Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI DAO (TỈNH THANH HÓA) - NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA!
BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI DAO (TỈNH THANH HÓA) - NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA!

Nghề thủ công truyền thống là một thành tố quan trọng trong nền văn hóa dân tộc Dao - Thanh Hóa. Sở hữu không ít nghề thủ công truyền thống đặc sắc nhưng trong thời điểm hiện tại, hệ thống nghề thủ công truyền thống của cộng đồng người Dao đã và đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trong vấn đề bảo tồn và phát triển. 
Bài viết của chúng tôi đi vào nhận diện và phân tích vai trò, thực trạng của nghề thủ công truyền thống người Dao trong quá khứ và hiện tại; từ đó, đề xuất một số giải pháp bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Dao trong thời kỳ hội nhập. 
1. Tổng quan về nghề thủ công truyền thống người Dao
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, số người Dao ở Việt Nam là 751.067 người(2). Tỉnh Thanh Hóa có hơn 7.300 đồng bào người Dao(1), trong đó người Dao Quần Chẹt khoảng 6.700 người, tụ cư thành 7 làng thuộc huyện Cẩm Thủy (Phú Sơn, Sơn Lập, Bình Yên, Bình Sơn, Ngọc Sơn, Thạch An, Làng Ơi - còn gọi là làng Ghép) và 3 làng thuộc huyện Ngọc Lặc (Hạ Sơn, Tân Thành và Phùng Sơn). Nhóm Dao Đỏ tụ cư ở huyện Mường Lát gồm 3 chòm: Pù Quăn - xã Pù Nhi (266 người); Suối Tút (82 người) và Con Dao (286 người) đều thuộc xã Quang Chiểu(3).
Trong quá trình chinh phục, giao hòa với tự nhiên, cộng đồng người Dao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa dần định hình và phát triển chuỗi nghề thủ công truyền thống, mang đậm yếu tố tộc người. Xuất phát từ những nhu cầu thực tế trong lao động, sản xuất, nhu cầu làm đẹp và di chuyển, nhiều nghề thủ công đã ra đời tại các chòm/bản. Ban đầu, nó là những công việc nhỏ lẻ, mang tính cá nhân để tạo ra những vật dụng cần thiết trong sinh hoạt. Về sau, các hoạt động này từng bước phát triển về quy mô sản xuất, mang tính “hộ gia đình” rồi tiếp tục được nâng cấp thành những nghề thủ công mang tính chuyên biệt, “chuyên môn hóa”. Và cuối cùng, các hoạt động sản xuất thủ công ấy đã trở thành hàng hóa để trao đổi, kinh doanh, tìm kiếm “thu nhập phi nông nghiệp”.
Trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là sự “bành trướng thị trường” của hàng hóa công nghiệp, hàng hóa Trung Quốc, nghề thủ công truyền thống của người Dao cũng từng bước có sự biến chuyển, đặc biệt là cách ứng xử của cộng đồng, của xã hội đối với nghề. Một số nghề truyền thống đã mất dần vị trí trong đời sống hàng ngày. Không ít “nghệ nhân” người Dao trực tiếp sản xuất ra các sản phẩm thủ công cổ truyền đã và đang phải đối mặt với thực tế: Nghề thủ công truyền thống đang mất chỗ đứng theo thời gian và quan trọng hơn, họ có nhiều dấu hiệu bất lực khi tìm “đầu ra” cho sản phẩm.
Qua khảo sát tại địa phương, chúng tôi nhận thấy có một số nghề thủ công truyền thống được sản xuất với quy mô gia đình hoặc nhiều hộ gia đình như: Nghề chạm khắc bạc, nghề mộc, nghề rèn, nghề nhuộm vải, nghề nấu rượu… Trong đó nổi bật là nghề làm giấy và nghề nấu cao chàm.
Để làm giấy, người Dao chọn các loại tre, giang, nứa… còn non, chặt nhỏ, rửa sạch, ngâm với nước vôi trong khoảng 10 ngày trước khi đun (cùng với nước vôi) thật nhừ rồi bỏ vào cối, giã thành bột. Loại bột này được trộn đều với nước lã, với một loại nhựa cây rừng thành thứ nhựa đặc sánh rồi phết lên các mặt vải. Để miếng vải căng, người Dao thường kết 4 thanh gỗ thành một khung hình chữ nhật như kiểu khung ảnh. Giấy làm ra được sử dụng chủ yếu trong các công việc hàng ngày như viết chữ, gói đồ, chế thành tiền dành cho người đã khuất như kiểu “tiền âm phủ” của người Kinh.
Nguyên liệu để nấu cao chàm là thân cây chàm từ 3 đến 5 tháng tuổi. Cây chàm chặt về được ngâm trong nước lạnh khoảng một tuần lễ, thân và lá chàm vữa ra, hòa với nước thành màu chàm đặc trưng. Sau khi lọc hết bã chàm, người Dao hòa một ít vôi vào chảo nước chàm, khuấy đều để vôi tan, khi nước chuyển sang màu tím than thì dừng lại, để vài ngày lắng hết cặn vôi rồi gạn lấy phần nước phía trên. Đây chính là cao chàm. Cao chàm có thể cất giữ trong thời gian rất dài mà không hư hỏng hay biến màu. Thông thường, mỗi lần làm cao chàm, người Dao thường nấu với số lượng lớn, dùng nhuộm vải dần.
Người Dao không trồng bông, dệt vải (vải vóc thường được mua hoặc trao đổi với các dân tộc cận cư) nhưng lại rất thạo việc nhuộm màu. Tùy theo số vải cần nhuộm cũng như màu sắc (đậm hay nhạt), người Dao biết lượng cao chàm thế nào là phù hợp. Cao chàm được pha với nước tro đã lọc sạch. Trước khi nhuộm, người Dao thường nhúng tấm vải vào một chậu nước sạch để vải ướt đều. Vải ngâm trong nước cao khoảng vài giờ rồi vớt ra, phơi khô trước khi tiếp tục được làm ướt bằng nước lạnh rồi lại ngâm với cao chàm. Công đoạn này được lặp lại nhiều lần đến lúc tấm vải có màu sắc ưng ý mới thôi. Để giữ màu, người Dao còn sử dụng một loại củ rừng giã nát, đun trong chảo nước rồi ngâm tấm vải đã nhuộm trong khoảng vài giờ. Vải sẽ có màu xanh chàm rất đẹp mắt và gần như không có biểu hiện phai màu trong quá trình sử dụng. 
2. Những yếu tố cản trở, chưa thực sự thúc đẩy nghề thủ công truyền thống người Dao
Cùng với chiều dài lịch sử tộc người Dao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, các nghề thủ công truyền thống vẫn đang tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, quá trình hội nhập kinh tế hiện nay đã đặt ra nhiều vấn đề cần suy ngẫm đối với nghề thủ công truyền thống tộc người, cần có định hướng đúng đắn để nó có thể đứng vững và vươn tới cạnh tranh với các sản phẩm hiện đại khác.
Trước hết, đó là công tác quản lý và chính sách: Những năm gần đây, tuy đã có không ít chính sách đãi ngộ, khuyến khích phát triển của các cấp chính quyền nhưng vẫn còn mang nặng tính hình thức, chưa thực sự đến tay người thợ thủ công nên chưa mang lại hiệu quả cao trong giữ gìn, thúc đẩy các chòm/bản có nghề thủ công truyền thống. Các chủ trương tạo sự bền vững cho nghề như hỗ trợ vốn, giảm lãi suất vốn vay, trang bị kỹ thuật, thiết bị còn nhiều bất cập. Dĩ nhiên, cũng cần nhắc tới những trở ngại mang tính khách quan - đa phần các chòm/bản người Dao Thanh Hóa (nhất là các chòm người Dao Đỏ ở huyện Mường Lát) đều ở những nơi có vị trí khá biệt lập, cách trở về mặt địa lý, ngăn cách về giao thông… nên sự tương tác về chính sách gặp phải những khó khăn nhất định. Những hạn chế mang tính khách quan này cũng khiến cho chính quyền địa phương chưa khai thác hết tiềm năng tài nguyên và nguồn lực lao động; chưa thể quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu; khó khăn trong việc giám sát quản lý, quy trình sản xuất. Đặc biệt là hiện tượng “mù thông tin thị trường” khiến các cá nhân, hộ gia đình làm nghề không kịp thời chuyển hướng, thay đổi hình thái sản xuất.
Công tác đào tạo đội ngũ kế cận: Theo các chuyên gia kinh tế học, công tác này luôn là một trong những vấn đề được đặt ra hàng đầu đối với hoạt động sản xuất thủ công. Tuy nhiên, do việc đào tạo nguồn nhân lực nghề truyền thống của người Dao - lâu nay chủ yếu chỉ mang tính chất “phụ truyền tử kế”, phương thức truyền nghề nặng về yếu tố kinh nghiệm, “trăm hay không bằng tay quen” nên mất nhiều thời gian, thiếu khoa học. Điều này đã dẫn đến thực trạng là nhiều tinh hoa của nghề bị mai một, thất truyền. Đặc biệt, không ít nghệ nhân lớn tuổi qua đời đột ngột mà chưa kịp đào tạo lứa kế cận khiến văn hóa truyền thống của mỗi sản phẩm không được tiếp thu đầy đủ, dẫn đến tình trạng mất bản sắc nghề.
Sản phẩm làm ra còn lạc hậu, chưa đáp ứng thị hiếu tiêu dùng: Khảo sát các chòm người Dao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, dễ dàng nhận thấy hiện tượng chưa định hướng sản phẩm thủ công truyền thống cần được bảo tồn nguyên bản và sản phẩm thủ công truyền thống có thể thương mại hóa. Trong bối cảnh thị hiếu tiêu dùng ngày càng cao nhưng sản phẩm thủ công truyền thống mang tính thương mại vẫn đi theo lối mòn. Sản phẩm làm ra thường theo các mẫu mã định sẵn, kém phong phú về loại hình đã làm giảm tính cạnh tranh so với các sản phẩm cùng chủng loại nhưng sản xuất theo công nghệ hiện đại.
Sự hạn chế vốn, thông tin thị trường: Tuy Thanh Hóa là một thị trường rất hứa hẹn nhưng các sản phẩm thủ công truyền thống của người Dao dường như vẫn “đứng ngoài cuộc”. Hạn chế này biểu thị ở các mặt: Một là, khả năng tổ chức, thiết bị, tài chính, cơ sở hạ tầng và kỹ thuật; thông tin thị trường và kỹ năng quảng bá sản phẩm; Hai là, hạn chế trong xây dựng và quảng bá thương hiệu; Ba là, hạn chế trong xây dựng và hình thành các làng nghề.
Sản xuất còn manh mún nhỏ lẻ, sự chuyên môn hóa chưa cao: Các sản phẩm thủ công truyền thống của người Dao (Thanh Hóa) chủ yếu thực hiện ở hộ gia đình hoặc một nhóm nhỏ gia đình, sự liên kết giữa đầu vào và đầu ra giữa các hộ chưa cao khiến cho sản phẩm tiêu thụ chậm. Bên cạnh đó, sự chuyên môn hóa trong các khâu từ chuẩn bị nguyên liệu đến nhà sản xuất, nhà kinh doanh tiêu thụ sản phẩm chưa cao. Từ đó dẫn đến hiện tượng không quản lý hết các công đoạn mang tính “đầu vào”, khi phải tăng sản lượng, quy mô sản xuất thì luôn lúng túng, bị động.
Thu nhập từ nghề thủ công truyền thống chưa cao: Khảo sát các cá nhân đang tham gia sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống, hầu như tất cả đều không cảm thấy hài lòng với thu nhập từ nghề mang lại. Giá trị sản phẩm thấp khiến nhiều người làm nghề không mặn mà, không muốn gắn bó và có xu hướng chuyển đổi nghề. Bên cạnh đó, quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đã khiến diện mạo nhiều vùng nông thôn thay đổi. Các xí nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều và “len lỏi” vào tận các thôn bản xa xôi đã tạo ra nhiều việc làm với thu nhập cao hơn sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống. Điều này đã nảy sinh hiện tượng lao động người Dao có nghề thủ công truyền thống thoát ly khỏi nghề, tìm kiếm việc làm ở các khu, cụm công nghiệp để cải thiện đời sống. 
3. Một số giải pháp bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống người Dao
Nhận thức đúng về vai trò, vị trí của nghề thủ công trong giai đoạn hiện nay để đưa ra những chính sách, chủ trương thích hợp không chỉ giúp cho nghề thủ công phát triển một cách bền vững mà còn thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển. Không thể phủ nhận, nghề thủ công truyền thống mang tính chất loại hình di sản văn hóa có tính liên ngành cao và có quan hệ mật thiết với đời sống sinh hoạt hằng ngày của đồng bào người Dao. Vậy nên, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị nghề thủ công truyền thống chỉ có thể hiệu quả khi cân đối được hai yếu tố “bảo tồn” và “phát triển”.
Định hướng bảo tồn: Cần xây dựng những mô hình du lịch gắn với nghề thủ công truyền thống địa phương và lễ hội văn hóa của người Dao ở từng địa phương. Cần đưa các di sản văn hóa người Dao cùng toàn bộ cảnh quan, môi trường thiên nhiên trở thành đối tượng trực tiếp của các hoạt động bảo tồn, cung cấp dịch vụ văn hóa. Song song với việc bán sản phẩm, cần tạo điều kiện để khách tham quan - du lịch tham gia sản xuất, kết hợp với các loại hình vui chơi, giải trí mang đậm bản sắc tộc người. 
Theo đó, chính quyền các cấp cần có quy hoạch, hướng dẫn, trang bị - đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo phương pháp bảo tàng học, nhằm xây dựng các chòm/bản người Dao trở thành những địa điểm văn hóa du lịch làng nghề. Khuyến khích nhiều công trình nghiên cứu về nghề thủ công truyền thống người Dao nói riêng, cộng đồng các dân tộc thiểu số trong tỉnh Thanh Hóa nói chung để góp phần bảo tồn và phát huy ngành nghề truyền thống. 
Đẩy mạnh công tác sưu tầm, xây dựng kho tư liệu về nguyên liệu, sản phẩm, công cụ sản xuất nghề thủ công truyền thống của người Dao. Tôn vinh các nghệ nhân - đây không chỉ là đánh giá công lao và tỏ lòng kính trọng, mà còn là giải pháp kích thích, động viên thế hệ trẻ gắn bó với nghề, từ đó hình thành lứa kế cận đông đảo, có tay nghề cao.
Định hướng phát triển: Cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
- Tăng cường vai trò quản lý của các cấp chính quyền: Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện cần bổ sung và hoàn thiện chủ trương, chính sách nhằm tạo điều kiện phát triển nghề thủ công truyền thống ở các chòm người Dao. Tạo sự ưu đãi về vốn, thông tin để người làm nghề tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, cần có thêm những cơ chế đặc thù của địa phương đối với những hộ có nhu cầu theo đuổi nghề thủ công. Chính quyền các cấp cũng nên khuyến khích hoặc tổ chức các cuộc thi sản phẩm làng nghề để tạo tính “chính danh” cho các sản phẩm thủ công nổi trội. Chính quyền cũng cần quy hoạch tổng thể và cụ thể những chòm người Dao chuyên phục vụ sản xuất, hoặc chỉ phục vụ du lịch và những địa phương phát triển song song: sản xuất kết hợp du lịch. Lựa chọn một số nghề thủ công tiêu biểu làm thí điểm, tiến tới xây dựng các mô hình làng nghề hoàn thiện. Chủ động cung cấp thông tin, dự báo thị trường đến từng hộ sản xuất và đặc biệt là cần đưa ra các quyết sách kịp thời. 
- Tạo nguồn nguyên liệu ổn định và hình thành chuỗi dây chuyền chuyên môn hóa: Một số nguyên liệu khai thác cho sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống của người Dao như tre, gỗ… cần phải được quy hoạch thành vùng nguyên liệu; đồng thời mạnh dạn giao quyền quản lý, khai thác cho dân cư địa phương. Việc chủ động nguồn nguyên liệu sẽ giúp các hộ sản xuất giảm chi phí giá thành, ổn định khâu đầu vào. Đây là một trong những vấn đề mấu chốt giúp nghề thủ công truyền thống phát triển bền vững. 
- Tìm hiểu thị hiếu sản phẩm và thị trường tiêu thụ: Hiện nay, các hộ sản xuất người Dao thường chỉ chú trọng đến chất lượng mà chưa quan tâm đến hình thức, mẫu mã sản phẩm. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần tạo sự khác biệt với các sản phẩm cùng loại và tìm giải pháp để thu hút khách hàng. Ngoài ra, phải đảm bảo giá thành sản phẩm luôn ở mức có thể cạnh tranh. Đối với những sản phẩm thủ công có “tuổi đời” dày dặn cần nghĩ tới việc xây dựng thương hiệu. Điều này không chỉ góp phần mở rộng sản xuất, định hình hình ảnh sản phẩm mà còn đảm bảo sự bình đẳng, cạnh tranh cho sản phẩm. 
- Đào tạo nguồn nhân lực: Tạo điều kiện để những cá nhân có tay nghề cao truyền dạy cho thế hệ trẻ. Thực tế cho thấy, không ít nghề thủ công truyền thống của người Dao đòi hỏi thời gian đào tạo khá dài ngày (như nghề chạm khắc bạc); vì vậy, chính quyền các cấp cần có chính sách xã hội hóa đào tạo nghề theo lối truyền nghề, vừa học vừa làm tại các cơ sở sản xuất. Bên cạnh đó, cần đánh giá nhu cầu nguồn nhân lực đối với nghề thủ công để xây dựng chiến lược về nhân lực phù hợp, tránh tình trạng tập trung quá nhiều lao động làm cùng nghề tại một thời điểm. 
- Phát triển hài hòa giữa nghề truyền thống với du lịch và việc bảo vệ môi trường: Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, việc gắn kết du lịch với nghề thủ công đã dần trở nên phổ biến ở nhiều tỉnh, thành. Tuy nhiên, song song với việc thúc đẩy “du lịch làng nghề”, cần tuyên truyền, vận động, hướng dẫn về thông tin, kỹ thuật để các cá nhân làm nghề có thể chủ động xử lý ô nhiễm. Về lâu dài, chính quyền các cấp phải liên kết sản xuất và hoàn thiện hạ tầng để có thể kiểm soát vấn đề ô nhiễm, bảo vệ môi trường. 
- Từng bước đưa công nghệ vào sản xuất sản phẩm thủ công nghiệp: Cùng với việc duy trì, phát triển những mặt hàng đã thành truyền thống của tộc người, các hộ sản xuất cần đầu tư và “máy móc hóa” một số khâu trong quy trình, đưa công nghệ mới vào sản xuất nhằm tăng năng suất, hạ giá thành, nâng cao chất lượng để tăng hiệu quả, tăng tính cạnh tranh. Hỗ trợ người làm nghề tiếp cận với công nghệ thông tin, góp phần nâng cao tay nghề, sức sáng tạo và có thể tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. 
- Phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của người sản xuất: Đối với chủ thể trực tiếp sáng tạo sản phẩm phải tự ý thức về chất lượng, thương hiệu; đảm bảo quy trình, phương pháp chế tác và thể hiện được sự độc đáo, tính truyền thống của sản phẩm. Do đó, những cá nhân, hộ gia đình cần phải nhận thức rõ về “lương tâm nghề nghiệp”, đồng thời không ngừng rèn luyện kỹ năng, tích lũy - học hỏi kinh nghiệm, tích cực tìm hiểu các mô hình làng nghề ở trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa.
Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, vấn đề bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống của người Dao (Thanh Hóa) là việc làm có ý nghĩa to lớn, cả về lý luận và thực tiễn. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của nghề thủ công truyền thống người Dao không chỉ là vấn đề của ngành văn hóa mà cần sự chung tay của nhiều cấp, ngành khác và thậm chí là người thợ thủ công trực tiếp làm ra sản phẩm. 
Thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống của người Dao sẽ góp phần thay đổi diện mạo khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần đảm bảo an ninh, phát triển các chòm/bản người Dao nói chung và các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn Tỉnh nói riêng. Ở tầm vĩ mô, nếu công tác này được triển khai đồng bộ, hiệu quả sẽ góp phầm thúc đẩy nhanh việc xây dựng Nông thôn mới và bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống dân tộc Dao. 
                                                                                   

TRẦN THỊ LIÊN - NGUYỄN THỊ THÚY

 

(1) Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương. Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009. Hà Nội, tháng 6-2010. 
(2) Số liệu năm 1997.
(3) Đào Thị Vinh, Phong tục tập quán người Dao Thanh Hóa, NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2001, tr.19.
Tài liệu tham khảo, trích dẫn: 
1. Giang Khắc Bình (2020), Bảo tồn nghề thủ công truyền thống của các dân tộc thiểu số trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Website Học viện Dân tộc, Link: https://hvdt.edu.vn/nghien-cuu/nghien-cuu-trao-doi/bao-ton-nghe-thu-cong-truyen-thong-cua-cac-dan-toc-thieu-so-trong-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-4 
2. Phạm Hoàng Mạnh Hà - Trần Thị Liên (2012), Đời sống văn hóa các dân tộc ở Thanh Hóa, Nxb Thanh Hóa. 
3. Mai Thế Hởn (2003), Phát triển làng nghề truyền thống trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 
4. Đinh Xuân Nghiêm - chủ nhiệm (2010), Một số chính sách chủ yếu phát triển bền vững làng nghề ở Việt Nam, Đề tài Khoa học cấp Bộ, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương. 
5. Nhiều tác giả (2005), Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam, Viện Văn hóa - Thông tin, Hà Nội. 
6. Chu Tiến Quang (2001), Việc làm ở nông thôn - thực trạng và giải pháp, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 
7. Phạm Cao Quý (2016), Bảo vệ và phát huy giá trị nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch, Tạp chí Di sản Văn hóa, số 3 (56), tr.82-83. 
8. Đào Thị Vinh (2001), Phong tục tập quán người Dao Thanh Hóa, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội. 
9. Nguyễn Quang Vũ, Trần Thị Tú Nhi (2021), Kinh nghiệm một số nước châu Á về phát triển du lịch làng nghề và gợi ý cho Việt Nam, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Duy Tân 3 (46), tr.130-136. 
10. Trần Minh Yến (2004), Làng nghề truyền thống trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa, Nxb Khoa học xã hội - 2004.


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 122
 Hôm nay: 2380
 Tổng số truy cập: 7531803
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa