LÀNG BỒNG THƯỢNG VỚI LỄ HỘI “RƯỚC NƯỚC” Ở CHÙA BÁO ÂN
Làng Bồng Thượng là một làng cổ của xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc. Theo tư liệu khảo cổ học, đầu thế kỷ XX của Viện Đông Bắc khai quật di chỉ Đa Bút thì cách đây 6500 năm đã có cư dân đến đây lập nghiệp. Bồng Thượng là một làng lớn với dân số gần 5000 người/7500 người toàn xã.
Dân cư làng Bồng Thượng bố trí theo 7 ngõ (ngày nay gọi là thôn); 5 ngõ nội đê, 2 ngõ ngoại đê, ở thế 4 góc chữ điền hướng ra dòng sông Mã. Sau lưng của làng có núi Hùng Lĩnh - đã từng là căn cứ khởi nghĩa của phong trào Cần Vương chống Pháp (1886-1892). Núi Hùng Lĩnh và núi Báo sau lưng làm thế tựa vững chắc cho làng Bồng Thượng. Hai ngõ ngoại đê chạy dài theo bờ sông Mã. Khi đi qua vùng đất này đầu thế kỷ thứ XIII, một thầy địa lý Trung Quốc đã nhận xét: “Vạn thủy thiên sơn giai triều phục” (nghĩa là: Sông núi đều quần tụ về vùng đất này) và tiên tri nơi đây sẽ phát tích ra vương hầu Khanh tướng (ứng với nhà Trịnh sau này). Không những thế, không biết tự bao giờ đã lưu truyền câu nói về làng Bồng Thượng:
Mạnh tòng Hùng Lĩnh trung linh khí
Thế xuất Công hầu tráng Đế vương.
Núi Báo ở làng Bồng Thượng có dược liệu nổi tiếng là “Sâm Báo”. Các triều đại phong kiến đã đánh giá Sâm Báo làng Bồng Thượng là “Đại Việt đệ nhất danh Sâm”.
Trong quá trình hình thành và phát triển, làng Bồng Thượng có 3 tên gọi khác nhau: Làng Biện Thượng xuất hiện năm Bính Tuất (886), làng Báo xuất hiện đầu thế kỷ thứ X, làng Bồng Thượng xuất hiện vào thời vua Minh Mạng (1820-1840).
Là một làng cổ nên Bồng Thượng có truyền thống văn hóa, lịch sử nổi tiếng. Hầu hết các danh nhân qua các triều đại phong kiến của xã Vĩnh Hùng đều tập trung ở làng Bồng Thượng.
1. Thái vương Trịnh Kiểm và 11 đời chúa Trịnh nối nhau điều hành đất nước thời Lê Trung hưng (1545-1788).
2. Quốc công Hoàng Đình Ái thời Lê Trung hưng.
3. Đường công Lê Quang Lộc thời vua Lê Tương Dực (1509-1516).
4. Quận công Hoàng Đình Phùng thời Lê Trung hưng.
5. Đông các Đại học sĩ Lê Đình Vệ thời Lê Trung hưng.
6. Tiến sĩ Trịnh Khắc Tụy (1442) thời vua Lê Thái Tông.
7. Tiến sĩ Lê Đăng Thụ thời vua Lê Huy Tông (1662-1731).
8. Nữ học giả Trịnh Thị Ngọc Trúc - chính cung Hoàng hậu vua Lê Thần Tông (1619-1643), là người đã biên soạn từ điển song ngữ cổ nhất nức ta.
9. Trạng nguyên Trịnh Tuệ năm 1736 thời vua Lê Hiển Tông.
10. Đề Giơi - Phó tướng cho Tống Duy Tân trong phong trào Cần Vương chống Pháp.
Bồng Thượng là một vùng đất có nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng với 8 di tích đã được Nhà nước xếp hạng (Phủ Trịnh, Nghè Vẹt, Đền thờ Quốc công Hoàng Đình Ái, đền thờ Đường công Lê Quang Lộc, đền thờ Quận công Hoàng Đình Phùng, đền thờ Đông các Đại học sĩ Lê Đình Vệ, chùa Báo Ân, Lăng mộ Triết Vương Trịnh Tùng). Trong đó có 3 di tích quốc gia đó là Phủ Trịnh, Nghè Vẹt và đền thờ Quốc công Hoàng Đình Ái.
Thành Hoàng của làng Bồng Thượng là Trịnh Ra tức là Quản Gia Đô Bát Đại Vương. Ông mất ngày 14-11 (âm lịch), bài vị thờ ông đặt ở Nghè Vẹt vì thế hàng năm làng Bồng Thượng có lễ hội 14-11 gọi là lễ hội “Kỵ Thần”.
Bồng Thượng - một làng có rất nhiều lễ hội có giá trị về văn hóa, lịch sử. Ngoài lễ hội “Kỵ Thần” làng còn có lễ hội “Đánh chuột” với nhiều lễ nghi phong phú. Hiện nay lễ hội không còn nữa vì khu vực lễ hội đã bị phá bỏ thời bao cấp, bây giờ lại có Quốc lộ 217 chạy qua. Lễ hội Phủ Trịnh diễn ra trong 2 ngày 17-18 tháng 2 (âm lịch) hàng năm, tại khuôn viên di tích Phủ Trịnh - đó là ngày mất của Thái vương Trịnh Kiểm. Đặc biệt lễ hội “Rước nước” ở chùa Báo Ân với nhiều lễ nghi Phật giáo diễn ra trong 3 ngày 27, 28, 29 tháng 2 (âm lịch) hàng năm thu hút nhiều khách thập phương đến tham quan và dự lễ. Trong khuôn khổ bài viết tôi xin đi sâu vào lễ hội “Rước nước” diễn ra trên dòng sông Mã với những chiếc thuyền rồng trang trí rực rỡ lượn ra giữa dòng sông Mã xanh trong. Những tay chèo là những cô gái trang phục quần áo tứ thân với giọng hát múa, khua tay chèo, khuấy động trời mây sông nước. Lễ hội này được các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian quan tâm. Chính dự án “Khôi phục nguyên gốc tiếng hát chèo thuyền trên sông trong lễ hội” đã được các nhà nghiên cứu dân gian đánh giá cao và được quỹ Ford tài trợ 75 triệu đồng năm 2005 để khôi phục lại nguyên gốc lễ hội.
Để tìm hiểu nguồn gốc, xuất xứ lễ hội chúng ta lần theo tư liệu chữ Hán ở văn bia tháp Viên Quang đặt trước chùa Báo Ân được tiến sĩ Đinh Công Vị cán bộ viện Hán Nôm Việt Nam chủ biên, dịch thuật có đoạn viết: “...Trong tháp có phần cơ thể của sư Bùi Tuệ Tâm. Bùi Tuệ Tâm là người khôi ngô, tuấn tú, tên hiệu là Diệu Tuấn người xã Phú Trạch, huyện Thanh Mưu (không rõ nay là đâu). Ông là người có tư chất thông minh được nuôi dưỡng ở nhà Vương Trung. Đã từ lâu ông không vương giấc mộng hoa lan (thời Đông Chu Liệt Quốc, vợ Hầu Trịnh Văn Công nằm mộng thấy cây lan mà sinh ra Mục Công. Giấc mộng hoa lan ý nói chuyện có thai và tình ái mơ mộng). Bùi Tuệ Tâm đã từng ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc nơi hợp lưu giữa sông Vấn và sông Tế (sông Vấn là quê hương Khổng Tử vùng Yên Sơn - là nơi có lễ ca - nhạc) sau loạn An Lộc Sơn, Bùi Tuệ Tâm quy y Phật giáo. Ông được thiền sư Thích Thủ hiệu Diệu Trì truyền dạy Phật pháp (thời kỳ này chùa Báo có tên là Lộc Sơn Tự).
Thiền sư rất thích dáng mạo như chim bay đúng hàng của Bùi Tuệ Tâm. Chính ông đã đúc tượng Phật đưa “Hòn đá thiêng” vào chùa Lộc Sơn, tiếc rằng hiện nay không còn tư liệu “Hòn đá thiêng”. Sau khi đưa “Hòn đá thiêng” vào chùa ông đã đổi tên “Lộc Sơn Tự” thành “Báo Ân Tự”. Ý nghĩa của tên chùa mới là: Điều đáng báo đáp phải báo đáp.
Bùi Tuệ Tâm hết lòng thờ Phật, đèn nhang ngày đêm, hương thơm tỏa khắp mọi nơi. Với tư chất và lòng thành kính như vậy hy vọng sau này trở thành chính quả, nếu hỏa táng sẽ được những viên Xá lỵ. Năm Bính Dần (896) Tuệ Tâm chống gậy Tích Trượng đến Trấn Quan (Hà Nội ngày nay) hỏi về tiền đồ của mình đã được lời tiên tri: “Ngươi sẽ được như đôi chim bay về Tây Phương” - nghĩa là thác kiếp sẽ được về Tây Phương cực lạc. Cuối năm đó Tuệ Tâm lấy nước giữa sông Mã tắm gội sạch sẽ ngồi luyện thiền 80 canh giờ sau đó tự hỏa thiêu được những viên Xá lỵ đem chứa tạm ở chùa. Sau khi xây xong tháp mới (để chính thức Xá lỵ lâu dài)…”.
Xá lỵ là một phần thân thể của nhà sư sau hỏa thiêu còn sót lại trong sáng như ngọc.
Khi tôi làm dự án Khôi phục tiếng hát chèo thuyền trên sông - giáo sư, tiến sĩ Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đọc dự án đã nói vui với tôi rằng: “Ở đâu có đặt những viên Xá lỵ thì trong vòng bán kính 5km vùng đất đó luôn phát tích”.
Lễ hội “Rước nước” ở chùa Báo Ân bắt nguồn từ đó. Nói về nguồn gốc lễ hội này một nhà thơ đã viết:
Hơn ngàn năm rồi em có biết không?
Lễ “Rước nước” bắt nguồn từ lửa…
Không biết tự bao giờ trong dân gian còn lưu mấy câu thơ về lễ hội này:
Sườn đồi cây cỏ nhấp nhô
Lênh đênh mặt nước, con đò ngược xuôi
Lễ hội rước nước ai ơi!
Thuyền rồng lướt sóng, rợp trời cờ bay...
Lễ hội diễn ra trên một phạm vi rộng ven bờ sông, giữa dòng sông Mã và khu vực chùa Báo. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày từ 27-2 đến hết ngày 29-2 (âm lịch) hàng năm.
Tối 27-2 khi làng xóm đã lên đèn, tại chùa Báo Ân, ven bờ sông Mã (khu vực đò Hoành cũ), mọi người nhộn nhịp đèn nến sáng trưng cả một vùng sông nước. Một số thuyền đã tập kết trên bến sông. Sau lời khai mạc của một già làng có uy tín - thuyền chở những người được chọn tham gia lễ hội lướt trên mặt sông đến giữa dòng nước biếc xanh gọi là vụng Quần Tiên và dừng, hạ cây nêu giữa dòng sông gió lộng, đèn nến lung linh. Cạnh cây nêu đặt một cây đèn to sáng hắt lên mặt sông. Đoàn thuyền vừa lượn quanh cây đèn vừa chèo, vừa hát giữa đêm mùa xuân gió mát thổi nhẹ lên từng gương mặt mỗi người, lại thêm ánh đèn sáng chập chờn sông nước hòa quyện vào những làn điệu hát văn, trống quân, hát đối đáp, giọng ngọt ngào, mượt mà, uyển chuyển ngân lên giữa đêm xuân vang vọng cả một vùng sông nước.
Những chiếc đèn hoa sen được thả xuống mặt sông bạt ngàn, nhìn từ xa như muôn vì tinh tú đậu trên mặt nước. Vì đoạn sông thả đèn hoa sen trong vụng Quần Tiên có nhiều đá ngầm nên nước ở đây cứ quay vòng xoáy nhẹ chảy quanh rồi mới đưa đèn theo dòng chảy về xuôi ra biển cả mênh mông. Đứng trên hai bờ sông Mã nhìn những đèn hoa sen hàng hàng lung linh tỏa sáng lập lòe trên sông thật là đẹp - một cái đẹp thanh cao, thuần khiết, tao nhã và đầy thơ mộng. Đó là hội hoa đăng trong lễ hội. Từ vụng những chiếc thuyền (theo các cụ nói lại: “Có năm kết bè thay thuyền, có năm cả bè và thuyền”) trở về bến Báo Ân - người trên thuyền hát bài hát dâng đăng trên bến Cô Ba, lên bờ đến tháp Viên Quang, vào chùa bái Phật, tạ Mẫu. Sau lễ hội hoa đăng, từ 22-24 giờ đêm có lễ “Mục Dục” (lễ tắm gội cho Mẫu).
Sáng hôm sau ngày 28-2 tiến hành lễ “Rước nước” đây là nội dung chính trong lễ hội. Ý nghĩa truyền thống của lễ hội này là lấy nước giữa dòng sông về tắm cho Phật, cho Mẫu và cho Tứ nhuận Quần sinh (muôn loài). Để tiến hành nghi lễ “Rước nước”, trên bến đã tập kết 5 chiếc thuyền gỗ (gọi là đò) được trang trí đẹp nhiều màu sắc.
Thuyền đi đầu trang trí rồng nên gọi là thuyền rồng còn gọi là thuyền Phật có nhiệm vụ đi lấy nước.
Thuyền thứ 2 là thuyền Mẫu.
Thuyền thứ 3 là thuyền các cô, các cậu.
Thuyền thứ 4 là thuyền chỉ huy (nhỏ hơn).
Thuyền thứ 5 là thuyền giám sát việc lấy nước.
Trên 3 thuyền lớn (1, 2, 3) mỗi thuyền có từ 10 - 12 thủy thủ chèo thuyền.
Chiếc đi đầu có lộng vàng cắm tinh kỳ với 12 nữ mặc áo tứ thân, chân đi hài trắng, trâm cài đầu đội các mâm quả và một bình sứ hình quả bầu để đựng nước. Dung tích bình đựng được 10 lít.
Thuyền thứ 2 gọi là thuyền “Cô Ba Thoải” gồm các cô nữ ăn mặc quần áo lễ hội hát múa.
Thuyền thứ 3 cũng gồm các cô cậu ăn mặc quần áo lễ hội hát múa. Trên thuyền này có Phường bát âm làm nhạc nền cho các bà hát múa. Tổng số người trên 5 chiếc thuyền khoảng từ 90-100 người (vì tùy từng năm một số quan khách địa phương, khách xa về dự được Ban Tổ chức lễ hội mời lên thuyền tham gia).
Hai bên bờ sông Mã khu vực lễ hội, thuộc huyện Yên Định, huyện Vĩnh Lộc người tham quan lễ hội đứng chật như nêm dõi theo đoàn thuyền lấy nước. Đoàn thuyền chèo ra giữa dòng sông Mã, quanh “Hòn Đá Bàn” vượt “Hòn Đá Ngốc” rẽ lái sang ngang, sau ba vòng lượn đến hòn đá giữa dòng nơi cắm cây nêu thì dừng thuyền (theo các cụ truyền lại thì sư Bùi Tuệ Tâm đã lấy nước ở chỗ này để tắm gội). Cắm cây nêu ý nói lên “đây là trời của ta, đất của ta, tất cả là của chung”. Trong vòng cây nêu xanh, gạt hết điều vẩn đục, chủ thuyền số 1 tự tay múc lấy dòng nước mát trong lành đổ vào bình sứ (theo các cụ kể lại thì ngày xưa làng mời thầy Phù thủy tham gia lấy nước, những năm lại đây mời sư thầy trụ trì chùa Tường Vân (chùa Giáng) tham gia lễ hội và múc nước. Sau khi nước đổ đầy bình đoàn thuyền quay về theo đường cũ và các bài hát vẫn được ngân lên trong lành giữa sáng mùa xuân.
Xin trích dẫn một bài hát chèo thuyền trong lễ hội “Rước nước”:
Bồng bềnh, bồng bềnh
Trên chiếc thuyền rồng
Tay hoa là cô bẻ lái
Sóng to là cô vượt ghềnh
Hò khoan!
Ơi khoan hò khoan!
Thuyền cô Ba Thoải
Lượn dòng sông sâu
Ơi khoan - khoan - hò khoan!
Ơi khoan - khoan - hò khoan!
Ới khoan - khoan - hò khoan!
Đây dòng sông Mã
Trước cảnh Bồng Tiên
Ới khoan - khoan - hò khoan!
Cô vững tay chèo
Cho thuyền lướt sóng
Ơi khoan - khoan - hò khoan!
Khoan - khoan - hò khoan!
Qua dải đá Bàn
Lên hòn đá Ngốc
Ới khoan - khoan - hò khoan!
Khoan - khoan - hò khoan!
Khoan - hò hò khoan!
Khoan hò - nhẹ lái - nhẹ lái khoan hò
Ơi khoan - khoan - hò khoan!
Khoan hò - hò khoan!
Rẽ nước sang ngang - giữa dòng nước trong
Khoan hỡi hò khoan!
Khoan - Khoan - hò khoan!
Khoan - khoan - hò khoan!
Nêu xanh là cô cắm sào - ngắm nhìn thủy thủ
Khoan hỡi hò - hò khoan!
Hò khoan là hò khoan…
Giữa dòng nước bạc trong xanh là xanh mát lành
Khoan hò - hò khoan!
Hò khoan - khoan khoan - hò khoan!
Dâng lên Phật, Mẫu
Thắm nhuận quần sinh, thắm nhuận quần sinh
Ơi khoan, hò khoan - khoan hò - hò khoan!
Xuôi dòng bến nước,
Vào vụng Quần Tiên
Hò khoan - hò khoan
Cặp bến Báo Ân, cặp bến Báo Ân
Ơi hò… hò… ơ… ơ… khoan!
Nhẹ nhàng gót sen,
Khoan - khoan - hò khoan
Cô lên hầu Mẫu
Khoan ớ… hò… ớ… khoan
Phúc ấm mọi nhà… à… à…
Khoan hò, hò khoan.
Đoàn thuyền sau khi lên bờ, bình nước được sư thầy tưới lên tháp Viên Quang (nơi lưu giữ Xá Lỵ của sư Bùi Tuệ Tâm), dâng lên Phật, Mẫu tưới nhuận quần sinh, mong cho bàn dân thiên hạ, người người an khang, vật thịnh, mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa, phu phụ hòa hề, gia đạo thành danh… Được như vậy là chọn ý Phật, ý Mẫu mọi sinh linh có cơm ăn áo mặc, nước uống trong lành, rèn lòng thanh bạch…
Ngoài lễ “Hoa đăng”, “Rước nước” tối 29-2 có lễ tạ (ngày hóa của Mẫu). Về lễ vật “Rước nước” chỉ hương hoa, trà, quả. Lễ vật ngày lễ tạ có tế lễ, dâng lễ vật thịt, xôi…
Lễ rước nước có 2 chiều tế:
Tế múa sênh tiền (chiều 28-2 âm lịch).
Tế dâng lễ vật (tối 29-2 âm lịch).
Trong các ngày diễn ra lễ hội tại khuôn viên chùa có tổ chức nhiều trò chơi dân gian truyền thống đó là so đẩy gậy, kéo co của chị em phụ nữ, cờ người, tổ tôm, bài điếm của các bậc cao niên…
Lễ hội “Rước nước” ở chùa Báo Ân thuộc làng Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng là lễ hội mang truyền thống văn hóa, lịch sử đặc sắc của xứ Thanh. Ngày nay nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, lễ hội “Rước nước” chùa Báo Ân được chính quyền địa phương, các ngành chức năng cấp huyện, cấp tỉnh quan tâm chỉ đạo, đưa quy mô lễ hội lên cấp huyện, cấp tỉnh.
Trong sự phát triển kinh tế, du lịch của huyện Vĩnh Lộc với Di sản Văn hóa thế giới Thành nhà Hồ thì lễ hội “Rước nước” có ý nghĩa to lớn, là điểm đến, không những đối với xã Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc mà còn nằm trong tua du lịch của xứ Thanh với các vùng miền trong cả nước…
Vĩnh Lộc, ngày 10-3-2023
L.V.S