Đình Thượng Phú, niềm vui khi được đầu tư tôn tạo
Mỗi lần về thôn Kim Sơn, xã Hà Đông, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) là thêm một lần tôi chạnh lòng nhìn thấy đình Thượng Phú bị xô nhiều hơn về phía trước, từng thớ gỗ lại có thêm những vết nứt... Ngôi đình cổ hơn 600 năm tuổi với kiến trúc Chăm độc đáo đã có lúc tưởng có thể đổ sập, nhưng niềm vui đã đến với bà con nơi đây khi việc trùng tu, tôn tạo đang bắt đầu.
Theo các cụ cao niên thôn Kim Sơn, đình Thượng Phú được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIV, bởi những người thợ Chăm. Dù mang kiến trúc đình, chùa cổ với đầy đủ cột, kèo truyền thống, nhưng điểm nhấn lớn nhất tạo nên nét độc đáo của đình Thượng Phú lại chính là những hoa văn Chăm. Đó là những tác phẩm điêu khắc với họa tiết, hoa văn đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình. Người Chăm đã vận dụng những hình ảnh các loài hoa, con thú, đường gấp khúc, hình lượn sóng... để đưa vào nghệ thuật điêu khắc, cách điệu nó lên thành những họa tiết, hoa văn vừa mềm mại, uyển chuyển, lại vừa mạnh mẽ, chắc chắn. Ngắm nhìn kết cấu của bên tả với nét văn hóa cung đình qua những bức điêu khắc long, ly, quy, phượng; bên hữu thể hiện nét sinh hoạt văn hóa dân gian như chọi gà, cảnh người dân bắt cá dưới ao, cảnh muông thú quần thảo trong môi trường tự nhiên..., ta càng khâm phục các bậc tiền nhân đã kỳ công chạm khắc để những thớ gỗ có hồn cốt, có tiếng nói riêng.
Tuy nhiên, đến khoảng cuối thế kỷ XIX, đình Thượng Phú đã được trùng tu và hiện vẫn còn bia (dựng vào năm 1882) lưu truyền đặt tại đình. Bia dựng khi sửa đình, ngoài nội dung bày cách để kêu gọi, tuyên truyền vận động, còn ghi rõ: “Nhà trước 5 gian, 2 chái; nhà trong 3 gian, cột đá, kèo đá, cột gạch tráng lệ hơn xưa, chi phí công trình xấp xỉ 3 nghìn; Ngày nay vui mắt, lợi lộc về sau, tháng 8 khánh thành; Sau này tiếp nối, chẳng phải thay đổi, hướng trước đã làm, sau theo quy chế”.
Chính cảnh quan xung quanh và kiến trúc độc đáo mà ngôi đình, ngay cả vào những năm tháng bom đạn ác liệt trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ vẫn là địa điểm sinh hoạt cộng đồng, tổ chức các cuộc họp và lễ hội lớn của địa phương. Có giai đoạn đình còn được dùng làm bệnh viện, trường học, là kho chứa lương thực, vũ khí, có khi được dùng làm nơi tổ chức các sự kiện trọng đại của huyện, xã, như: Đại hội Đảng bộ huyện, Đại hội Đảng bộ xã...
Theo thời gian và chiến tranh tàn phá, công trình ngày càng xuống cấp. Chia sẻ của những người cao tuổi trong thôn: Đình bắt đầu xuống cấp nặng khoảng năm 1967 do bom đạn, một số cột bị nghiêng và mộng bị vỡ. Hiện tại, hệ thống cột kèo của đình bị mối mọt tấn công gây biến dạng, nhiều vị trí người dân phải đóng gỗ tạm thời để giữ kèo không bị sụt, chống nguy cơ đổ đình. Thêm vào đó, nền đình sụt lún, khiến mái đình xô về phía trước khoảng 20-30cm, ai cũng lo lắng cho ngôi đình. Đặc biệt với những người từ khi lớn lên ngôi đình đã là biểu tượng linh thiêng gắn bó thì lại càng xót xa hơn.
Đã 21 năm nay, mỗi tháng 2 lần, vào ngày rằm và mùng 1 hàng tháng, ông Trần Văn Nam ở thôn Kim Sơn, xã Hà Đông (Hà Trung) lại mang hoa quả, đồ lễ ra đình làng Thượng Phú, để cầu tài lộc, bình an, may mắn cho gia đình và làng xã. Ông vừa chỉ cho chúng tôi từng vết nứt, những mộng gỗ bị vỡ và mối mọt xâm hại vừa nói: “Xót xa lắm, mỗi ngày tôi đi tới đi lui nhìn những chỗ bị hư hỏng. Lực bất tòng tâm”.
Khẳng định về giá trị văn hóa và lịch sử của đình Thượng Phú, ông Lê Văn Thanh, Bí thư Chi bộ thôn Kim Sơn cho biết: “Đình Thượng Phú chính là không gian và kiến trúc mà người dân trong thôn nói riêng và xã Hà Đông nói chung rất tự hào, nhất là biểu tượng về giá trị văn hóa, tinh thần anh dũng của người dân. Đến nay, mặc dù đã có nhà văn hóa, nhưng các cụ già trong thôn vẫn thường xuyên đến đình, không chỉ là thói quen mà nơi đây còn ghi dấu cả chặng đường tồn tại, vươn lên và phát triển của làng, của thôn”.
Cách đây 7 năm, năm 2015, UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định hỗ trợ kinh phí 300 triệu đồng cho việc trùng tu, chống xuống cấp ngôi đình. Nhưng theo dự toán, việc trùng tu đình Thượng Phú cần nguồn kinh phí lớn hơn rất nhiều. Vì vậy, địa phương đã phải trả lại số tiền đó về ngân sách tỉnh theo quy định. Sau đó, nhân dân trong thôn đã quyên góp được 50 triệu và đặt mua loại ngói theo đúng yêu cầu. Nhưng tham khảo nhiều ý kiến, bà con nhân dân lại không dám đứng ra tự ý tu sửa, đống ngói vẫn lặng lẽ nằm trước sân đình cho đến nay”.
“Đến năm 2017, xã Hà Đông đã về đích chương trình xây dựng nông thôn mới trước 2 năm so với dự kiến, một phần là nhờ sự đóng góp của nhân dân. Chính vì thế, dù đình xuống cấp nghiêm trọng nhưng chúng tôi cũng không thể tiếp tục vận động bà con đóng góp thêm cho việc tu sửa đình” - ông Thanh kể lại.
Nhớ lại những ngày đó, ông Phạm Thế Chinh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Hà Đông cho biết: “Thời điểm đó, từ lãnh đạo đến người dân đều lo lắng. Bởi mỗi ngày qua đi, kết cấu của ngôi đình lại yếu và hỏng dần. Càng chờ đợi càng sốt ruột, càng lo sợ ngôi đình có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Việc tu sửa đình của bà con chỉ là giải pháp tạm thời để chống dột. Còn để huy động nguồn kinh phí lớn thì lại cần có sự chung tay vào cuộc của các cấp chính quyền. Chúng tôi vẫn thường nói với nhau, một di tích kiến trúc độc đáo có hơn 600 năm như đình làng mình, nếu hư hỏng thì lỗi đầu tiên thuộc về lãnh đạo địa phương”.
Đúng như câu tục ngữ “Đình huyện Tống, trống huyện Nga, nhà huyện Hậu”, cho biết huyện Tống Sơn cũ - Hà Trung ngày nay là nơi có nhiều đình và nhiều đình đẹp nhất xứ Thanh. Trong số 31 đình còn lại trên địa bàn huyện, có 3 đình đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia, trong đó có di tích văn hóa - lịch sử đình làng Thượng Phú và 24 di tích cấp tỉnh.
Trở lại đình lần này, nhìn ánh mắt các cụ tôi thấy có niềm vui lấp lánh. Sau nhiều năm chờ đợi, ngày 24-3-2022, Hội đồng nhân dân huyện Hà Trung đã ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa đình làng Thượng Phú. Trong đó sẽ đầu tư tu bổ, tôn tạo nhà đại đình và hậu cung trên quy mô kiến trúc mặt bằng chữ Nhị hiện có với diện tích khoảng 270m2, tổng mức đầu tư khoảng 8,6 tỷ đồng (ngân sách tỉnh hỗ trợ là 3 tỷ; còn lại là ngân sách huyện và các nguồn huy động hợp pháp khác). Tôi biết, nhiều người trong số các cụ coi đình là linh hồn của làng, là “chứng nhân” quan trọng nhất cho cả chiều dài lịch sử của quê hương, đất nước. Tự hào về ngôi đình của mình cũng chính là sự nhắc nhở con cháu không quên truyền thống quê hương.
Giữa không gian thiêng của đình quện với làn khói trầm và hương hoa đại, bà con trong thôn Kim Sơn, xã Hà Đông lại nghiêng mình kính cẩn xin các đấng thần linh phù hộ để ngôi đình luôn vững chãi, là nơi chốn bình an cho cháu con lui về.
K.H