Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   XỨ THANH - DẤU ẤN LỊCH SỬ - VĂN HÓA TRONG DÒNG CHẢY LỊCH SỬ DÂN TỘC
XỨ THANH - DẤU ẤN LỊCH SỬ - VĂN HÓA TRONG DÒNG CHẢY LỊCH SỬ DÂN TỘC

Thanh Hóa là một vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa thật đáng tự hào. Vì vậy, mà không phải ngẫu nhiên, Pierre Paspuer - một quan chức cao cấp của chính quyền thực dân Pháp với danh nghĩa là Khâm sứ Trung Kỳ đã có sự khâm phục và ngợi ca hết lời đối với vùng đất Thanh Hóa. Và trong lời tựa của cuốn sách “Thanh Hóa đẹp tươi” (Thanh Hoa Pittoresque) của tác giả H.LeBreton, xuất bản năm 1922 - một cuốn sách hướng dẫn du lịch, ngài Khâm sứ đã có những nhận xét, đánh giá một cách hình ảnh nhưng sắc sảo và sinh động vô cùng về vùng đất mà ông từng trải nghiệm như: 
“... Tất cả những ai đã có vinh dự được cai trị vùng đất đáng ca ngợi này đều gìn giữ trong lòng biết bao tình cảm thân thương thầm kín đối với nó. 
Thanh Hóa níu giữ và quyến rũ như một vùng có nhiều kỷ niệm về quá khứ giàu truyền thuyết và vĩ đại. Thanh Hóa không phải là một đơn vị hành chính bình thường, đây là cả một Xứ. Cũng muôn hình muôn vẻ như xứ Bắc Kỳ, mà còn như là một hình ảnh của Bắc Kỳ thu nhỏ, nó có châu thổ trù phú và phì nhiêu, có vùng trung du cây cỏ bạt ngàn lượn sóng, vùng cao lầm lỳ mà đại ngàn um tùm bao phủ. 
Bên trong một duyên hải luôn thay đổi và khó làm ăn, dọc những dòng sông sâu và rộng, bên những sườn non lỗ chỗ hang động trong những thung lũng hẹp đi lại khó khăn, chủng tộc người An Nam đã tìm chọn cho họ một lãnh thổ được ưa thích hơn cả làm chỗ dừng chân lâu dài, làm một trạm trên đường để qua bao thế kỷ chuẩn bị cho công cuộc mở mang bờ cõi, hồi sức và tập trung lực lượng mà thực hiện vận mệnh của mình.
Vào những giờ phút thử thách, đối với nước An Nam; Thanh Hóa còn hơn cả Hà Nội; đây là một thánh đường bảo tồn mọi kỳ vọng của chủng tộc. Từ miền đất đã được chọn ấy, để bảo vệ nơi an nghỉ của tổ tiên và bao đời vua chúa, đã xuất hiện những anh hùng lừng lẫy và tài ba nhất của lịch sử.
Đây còn là cái nôi của ba triều đại, nơi phát tích của ba vua chúa, kẻ tiến ngôi, quân binh và thi sĩ. Cũng chính một con em của nó đã có trực giác thiên tài lấn biển bao la để có những không gian trù phú rộng lớn, đất nạc mùa màng.
Ngay cả sử gia Trung Quốc cũng hào hứng ca ngợi những thắng tích nơi đây. Không có một kỳ sơn thắng trạch nào mà không ẩn chứa một truyền thuyết của nó. 
Rừng già che đậy cho những phế tích kinh kỳ của các triều đại đã suy vong. Những bức tường thành đen kịt do nhà Hồ dựng lên đang còn sừng sững giữa những vòng vây của bao lèn núi. Không có một ngã ba đường nào mà không còn như lưu lại những vang vọng của giáo gươm xô xát; vó ngựa người Chàm tung hoành trên các cánh đồng; người Lào từ các thung lũng hẹp tràn qua và trên những trang sử vàng của Đại Nam...”(*). 
Còn ở một cuốn sách khác với tên gọi “Tỉnh Thanh Hóa” (Laprovincede Thanh Hoa), xuất bản năm 1924, tác giả H.LeBreton sau quá trình nghiên cứu, sưu tầm các nguồn tài liệu thư tịch của cả Việt Nam và Trung Quốc, cộng với sự khảo sát, điền dã thực tế đã giới thiệu một cách khái quát và hệ thống về đất - nước - con người Thanh Hóa một cách súc tích và rất trân trọng. Đặc biệt, trong chương V “Thanh Hóa trong lịch sử Đại Việt”, để giới thiệu về các cuộc chiến chống quân xâm lược từ phương Bắc tới và từ phía Nam ra, cùng cuộc chiến giữa các triều đại đối địch, tác giả H.LeBreton đã đặt một cái tít thật hấp dẫn: “Thanh Hóa - sân khấu của những bản anh hùng ca lớn của Đại Việt”. Và trên những trang viết của mình, H.LeBreton có sự nhìn nhận, đánh giá rất cao và khách quan về vai trò đặc biệt của Thanh Hóa trong quá trình chống xâm lược để giành và giữ quyền độc lập, tự chủ cho quốc gia Đại Việt mà cho đến nay, những trang viết ấy vẫn được xem là tài liệu tham khảo có giá trị. 
Nhận xét của học giả H.LeBreton về Thanh Hóa quả không sai. Trong trường lịch sử, vùng đất Cửu Chân - Châu Ái - Xứ Thanh lúc nào cũng là vùng đất trọng yếu gắn bó mật thiết với sự ra đời, tồn vong và phát triển của dân tộc, đồng thời liên tục gánh những trọng trách nặng nề khi Tổ quốc lâm nguy. Ngay từ thời nước Âu Lạc bị xâm lược, khi mất Cổ Loa, Thục Phán An Dương Vương còn chạy về vùng đất Cửu Chân (thuộc Nam Thanh, Bắc Nghệ bây giờ) để tổ chức chiến đấu trước khi trẫm mình đáy biển. Rồi đến thời Bắc thuộc, vào năm 40 SCN, khi Hai Bà Trưng bị Mã Viện đánh bại ở miền sông Hát (Vĩnh Phúc) thì tại Cửu Chân - Xứ Thanh, lão tướng Đô Dương và Cừ Súy Chu Bá vẫn chiến đấu kháng cự kiên cường, làm đội quân xâm lược của Mã Viện cũng phải trả một giá đắt khi xâm chiếm nước ta. Tiếp đó, vào năm 248 SCN, người con gái anh hùng họ Triệu (quê huyện Quân An, nay thuộc địa bàn huyện Yên Định) đã đứng dậy tập hợp nghĩa quân ở căn cứ Ngàn Nưa để chống lại nhà Đông Ngô, làm “Toàn Châu Giao náo động”. 500 năm sau đó, có được nhà nước Vạn Xuân, Nam Đế Lý Bí cũng phải chọn Cửu Chân - Châu Ái - Xứ Thanh làm căn cứ chống giặc. Và trong khoảng 50 năm của thế kỷ X - thế kỷ bản lề của sự phục hưng văn hóa dân tộc, từ Dương Đình Nghệ đến Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn đều lấy xứ Thanh làm căn cứ và chỗ dựa chủ yếu để đánh đuổi bọn xâm lược phương Bắc, giành và giữ nền độc lập, tự chủ dài lâu cho dân tộc. Từ đó, suốt ngàn năm tự chủ, vai trò của xứ Thanh lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Vào năm 1009, nhà Tiền Lê rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng, và nhất là sau khi vua Lê Long Đỉnh mất thì đất nước càng thêm rối loạn. Trước tình hình đó, một người con của đất Châu Ái - Xứ Thanh là quan Tri hậu Đào Cam Mộc đã phối hợp cùng nhà sư Vạn Hạnh và lực lượng trung thành cùng chí hướng suy tôn Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế, mở ra vương triều Lý kéo dài trong 215 năm (1010-1225) - một vương triều cường thịnh và rực rỡ trong thời kỳ phong kiến. Và dưới triều Lý, thấy rõ vai trò trọng yếu của vùng đất xứ Thanh, các vua Lý, nhất là từ đời vua Lý Nhân Tông (1072-1128) trở đi đã có nhiều quan tâm, chú ý đến việc biến xứ Thanh - một vùng đất biên viễn xa kinh thành thành vùng đất phên dậu ổn định và vững mạnh - một chỗ dựa tin cậy của quốc gia Đại Việt. Và trong hơn hai thế kỷ dưới triều Lý, xứ Thanh đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét về lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung, mà cho đến nay, những di sản còn lại vẫn là những di sản vô giá làm bất kỳ ai cũng đều phải ngưỡng mộ, kính phục (như ở phần thứ hai đã nêu rõ). Vì vậy mà nhiều nước lân bang và thương đoàn gần, xa ngày ấy mỗi lần đến xứ Thanh, được tận mắt nhìn thấy những chùa chiền có quy mô bề thế và trấn lỵ Duy Tinh sầm uất như Vương Xá Thành của Ấn Độ thời trung cổ mà bia Linh Xứng và bia chùa Sùng Nghiêm đã ghi chép đều phải “quỳ gối, bái phục” (từ dùng ở văn bia chùa Linh Xứng).
Trong hơn hai thế kỷ góp phần đáng kể giúp nhà Lý giữ vững nền độc lập, tự chủ cho dân tộc, xứ Thanh càng trở nên quan trọng trong những thời kỳ lịch sử tiếp theo.
Ở thời Trần (1225-1400), khi quân Nguyên Mông ồ ạt tấn công xâm lược nước ta, vùng đất phên dậu xứ Thanh đã trở thành cứu tinh cho dân tộc. Lịch sử còn ghi nhận, vào năm 1285, trong giờ phút lâm nguy nhất, khi mà giặc Nguyên Mông chiếm được hầu hết đất Bắc và Kinh thành Thăng Long thì Trần Hưng Đạo đã quyết định cho đại quân và hai vua Trần rút nhanh về vùng hậu cứ xứ Thanh cố thủ để bảo tồn và củng cố lực lượng, rồi từ đây mở cuộc đại phản công ra Bắc đánh tan quân giặc Thát. Từ hoàn cảnh và diễn biến lịch sử này mà vị vua anh hùng Trần Nhân Tông mới sáng tác ra câu thơ bất hủ: “Cối kê cựu sự quân tu kỵ, Hoan Ái do tồn thập vạn binh”. Ngay cả lúc một đạo quân lớn của giặc Nguyên Mông do Toa Đô chỉ huy từ phía Nam tiến ra Thanh Hóa đã bị chặn đánh một cách quyết liệt bởi lực lượng dân binh và quân đội nhà Trần. Và thật đặc biệt, với tinh thần “Sát Thát” và lòng quả cảm, kiên cường, chỉ lực lượng dân binh ở hương Yên Duyên (nay thuộc xã Quảng Hùng, thành phố Sầm Sơn) cũng làm cho cả đạo quân hung bạo của Tây Đô phải thất điên, bát đảo. Sự kiện đó đã được tấm bia chùa Hưng Phúc soạn, dựng vào năm 1324 (hiện vẫn còn) chép rõ: “Khoảng năm Thiệu Bảo (1279-1285), giặc Hồ kéo xuống phương Nam, Hữu (thừa) tướng của giặc là Toa Đô đem quân theo đường biển, tắt qua đường Cổ Khê vào trong hương. Ông (tức Lê Công, tục gọi là Lê Mạnh, P.T) thống xuất người trong hương chống giặc ở bến Cổ Bút, đôi bên giao chiến, giặc cơ hồ không rút chạy được. Có kẻ trong hương lén hàng giặc, dẫn đường cho chúng, khiến nhà cửa của ông bị đốt phá, việc chống giặc không thành. Đến khi quân giặc rút lui, nhà vua trở lại kinh đô, việc chống giặc của ông được nhà vua biết đến, (vua) liền xuống chiếu tra xét (kẻ phản bội, P.T), rồi lấy sản vật trong hương bồi thường cho ông để khuyến khích lòng trung cần và nêu tỏ công sức của ông vậy”(**). 
Đến thế kỷ XV, vào năm 1418, với mục đích đánh đổ ách thống trị của xâm lược Minh, từ rừng núi Lam Sơn, Bình Định Vương Lê Lợi đã phất cờ khởi nghĩa, tập hợp hào kiệt và nghĩa sĩ bốn phương, “nằm gai nếm mật”, chiến đấu liên tục suốt 10 năm để rồi quét sạch quân Minh ra khỏi cõi bờ để “rửa sạch tanh nhơ”, “mở nền thái bình muôn thuở cho dân tộc”. Sau một thế kỷ trị vì đến năm 1427, ngai vàng của nhà Lê Sơ đã bị nhà Mạc chiếm cứ. Từ đây, họ Nguyễn (đứng đầu là Nguyễn Kim) và họ Trịnh (bắt đầu là Trịnh Kiểm) người xứ Thanh đã lấy xứ Thanh tập hợp lực lượng để mở cuộc trung hưng lại nhà Lê. Và cục diện Nam - Bắc triều đã diễn ra một cách khốc liệt trong ngót nửa thế kỷ. Và Vạn Lại - Yên Trường của xứ Thanh đã trở thành kinh đô kháng chiến của chính quyền Nam Triều mà thực chất là của nhà Lê - Trịnh. Khi nhà Lê - Trịnh đánh dẹp được nhà Mạc lên tận vùng biên giới phía Bắc và đưa giang sơn Đại Việt về một mối thì xứ Thanh vẫn tiếp tục được xem là vùng đất căn bản được triều đình ban phát khá nhiều đặc ân so với các vùng đất khác. Và cũng từ đây, ngoài vua - chúa là người gốc xứ Thanh, quan chức, binh lính xứ Thanh (và cả xứ Nghệ nữa) ở Thăng Long kinh kỳ vẫn chiếm đa số so với người nơi khác. Vì vậy, mà từ đó mới có câu “Thanh cậy thế, Nghệ cậy thần” là thế chăng. Và qua tài liệu điều tra dân tộc học về nguồn gốc dân cư, dòng họ ở Hà Nội thì trong một số bài viết và cuộc nói chuyện, cố Giáo sư Trần Quốc Vượng đã từng có nhận xét thật dí dỏm mà cũng đúng vô cùng rằng “Thăng Long kinh đô xưa thực chất là khu kinh tế mới của người Thanh - Nghệ...”. Cho đến nay, khi xem các bản phả hệ của Hà Nội thu thập, nhiều bản đã nói rõ về tổ họ, tổ nghề ra lập nghiệp ở Thăng Long - Hà Nội đều có nguồn gốc là người Thanh - Nghệ, v.v...
Tại Thăng Long kinh kỳ, chính quyền vua Lê - chúa Trịnh vẫn tồn tại dai dẳng suốt từ năm 1593 đến tận năm 1788 - khi nhà Tây Sơn thay thế (nếu tính ra cũng được 195 năm. Trong 195 năm ấy, chính quyền Lê - Trịnh dẫu có những hạn chế (như việc để xảy ra cuộc chiến giữa Đàng Trong với Đàng Ngoài khá là thảm khốc), nhưng tựu trung vẫn có công giữ yên bờ cõi và giữ được sự hòa hiếu với các quốc gia láng giềng để đất nước có điều kiện tiếp tục phát triển. Và trong cuộc đối đầu với hơn 20 vạn quân Thanh xâm lược hồi cuối thế kỷ XVIII, vai trò hậu cứ, phên dậu của xứ Thanh lại càng trở nên quan trọng, bởi từ phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn của xứ Thanh, Quang Trung đã dốc lực lượng, mở cuộc đại phản công thần tốc ra Thăng Long đánh tan 20 vạn quân Thanh để bọn xâm lược biết rằng: “Sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” (nước Nam anh hùng là có chủ - lời tuyên bố của Quang Trung tại vùng đất Thọ Hạc, xứ Thanh trước khi lên đường ra Thăng Long đánh dẹp quân Thanh). 
Rồi trong dòng chảy lịch sử của đất nước, của thế kỷ XVIII-XIX, họ Nguyễn gốc xứ Thanh (từng có công trấn giữ và mở rộng đất phương Nam từ gần một thế kỷ trước), từ năm 1802 đã chính thức thay thế nhà Tây Sơn, lập ra vương triều Nguyễn, kéo dài trong 143 năm (từ 1802-1945). Và trong quá trình trị vì, nhà Nguyễn gốc xứ Thanh đã có công lao khôi phục thống nhất nước Việt Nam (mà lúc đó gọi là nước Đại Nam) thành một dải từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau (như hiện nay vậy). Trong công cuộc mở rộng đất phương Nam và thống nhất quốc gia ở thời kỳ lịch sử này, vai trò đóng góp của người xứ Thanh là rất quan trọng và rất đáng được ghi nhận. Cũng vì thế mà nhà Nguyễn trong 143 năm tồn tại đã dành cho đất và người xứ Thanh (nhất là người Quý hương Gia Miêu, Hà Trung) những đặc ân hơn là nơi khác. Và câu nói: “Thanh cậy thế...” vẫn là một nhận xét phổ biến của người đương thời cho đến mãi về sau. 
Đến cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam thì ở xứ Thanh, ngay từ đầu, ngọn cờ Cần Vương chống Pháp đã được phất lên rộng khắp. Các căn cứ Ba Đình, Mã Cao, Hùng Lĩnh, Điền Lư, Trịnh Vạn, v.v... lần lượt ra đời chống xâm lược, làm chấn động cả nước Pháp. Và đến khi thực dân Pháp chiếm cứ được Thanh Hóa và đặt ách cai trị lên cả nước Việt Nam, nhiều học giả người Pháp sau khi nghiên cứu, tìm hiểu về đất nước này đều có chung nhận xét rằng: “Thanh Hóa là sân khấu của những bản anh hùng ca vĩ đại của nước An Nam” (tức Việt Nam). Đây là một nhận xét có tính chất hình ảnh song lại đúng vô cùng. Điều đó còn được chứng minh từ thực tiễn của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ do Đảng ta lãnh đạo mà điển hình là trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp (1946-1954), xứ Thanh trở thành hậu phương lớn đáng tin cậy của cả nước. Và trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, với việc đóng góp sức người, sức của một cách cao nhất cho tiền tuyến, xứ Thanh đã cùng cả nước làm nên “một Điện Biên chấn động địa cầu” và vì thế mà Bác Hồ mới nói: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.
Tiếp đến là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xứ Thanh vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ hậu phương, vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Trong cuộc chiến với không lực Hoa Kỳ, Hàm Rồng và chiếc cầu sắt bắc qua sông Mã đã trở thành biểu tượng anh hùng, bất khuất của đất nước và con người Việt Nam cùng với những địa danh, những tên tuổi sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng khác như Nam Ngạn, Bến phà Ghép, Bò Lăn, Đảo Mê, Lạch Trường, Pha Ú Hò, rồi lão quân Hoằng Trường, gái Hoa Lộc, v.v... đã làm cho cả xứ Thanh, đất Việt đều phải rất tự hào, hãnh diện. 
Như vậy, suốt chiều dài lịch sử, ở tất cả mọi thời đại và mọi miền đất nước, từ Bạch Đằng, Chi Lăng, Hàm Tử, Đống Đa, Điện Biên Phủ, Tây Nguyên, Đà Nẵng đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, người xứ Thanh đều có mặt để đóng góp những chiến công lẫy lừng cho dân tộc. Các vị anh hùng từ Bà Triệu, Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lê Lợi, Tống Duy Tân đến Lê Đình Chinh, Nguyễn Bá Ngọc và biết bao anh hùng khác cùng nhân dân cứ thế nối tiếp nhau làm rạng rỡ cho đất nước, quê hương.
                                P.T

(*) H.LeBreton, Thanh Hóa đẹp tươi, Xuất bản năm 1924, bản dịch đánh máy, tài liệu tham khảo của Thư viện Thanh Hóa (4-2010).
(**) Tuyển tập văn bia Thanh Hóa, T.I, Sđd, tr.310-311.


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 66
 Hôm nay: 510
 Tổng số truy cập: 9278811
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa