Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM VỀ VĂN HÓA ĐỌC HIỆN NAY
ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM VỀ VĂN HÓA ĐỌC HIỆN NAY

Văn hóa đọc, xây dựng văn hóa đọc, phát triển văn hóa đọc… là những cụm từ thường xuyên được nhắc đến trong nhiều năm trở lại đây. Điều này nhìn từ mặt tích cực cho thấy sự quan tâm của toàn xã hội đến những vấn đề then chốt của giáo dục trong và ngoài nhà trường, toàn xã hội đang hướng tới năng lực tự học, học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Văn hóa đọc - nền tảng quan trọng hình thành giá trị nhân văn, chất men sáng tạo và định hướng phát triển của mỗi con người, mỗi quốc gia, dân tộc.
Hiện tại chúng ta đang sống trong xã hội thông tin, với muôn hình vạn trạng, tràn ngập trên các trang mạng xã hội, cái tốt nhiều song cái xấu cũng không ít. Kỷ nguyên công nghệ thông tin bùng nổ với văn hóa nghe nhìn phần nào đã lấn át, mai một “cái sự đọc” truyền thống mà ông cha đã dày công tạo lập qua nhiều thế hệ. Nhìn vào thực tế văn hóa đọc của thế hệ trẻ hiện nay tôi không khỏi băn khoăn, thậm chí có chút buồn. Đã đến lúc chúng ta cần phải nghiêm túc hơn, quyết liệt hơn trong việc khôi phục và phát triển văn hóa đọc.
Tôi còn nhớ, vào thập niên 60 cho đến những năm 90 của thế kỷ XX, những người đọc sách, đam mê sách, yêu sách, say sưa với sách khá nhiều, có những gia đình ông cháu, cha con tiết kiệm, chắt chiu dành dụm số tiền ít ỏi để mua sách, xây dựng thành tủ sách gia đình. Với thế hệ chúng tôi, cắp sách đến trường là cơ hội để được tiếp xúc với sách, có sách là đọc, đọc ngấu nghiến, rảnh rỗi lúc nào là đọc lúc ấy, đọc không biết mệt, không biết chán, đọc cả khi nấu cơm, quét nhà. Từ tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc như Đông Chu liệt quốc, Tam quốc chí, Tam quốc diễn nghĩa, Tây du ký, Thủy hử, Chiêu Quân cống Hồ… đến sách của Nhà xuất bản Kim Đồng cả truyện tranh lẫn truyện viết như: Thanh đoản kiếm, Dôi a (văn học Nga), Anh hùng rừng Xéc Vút trong tiểu thuyết Ai Van Hô (văn học Anh), Sông nước Bạch Đằng, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài, Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, cùng với rất nhiều tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng khác như Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nhất Linh, Khái Hưng, Kim Lân... Nhà thơ Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Vũ Cao, Lưu Trùng Dương... Lớn lên một chút chúng tôi được tiếp cận với Thép đã tôi thế đấy, Mùa gặt, Sông Đông êm đềm, Đất vỡ hoang, Người mẹ, Rừng thẳm tuyết dày, Hoa diếp dại, Vừng hồng, Những người khốn khổ, Nhà thờ đức bà Pa Ri, Chiến tranh và hòa bình... đến sách của nhóm Tự lực Văn đoàn; các truyện của Nhân văn - giai phẩm, nào là Nửa chừng Xuân, Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng, Vượt Côn đảo của Phùng Quán; Truyện ngắn chọn lọc của Nguyễn Công Hoan; Đôi lứa xứng đôi, Lão Hạc, Sống mòn của Nam Cao; Giông tố, Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, Lều chõng của Ngô Tất Tố…
Những tháng năm cả nước sục sôi đánh Mỹ cứu nước, tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng. Qua những tấm gương hy sinh anh dũng của quân dân hai miền Nam - Bắc đã thôi thúc tôi và các bạn đến với những tác phẩm Sống như anh của Trần Đình Vân, Người mẹ cầm súng của Nguyễn Văn Thi, Mẫn và tôi của Phan Tứ, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu, Hòn đất của Anh Đức, thơ của Giang Nam, Thu Bồn, Lê Anh Xuân... chúng tôi truyền tay nhau chép lại và thuộc lòng đưa vào các buổi liên hoan văn nghệ của lớp, của đoàn thanh niên địa phương. Tôi đã đọc không biết bao nhiêu sách báo, thủy chung với sách báo và vẫn tiếp tục nuôi dưỡng đam mê ấy qua Búp sen xanh, Búp sen vàng của nhà văn Sơn Tùng, Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Mãi mãi tuổi hai mươi của Nguyễn Văn Thạc, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, sách mang tính nghiên cứu, chuyên luận, của các tác giả Hoàng Anh Nhân, Hoàng Tuấn Phổ, tiểu thuyết Đội gạo lên chùa, Mẫu thượng ngàn của Nguyễn Văn Khánh, bộ tiểu thuyết về vương triều nhà Trần, Địa chí Thanh Hóa và một số huyện trong tỉnh, các tuyển tập truyện ngắn hay hàng năm, các truyện ngắn hay in trên tạp chí văn nghệ của một số hội văn học nghệ thuật cấp tỉnh. Mỗi ngày tôi dành ít nhất là một tiếng đồng hồ để đọc sách, báo và ngày nào cũng duy trì như một thói quen khó bỏ. Bộ sưu tập sách, báo, tạp chí của tôi hiện nay không dưới nghìn cuốn; tạp chí, báo, đặc biệt báo tết các loại phải tính bằng trọng lượng chứ không tính được bằng tờ, bằng quyển. Qua những trang sách đông, tây, kim, cổ đã giúp tôi lớn lên về nhận thức, giàu về tâm hồn, chín chắn trong ứng xử, giao tiếp, cẩn thận trong lề lối làm việc mà không trường học nào có thể thay thế, như Lê Nin đã từng nói “Không có sách thì không có trí thức…”; Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của chúng ta cũng là người ham đọc sách, qua sách báo mà Bác biết và tích lũy được rất nhiều tri thức của nhân loại và chính người cũng đã trở thành một vĩ nhân nhờ tinh thần tự học và tự đọc.
Các tạp chí văn nghệ như: Văn nghệ Xứ Thanh của Hội VHNT Thanh Hóa; Người Hà Nội của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội; Sông Hương của Hội VHNT Thừa Thiên - Huế; Tạp chí Văn nghệ Quân đội; Báo Văn nghệ của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và nhiều tạp chí văn học nghệ thuật của các tỉnh thành khác trong cả nước có lẽ vẫn đang nhọc công tìm cách tồn tại song hành cùng với các loại hình mì ăn liền khác trên nền tảng số. Sách về mảng văn học nghệ thuật càng gặp khó khăn hơn bởi ngoài cạnh tranh với các sản phẩm nền tảng số còn có một cuộc cạnh tranh khác cũng không kém phần khốc liệt đó là cạnh tranh với các tác phẩm văn học nước ngoài được phát hành theo hình thức song ngữ hoặc dịch thuật. Việc cạnh tranh một suất trên kệ các nhà sách đã khó, hơn thế số lượng nhà sách lại ít và chỉ tập trung chủ yếu ở các trung tâm hành chính lớn, trong khi lượng độc giả tiếp cận với các nhà sách hãy còn khiêm tốn. Ham lắm cũng chỉ mua được một cuốn mà hiệu sách quả là khó tìm, cả thành phố Thanh Hóa quanh quẩn cũng chỉ có nhà sách Việt Lý, Tiền Phong, hiệu sách Nhân dân Thanh Hóa đang làm lại chưa biết bao giờ mới khánh thành. Các hiệu sách cấp huyện chủ yếu là bán sách giáo khoa và văn phòng phẩm, hệ thống thư viện tỉnh, huyện, bưu điện văn hóa xã, trung tâm học tập cộng đồng… không thấy mấy người đến ngoài vài cháu học sinh sống ở thành phố, thị trấn, như thế thử hỏi làm sao mà văn hóa đọc không xuống cấp. Nếu nhìn vào các đối tượng độc giả, tôi chỉ xin nêu ở môi trường nông thôn hiện nay, thì rõ ràng là khó. Khó là bởi, đối tượng là học sinh từ cấp I đến cấp III, tôi thấy các cháu học nhiều, từ sáng sớm tinh mơ cho đến nửa đêm các cháu tất bật với lịch học ở trường, ở các trung tâm hay gia sư dạy kèm tại nhà. Với đối tượng là thanh niên và trung niên thì khi xã hội đang lao vào cuộc chiến mưu sinh và làm giàu thì đây là đối tượng chính và tất nhiên họ không còn thời gian cho việc đọc sách nhưng vẫn có thời gian để lướt facebook hoặc các tờ tin tức online theo kiểu mì ăn liền. Với đối tượng là người cao tuổi, ngoài thời gian lo cho các cháu nhỏ để bố mẹ chúng yên tâm lao động, sản xuất thì đối tượng này sẽ dành phần thời gian ít ỏi còn lại cho việc xem ti vi và gặp mặt đàm đạo thế sự. Nói như vậy nghĩa là chúng ta phải chấp nhận một thực tế “quá độ” và những tác động mạnh mẽ của thời buổi kinh tế thị trường cũng như sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và truyền thông.
Văn hóa đọc được coi là một điểm nhấn quan trọng để gìn giữ và phát triển nền tảng văn hóa của quốc gia. Thế nhưng tại Hội nghị Văn hóa Toàn quốc lần thứ 2 tổ chức tại Hà Nội vừa qua, với hơn 90 bản tham luận tại hội nghị, không có bài nào nhắc đến việc kêu gọi, quảng bá cho văn hóa đọc, xây dựng một nền văn hóa đọc trong thời kỳ đẩy mạnh Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Rõ ràng việc định hướng cho cán bộ, đảng viên nhất là thế hệ trẻ tới đây là những người nắm giữ vận mệnh đất nước hình thành một văn hóa đọc có tính chất sâu rễ gốc bền đâu đó hãy còn hạn chế. Tôi đã tiếp xúc với nhiều cán bộ cấp xã, cấp huyện, sách báo không hiếm nhưng đa phần là anh chị em vin cớ bận không mấy người đọc, kể cả sách hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ. Xây dựng văn hóa đọc là câu chuyện không của riêng ai và không chỉ dừng lại ở một vài đối tượng cụ thể, theo tôi đó là câu chuyện của toàn xã hội, và khi vấn đề nào đó được coi là có sức ảnh hưởng đến tinh thần quốc gia, dân tộc thì cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, giao việc, giao quyền nhưng cũng cần duy trì nghiêm túc công tác thanh kiểm tra, giám sát. 
Là bạn đọc trên dưới 60 năm, gắn bó mật thiết với sách, say mê sách từ tuổi thiếu niên, không hề tiếc tiền mua sách, góp nhặt những kiến thức đã tích lũy được trong quá trình đọc sách, tôi xin nêu ra một số vấn đề có tính chất tham khảo góp phần nâng cao nhận thức về văn hóa đọc:
Ngay từ năm 2006 Chính phủ Hàn quốc đã chính thức ban hành đạo luật về văn hóa đọc. Đạo luật này chỉ thị thiết lập một chương trình phát triển văn hóa đọc, thành lập ủy ban khuyến đọc và yêu cầu các cơ quan Trung ương đến địa phương phải cung cấp cơ hội đọc sách bình đẳng cho mọi trẻ em trong đó quy định rõ vai trò trách nhiệm của cộng đồng, nhà trường thậm chí của cả các công ty tư nhân đối với việc khuyến đọc. Ở Nhật Bản Luật khuyến đọc dành cho trẻ em được thông qua năm 2001. Điều giống nhau giữa Nhật Bản và Hàn Quốc bên cạnh việc Luật hóa các quy định họ còn giám sát chặt chẽ kế hoạch thực hiện của các địa phương.
Trông người lại ngẫm đến ta, có cả nghìn lý do để chúng ta nói về sự thiếu hụt trong văn hóa đọc của mình. Đánh giá, nhìn nhận một cách khách quan thì sau năm 1975 đất nước thống nhất hệ thống xuất bản sách đã có những bước tiến dài, hàng năm số lượng xuất bản xấp xỉ 25.000 tên sách tăng gấp 6 lần so với trước đây, tốc độ gia tăng khoảng 10% mỗi năm. Cả nước hiện đang xuất bản trên 400 tên báo, tạp chí dạng bản in. Hệ thống thư viện phủ kín các huyện, tỉnh, thành, bên cạnh đó là hệ thống thư viện các nhà trường từ bậc phổ thông đến đại học, thư viện trong các đơn vị quân đội, bưu điện văn hóa xã rồi chương trình đưa sách về làng ở Nam Định, Thái Bình, Bắc Giang và một số tỉnh thành khác, nhưng lỗ hổng là vẫn thiếu người đọc, không mấy người mặn mà với sách mà trong một thời gian ngắn chưa thể khỏa lấp, chưa thể khắc phục một cách có hiệu quả, làm thế nào để xây dựng một nền văn hóa đọc như những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước quả là điều không hề dễ dàng. Cần phải thiết lập đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở, những người viết sách, họa sĩ trình bày, nhà xuất bản, nhà in, thư viện, các mạnh thường quân sẵn sàng tham gia tài trợ các hoạt động phát triển văn hóa đọc. Tổ chức 5 năm một lần điều tra và tổng kết xã hội học về thực trạng đọc sách trong xã hội, xây dựng kế hoạch đọc ngắn hạn, dài hạn để phát triển có hệ thống văn hóa đọc và một điều không thể thiếu là trao giải thưởng cho các tác phẩm hay có giá trị nghệ thuật, hình thức cũng như việc quảng bá, tuyên truyền cho văn hóa đọc trong nhân dân. Năm 2016 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Thủ tướng chính phủ đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2016-2020 tầm nhìn đến năm 2030” kèm theo là bản tổng hợp tiếp thu, giải trình các ý kiến, cho dự thảo của các bộ ngành có liên quan. Nhưng xem ra cũng đã rơi vào quên lãng.
Không dám chắc, không so sánh nhưng tôi vẫn khát khao, mơ ước, hy vọng và chờ đợi sự thay đổi có tính đột phá của nền văn hóa đọc ở nước ta nói chung và xứ Thanh nói riêng, chỉ cần sự lan tỏa bằng một nửa Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Xây dựng Nông thôn mới đã là hạnh phúc lắm rồi.
                                N.X.L
 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 55
 Hôm nay: 1403
 Tổng số truy cập: 9286211
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa