Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   SẮC THÁI XỨ THANH
SẮC THÁI XỨ THANH

Cho đến nay, khi cả nước đang có sự chuyển động, bứt phá mạnh mẽ trong công cuộc hội nhập, phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xứ Thanh đã và đang ra sức phấn đấu vươn lên thành một tỉnh giàu mạnh ở khu vực Bắc miền Trung để xứng danh với vùng đất giàu truyền thống lịch sử anh hùng. 
Như vậy, vai trò to lớn trong tiến trình lịch sử dân tộc đã tạo ra cho xứ Thanh một vị thế đặc biệt. Đó chính là yếu tố cơ bản nhất, quyết định nhất đến việc hình thành sắc thái và tính cách của người xứ Thanh. 
Không những thế, xứ Thanh của văn hóa núi Đọ, văn hóa Đông Sơn, nơi từng có Bà Triệu cưỡi voi phá giặc, có Lê Lợi tụ nghĩa bình Ngô, đến Ba Đình, Hàm Rồng bất tử lại chính là xứ sở quê hương của một nền văn hiến phong phú và đa dạng. Nơi đây còn là vùng đất căn bản sản sinh ra 4 dòng vua (Tiền Lê, Hồ, Hậu Lê, Nguyễn) và 2 dòng chúa (Trịnh và Nguyễn) đã từng thống lĩnh, trị vì quốc gia, nước Việt với thời gian tổng cộng hơn 5 thế kỷ. Trên đất căn bản và đất phên giậu xứ Thanh, trong thời buổi giặc dã, loạn lạc đe dọa đến sự an nguy của đất nước, kinh đô của nước Đại Ngu do Hồ Quý Ly cho xây dựng tại Tây Giai dẫu chỉ tồn tại được trong 7 năm (1400-1407) nhưng đã chứng kiến sự ra đời của nhiều chính sách cải cách tiến bộ, đồng thời đã để lại cho hậu thế hôm nay một tòa thành đá vĩ đại - đó là Thành nhà Hồ - một di sản văn hóa thế giới. Tiếp đó, ở nửa cuối thế kỷ XVI, kinh đô kháng chiến của nhà Lê - Trịnh ra đời và tồn tại để làm nhiệm vụ trung hưng lại nhà Lê, đưa giang sơn về một mối. Tại đây, 7 khóa thi đại khoa đã được tổ chức trong cuộc chiến khốc liệt giữa Nam Triều và Bắc Triều. Và trong 48 năm tồn tại, kinh đô kháng chiến này cũng sản sinh ra hàng loạt tướng văn, tướng võ, mà nổi tiếng hơn cả chính là vị Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan và văn thần Nguyễn Bính - người đã lập hàng trăm thần tích mà đến nay vẫn còn lưu giữ được. 
Trong suốt ngàn năm phong kiến (từ Lý - Trần - Lê đến Nguyễn), xứ Thanh đã có 204 người đỗ Tiến sĩ (trong đó có 5 Trạng nguyên và trên một chục Thám hoa, Bảng nhãn) cùng 1465 người đỗ Cử nhân, Hương cống. Với số liệu thống kê này, xứ Thanh cũng xứng danh là vùng đất có truyền thống học hành, khoa cử (và là một trong 5 tỉnh có số người học hành đỗ đạt nhiều nhất trong cả nước). Và trong tỉnh có tới gần hai chục làng được gọi là làng khoa bảng mà phần lớn các huyện đồng bằng đều có (nhưng huyện có nhiều nhà khoa bảng hơn cả vẫn là huyện Hoằng Hóa. Vì vậy mới có câu “Mẹo mực Quảng Xương, văn chương Hoằng Hóa”).
Trên thực tiễn lịch sử, hàng trăm, hàng ngàn văn tướng, võ tướng người xứ Thanh đã có rất nhiều người được sử sách cũ ghi chép và ngợi ca đậm nét. Nhiều người đã trở thành danh nhân, thánh nhân của xứ Thanh, nước Việt. 
Trên đất nước ngàn năm này, khối lượng di sản văn hóa (gồm vật thể và phi vật thể) để lại cho hậu thế chúng ta thật hết sức phong phú và đa dạng. Theo số liệu thống kê gần đây (2015) thì cả xứ Thanh vẫn còn hiện hữu hơn 4.000 di tích lịch sử - văn hóa và kiến trúc nghệ thuật ở mức độ khác nhau, trong đó có 01 di tích được công nhận là di sản văn hóa thế giới (đó là Thành nhà Hồ), 2 di tích Quốc gia đặc biệt quan trọng (là Khu di tích Lam Kinh; Khu di tích Bà Triệu), hơn 150 di tích được công nhận cấp Quốc gia và gần 800 di tích được công nhận cấp tỉnh. Hiện tại, có nhiều di tích - thắng cảnh đã và đang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Về phi vật thể, xứ Thanh còn là quê hương của thiên sử thi “Đẻ đất đẻ nước”, của các truyện thơ dài (như Khăm Panh, Nàng Nga Hai Mối, Út Lót Hồ Liêu,...), hay các loại hình nghệ thuật (như hò sông Mã, hát múa Đông Anh, hay trò Chiềng, trò Xuân Phả và Vật Bộc, rối Si, rồi Pồn Pôông, Khua Luống) cùng cả kho tàng - tục ngữ, ca dao, hò vè và truyện cười, truyện cổ tích...), v.v... Tất cả đều đã và đang được khai thác, bảo tồn để phát huy rộng rãi. Còn về làng nghề thì nổi tiếng nhất là nghề đục đá ở làng Nhồi, nghề đúc đồng ở Trà Đông, nghề rèn ở Tất Tác, nghề Mộc ở Đặt Tài, nghề dệt lụa ở Hồng Đô, nghề gốm ở Lò Chum - Bến Ngự, nghề dệt chiếu ở Nga Sơn, nghề đan lát ở làng quê nào cũng có (nhưng nổi tiếng là nghề đan cót ở làng Giàng, nghề đan bồ ở Bất Căng, nghề đan thúng mủng, dần sàng ở Quảng Xương), v.v... Nhiều mặt hàng thủ công như chum vại, đồ đồng, đồ đá, đồ gỗ, chiếu cói, tơ lụa của xứ Thanh từng có mặt ở đất kinh kỳ Thăng Long, Huế và nhiều nơi trong cả nước vì rất được người tiêu dùng ưa chuộng. 
Về lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng thì hầu như ở Việt Nam có loại tôn giáo, tín ngưỡng nào thì xứ Thanh cũng đều có, thậm chí nơi đây còn là địa bàn có sự giao thoa, du nhập của nhiều loại hình tôn giáo, tín ngưỡng từ các khu vực và đất nước láng giềng. Tuy nhiên, có một điều nổi bật là ở xứ Thanh, tín ngưỡng thờ mẫu Liễu Hạnh và nội đạo tràng (tức đạo Đông) mới thật sự điển hình. Nếu như việc thờ mẫu Liễu Hạnh có gốc gác ở Phủ Dầy (Nam Định) nhưng khi lan tới xứ Thanh mới phát triển thành một thánh đường của đạo Mẫu của cả Bắc Kỳ và Bắc Trung bộ và từ thánh đường là Sòng Sơn, đạo mẫu Liễu Hạnh phát triển rộng khắp trong cả tỉnh mà cho đến nay, tín ngưỡng thờ mẫu này vẫn thu hút lực lượng “con nhang, đệ tử” đến thờ cúng đông đảo nhất so với các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo khác. Còn Nội đạo tràng (tức đạo Đông hay còn gọi là đạo phù thủy - một biến tướng theo phái pháp thuật của đạo giáo Trung Hoa) ra đời ở làng An Đông - Mậu Xương (Quảng Xương) cũng từng đối đầu với đạo mẫu Liễu Hạnh, nhưng rốt cuộc cả hai loại hình tín ngưỡng thần tiên và phù thủy này lại hòa hợp cùng Phật giáo để đồng hành tiếp tục trên lĩnh vực tâm linh... Riêng các vùng ven biển, cửa sông lại thờ chủ yếu là thần biển, thần sông, còn vùng trung du, miền núi lại thờ các vị thần núi. Nếu như Phật giáo và Đạo giáo du nhập đến xứ Thanh từ thời Bắc thuộc thì Thiên Chúa giáo mãi tới cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII mới có điều kiện du nhập và nhà thờ Thiên Chúa giáo đầu tiên ở xứ Thanh chính là nhà thờ Ba Làng nổi tiếng... 
Trên đây là góc nhìn khái quát về địa lý, lịch sử và văn hóa xứ Thanh (dẫu còn chưa đầy đủ), từ đó, chúng ta có thể nhận biết rõ hơn về vị thế, vai trò của đất và người xứ Thanh là rất quan trọng và nổi bật trong tiến trình lịch sử dân tộc (nhất là trong quá trình dựng nước, giữ nước và mở rộng thành quốc gia thống nhất như lãnh thổ hiện nay). Cũng từ góc nhìn địa lý, lịch sử, văn hóa ấy, chúng ta cũng có thể cảm nhận và rút ra được một số nhận xét cơ bản về sắc thái và tính cách nổi bật của người xứ Thanh, đất Việt. Tất nhiên trên bình diện chung mà xét thì người xứ Thanh từ xưa tới nay, lúc nào cũng là người nước Việt với đầy đủ bản sắc và tính cách tiêu biểu của người nước Việt. Song do điều kiện, địa lý, lịch sử, văn hóa, hay kinh tế giữa các vùng miền, xứ sở, địa phương có sự khác nhau, cho nên sắc thái và tính cách của người từng vùng miền, xứ sở địa phương vẫn có sự đậm, nhạt và nhiều ít khác nhau. 
Ngoài việc mang bản sắc truyền thống chung của người Việt Nam (như cần cù, dũng cảm, anh hùng, thông minh, sáng tạo và ý thức yêu nước, dân tộc, tự chủ rất cao, v.v...), người xứ Thanh vẫn có những nét riêng so với người nơi khác. Vì vậy, mà sử sách cũ trước đây cũng từng có những nhận xét về đất và người xứ Thanh với những gì gọi là nổi bật nhất như: 
- Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú viết: “Các triều trước vẫn gọi (Thanh Hóa - TG) là một trấn quan trọng. Đến Lê lại là nơi căn bản. Vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ họp lại, nảy ra nhiều văn nho. Đến những sản vật quý cũng khác mọi nơi. Bởi vì đất thiêng thì chung đúc nên xứng đáng đứng đầu cả nước”(1). 
- Sách Đại Nam nhất thống chí (bản sửa đời Duy Tân thứ ba - năm 1909) lại có nhận xét về xứ Thanh ở góc độ khác: “Kẻ sỹ ưa chuộng văn học, đời nào cũng có anh tài, phóng khoáng, lỗi lạc, có nhiều tiết khí, cũng là nhờ được thanh tú của núi, sông”. Sách này còn trích dẫn nhận xét của sách Nhất thống chí của nhà Thanh về người xứ Thanh như: “Người Ái Châu cao diệu mà thích điều nghĩa”(2). Còn trước đó vài thế kỷ, sách Ô Châu cận lục của Dương Văn An đời Mạc (thế kỷ XVI) cũng có nhận xét: “Người Châu Ái phóng khoáng và chuộng điều nghĩa”. 
- Riêng trong lời tựa của sách Thanh Hóa đẹp tươi của học giả H. Lebreton, viên Khâm sứ Trung Kỳ Pierre Paspuer cũng có nhận xét rất khái quát về vai trò của xứ Thanh đối với nước Việt Nam trong lịch sử: “Vào những giờ phút thử thách, đối với nước An Nam, Thanh Hóa còn hơn cả Hà Nội; đây là một thánh đường bảo tồn mọi kỳ vọng của chủng tộc. Từ miền đất đã được chọn ấy, để bảo vệ nơi tôn nghiêm của tổ tiên và bao đời vua chúa, đã xuất hiện những anh hùng lừng lẫy và tài ba nhất của lịch sử. Đây còn là cái nôi của ba triều đại, nơi phát tích của ba vua chúa...”(3). 
- Trên tạp chí của Trường Viễn Đông Bác Cổ, học giả Louis Bezacier viết về xứ Thanh: “Là một trung tâm của nước An Nam, từ đầu kỷ nguyên cho đến thế kỷ XVIII, không những do vị trí thiên nhiên đặc biệt, mà còn ở địa thế của nó, cho nên phải quá trình lịch sử của nước Đại Việt, Thanh Hóa đã trở thành hậu cứ; một nơi ẩn náu cuối cùng của các triều đại suy vong. Tại đây, họ đã tập trung lực lượng của họ, Thanh Hóa là một bãi chiến trường, một nơi nổ ra nhiều cuộc giao tranh liên tục...”(4). 
- Còn trong nội dung cuốn sách Thanh Hóa đẹp tươi, tác giả H.Lebreton còn mở hẳn một mục với tít đề: “Thanh Hóa, nơi diễn ra bản anh hùng ca vĩ đại của lịch sử nước An Nam” rồi dẫn chứng khá đầy đủ về các sự kiện nổi bật đã từng diễn ra trên đất này đã có tác dụng cứu nguy cho dân tộc. 
- Trong một bài viết để làm tài liệu giảng dạy ở các trường Đông Pháp (in trong tập sách “Tỉnh Thanh Hóa” vào năm 1927, do H. Lebreton làm chủ biên) đã viết mấy lời tổng kết về tỉnh Thanh Hóa một cách khá tinh tế và chính xác như: “Ta thử ngắm mà xem, cứ đọc hết quyển địa dư này thì biết rõ tỉnh Thanh Hóa, tuy thực là thuộc về Trung Kỳ cai trị, song chính là một tỉnh đáng thuộc về Bắc Kỳ. Theo như các nhẽ nói trong sách này, thì điều gì cũng giống như miền Bắc, nào là địa thế, nào là khí hậu, nào là nhân vật cho đến sự tích, đến cả các việc cày cấy và biết bao nhiêu điều hợp cách với người Bắc Kỳ vậy... xét về lịch sử cũng vậy. Khắp cả nước Việt Nam (Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ) không có tỉnh nào có lắm người danh tiếng lừng lẫy bằng tỉnh Thanh Hóa và không có tỉnh nào phát hiện ra lắm đời vua bằng tỉnh Thanh Hóa. Kể những vua trị vì trước đã làm cho nước mạnh, dân giàu cho đến nhà Nguyễn ngày nay, phần nhiều là phát tích ở Thanh Hóa. Vì thế, dám chắc rằng, trong lịch sử nước Việt Nam không có tỉnh nào quan trọng bằng tỉnh Thanh Hóa vậy”(5). 
- H. Lebreton trong cuốn “Tỉnh Thanh Hóa - Lịch sử và địa lý” đã có những dòng viết nhận xét về nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tính cách của người Thanh Hóa khá rõ ràng, đó là: “Người ở Thanh Hóa, đất hoàng gia, đã từ lâu được hưởng những ưu đãi và những ân sủng riêng, đặc biệt trong việc nộp thuế, bởi nhà Nguyễn hiện trị vì ở nước Nam, quê gốc ở Quý hương (phủ Hà Trung). Quyền ưu đãi và ân sủng đã ảnh hưởng đến tính cách của người Thanh Hóa và hình như người ở đây... kém mềm mỏng hơn người miền Bắc... đôi khi họ còn như cứng cổ”. 
Ngoài những nhận xét trên, một số sử sách trước đây còn ghi chép câu ngạn ngữ dân gian trong nước vẫn thường truyền tụng như “Thanh cậy thế, Nghệ cậy thần”, hoặc “Quan xứ Nghệ, lính lệ xứ Thanh”. Đây chính là một nhận xét phản ánh đúng thực tế lịch sử và diễn biến xã hội từng diễn ra trong tỉnh và trong nước trước đây đã ảnh hưởng đến vị thế và tính cách của người Thanh Hóa. 
Với cái đất sản sinh 4 dòng vua, 2 dòng chúa và rất nhiều quan tướng đầy quyền uy nổi tiếng trong cả nước và được gọi là đất căn bản, đất quý hương, rồi là đất nội thích, ngoại thích của các vua, chúa và đất quê hương của các công thần luôn được ưu ái, bảo hộ, chở che, ban phát nhiều quyền lợi cho con cháu, họ hàng, quê quán thì lẽ dĩ nhiên, người xứ Thanh sẽ là “người có thế” so với người thiên hạ trong nước cũng là điều dễ hiểu. Và trong thời đại phong kiến, một người làm vua, làm chúa, làm quan to việc lớn là cả họ hàng, làng xã cho đến cả huyện, cả tỉnh được nhờ cậy là chuyện bình thường khá phổ biến. Vì vậy, trong dân gian mới có câu “Một người làm quan, cả họ được nhờ” là thế. Cũng suy từ thực tế lịch sử thì câu “Thanh cậy thế, Nghệ cậy thần” là “cậy” trong suốt hơn 500 năm (từ thời Lê sơ, Lê Trung Hưng đến Nguyễn) khi vua, chúa, quan lại gốc xứ Thanh thực sự quyền uy, “trùm thiên hạ”. Vì vậy mà có lúc khi khủng hoảng cung đình, đến lực lượng binh lính người gốc xứ Thanh cũng cậy quyền, cậy thế để “tác oai, tác quái” như “nạn kiêu binh” nhà Trịnh hồi gần cuối thế kỷ XVIII ở Thăng Long mà sử sách còn ghi chép rõ. Đó cũng chính là thời khắc lịch sử mà đám “kiêu binh” ở đất Kinh Kỳ ấy đã làm hoen ố đến hình ảnh và bản sắc tốt đẹp của người xứ Thanh. 
Đến thời Nguyễn, ngay năm đầu vừa mới lên ngôi (1802), vua Gia Long đã ban sắc chỉ điều tra, tìm kiếm những ai là người họ Nguyễn gốc Gia Miêu (Hà Trung, Thanh Hóa) để ban phát ân sủng. Và trong suốt thời kỳ tồn tại, các vua Nguyễn đều rất chú trọng ưu ái đến vùng đất quý hương, dòng họ, và cả tỉnh Thanh Hóa hơn là so với các tỉnh địa phương khác. Và chính vì vậy mà người Thanh Hóa xưa kia càng có điều kiện để “cậy thế” là vì vậy. Chính cái nguyên căn của sự cậy thế này đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến tính cách của người Thanh Hóa trước đây. Cũng vì “cậy thế” mà người ta dễ dẫn đến tư tưởng kẻ cả, chủ quan và không bình thường, khéo léo trong ứng xử với người thiên hạ, v.v... Nhưng từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 trở đi, chế độ thực dân phong kiến đã được thay thế bằng chế độ mới tiến bộ do Đảng và Hồ Chủ tịch lãnh đạo. Từ đó, sự “cậy thế” và ảnh hưởng tiêu cực của sự “cậy thế” ấy không còn điều kiện để tồn tại. Tuy nhiên, để rũ bỏ tính gia trưởng, phong kiến, tính kẻ cả, chủ quan và không bình thường, khéo léo trong ứng xử giữa người với người... của người xứ Thanh trong thời gian vừa qua đâu đó vẫn còn thể hiện và điều đó cần tiếp tục khắc phục để xứ Thanh càng xanh trong sắc ngọc và xứng danh với vai trò là một tỉnh có vai trò, công lao đóng góp hết sức to lớn và quan trọng trong suốt trường kỳ lịch sử dân tộc. 
Trên cơ sở góc nhìn khái quát từ địa lý, lịch sử, văn hóa và tổng hợp những ghi chép của sử sách, chúng tôi cũng mạnh dạn nêu vài sắc thái và tính cách truyền thống tốt đẹp tiêu biểu của người Thanh Hóa cần phát huy, đó là: 
- Ý thức yêu nước và tinh thần dân tộc rất cao là sự nổi trội của người Thanh Hóa. 
- Cương nghị, thẳng thắn và thích điều nghĩa một cách rõ ràng. Vì vậy rất anh hùng, dũng cảm. 
- Thông minh, lanh lợi và dễ thích nghi, hòa nhập nhanh với người nơi khác (nhất là khi đi xa, làm ăn, lập nghiệp; hoặc học hành khoa cử, v.v...)
- Có ý thức tự chủ, độc lập và nghị lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh sống dù khó khăn thế nào. 
- Có tinh thần tương thân, tương ái và sự đùm bọc chở che với người từ nơi xa đến. Điều này thể hiện rõ qua các cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, người ở vùng căn cứ hậu phương Thanh Hóa đã bao dung giúp đỡ người nơi xa đến như tình thân ruột thịt; hoặc như nạn đói năm 1945, hàng vạn người từ Thái Bình và một số tỉnh phía Bắc lũ lượt kéo về Thanh Hóa để ăn xin vẫn được người Thanh Hóa hết lòng giúp đỡ, hay sau khi miền Bắc được giải phóng, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam tập kết (7-1954) và hàng ngàn con em Quảng Bình sơ tán về Thanh Hóa trong thời chống chiến tranh phá hoại, v.v... đều minh chứng cho đức tính nhân văn tốt đẹp của người Thanh. Vì thế mà cho đến nay, những người đã từng được chở che, giúp đỡ đều nhắc đến nhiều kỷ niệm đẹp trong những ngày được sống tại Thanh Hóa. 
- Ngoài ra, tính cách hiếu học và ham hiểu biết cũng là nét nổi bật của người Thanh Hóa, v.v... và trong những năm vừa qua, Thanh Hóa là tỉnh có nhiều học sinh đạt giải quốc gia và quốc tế.
Tuy nhiên, do là tỉnh trung gian, gạch nối với cả xứ Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ cùng nhiều yếu tố lịch sử, kinh tế có liên quan, cho nên, trên thực tế, người Thanh Hóa từ lâu vẫn được xem là người đa tính cách (vừa có gì đồng điệu với Bắc Kỳ, vừa có gì giống tựa như miền Trung. Điều đó biểu hiện rõ nét trong sinh hoạt và trong văn học, nghệ thuật dân gian, v.v...). Nếu có sự quan sát đầy đủ, chúng ta vẫn dễ dàng nhận thấy người xứ Thanh bên cái chất tế nhị, mềm mỏng, khôn khéo của người xứ Bắc là cái chất chân thật, cởi mở, mộc mạc, thô phác, thẳng thắn như người miền Trung. Chính vì thế mà người Thanh Hóa dù ra Bắc hay vào Nam và đi đến đâu cũng đều nhanh chóng thích nghi, hòa hợp được. Ngay cả về mặt ngôn ngữ (từ từ vựng đến ngữ âm cũng khá đa dạng và phong phú). Trong tỉnh cũng có những vùng nói tiếng nhẹ như Bắc Kỳ, nhưng cũng có những vùng nói nặng như người miền Trung. Song nhìn chung, Thanh Hóa là nơi có rất nhiều vùng phương ngữ, trong đó có những vùng phương ngữ đặc biệt như ở làng Kênh Thủy (Vĩnh Lộc), làng Thượng Phú, làng Thanh Đớn (Hà Trung), làng Phú Xá, làng Yên Lãng (Thọ Xuân), v.v... mà cho đến nay, dẫu nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ có tìm hiểu vẫn chưa lý giải một cách thấu đáo được. 
Với đặc điểm là đa tính cách, cho nên người xứ Thanh ngoài những ưu điểm nổi bật còn có những biểu hiện nhược điểm rõ rệt, đó là tính gia trưởng, phong kiến, chủ quan, hãnh tiến và không mềm mỏng, khéo léo trong ứng xử, sinh hoạt cuộc sống giữa người với nhau. Ngoài ra, do âm ngữ (giọng nói) hơi cứng cũng làm ảnh hưởng ít nhiều đến việc giao tiếp, đối ngoại, v.v... Tuy nhiên, đây cũng chỉ là nhận xét chủ quan của chúng tôi đối với người Thanh Hóa trước đây. Còn bây giờ, trong thời đại hội nhập, mở cửa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những hạn chế về mặt tính cách của người xứ Thanh ngày càng được khắc phục nhanh chóng để đáp ứng yêu cầu làm cho đất nước, con người Việt Nam càng thêm sáng đẹp so với các dân tộc trong khu vực và trên thế giới. 
Và xứ Thanh sẽ mãi mãi là điểm đến hấp dẫn và chiếm trọn tình cảm của bạn bè và du khách gần xa.
                              

     P.T

(1) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập I, Nxb Giáo dục, 2008, tr. 47.
(2) Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Thanh Hóa, tập thượng, Nha văn hóa Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn, 1960, tr.26.
(3) H. Lebreton, Thanh Hóa đẹp tươi, tài liệu dịch hiện đang lưu giữ ở Thư viện Thanh Hóa.
(4) Trích ở bản dịch đánh máy hiện lưu trữ ở Thư viện tỉnh Thanh Hóa.
(5) H. Lebreton, tỉnh Thanh Hóa, sách học cho các trường Đông Pháp, in năm 1927, tr. 66, hiện đang lưu trữ ở Thư viện tỉnh Thanh Hóa.

 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 137
 Hôm nay: 8911
 Tổng số truy cập: 7664335
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa