Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   Người mãi đam mê nghệ thuật Tuồng
Người mãi đam mê nghệ thuật Tuồng

Một tuổi thơ chưa hẳn đã “dữ dội” nhưng cũng rất đáng nhớ với những đêm phường trò đã là điểm tựa để nữ NS Mai Lan gắn bó cùng nghệ thuật Tuồng truyền thống. Ở tuổi trên 70, “ngọn lửa lòng” trong chị chưa hề tắt, vẫn đau đáu khi nghĩ về những “Trưng nữ Vương”, “Trần Bình Trọng”, “Đêm hội Long Trì”, “Lời thề Trinh nữ”,… Có thể nói, NS Mai Lan là người đã dành trọn cuộc đời cho nghệ thuật.
“Cô bé” mê phường trò.
Sinh ra trong gió cát, đất Nghệ An khô cằn, lại cất tiếng khóc chào đời trong một gia đình thuần nông nhưng từ nhỏ cô bé Mai Lan đã bị tiếng trống và ánh đèn sân khấu của những đêm phường trò (hình thức biểu diễn nghệ thuật ở các vùng nông thôn) mê hoặc. Dẫu vậy, cái đam mê đầu đời kia đã sớm gặp những thử thách khắc nghiệt từ phía nhị thân phụ mẫu. “Bố tôi vẫn mắng rằng nhà không có ai theo nghệ thuật thì nên thủy chung với đồng ruộng rồi sớm yên bề gia thất. Vậy mà hễ nghe tiếng trống phường trò là đôi chân tôi lại quýnh cả lên, tim đập rộn rã” - Nghệ sỹ Mai Lan kể về “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” cách đây hơn 60 năm.
Để thỏa nguyện, cô bé Mai Lan phải “tính kế”: “Những đêm làng có phường trò, tôi thường chờ bố đi ngủ sớm rồi lén chạy ra sân đình. Mắt dán lên sân khấu, miệng lẩm nhẩm từng lời ca. Say sưa đến quên cả thời gian, nhiều khi về đến nhà mọi người đã yên giấc. Không dám gọi cửa, tôi đành chui lên sàn trâu nằm chờ sáng. Đến 4-5 giờ tỉnh giấc, vớ lấy cái chổi, giả bộ dậy sớm quét sân”. Chẳng biết người bố có phát hiện được không nhưng bằng cái mưu “trẻ con” ấy, suốt những năm tháng tuổi thơ, Mai Lan đã được sống và đắm mình trong những đêm nghệ thuật phường trò.
Những đêm trốn nhà đi xem hội đã khiến sinh hoạt văn hóa dân gian thấm đẫm hương vị nghệ thuật ấy ngấm vào tận máu thịt của Mai Lan. Làng quê nghèo Đô Lương quanh năm lầm lũi, tĩnh lặng bỗng trở nên rộn rã với tiếng hát trong trẻo của bé Lan. Công việc nhà nông, không nói thì mọi người cũng biết vất vả thế nào, nhưng vừa làm, vừa hát Mai Lan lại quên hết cả mệt nhọc. Mai Lan hát mọi nơi, mọi lúc. Chị hát khi đi cấy, lúc làm vườn, thậm chí, cả khi đang xay lúa, giã gạo, đến mức dân làng còn truyền tai nhau giai thoại: cứ nơi nào có tiếng hát thì Mai Lan đang ở đó.
Có lẽ Mai Lan sẽ mãi chỉ là một cô bé mê phường trò nếu không có một buổi chiều “định mệnh” mùa hè năm 1959. Mai Lan kể: Đang mải mê với cái liềm cùng đôi quang gánh ngoài ruộng thì em gái tôi chạy tới gọi về nhà, nói có người cần gặp. Về nhà, trước mặt tôi là ba vị khách lạ. Họ chăm chú nhìn tôi, rồi một người cất tiếng: “Chú nghe dân làng nói cháu hát hay lắm, hát thử chú nghe vài câu”. Chưa hiểu gì nhưng cứ được hát là tôi thích rồi. Tôi gạt vội mảng bùn còn bám ở cổ chân, cất tiếng hát với tất cả niềm say mê và hứng khởi. Không ngờ chính mấy câu hát “ngẫu hứng” ấy lại là tờ “giấy gọi nhập học” đưa tôi đến với trường Ca kịch dân tộc (tiền thân của Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội hiện nay), còn 3 vị khách chính là những giảng viên của trường mà sau này theo học tôi mới biết.
Mãi đam mê cùng sân khấu Tuồng.
Năm 1962, cô sinh viên Mai Lan tốt nghiệp, nhận công tác tại Đoàn Tuồng Thanh - Quảng (nay là Đoàn Tuồng Thanh Hóa). Sẵn cái duyên nghệ thuật từ nhỏ, lại được đào tạo bài bản, Mai Lan nhanh chóng trưởng thành rồi từng bước chinh phục sân khấu Tuồng xứ Thanh với các vai diễn: Trưng Nhị (trong vở Trưng Nữ Vương); Ái Nương (vở Trần Bình Trọng); Quận chúa (vở Đêm hội Long Trì), Triệu Thị Trinh (vở Lời thề Trinh nữ); Khâm Thánh (vở Hồ Quý Ly).
Khi miền Bắc bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Mai Lan theo đoàn vượt hàng trăm cây số, mang tiếng hát phục vụ nhân dân. Chất giọng xứ Nghệ nồng ấm của chị ở thời xuân sắc nhất - tuổi đôi mươi đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả.
Sinh con được hai tháng, phần vì cơ quan thiếu người, phần vì “nhớ tiếng trống, nhớ ánh đèn sân khấu quá”, Mai Lan quyết định “tái ngộ” khán giả sớm hơn dự kiến. Chị đi cùng đoàn Tuồng đến những vùng sâu, vùng xa phục vụ bà con nhân dân. Trong đó, đáng nhớ nhất là lần biểu diễn tại huyện Nông Cống: Một sân khấu lưu động được dựng lên tại xã Tế Thắng, trong ánh đèn măng sông lúc mờ lúc tỏ, nhờ một đồng nghiệp trông giúp “thiên thần bé bỏng”, Mai Lan bước ra sân khấu trong tiếng vỗ tay vang dội từ khán giả. Khi tất cả đang chìm đắm trong giọng hát ngọt ngào của chị thì bất chợt máy bay Mỹ xuất hiện, thả bom và ném pháo sáng rực cả một vùng. Hàng nghìn người, cả nghệ sĩ lẫn quần chúng nhân dân hoảng sợ, mạnh ai nấy chạy, đồng loạt trốn xuống ruộng lúa để tránh máy bay Mỹ. Máy bay Mỹ rút đi, bà mẹ trẻ Mai Lan mới sực nhớ tới đứa con nhỏ và quáng quàng chạy đi tìm nhưng không thấy đâu cả. Hóa ra, trong cơn hoảng loạn, một đồng nghiệp đã bế con gái chị chạy vào một nhà dân ẩn nấp. Đón đứa con đang run lẩy bẩy vì sợ hãi từ tay người đồng nghiệp, bà mẹ trẻ trào nước mắt, bật khóc.
Thời bao cấp, cán bộ Đoàn Tuồng Thanh - Quảng cũng như bao anh chị em trong nghề khác đối mặt với cảnh khó khăn, thiếu thốn trăm bề, song ngọn lửa đam mê nghệ thuật trong Mai Lan chưa bao giờ tắt. Cả cuộc đời chị gắn bó với ánh đèn sân khấu. Chị đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả và cả những miền quê mà đoàn có dịp phục vụ. Không mấy ai bất ngờ, ngạc nhiên khi chị dành được rất nhiều giải thưởng trong các kỳ hội diễn và được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ ưu tú từ năm 1988. Sự vinh danh ấy đã nhắn gửi một thông điệp: Nghệ thuật đích thực không của riêng ai, không chỉ từ hoàn cảnh và số phận.
Khi ở tuổi ngoại thất tuần, trong căn nhà nhỏ bé, tuềnh toàng, bên hông Nhà hát Nhân dân cũ kỹ, tài sản của NSƯT Mai Lan chẳng có gì đáng kể ngoài những tấm huy chương giành được trong các kỳ hội diễn. Đã được nhà nước cho nghỉ chế độ hơn một thập niên, nhưng NSƯT Mai Lan vẫn xem Nhà hát Tuồng Thanh Hóa là chốn đi về, phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình. Nhiều thế hệ diễn viên Tuồng “hậu sinh” ở xứ Thanh hôm qua và hôm nay đã quá quen thuộc với hình ảnh một nữ nghệ sĩ thường đứng lặng hàng giờ, bần thần ngắm nghía chiếc xe của đoàn trở về sau mỗi lần lưu diễn. Chiếc xe ấy từng là người bạn đồng hành cùng chị suốt mấy chục năm gắn bó với nghệ thuật Tuồng. Cuộc sống đang diễn ra êm đẹp thì NS Mai Lan trải qua một trận ốm thập tử nhất sinh. Các con và chồng đã đưa NS Mai Lan đi điều trị ở Hà Nội và đã trải qua một cuộc phẫu thuật cực kỳ gay cấn. Bệnh tật khi đã tạm ổn định, NS Mai Lan vẫn phải chung sống hòa bình với những cơn đau nhức nhối mà chị em vẫn trêu đùa là “từ cõi chết trở về chói lọi”. Khi nhà nước giải thể khu tập thể văn công, vợ chồng NS Mai Lan đã nhận đền bù về xây nhà ở chung với con trai út là NSƯT Vương Huỳnh tại tầng 2 số nhà 17, phố Giáp Đình Đông, phường Trường Thi, thành phố Thanh Hóa.
Rất vinh dự cho NS Mai Lan và sân khấu Tuồng Thanh Hóa năm 2019 Nhà nước đã xét tặng và trao cho chị danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân, danh hiệu cao quý đó rất xứng đáng và vinh dự cho chị, cho gia đình và cho sân khấu tỉnh Thanh Hóa. Người nghệ sỹ đã dành trọn đời mình cho sân khấu Tuồng Thanh Hóa.
Một gia đình có 4 nghệ sỹ ưu tú.         
Trưởng nữ của NS Mai Lan là NS Vương Hà, công tác tại Nhà hát Cải lương Trung ương và đã nghỉ hưu. Vương Hà đã đạt được nhiều đỉnh cao trong nghệ thuật: Huy chương Vàng hội thi Tiếng hát hay Cải lương toàn quốc (năm 1994), huy chương Vàng hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc (năm 1995), Ngôi sao tài năng trên sân khấu Cải lương toàn quốc (năm 1998). Tại hội diễn Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc (năm 2000), Vương Hà đã chinh phục đồng nghiệp và khán giả bằng tấm huy chương Vàng với vai Nguyễn Thị Lộ trong vở “Vằng vặc ánh sao khuê”. NSƯT Vương Hà là một trong “mười gương mặt nghệ sỹ xuất sắc tiêu biểu trong hoạt động các chuyên ngành năm 2000”; chị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú năm 1997 và được phong danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân năm 2016.
Con trai thứ NS Mai Lan là NSƯT Vương Hải, hiện đang là Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa kịch truyền thống Thanh Hóa. Vương Hải được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 2012. Anh đã giành được 3 huy chương Vàng tại các kỳ hội diễn toàn quốc với các vai Đại Hải (vở Tử thần trắng - năm 2001), vai bác sĩ Hoàng Tâm (vở Ngọn gió độc chưa tan - năm 2005), vai Nguyễn Quang (vở Khát vọng tình yêu - năm 2009) và năm 2022 anh đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân.
Trưởng thành trong một gia đình nghệ thuật nên không ngạc nhiên khi con trai út của NSND Mai Lan là Vương Huỳnh cũng sớm bén duyên với nghệ thuật sân khấu và đã gặt hái được những thành công. Vương Huỳnh từng để lại dấu ấn với vai Dũng trong vở “Những mảnh đời” (huy chương Vàng năm 2001); vai Trần Nhớ trong vở “Người trong cát” (huy chương Vàng năm 2003); vai Trần Thanh trong vở “Người cần được bảo vệ” (huy chương Vàng năm 2004), và được phong tặng nhiều huân, huy chương khác. Hiện anh là Giám đốc Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn Thanh Hóa. Vương Huỳnh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú năm 2012.
Một điều rất vinh dự là phu quân của NSND Mai Lan là nghệ sỹ Vũ Trọng Quang, nguyên là nghệ sỹ của đoàn Tuồng Thanh Hóa đã làm hồ sơ do cơ quan đề nghị và đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú năm 2022.
Nếu tính NSND Thanh Vinh là phu quân của NSND Vương Hà thì gia đình NS Mai Lan đã có 4 NSND và 2 NSƯT. Những danh hiệu cao quý này không chỉ là sự ghi nhận quá trình cống hiến cho nghệ thuật của gia đình NSND Mai Lan mà còn là niềm vinh dự chung của nền sân khấu xứ Thanh.
                                                                                           

T.T.L


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 126
 Hôm nay: 1657
 Tổng số truy cập: 7455888
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa