Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   NHÀ LANG ĐINH CÔNG MỸ VÀ CUỘC KHỞI NGHĨA MỸ LƯƠNG
NHÀ LANG ĐINH CÔNG MỸ VÀ CUỘC KHỞI NGHĨA MỸ LƯƠNG

Tế cờ khởi nghĩa Mỹ Lương
Ông Đinh Công Mỹ, sinh vào đầu thế kỷ thứ XIX, trong dòng dõi nhà lang họ Đinh nổi tiếng ở xứ Mường Hòa Bình. Là con trai trưởng nên ông Mỹ được kế nghiệp “ăn lang” 4 vùng: Quê Rù, Sống (Vĩnh Đồng); Mớ, Sào (Hạ Bì) và giữ chức Đội sáu Cơ sơn dõng. 
Do sự đối xử của quan quân nhà Nguyễn thời vua Tự Đức (1848-1883) với các dân tộc miền núi mỗi ngày một tồi tệ và khinh miệt, coi người miền núi là “quân Mường - Mán” man ri, mọi rợ… Trước sự xúc phạm ấy, là người có chí lớn, ông Đinh Công Mỹ vô cùng bất bình. Chính vì thế năm 1853, ông Mỹ đã cùng ông Hoàng Bảo chiêu mộ dân binh chống lại triều đình và quân Pháp.
Bất bình khi triều đình Huế ngày càng tỏ ra nhu nhược trước thực dân Pháp nên Cao Bá Quát bỏ Huế quay ra Bắc. Tuy được triều đình tiếp tục bổ nhiệm làm quan nhưng Cao Bá Quát không nhận. Nghe tin trên vùng Mỹ Lương (Chương Mỹ, Mỹ Đức, Lương Sơn… sau này) có đội quân sơn dõng chống lại Pháp và triều đình nên Cao Bá Quát tìm đến và gặp Đinh Công Mỹ và Hoàng Bảo. Các ông đồng lòng chiêu mộ dân binh, tăng cường lực lượng sơn dõng và tổ chức tế cờ tại khu vực Nà Nội ở phía trên Chợ Đồn cũ thuộc làng Cời, xã Kệ Sơn (Tân Vinh, huyện Lương Sơn ngày nay) chống lại Pháp và triều đình nhà Nguyễn.
Khởi nghĩa Mỹ Lương thất bại và cuộc trốn chạy của Đinh Công Mỹ
Trong khi đang tế thì cột cờ lệnh bị đổ, chứng tỏ điềm không tốt. Tuy vậy, ông Đinh Công Mỹ vẫn đem quân ra đánh chiếm vùng Hòa Lạc, phủ Quốc Oai buộc vua quan nhà Nguyễn phải huy động các đạo quân từ Hà Nội, Sơn Tây, Ba Thá bủa vây ba mặt. Ở cánh quân khác, Cao Bá Quát tử trận.
Lâm vào thế yếu, tương quan lực lượng quá chênh lệch, nên ông Đinh Công Mỹ buộc phải tìm đường tháo chạy. Người em họ là Đinh Công Thước đã liều chết đem quân ra đánh chặn phía Sơn Tây thu hút quân triều đình, nhờ đó quân ông Đinh Công Mỹ mới thoát qua đỉnh Mèn vào vùng mường Động. Tại đây, sau khi tạ mộ tổ tiên tại Đống Thếch, ông đem một số tay chân thân tín chạy lên mường Bi (xã Phong Phú, Tân Lạc), từ biệt người chị ruột là Đinh Thị Diệm tức bà cố Bi, sau đó theo đường tắt suối Ngòi Hoa, qua Chợ Bờ rồi đi tiếp. Sau này, gia đình và họ hàng nhận định ông Đinh Công Mỹ đi Trung Quốc (?). Ông Đinh Công Thước, sau khi “liều mình cứu chúa” đã bị quân nhà Nguyễn bắt rồi đem xuống Chợ Bến hành hình.
Ông Đinh Công Mỹ lấy hai người vợ và sinh được ba người con, một trai, hai gái. Bà vợ cả là con gái ông Quách Nhu - lang mường Chích (Phú Lương - Lạc Sơn), sinh được một người con gái quen gọi bà Nàng hay “nàng ả loọc”. Sau khi ông Mỹ mất tích, bà vợ cả đưa con gái về quê ngoại mường Chích. Bà vợ thứ hai là Đinh Thị Gương người mường Thàng - Cao Phong, sinh ra Đinh Công Cao và Đinh Thị Bời. (Theo gia phả dòng họ Đinh Công gốc ở xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình).
Những đồn đoán khi ông Đinh Công Mỹ mất tích
Từ khi ông Đinh Công Mỹ trốn, gia đình, họ mạc, người thân không có tin tức gì về ông. Tuy vậy, theo các cụ ở mường Động lưu truyền lại thì vào khoảng năm 1916, một buổi sáng, bà con đi nương sớm, khi qua ngôi mộ ông Đinh Công Trọng (thân sinh ông Đinh Công Mỹ) thì thấy có lá chuối còn dính cơm và chân hương còn mới cắm trên ngôi mộ, chứng tỏ đêm qua có người tới đây cúng lễ… Phải chăng, cháu con ông Mỹ đã cải trang bí mật về thăm quê và viếng tiên tổ?
Các cụ ở mường Chích lại cho biết, cùng thời gian trên có ba người “khách” đi bán thuốc, họ vào một nhà dân xin nghỉ nhờ  “vì trời đã sắp tối”. Nhà họ vào xin nghỉ nhờ ấy chính là nhà bà vợ cả ông Đinh Công Mỹ. Được gia đình cho ăn, nghỉ tử tế, sáng sớm hôm sau, trời chưa tỏ, ba người khách cảm ơn gia chủ rồi vội vã đi ngay. Khi dọn chăn chiếu nơi khách ngủ thì con gái gia chủ thấy có một chùm chìa khóa bỏ lại. Bà vợ ông Mỹ cầm lấy xem thì đúng là chùm chìa khóa của gia đình mình mà ông Đinh Công Mỹ thường mang theo. Như vậy trong số ba người bán thuốc có thể có người thân của ông Mỹ trá hình về thăm và lúc ra đi đã để lại chùm chìa khóa ngầm báo cho gia đình biết ông Đinh Công Mỹ còn sống và bình yên. Thấy vậy, gia đình sửng sốt liền huy động gia nhân tỏa đi các ngả mong gặp được ba người khách cho rõ ngọn ngành, nhưng không biết họ đi về hướng nào, hoặc trú ẩn nơi đâu?
Qua các sự việc trên, các cụ trong dòng họ Đinh Công ở Vĩnh Đồng nhận định, có thể ba người khách này khi qua Mường Động (Vĩnh Đồng) tạ mộ ông Đinh Công Trọng và biết bà vợ cả của ông Đinh Công Mỹ đã về quê ngoại mường Chích nên họ tiếp tục đi vào tận nơi, tìm đến tận nhà xin ngủ nhờ để biết tình hình và gửi lại chùm chìa khóa cho gia đình (?) 
Năm 2021, tại huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, một bạn trẻ người Mường quê ở huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa chuyện trò, hỏi thăm chị Đinh Thị Thanh người Mường ở xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình cùng vào Nam chăm sóc cà phê. Khi biết chị Thanh là người Mường gốc Mường Động lại mang họ Đinh, chị người Ngọc Lặc thổ lộ mình cũng gốc họ Đinh Mường Động do cụ tổ họ Đinh Công Mỹ lưu lạc vào Thanh Hóa, sau này có nhánh con cháu đổi sang họ Phạm. Thông tin này được hai chị nhắn về gia đình hai bên. Từ đây sự thật ông Đinh Công Mỹ từ khi rời khỏi Hòa Bình được sáng tỏ. 
Ông Đinh Công Mỹ và xứ Thanh
Cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương thất bại, Cao Bá Quát tử trận; tướng quân bị truy lùng ráo riết, ở quê hương (Gia Lâm), người thân của Cao Bá Quát bị lùng bắt và xử chu di tam tộc. Ông Đinh Công Mỹ cùng thân tín trốn thoát. 
Hành trình từ mường ngoài (Hòa Bình) vào mường trong (Thanh Hóa) vô cùng gian truân. Cái đói, cái mệt không nhằm nhò gì với sự hiểm nguy khi quân của triều đình truy đuổi theo sát. Một lần trong rừng rậm vùng giáp ranh mường trong, mường ngoài, quân triều đình huy động lính dõng truy đuổi ráo riết. Trong tình thế hiểm nghèo, ông Đinh Công Mỹ cố chui vào một thân cây cổ thụ thân rỗng rồi lách lên cao. Quan quân cùng chó săn truy đuổi đến nơi, lính tráng hò hét, chó săn đánh hơi người lạ sủa inh ỏi làm náo hoạt cả khu rừng. 
Nghi ngờ ông Mỹ ở trong bựng cây, lính bao vây chặt khoảng rừng. Hăm dọa, dụ hàng không thấy động tĩnh, chúng dùng giáo luồn vào bựng cây, đâm ngược lên để tiêu diệt, nếu có ông Mỹ trong đó. Là người giỏi võ và sức khỏe phi thường, ông Mỹ dùng hai chân đạp vào bựng cây, cuộn áo vào hai tay để đón lấy đầu giáo, khống chế tốc độ của ngọn giáo cả khi chúng đâm lên cũng như khi rút giáo xuống. Cuộc chống đỡ của ông Mỹ trong bựng cây làm một con kỳ đà lớn từ trong đó hoảng sợ lao ra, cả bọn truy đuổi giật mình, chỉ con chó săn phi theo sủa inh ỏi. 
Giáo đâm vào bựng thân cây không có vết máu. Kỳ đà từ trong cây phi ra chứng tỏ trong đó không có người nên toán quân dừng truy đuổi. Tên chỉ huy tức tối chửi: “Tưởng mang chó săn đi để săn vương, săn tướng hóa ra săn cầy, săn cáo, thật là vô dụng”. Thế là hắn sai lính giết chết con chó săn rồi quan quân lục tục quay về mường ngoài. Nhờ con kỳ đà mà thoát chết, từ đó về sau, ông Đinh Công Mỹ không ăn thịt kỳ đà và lệnh truyền cho con cháu dòng họ Đinh Công kiêng không ăn thịt kỳ đà.
Dừng chân tại Bá Thước, ông Đinh Công Mỹ tự nhận là Phạm Văn Mỹ. Một thời gian sau, ông Mỹ lấy vợ và sinh sống như thường dân. Thấy ông nói tiếng mường ngoài và phong thái, tướng mạo khác người thường nên không ít lời bàn tán. Nhận thấy ở Bá Thước bất lợi nên ông Đinh Công Mỹ bí mật chạy vào vùng Rưng Tú - Ngọc Lặc khai phá, lập trại.
Cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương tồn tại trong hai năm 1854-1855, Cao Bá Quát tử trận, Đinh Công Mỹ vào xứ Thanh, tính đến nay là 168 năm, phần mộ của ông Đinh Công Mỹ táng tại đồi Cò, dốc Trám, thôn Thọ Liên, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay, hậu duệ của ông Đinh Công Mỹ mang họ Đinh và họ Phạm rất đông, chia thành các chi, nhánh ở Ngọc Lặc và họ giỗ chung cụ tổ là cụ Đinh Công Mỹ.
Vĩ thanh
Sử sách ghi nhận khởi nghĩa Mỹ Lương là cuộc khởi nghĩa của sỹ phu yêu nước chống thực dân Pháp và triều đình nhà Nguyễn giữa thế kỷ thứ XIX. Đền thờ Cao Bá Quát tại Gia Lâm quê hương ông được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Thiết nghĩ, chúng ta cũng nên có nghĩa cử tri ân ông Đinh Công Mỹ - người cùng Cao Bá Quát tế cờ khởi nghĩa Mỹ Lương ở mường Cời năm xưa!
                                                                                     

      L.V


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 167
 Hôm nay: 4718
 Tổng số truy cập: 12813133
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa