Chùa Kim Quy thuộc làng Kim Sơn, xã Hoằng Kim, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, được xây dựng trên núi My Sơn (Kim Sơn) từ thời nhà Lý. Người xây dựng nên ngôi chùa này là ông Cao Minh sinh vào quãng năm 1010, không rõ năm mất. Ông là một tướng lĩnh của vua Lý Thái Tông (Lý Phật Mã cai trị từ năm 1028 đến 1054) là người văn võ song toàn lại tinh thông Nho, Y, Lý, Số. Năm Thiên Cảm Thánh võ 1044 vua Lý ngự giá thân chinh đi đánh giặc Chiêm Thành xâm lược Đại Việt, ông được cử làm tướng tiên phong, lập được nhiều chiến công. Thắng trận trở về ông được nhà vua phong chức tước, ban thưởng rất hậu và cho mang quốc tính, nhưng ông khiêm tốn từ chối không nhận, chỉ xin vua một đặc ân cho đi du ngoạn tìm nơi thắng địa dựng ấp, lập làng, bốc thuốc chữa bệnh. Khi qua núi My Sơn ông thấy nơi đây thế đất đẹp trên có núi, dưới có sông Trà Giang uốn lượn, nước non kỳ thú, phong cảnh hữu tình, ông dừng chân chiêu dân lập nên Kẻ My - My Sơn nay là làng Kim Sơn, xã Hoằng Kim.
Thế kỷ thứ X đất nước Đại Việt bước sang kỷ nguyên độc lập tự chủ, đạo Phật phát triển mạnh có ảnh hưởng lớn đến hầu hết các lĩnh vực của xã hội nhất là về tư tưởng, đạo đức, văn học, kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc. Dưới triều Lý đạo Phật được xem như quốc đạo, chùa chiền thờ Phật được xây cất ở nhiều nơi, ông Cao Minh cũng cho xây một ngôi chùa trên núi My Sơn có tên chùa Kim Quy (Lấy thế núi mà đặt tên chùa) vừa thờ Phật vừa làm nơi bốc thuốc. Sau khi ông mất để ghi nhớ công ơn dân làng tôn ông làm Thành Hoàng làng thờ chung ông với thờ Phật bốn mùa hương khói.
Đến đời chúa Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm (cai trị từ năm 1767 đến 1782) cuộc binh biến của Trịnh Tông không thành, những người có liên quan hoặc bị giết, hoặc bị cầm tù, một số lưu tán thay tên, đổi họ tránh sự truy nã của nhà chúa. Ông Trịnh Kiều (không rõ năm sinh, năm mất) là chú ruột của chúa tuy có dính líu đến vụ này, nhưng chúa thương tình không giết chỉ cách hết quan chức cho về quê làng Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc an dưỡng. Buồn chán sự đời ông cùng em là Trịnh Yên xuống thuyền xuôi sông Mã vào sông Trà Giang và chọn núi My Sơn non xanh nước biếc, ríu rít tiếng chim, thế hội sơn tụ thủy làm nơi trú ngụ, tại đây ông xuống tóc đi tu làm sư trụ trì chùa Kim Quy, lúc đó tuổi đã cao không rõ đạo hiệu, nhân dân trong làng thường gọi là sư Kiên. Khi trụ trì ông cho sửa lại chùa khang trang, bề thế, đẹp nhất vùng và vận động nhân dân góp công, góp của xây nghè dưới chân núi, chuyển bài vị ông Cao Minh về thờ ở nghè ngôi chùa. Chuyên tâm cầu kinh, lễ Phật, tu hành được khá lâu thì ông viên tịch, còn ông Trịnh Yên lấy vợ sinh con lập nên dòng họ Trịnh lớn thứ hai trong làng. Tiếp theo sư Kiên một vị sư khác từng trụ trì chùa Sùng Nghiêm xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc, nhà sư kiêm nhiếp nhiều chùa trong vùng nên không ở hẳn tại chùa Kim Quy, kế nhà sư là ông chùa Thế - Lê Khắc Thế người làng Trịnh Thôn, xã Hoằng Phú trông coi, sau này trong làng có ông Nguyễn Vân (1849-1916) con ông là Nguyễn Cân (1882-1947) cả hai ông đều thông thạo chữ Nho thuộc dòng họ Nguyễn Xuân nối tiếp nhau trông coi chùa, dân làng hay gọi là ông chùa Can, ông chùa Cân. Khi cả hai ông mất ngôi chùa không có người trông nom trở nên điêu tàn, hoang phế. Trải qua bao biến cố thăng trầm, vật đổi sao dời của lịch sử, của thời gian và thiên nhiên khắc nghiệt, sự bài phong quá tả và một phần sợ để chùa trở thành mục tiêu ném bom của máy bay thực dân Pháp, nên ngôi chùa cũ bị triệt phá, vào cuối năm 1948 dân làng đưa tượng Phật xuống nghè. Theo hồ sơ khảo cứu chùa Kim Quy của Trung tâm bảo tồn di sản tỉnh Thanh Hóa tháng 12 năm 2019 thì cuốn Địa bạ xã Mi Sơn, tổng Dương Sơn, huyện Hoằng Hóa (bản chữ Hán) hiện đang lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I, Cục Văn thư lưu trữ nhà nước, ký hiệu 13.670 đã xác định được ngôi chùa Kim Quy với một số ngôi chùa khác và miếu, nghè thờ thần đã từng tồn tại ở xã Mi Sơn. Cuốn địa bạ này được lập theo chỉ dụ năm Minh Mệnh thứ 11 (1830) quy định cho ba trấn Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình tiến hành toàn tu địa bạ. Ngày mùng 10 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 15 (1834) thì hoàn thành. Bản địa bạ cung cấp thông tin đầy đủ về số ruộng cấp cho các đền thờ thần cùng chùa thờ Phật trong làng là 9 sào, xác định địa giới Đông, Tây, Nam, Bắc bốn bên rất rõ ràng, trong Mi Sơn có chùa Kim Quy nằm trên thửa đất một sào.
Như vậy chùa Kim Quy là một công trình kiến trúc thờ Phật được xây dựng vào thời Lý, do đó mang đặc trưng lối kiến trúc chùa thời Lý, thường đi liền với cảnh quan thiên nhiên rất đẹp, gắn với núi, với sông, với những cánh đồng mênh mông tạo thành những phong cảnh hữu tình, hòa hợp giữa con người và trời đất. Theo những người cao tuổi trong làng kể lại chùa có rất nhiều tượng Phật quý giá, đó là ba pho tượng Tam thế, quá khứ, hiện tại, tương lai, tượng Di Đà tam tôn, tượng Bồ Tát Quan Thế Âm, tượng Bồ Tát đại thế chí, v.v... tượng Thích Ca bằng gỗ mít nguyên khối sơn đen đang ngồi tọa thiền có chiều cao 1,2m, một khánh đá diện tích ước chừng 3m2 đánh lên rất kêu nhiều làng ở xa vẫn nghe và còn rất nhiều những pho tượng bằng gỗ, bằng đất sét nung phết sơn. Các pho tượng này tồn tại cho đến năm 1973 Hợp tác xã nông nghiệp lấy một số làm củi nung vôi, số còn lại thả xuống giếng trước sân nghè lấp đất san bằng, chính tẩm nghè năm 1974 cũng đấu giá triệt hạ, đồ thờ như: lư hương, ống hương, đài trầu, đài nước, đài rượu, mâm bòng, đèn nến toàn bằng đồng đem bán, sắc phong bị thất lạc hoặc bị đốt hiện vật duy nhất còn lại là 2 thượng lương chùa, được sử dụng làm thượng lương ngôi thờ Mẫu trong cụm di tích đền, chùa hiện nay.
Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1995) “Phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” ra đời mở đường cho công cuộc phục hưng văn hóa dân tộc, trong đó đặc biệt quan tâm đến các công trình tâm linh, tín ngưỡng vật thể cũng như phi vật thể. Với sự nhiệt tình, chung sức chung tay, hảo tâm công đức của nhân dân trong làng và con em xa quê, năm 1998 làng Kim Sơn tiến hành phục dựng nghè thờ Thành hoàng, thuộc một phần trong quần thể của chùa. Năm 2014 xây ngôi Tam bảo chùa nhưng quy mô nhỏ bé vì kinh phí hạn hẹp, bài trí đơn sơ, chưa có sư trụ trì. Đầu năm 2019 thể theo nguyện vọng của nhân dân, được sự đồng ý của cấp ủy chi bộ và UBND xã, Ban Văn hóa làng đã liên hệ với chùa Hoa Long, xã Vĩnh Thịnh, chùa Giáng thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Vĩnh Lộc, chùa Giáp Hoa phường Tào Xuyên, chùa Hồi Long xã Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hóa đặt vấn đề mời sư cô Thích Nữ Chơn Nhã (thế danh Phạm Thị Kim Thanh) thường xuyên qua lại hướng dẫn công tác Phật sự cho Phật tử làng Kim Sơn cũng như các xã lân cận. Đồng thời làm tờ trình đề nghị Trung tâm bảo tồn di sản tỉnh Thanh Hóa tiến hành khảo cứu lập hồ sơ chính thức cùng các cơ quan chức năng có thẩm quyền chấp thuận bổ nhiệm sư trụ trì.
Người xưa có câu “Trẻ chơi nhà, già chơi chùa”, đến chùa thành kính thắp hương lễ phật để tâm hồn thư thái vơi đi những lo toan vất vả, trăn trở đời thường, cầu cho quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh, làng xóm bình yên. Chùa Kim Quy làng Kim Sơn, xã Hoằng Kim là công trình kiến trúc thờ Phật có giá trị lịch sử - văn hóa gắn liền với đời sống sinh hoạt tinh thần của nhân dân nơi đây, trải qua nhiều thế kỷ đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa truyền thống làng xã. Vì vậy việc phục dựng chùa Kim Quy để phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân trong vùng nói chung và nhân dân làng Kim Sơn nói riêng là việc làm cần thiết góp thêm cho làng quê một điểm nhấn, một công trình để diện mạo, cảnh quan ngày càng giàu đẹp, thanh bình; Nhân dân phấn khởi, tin tưởng một lòng theo Đảng sống “Tốt đời đẹp đạo”, “Đạo Pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội”, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng kiên cường của địa phương, phấn đấu vì mục tiêu “Dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Tháng 7-2022
N.X.L