sâu sắc và hai người hợp tính nhau, cùng yêu ca hát, nên dân bản hai mường ủng hộ, hai Tạo mường đành đồng ý cho hai đứa lấy nhau, nhưng với điều kiện hai đứa phải đi nơi khác lập bản, lập mường để sinh sống. Những người ủng hộ đi theo, họ lập nên mường mới gọi là Mường Chú San. Vợ chồng Ót Nọi và Lá Đí sống bên nhau hạnh phúc, cùng dân chúng ra sức khai phá đất đai để trồng trọt và chăn nuôi. Vài năm sau đất đai Chú San phì nhiêu, Mường Chú San trở nên trù phú; Dân chúng sung sướng, ấm no và rất tự hào về họ và suy tôn Ót Nọi thành Tạo mường.
Ót Nọi sắng Chú San mương mớ
Phú chớ quáng Cang Lạn pín mính mia khoắn
Phú chắm chặn pọm nháng lái cua
Đớ có s.mua chum chớ pớ mi mương mớ, tán ơi!
Nghĩa là:
Ót Nọi lập Chú San mường mới
Cùng Cang Lạn thành vợ quý, vợ yêu
Người thân cận cùng nhiều dân chúng
Đi theo chàng xây bản, lập mường mới, ngài ơi!
Sau một thời gian xây dựng, mường Chú San trở nên trù phú, dân mường ấm no, hạnh phúc. Tiếng đồn gần xa, Tạo mường Mìn và tạo mường Xia rất băn khoăn về những việc mình đã làm đối với Ót Nọi và Lá Đí. Một hôm, bỏ qua những uất hận khi phải bỏ mường ra đi lập mường mới, Ót Nọi đưa vợ con về thăm ngoại (Lung tá) ở Mường Xia. Đám vía Lung tá diễn ra vui vẻ, đầm ấm với sự chứng kiến của dân bản và hai Tạo mường Mìn - Xia. Với thái độ khoan dung của Ót Nọi và Lá Đí và với tình cảm của dân chúng hai mường dành cho hai vợ chồng Ót Nọi. Từ đó hai mường Mìn - Xia không còn hiềm khích nhau nữa. Ba mường (Mìn - Xia - Chú San) chung sống hạnh phúc, bản mường yên vui. Dân ba mường kết nối anh em - Dâu da (Cái pí, cái nọng, cái kéo, cái đóng)…
                                H.V.T


Chú thích:
Vì ngày xưa người lớn thường không gọi bằng tên thật mà gọi theo thứ tự, hay gọi theo con, theo em; Nên từ Ót (Ót Nọi) có nghĩa là thứ ba, lá (Lá Đí) là thứ tư.
Do quá giỏi khặp, nên dân mường Mìn đặt tên cho Ót Nọi là chàng Tiêu Láy (Có nghĩa là người có ngôn ngữ phong phú như nước chảy). Còn Lá Đí dân cũng đặt thêm tên cho nàng là nàng Cang Lạn (Cũng có nghĩa là rất giàu ngôn ngữ - khặp không hết lời).
(1) Bớ nót: Lá dâu da đất, có tác dụng làm cho gỗ trơn chu như lau giấy ráp.
(2) Khóp cút (Dắng lai khóp cút) một dạng hoa văn dón của phụ nữ Thái. 
(3) Chặng, lý là một hình thức bắt cá ở sông Luồng và sông Lò.
(4) Khúa lạn có nghĩa là cầu khỉ.
(5) Nhan là con tưởng tượng do sao biến thành (Xứ chíp nhan).
Nhan bín khấu xuốm nọng khư bóc xúm phu (Nhan bay vào buồng em như hoa xúm phu mới nở).
Khi viết bài này, tôi đã nghiên cứu rất sâu các bài khặp sau.
1. Khặp tuộng                    (Khặp chào)
2. Khặp Pha Dua               (Khặp Pha Dua - Nua) nói chung
3. Khặp lên Pha Dua         (Pha Dua - Nua có 19 bậc) 
4. Khặp kháy cón mương   (Mở cửa mường)
5. Khặp chíp nhan             (Khặp gấp nhan)
6. Khặp háng nang non    (Động nang non - S.Lú)
Để hiểu rõ chuyện tình Pha Dua cần nghiên cứu tổng thể các cốt chuyện liên quan. Trong quá trình tồn tại dưới dạng dân gian, các tri thức bản địa đã thêm, bớt, thần thánh hóa và sử dụng tiếng địa phương; Nên cùng một từ hay cụm từ hay một khía cạnh nào đó, có khi cũng có cách hiểu khác nhau.
Đặc biệt, có người cho rằng do Ót Nọi nghèo nên không lấy được Lá Đí con nhà giàu. Thực ra, đó là nội dung câu chuyện trong Sắng chụ sôn sao hay còn gọi là Xứ Sắng Chụ.
Các tập truyện do các cụ chép tay để lại thường không đầy đủ. Ai nhớ được đoạn nào thì chép lại đoạn ấy hoặc lấy chuyện này ghép với chuyện kia nhưng không lô ríc. Muốn hiểu rõ vấn đề thì phải chắp nối các sự việc liên quan qua các bài khặp.
Có một điều đặc biệt là: Dân huyện Quan Hóa (cũ), nhất là vùng mường Ca Da và dân vùng Mìn - Xia đều rất thích Chuyện tình Pha Dua.
Tóm lại: Khặp về Pha Dua có ba bài chính: Khặp Pha Dua nói chung, chủ yếu là mô tả cảnh Pha Dua (Nua), Khặp lên Pha Dua (Có mười chín bậc), Khặp chuyện tình Pha Dua.
Trên đây là một số vấn đề mang tính giới thiệu tóm tắt về Chuyện tình Pha Dua. Nếu viết thành sách khổ 19x27cm với ba hình thức thể hiện: Chữ Thái cổ Thanh Hóa, phiên âm tiếng Thái, dịch ra tiếng Việt thì chuyện tình Pha Dua chắc dài khoảng 8, 9 trăm trang. Hy vọng các nhà nghiên cứu văn hóa tìm hiểu thêm.


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 123
 Hôm nay: 7043
 Tổng số truy cập: 7481775
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa