Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   VÙNG ĐẤT BĂNG SƠN
VÙNG ĐẤT BĂNG SƠN

Băng Sơn - một vùng đất đã đi vào thi cổ, ngày nay thuộc làng Xuân Sơn, xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây, mỗi khi nhắc tới, người ta thường nhớ đến danh nhân Lê Phụng Hiểu. Người đã đi vào truyền thuyết dân gian với những câu chuyện dân gian huyền thoại nổi tiếng bao đời. Đây cũng là nhân vật lịch sử đã được các nhà sử học nổi tiếng thời trung đại ghi chép trong quốc sử. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên hay sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú đều ghi rất rõ về nhân vật này. Tựu trung, các nhà sử gia đều khắc họa được công trạng của Lê Phụng Hiểu với Vương triều nhà Lý. Lê Phụng Hiểu là một người anh hùng đề cao nhân nghĩa, trung dũng, kiên trung, phò vua giúp nước, đặc biệt có công dẹp nạn ngoại xâm, bình yên xã tắc. Chính vì vậy vùng đất cổ Băng Sơn xưa gắn liền với nhân vật Lê Phụng Hiểu đã lưu lại dấu ấn văn hóa trên bản đồ di tích lịch sử xứ Thanh như một dấu son để khách du lịch trong nước và quốc tế tìm về. 
Trở lại với cội nguồn lịch sử. Căn cứ vào những tài liệu lịch sử và nhất là kết quả nghiên cứu khảo cổ học vào năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, tại di chỉ Hoằng Quỳ thì Hoằng Hóa là địa bàn của cư dân sinh sống cách đây khoảng 3000 năm đến 4000 năm, trong đó có người dân Kẻ Bưng. Theo tiến trình lịch sử, cư dân ngày càng đông hơn. Trước thế kỷ X tại đất Băng Sơn cùng với các vùng xung quanh đã có nhiều cư dân sinh sống. Như vậy, nhìn lại buổi đầu của lịch sử hình thành, chúng ta thấy đất Băng Sơn nằm trong vùng tụ cư khá sớm của người Việt cổ bên bờ sông Mã. Tại vùng này, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy di chỉ Quỳ Chữ (Hoằng Quỳ, Hoằng Hóa) thuộc giai đoạn Gò Mun của thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Cùng với di chỉ Quỳ Chữ, các di chỉ khác như Mã Chùa, Bãi Sành, Văn Chỉ, Cồn Kiên, Mã Cáo kéo dài một vệt trên vùng đất của Hoa Lộc, Liên Lộc, Hòa Lộc. Các di chỉ ấy đều có di chỉ liên quan đến giai đoạn văn hóa Đông Sơn. Và cũng thời kỳ ấy, đất Băng Sơn ngay từ thời đầu đã được mọc lên từ ven bờ sông Mã trải rộng theo các nhánh sông. Theo tư liệu lịch sử và những truyền thuyết dân gian để lại, người dân Kẻ Bưng xưa (nay thuộc xã Hoằng Sơn) đã có mặt từ vùng đất này rất sớm. Gắn với sự tồn tại làng xã, cư dân nơi đây tập trung ở vùng núi Băng Sơn và dọc theo sông Trà Giang, nhánh của sông Mã, nên dân vùng Kẻ Bưng ngay từ thời kỳ đầu, đã tập trung đông đúc. Với những di vật tìm được tại vùng núi Bưng và làng Cổ Bản, đồng niên với các di chỉ tìm thấy trước đây, ta có thể khẳng định con người có mặt tại vùng đất Băng Sơn đã sinh ra cùng thời gắn với giai đoạn văn hóa Đông Sơn là đáng thuyết phục.
Về nhân vật Lê Phụng Hiểu tại đất Băng Sơn, đã được các nhà sử học, các nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian… khai thác ở nhiều góc độ khác nhau. Đã có nhiều câu chuyện lấp lánh giá trị dân gian ghi vào truyền thuyết lịch sử, như câu chuyện “Người tiều phu giết hổ ở núi Hoa Lâm”. Hay mỗi khi đề cao sức mạnh phi thường người ta thường nhắc tới chuyện “Ông Bưng vật ông Vồm”, tiếp đến “Miếng võ gia truyền”. Các câu chuyện có liên quan đến điền thổ nông nghiệp, đó là chuyện “Thác đao điền”, hay chuyện “Ông Bưng thuần hóa trâu xanh”. Từ nhân vật khổng lồ này, đã rạch đường cày tạo thành con sông Ấu (sông Trà Giang) để có nước tưới cho ruộng đồng, giúp người nông dân trồng lúa, trồng mầu, lên hương xanh tốt. Người là vậy, nhưng dấu ấn cần được ghi nhớ là ông Lê Phụng Hiểu được sinh ra từ vùng đất cổ Băng Sơn. Điều ấy khẳng định, đất thiêng thường sinh ra anh hùng tuấn kiệt. Tất yếu có sự đóng góp không nhỏ trong lịch sử hình thành và phát triển của một vùng văn hóa lịch sử.
Vào thế kỷ X - XI, Kẻ Bưng với tên làng Băng Sơn đã trở thành một đơn vị hành chính ổn định và được ghi vào sự tích Lê Phụng Hiểu. Tất cả các thư tịch cổ, như “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Việt điện u linh”, “Đại Nam nhất thống chí”, “Lịch triều hiến chương loại chí”…, các thần tích, bia ký, truyền thuyết dân gian đều xác nhận vùng đất Băng Sơn nay thuộc xã Hoằng Sơn là nơi sinh ra Lê Phụng Hiểu. Dẫu hiện nay tên ông đã có mặt ở nhiều vùng trên các địa phương khác, nhưng có một điểm chung duy nhất, được xác định quê ông tại Băng Sơn, nay là làng Xuân Sơn, xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ông là người có công tham gia triều chính, được vua Lý Thái Tổ thăng chức Vũ vệ tướng quân, sau đó, ông có công theo vua Lý Thái Tông dẹp loạn Chiêm Thành, được vua phong đất làm sản nghiệp tại Băng Sơn. Sau khi ông mất, người dân Băng Sơn thương nhớ lập đền thờ và suy tôn ông làm Thành Hoàng của làng. Từ đó cái tên Lê Phụng Hiểu gắn với đền thờ ông đã trở thành biểu tượng, là niềm tự hào của người dân xã Hoằng Sơn nói riêng, người dân Hoằng Hóa, Thanh Hóa nói chung. Ông chính là nhân vật dã sử, không những là danh tướng tài giỏi đã in dấu ấn vào lịch sử thời trung đại mà còn là nhân vật dân gian huyền bí. Mặt khác, còn tạo cho vùng đất Băng Sơn có thêm sắc màu văn hóa mới. Những câu chuyện kể về truyền thuyết ông Bưng được các nhà nghiên cứu văn học dân gian đánh giá là một trong những câu chuyện hay nhất. Nó được xem là câu chuyện mang chất folklore đậm nét nhất, gắn với truyện hình thành sông núi, đất đai, đồng ruộng, lôi cuốn các nhà nghiên cứu tìm đến. Và hiện tại, được các nhà biên tập đưa vào sách giáo khoa trong phần văn học địa phương giảng dạy ở các trường phổ thông.
Lê Phụng Hiểu là một danh nhân gắn với đất cổ Băng Sơn, vì thế, nói đến đất Băng Sơn, còn một điểm đáng chú ý, đó là nơi chính thờ ông và mẫu thân sinh ra ông. Các chứng cứ lịch sử đã chứng minh công trạng của ông, được nhà nước phong kiến lúc bấy giờ ghi danh phong thưởng. Điều ấy được thể hiện trong sự tích “Thác đao điền” cùng với 21 sắc phong từ thời Cảnh Hưng thứ nhất (1740) đến năm Khải Định thứ 8 (1923). Căn cứ vào các đạo sắc phong của vua ban, chúng ta hiểu biết rõ hơn về ngôi đền Đức Thánh Bưng - Lê Phụng Hiểu, một di tích tồn tại được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII - XVIII với tư cách là nơi thờ cúng có đầy đủ diện mạo về công trình kiến trúc khá đậm nét đặc trưng.
Không gian kiến trúc của đền trước đây, được xác định bề thế, thâm nghiêm, cổ kính. Trước đền có cổng nghinh môn. Hai bên cửa cổng có hai tượng hộ pháp quan văn và quan võ đứng gác. Nối liền là sân gạch. Xung quanh có tường bao quanh. Tiếp nối, đền có 7 gian tiền đường, 5 gian trung đường và cuối là hậu cung (chính tẩm). Ở đoạn giữa xây cửa cuốn, kiểu chồng gươm hai tầng mái có các đầu đao tạo nên sự uyển chuyển, mềm mại với những nét hoa văn độc đáo. Về cấu trúc gắn với hậu cung là trung đường, tạo nên một thể thống nhất, được ngăn cách bằng các cửa ra vào. Trưng bày trên các gian thờ hiện nay, có khác hơn hồi xưa. Bởi trước khi đền được trùng tu, bên phải là Phủ thờ Mẫu, thờ bà Tố Nương mẹ Lê Phụng Hiểu. Trước cải cách ruộng đất năm 1954, Phủ thờ Mẫu bị phá, nên bàn thờ và bức tượng mẹ Lê Phụng Hiểu, có tên Đức Thánh Mẫu được chuyển về đền, trên bàn thờ ông vẫn còn giữ được nét đẹp linh thiêng đặt trong khám thờ sơn son thếp vàng. 
Trong đền thờ trang trí bài cảnh, trên tường có một số câu đối của vua Tự Đức và bài thơ ông viết ca ngợi Lê Phụng Hiểu. 
Trí khôn tài mạnh dễ ai đương
Dẹp hội rồng mây vẫn khác thường
Dẹp lũ Đông Chinh hơn kính Đức
Bắt người Xạ Đẩu sánh Hàn Vương
Từ quyền nạp chức năm lồng lộng
Xin ruộng quăng đao mấy dặm trường
Băng Sơn cảnh đẹp còn in dấu
Phụng Hiểu anh hùng bóng vấn vương.
Không phải ngẫu nhiên mà đền thờ Lê Phụng Hiểu qua các đời được nhiều thi nhân đề thơ vịnh cảnh. Trước hết phải khẳng định vùng đất gần 3000m2 được quy hoạch xây dựng khu di tích cấp Quốc gia đền thờ Lê Phụng Hiểu là một vùng đất sơn thủy hữu tình. Cảnh đẹp theo thế phong thủy, nhìn vào đã thấy sự vượng khí, oai linh, thơ mộng. Hai bên đền có hai quả núi, thường gọi núi Bưng, được dân gian huyền thoại hóa thành hai bó củi gắn với sự tích ông Bưng vật ông Vồm. Nhìn thế đất, lấy hai quả núi này làm án, chắn giữ phía Bắc, tạo thế thanh bình cho mạch đất ngầm chảy xuống sông Trà Giang, mới biết cảnh tượng nơi đây có sông, có núi, ruộng đồng bát ngát, đã tạo nguồn thi hứng cho các tao nhân mặc khách vãn cảnh đề thơ. Tác giả sách “Hoằng Hóa phong vật” có bài thơ viết về núi Băng Sơn: 
Sơn hiệu Băng Sơn cảnh sắc Thanh
Nhân lai thể thế kiến tinh linh
Mã Yên tiền tự loan như trạc
Hương tự trung bàn thạch diệc hinh
Bản thụ tri huân lưu cổ miếu
Trịch đao thần hóa thướng di hình
Anh hùng nhất khứ thùy linh tích
Thiên cổ giang san toại đắc danh.
Nhà nghiên cứu Bùi Vĩ dịch:
Vùng núi Băng Sơn cảnh sắc thanh
Thế nhìn tinh túy hiện anh linh
Mã Yên chầu trước non quang sáng
Hương tự chùa thơm đá cũng vinh
Nhổ bụi tướng quân ghi cổ miếu
Quăng đao thần hóa vẫn lưu hình
Anh hùng đi mất thiêng còn đó
Ngàn thuở non sông được nổi danh.
Đặc biệt khi du khách đến vùng đất Băng Sơn không thể không lên núi ngắm cảnh sắc. Điều họ muốn khám phá là được chiêm nghiệm để nhớ về một thời quá khứ, về những câu chuyện dân gian lắng đọng hồn người. Đứng trên núi Bưng có thể nhìn thấy biển, ngắm chùa Mã Yên Sơn, dạo về phía Bắc có đền thờ Cao Sơn. Và chính nơi đây nhà nghiên cứu Trịnh Danh Cự đã có bài thơ “Ngắm cảnh Băng Sơn” vịnh cảnh khá nổi tiếng được in báo “Nước Nam” trước đây, và trong sách Địa chí văn hóa Hoằng Hóa (Nhà xuất bản Khoa học xã hội Hà Nội - 1995):
Tới đỉnh Băng Sơn lẳng lặng trông
Bốn bề làng xóm núi cùng sông
Rêu phong miếu cũ bia còn đó
Hương lạnh chùa kia Phật vẫn còn
Bó củi lời truyền non lớp lớp
Đao quăng sử chép ruộng trùng trùng
Người xưa cảnh cũ là đây nhỉ
Non nước còn nguyên của Lạc Hồng.
Vùng đất Băng Sơn còn là nơi tụ hội đền, chùa, miếu, phủ, văn chỉ khá phong phú, mà điển hình nhất là đền thờ Tướng công Lê Phụng Hiểu. Dường như có một vệt ngầm chảy dài trong quần thể di tích nằm trong vùng văn hóa xứ Thanh. Điều đáng nói ở đây có 4 di tích xếp hạng, trong đó có một di tích cấp Quốc gia là đền thờ Lê Phụng Hiểu và ba di tích cấp tỉnh. Di tích đền thờ Lê Phụng Hiểu gắn với lễ hội văn hóa nổi tiếng xưa kia, vì đây là đền có tiếng linh thiêng nhất. Xưa kia, ai đi qua đền, đều phải xuống xe, xuống ngựa. Ngày nay cũng vậy, người ta thường thấy các vị quan chức và người dân vào các ngày lễ tết thường đến thắp hương cầu phúc, cầu tài, cầu tai qua nạn khỏi... Không những thế, nét văn hóa còn được biểu hiện qua những trò chơi đấu vật, thi câu đối, thơ phú, đánh cờ và ngày nay truyền thống ấy vẫn còn giữ được, đặc biệt các kỳ lễ hội, người dân vẫn tổ chức các trò diễn xướng hát dân gian.
Một điểm đáng nói về vùng đất này lại nằm trong quần tụ văn hóa với các điểm đến du lịch nổi tiếng. Chỉ cách khoảng từ 4 đến 50km trong một tuyến đường, phía Bắc có đền thờ Bà Triệu Thị Trinh tại Phú Điền, huyện Hậu Lộc và đền thờ Triệu Quang Phục xã Hoằng Trung, huyện Hoằng Hóa. Phía Đông Nam có đền và chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh tại Duy Tinh - Hậu Lộc… Thuận lợi là thế. Song để kéo khách du lịch về đất Băng Sơn, nơi có đền thờ chính Lê Phụng Hiểu với tư cách là nơi xứng được tôn vinh người anh hùng thời phong kiến, được nhân dân bao đời ghi công đức, và được vua tôi nhà Lý phong tước hầu, cùng nhiều triều đại vua các đời sau ban sắc phong ghi nhận, thiết nghĩ xã Hoằng Sơn và huyện Hoằng Hóa cùng các sở, ban, ngành của tỉnh Thanh Hóa nên tiếp tục đầu tư tôn tạo thêm những phần còn thiếu trong khu di tích, như cổng nghinh môn, khu vực đường vào phía trước chính diện của đền… Riêng các phần bài trí đồ thờ để tương xứng với danh tiếng của Lê Phụng Hiểu cũng cần phải bổ sung nhiều. Mặt khác các ngành, các cấp cần phải quy hoạch mở rộng thêm nơi sinh hoạt văn hóa và nơi để xe phục vụ cho du khách vãn cảnh, cầu bái, quy chuẩn hơn. Biết rằng, lợi thế của xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa là có một di tích đặc biệt như vậy, nhưng cần phải quảng bá rộng rãi hơn nữa về hình ảnh vùng đất khu di tích lịch sử văn hóa nơi đây với nhiều hình thức, để tương xứng với di tích cấp Quốc gia, mặc dù ở các địa phương khác có tới 32 đền thờ Lê Phụng Hiểu nhưng chỉ có duy nhất đền thờ chính ông được đặt tại xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa ngày nay. Đây chính là lợi thế của vùng đất cần được phát huy.
Thời gian tới, xã Hoằng Sơn và huyện Hoằng Hóa, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thanh Hóa nên phối hợp tổ chức một cuộc hội thảo khoa học lịch sử tại xã Hoằng Sơn, hoặc tại trung tâm huyện Hoằng Hóa, để đánh giá toàn diện, sâu sắc về nhân vật Lê Phụng Hiểu và vùng đất Băng Sơn, từ đó giới thiệu, quảng bá sâu rộng về quê hương, con người, về thân thế, sự nghiệp và công trạng của Lê Phụng Hiểu. Tất cả yếu tố ấy góp phần đưa xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa, nơi có di tích nổi tiếng đã thực sự trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.  
                                T.V.Đ  


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 128
 Hôm nay: 6963
 Tổng số truy cập: 7545512
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa