Lê Ninh (vua Lê Trang Tông) sinh ra ở đâu? Vẫn là một câu hỏi đặt ra cho chúng ta từ trước đến nay. Theo một số tài liệu lịch sử có nói là ông sinh ra ở Lào, do Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm đưa bà Phạm Ngọc Quỳnh là mẹ của ông chạy trốn sự vây lùng của nhà Mạc nên đã mang sang Lào. Cũng có những tài liệu thì nói chung chung là mẹ ông được Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm đưa đi trốn ở vùng núi Thanh Hóa mãi tận giáp Lào. Chưa một tài liệu nào nói ông sinh ra tại bản nào, mường nào, có địa danh một cách cụ thể.
Sau khi Mạc Đăng Dung tiếm ngôi vua Lê, nhà Mạc lùng sục khắp nước để truy lùng giết con cháu nhà Lê và những quyền thần trung thành với nhà Lê. Song cũng nhờ âm phúc của nhà Lê còn vận may, được Hưng quốc công Nguyễn Kim (quê ở Bái Trang huyện Tống Sơn, nay là huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa), con trai của Nguyễn Hoằng Dụ, chạy sang nước Ai Lao và được quốc vương nước Ai Lao là Sạ Đầu che chở, giúp sức cấp cho dân và đất Sầm Châu để ở. Từ đấy mới chiêu mộ quân lính, những người trung thành với nhà Lê, đang bị nhà Mạc truy sát, muốn làm phản đều được chiêu nạp về đây, đồng thời ngấm ngầm lần tìm con cháu họ Lê đang bị phiêu dạt ở các nơi để lập làm vua khôi phục nhà Lê. Những năm tháng này, với thời gian khoảng 7 năm(1) Nguyễn Kim đã nương tựa người bạn Lào để xây dựng lực lượng, chuẩn bị lương thảo và móc nối nắm tình hình trong nước. Bước đầu đánh chiếm một số địa bàn quan trọng dọc biên giới hai tỉnh là Thanh Hóa và Nghệ An, lực lượng ngày một lớn mạnh, quân sĩ phấn khởi, tung hô theo đà muốn đánh phát triển về các vùng sâu hơn trong nước, nhưng Nguyễn Kim không cho đánh, dừng lại chỉ án ngữ một số mục tiêu hiểm yếu ở hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An còn đại quân cho lui về đất Ai Lao. Bởi lẽ cho quân đánh phát triển tiếp, trong lúc tướng ít quân mỏng, thế và lực chưa đủ mạnh, mặt khác cho dù có đánh chiếm được cả nước thì việc làm này cũng tương tự như Mạc Đăng Dung (như người đời thường nói “danh chính ngôn mới thuận được”). Cho nên việc quan trọng bậc nhất lúc này không phải là đánh chiếm địa bàn, tạo dựng vùng lãnh thổ mà vấn đề cốt lõi nhất là phải lần tìm cho ra con cháu nhà Lê hiện đang lẩn trốn trong dân gian, để lập làm vua, có như vậy mới tạo dựng được ngọn cờ nhằm trung hưng phục quốc.
Với tầm nhìn chiến lược như vậy, nên An Thanh hầu Nguyễn Kim, một mặt chiếm giữ những vị trí hiểm địa ở biên giới hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, ổn định quân sĩ, tiếp tục phát triển lực lượng tại đất Ai Lao là chính, rồi bí mật cùng những quyền thần trung thành với nhà Lê luồn lách về trong nước lần tìm con cháu nhà Lê. Nguyễn Kim nghe thiên hạ truyền miệng: Quang Thiệu đế có một người con trai hiện đang phiêu bạt, lẩn trốn trong dân gian. Theo truyền thuyết thân mẫu của người con này là bà Phạm Ngọc Quỳnh, một tiểu thư khuê các, cố nội của bà là công thần khai quốc Phạm Vấn - người sách Cao Trĩ, huyện Thụy Nguyên (nay là huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa).
Khi bọn cường thần bắt vua Quang Thiệu về giam lỏng ở thành Tây Đô, lúc bấy giờ chú ruột bà Phạm Ngọc Quỳnh là một võ quan cao cấp trong triều, người có lòng trung thành với dòng tộc nhà Lê, ông đã bí mật cho người về đón bà đến ở gần thành Tây Đô mở hàng cơm, với mục đích để đưa cơm nước vào cho nhà vua. Bà đã cải trang thành một người bẩn thỉu, xấu xí nhằm qua mắt quan quân nhà Mạc đang từng ngày, từng giờ theo dõi nhà Lê để truy cùng, giết tận, nhằm nhổ cỏ tận gốc dòng giống nhà Lê(2). Nhưng với con mắt tinh tường của người đứng đầu thiên hạ, vua đã phát hiện ra bà qua lời ăn, tiếng nói, cách ứng xử mỗi ngày khi tiếp xúc. Bà là một thiếu nữ xinh đẹp, đoan trang, dòng giống của con nhà được giáo dục chu đáo. Vua đã thổ lộ tình cảm và được bà đáp lại. Sau cái đêm đó vua đã trao lại cho bà bảo ấn quốc truyền Thái tổ Cao Hoàng đế đúc vào năm Thuận Thiên thứ 3 (1430). Và rồi những ngày sau bà Ngọc Quỳnh lặng lẽ rời khỏi thành Tây Đô. Sau đó bà đã lưu dạt trong dân gian để mưu sinh cuộc sống.
Về địa danh lịch sử thời Hồ và Lê Sơ vùng núi phía Tây Thanh Hóa từ huyện Cẩm Thủy ngày nay trở lên đến giáp Lào đều gọi là huyện Lỗi Giang. Sau này người ta mới chia Lỗi Giang thành hai huyện là Cẩm Thủy và Quan Hóa. Mãi đến năm 1928 mới tách hai tổng là Thiết Ống và Cổ Lũng ở Quan Hóa cộng với hai tổng ở Cẩm Thủy là Điền Lư và Sa Lung để thành châu Tân Hóa (Bá Thước ngày nay), vì vậy mọi sự kiện lịch sử diễn ra thời đó người ta đều nói là ở vùng Lỗi Giang là đủ. Nhưng Lỗi Giang thuộc Cẩm Thủy, Quan Hóa hay Bá Thước lại là vấn đề đời sau mới trăn trở đi tìm. Ví như các trận đánh thời khởi nghĩa Lam Sơn diễn ra ở Bù Mộng, Úng Ải, sách Ba Lẫm, Bồ Thị Lang hay Kình Lộng, v.v… thì tài liệu cũ đều nói các địa danh trên thuộc huyện Lỗi Giang. Sau này ta mới xác định cụ thể là thuộc Bá Thước ngày nay chứ không phải là Quan Hóa hay Cẩm Thủy. Cho nên việc bà Phạm Ngọc Quỳnh được đưa trốn ở đâu thời đó nhiều người nghĩ rằng đó là vùng giáp Lào là được (tiếc thay đang còn cách hơn 100km nữa mới đến đất Lào). Sau này những người đọc tài liệu của người trước cứ nghĩ và tin là bà Phạm Ngọc Quỳnh đã được đưa sang tận Lào hoặc giáp Lào nơi nào đó để ẩn náu và sinh ra Lê Ninh (vua Lê Trang Tông sau này). Thực tế bà Phạm Ngọc Quỳnh từ lúc mang thai Lê Ninh đến khi sinh Lê Ninh và đến tuổi già khi qua đời chưa đi khỏi vùng đất mường Khoòng(3). Chính vì thế mộ bà hiện đang táng tại làng Eo Kén xã Thành Sơn (còn tại sao lại không táng ở làng Dôộc (nay là làng Thành Công) nơi bà sinh ra Lê Ninh mà ở làng Eo Kén đó cả là câu chuyện, chúng tôi đã có một bài riêng về ngôi mộ của bà, ở bài này xin không nói lại nữa. Nhiều năm trước chúng tôi vẫn nghe trong dân truyền lại là vùng đất Mường Khoòng mà cụ thể là làng Dôộc (xã Lũng Cao) là nơi giấu vua Lê Trang Tông. Nghe thì nhiều, nhưng chưa hoàn toàn dám tin vì nghĩ đây chỉ là truyền thuyết trong dân gian chứ chưa phải là chính sử ghi lại nên không dám khẳng định. May thay cách đây mấy năm nhà nghiên cứu Hà Nam Ninh đã sưu tầm được cuốn sách chữ Thái và ông là người biết chữ Thái đã dịch ra. Qua bản dịch cho thấy rất rõ về việc bà Phạm Ngọc Quỳnh đã được ông quan bản Dôộc che giấu và đã sinh ra Lê Ninh ở trong một cái hang thuộc bản Dôộc - Lũng Cao ngày nay. Dù sao tôi vẫn nghĩ đó là văn học chứ chưa phải chính sử nên cũng nửa tin nửa ngờ. Gần đây tôi và ông Hà Nam Ninh đã có dịp đi khảo sát ngôi mộ bà Phạm Ngọc Quỳnh đang chôn tại bản Eo Kén, xã Thành Sơn (Bá Thước) thì lại càng có đủ cơ sở để khẳng định thêm vua Lê Trang Tông đã sinh ra ở vùng đất mường Khoòng, cụ thể là làng Dôộc, xã Lũng Cao (nay là làng Thành Công, xã Lũng Cao).
Tại sách “Kể chuyện Mường Khoòng” viết bằng chữ Thái do nhà nghiên cứu Hà Nam Ninh dịch thì bắt đầu kể về việc quan Dôộc che giấu, trộm nuôi hai mẹ con vua chù chổm trong hang đá(4): “Một hôm ông quan Dôộc, nay thuộc thôn Thành Công (xã Lũng Cao) đang cày ruộng, bỗng xuất hiện một người đàn bà xa lạ, có thai chạy đến. Người đàn bà nói: “Nhà tôi gặp nạn do việc tranh giành đất đai, quyền hành chém giết lẫn nhau. Tôi bị truy giết, chạy trốn đến đây. Nghe nói ông quan là người có tài, đức độ hay cứu vớt người sa cơ lỡ vận, tôi muốn cậy nhờ”. Quan Dôộc nói: “Quan Dôộc chính là tôi đây”. Quan Dôộc để người đàn bà ở đó chờ còn mình thì mang giỏ nhái về cho người nhà mổ ruột làm cơm trưa, rồi quay ra ruộng đưa người đàn bà vào giấu trong một cái hang đá. Nghe nói có ông Liêm Quốc là một nhà thông thái đang ở Mường La. (Sau này mới biết đó là ông Nguyễn Kim). Quan Dôộc cất công lặn lội tìm đến để hỏi về tung tích người đàn bà nọ. Ông Liêm Quốc bảo: “Dạo này thấy có sao Chiêm Vương chầu về phía Mường Khoòng, báo hiệu sắp có con vua, cháu trời xuất hiện, biết đâu lại ứng với cái thai trong bụng người đàn bà kia!”. Quan Dôộc trở về tận tình chăm sóc người đàn bà đang mang thai này. Hàng ngày quan Dôộc giấu giếm, mang cơm, chuyển chỗ ở từ hang này sang hang khác cho người đàn bà ấy. (Sau này người dân ở đây hay gọi người đàn bà này là “mụ Pa hang” hay “sam hang” là vì người này đã từng ở nhiều hang (ba hang). Gần đến ngày sinh ông Liêm Quốc (tên người Mường Khoòng gọi ông Nguyễn Kim) về nhà quan Dôộc để chờ kết quả. Người đàn bà trở dạ từ sáng sớm (giờ cứa cá - theo cách gọi của người địa phương) mãi đến chiều tối (giờ cỏng pắn) vẫn chưa sinh được. Hai ông làm một mâm lễ cúng, khấn trời, vái đất rằng: “Nếu phải con trời thì mặt trời hãy trở lại buổi sáng để vua chúa ra đời”. Quả nhiên mặt trời hừng lên rạng rỡ, bầu trời quang mây, tạnh gió như giờ cứa cá. Người đàn bà đã sinh được người con trai sáng sủa, khỏe mạnh. Hai ông mừng rỡ, cho rằng phúc trời, vận nước sẽ đến, tuy vậy trong lòng vẫn giấu kín niềm hy vọng(5). Ông Liêm Quốc lại lên đường, đi đến các Mường xa loan tin đã có hoàng tử nhà Lê ra đời. Quan Dôộc tiếp tục “nuôi giấu, nuôi trộm” hai mẹ con trong hang. Đến khi đứa trẻ biết đi chơi ông mới đưa hai mẹ con về nhà. (Người dân tộc trên này gọi đứa trẻ là “chù chổm” (nghĩa là giấu, trộm), theo tiếng Mường Khoòng gọi từ trộm là “chổm” (giấu trộm). Ông Liêm Quốc quay trở lại lúc này ông cho mọi người biết “chù chổm” là con vua, họ ngài là họ Lê. Từ đó chù Chổm nghe nói như vậy xưng mình sẽ làm vua. Chù Chổm lớn lên cùng bạn bè trong bản sống rất phóng khoáng, thường vay tiền nhậu nhẹt, hứa là sau này làm vua sẽ trả hết nợ, không ngờ chuyện vui đùa thành thật. Một vài năm sau có quân quyền đến đón Chổm đi ra trị vì thiên hạ để làm vua. Gọi là vua Chổm hay “chù Chổm”. Sách tiếng Thái “Kể chuyện Mường Khoòng” là sách văn học, tuy nhiên nhân vật trong chuyện và nhân vật ngoài đời trong dân gian còn lưu truyền là một, là có thật. Cùng với ngôi mộ của bà Phạm Ngọc Quỳnh hiện đang táng tại làng Eo Kén (xã Thành Sơn) cho ta thấy việc Lê Ninh được bà Phạm Ngọc Quỳnh sinh ra ở một cái hang đá thuộc làng Dôộc (nay là làng Thành Công) xã Lũng Cao là đúng thật. Địa chỉ cụ thể cả về nơi sinh, ngôi mộ của bà Phạm Ngọc Quỳnh. Các tư liệu khác chỉ nói ông được Nguyễn Kim đưa sang Lào hay là biên giới gần Lào để trốn và công bố với bàn dân thiên hạ về việc dòng máu nhà Lê đang còn hiển hiện ở đây để giương cao ngọn cờ phù Lê diệt Mạc. Cũng tại vùng đất Mường Khoòng này thời Lê Trung hưng lịch sử đã ghi nhận đây là vùng đất có công đầu trong công cuộc trung hưng của nhà Lê với những tên tuổi nổi tiếng thời đấy còn lưu danh đến ngày nay như: Lân quận công Hà Nhâm Chính, Thụy quận công Hà Thọ Lộc, điều này liệu có liên quan gì đến việc cất giấu ấu chúa Lê Ninh (vua Lê Trang Tông)? Sau khi lớn lên, Lê Ninh được Nguyễn Kim đưa ra công bố với thiên hạ, địa điểm chính để tổ chức ra mắt là tại chòm Đốc, xã Cổ Lũng bây giờ, sau này đến thời Lê Trung hưng người ta đã cho dựng ngôi nhà ở tại địa điểm này gọi là “nhà phủ Mường Khoòng” (tại xã Cổ Lũng bây giờ). Nhà phủ Mường Khoòng được làm để tưởng niệm nơi nuôi giấu ấu chúa Lê Ninh và cũng là quê hương của hai vị công thần nhà Lê Trung hưng đã cùng với vùng đất này có công giúp khôi phục lại nhà Lê đó là: Lân quận công Hà Nhâm Chính và Thụy quận công Hà Thọ Lộc. (Sau khi hai ông chết, nhà phủ Mường Khoòng cũng là nơi thờ Lân quận công Hà Nhâm Chính và Thụy quận công Hà Thọ Lộc). Sau khi công bố về dòng dõi nhà Lê đang còn Lê Ninh được Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm đưa trốn có thời gian phải sang biên giới và sang Lào để ẩn trốn và củng cố lực lượng, lúc đó Lê Ninh cũng đã 6 - 7 tuổi. Còn bà Phạm Ngọc Quỳnh thì theo sách “Kể chuyện Mường Khoòng” vẫn ở lại bản Dôộc sinh sống cho đến khi ông quan Dôộc cùng một số hộ trong làng chuyển sang bản Eo Kén để ở và thành lập làng mới thì bà cũng đã đi theo và ở cho đến cuối đời, cho nên việc có ngôi mộ của bà Phạm Ngọc Quỳnh chôn ở làng Eo Kén mà không phải chôn ở làng Dôộc là hoàn toàn có cơ sở. Như vậy là Lê Ninh được sống ở bên Lào và vùng giáp Lào một thời gian sau mới đưa về nước rõ ràng là có, nhưng không phải sinh ra ở đất Lào hay gần Lào. Sau khi trở về nước, lúc này nhà Mạc vẫn đang chiếm giữ thành Thăng Long, khi đấy triều đình nhà Lê cho xây dựng kinh đô nơi Vạn Lại - Yên Trường (bà Phạm Ngọc Quỳnh vẫn không theo con về kinh đô nơi Vạn Lại - Yên Trường), vì thế trong quần thể khu lăng mộ Lam Kinh bà không có phần mộ mà mộ bà táng ở làng Eo Kén (Thành Sơn, Bá Thước). Lê Ninh đã được đưa sang Lào cùng với quan quân nhà Lê. Lê Ninh lên ngôi vua khi ấy tại đất Ai Lao, đặt niên hiệu là Nguyên Hòa, lấy trại Sầm Hạ làm nơi hành tại, kết giao với vua Ai Lao là Sạ Đẩu để nương nhờ quân, lương nhằm mưu tính lại cơ đồ khôi phục nhà Lê. Sau khi người ta đưa Lê Ninh đi, bà Phạm Ngọc Quỳnh vẫn sống tại làng Dôộc này. Còn câu chuyện tại sao đến lúc chết mộ bà Phạm Ngọc Quỳnh không chôn ở làng Dôộc hay ở Lam Kinh mà lại chôn ở làng Eo Kén (Thành Sơn). Việc này tôi đã lý giải qua bài viết “Về ngôi mộ bà Phạm Ngọc Quỳnh”. Cụ thể là do việc một lần quân lính nhà vua đi đánh giặc cỏ ở phía Lào, đi qua đèo Kéo Đó thuộc Mường Ánh (nay là xã Phú Lệ, Quan Hóa) có một con ngựa của nhà vua bị rơi xuống vực chết, Mường Ánh phải chịu vạ. Tạo Mường Ánh bị phạt. Phạm Bá Tiến đến cậy nhờ quan Dôộc là cha nuôi nhà vua đi xin hộ. Mường Ánh được tha. Phạm Bá Tiến tặng đất cho quan Dôộc tự chọn lấy rồi làm văn bản bàn giao đất, có sự chứng kiến của tạo Mường Ca Da. Quan Dôộc chuyển nhà và đưa một số hộ ở làng Dôộc đến đây ở. Vùng đất mới là do quan Dôộc tự chọn lấy, kén lấy nên sau này người ta gọi đó là bản Kén và ông quan Dôộc được gọi là quan Kén (6). Chính vì thế nếu ai là người để ý đến vấn đề phân bổ dân cư của các dân tộc đến bản Eo Kén này cũng sẽ thấy được rất rõ. Giữa núi rừng các bản xung quanh là người Thái sinh sống lại có một bản của người Mường nằm lọt vào giữa. Phía Tây là các bản thuộc Phú Lê (Quan Hóa) đều là người Thái sinh sống, phía Đông các chòm bản như Đông Điểng, Kho Mường, Nông Công, Bầm, Báng đều là người Thái, còn Pả Pan và Eo Kén lọt vào giữa là người Mường sinh sống. Vì ông quan Dôộc và bà con ở làng Dôộc là người Mường mọi chuyển sang. Khi tìm nơi trú ẩn cho bà Phạm Ngọc Quỳnh, các ông Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm đã nghĩ ngay đến chọn bản Dôộc (Lũng Cao) bởi vì đây là một bản vùng sâu rất heo hút, chỉ có một con đường độc đạo đi vào nhưng nếu băng qua cánh rừng thì bên phía Tây lại thuộc địa phận Mai Châu tỉnh Hòa Bình, như vậy tuy rất sâu, hẻo lánh nhưng lại có cả đường tiến và thoái, vả lại đây là bản của người Mường sinh sống. Bà Phạm Ngọc Quỳnh là người Mường thuộc huyện Ngọc Lặc nên đến đây để ở với người Mường thì rất thuận tiện về nhiều mặt về văn hóa phong tục, không bất đồng ngôn ngữ. Đó là lý do ta có thể hiểu được vì sao bà lại đến nơi này để sinh sống. Nếu đưa bà lên Quan Sơn, Mường Lát thời đó chưa có bản nào người Mường sinh sống mà chủ yếu là người dân tộc Thái, Mông, Khơ mú chắc chắn sẽ khó khăn. Còn việc ngôi mộ của bà không có ở làng Dôộc mà là ở làng Eo Kén thì qua quyển sách tiếng Thái cũng đã rõ. Bà cùng đi với gia đình ông quan Dôộc và bà con làng Dôộc sang Eo Kén nên lúc chết chôn ở đấy là điều dễ hiểu.
Sau khi Nguyễn Kim chết, toàn bộ binh quyền được trao lại cho con rể là Trịnh Kiểm định đoạt việc quân ở bên ngoài, cũng như nội triều, tất thảy đều quyết rồi sau đó mới tâu với vua. Được vua tin giao cho Lang quốc công Trịnh Kiểm càng dốc lòng trong công việc, các việc đều quyết đoán rõ ràng, mọi việc đều đâu ra đấy. Đến năm Bính Ngọ (1546) sau 13 năm kể từ khi Lê Trang Tông lên ngôi vua, Trịnh Kiểm lập hành tại vua Lê ở Vạn Lại (nay thuộc xã Xuân Minh, Thọ Xuân, Thanh Hóa), lấy danh nghĩa phù Lê diệt Mạc. Như vậy đến thời điểm này, nhà Lê Trung hưng đã bố cáo với bách tính thiên hạ xác định khu vực kinh thành kháng chiến chống quân Mạc là ở Vạn Lại. Đây là một điều đáng mừng cho việc trung hưng của nhà Lê. Bởi lẽ muốn lấy lại được triều đình mà nhà Mạc cướp mất thì nhà Lê không thể lưu vong mãi ở đất Ai Lao mà sớm muộn phải về nước thiết lập kinh thành để khẳng định chủ quyền của nhà Lê và kháng chiến lâu dài với nhà Mạc. Lúc bấy giờ nhiều hào kiệt danh sĩ trong nước nghe tiếng lập hành tại vua Lê ở Vạn Lại đã tìm về Thanh Hóa để hội quân như: Lương Đắc Bằng, Phùng Khắc Khoan… ai cũng vui lòng giúp sức, vùng đất Ái Châu dần dần được yên, thế nước lại nổi lên. Cơ nghiệp nhà Lê Trung hưng bắt đầu từ đấy.
LÊ HUY HOÀNG
Tài liệu tham khảo:
(1) Sách “Kinh đô Vạn Lại, Yên Trường” của Lê Quốc Ẩm.
(2) “Huyền tích Lê Trang Tông” của Hoàng Hùng.
(3) “Về ngôi mộ bà Phạm Ngọc Quỳnh” của tác giả Lê Huy Hoàng, Hà Nam Ninh.
(4,5,6) Sách “Kể chuyện Mường Khoòng” do Hà Nam Ninh dịch.