HÀ ĐÌNH NGUYỄN THUẬT - NGƯỜI GIỮ LỬA VÀ TRUYỀN LỬA ĐẠO HỌC XỨ THANH
Danh Nho xứ Quảng - Hà Đình Nguyễn Thuật là một trong những vị đại thần triều Nguyễn có nhân cách cao đẹp, hết lòng vì nước, vì dân, vì xã tắc… Vị danh sĩ ấy có duyên với mảnh đất xứ Thanh. Ông từng giữ chức Tổng đốc Thanh Hóa vào năm Đồng Khánh thứ 2 (năm 1887). Trong suốt thời kỳ này, Hà Đình đã để lại ấn tượng tốt đẹp, tiếng thơm đồn mãi không chỉ với các sĩ tử mà còn trong lòng người dân nơi đây. Chính sách “ích chưng dân”, mở trường thi tại Thanh Hóa là minh chứng cho tư tưởng tiến bộ trong việc đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và cũng là tình cảm của ông dành cho con người trên mảnh đất hiếu học. Bia Trường Thi “trơ gan cùng tuế nguyệt” là sự tri ân của người dân Thanh Hóa thời nay với Tổng đốc Thanh Hóa người xứ Quảng cách đây hơn thế kỷ.
Nguyễn Thuật hiệu Hà Đình, sinh năm Nhâm Dần 1842, trong một gia đình có truyền thống hiếu học và khoa bảng tại làng Hà Lam, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa, trấn Quảng Nam (nay là thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình). Thuở nhỏ, ông học tại nhà, sau học tại trường Huấn huyện Thăng Bình và trường Đốc tỉnh Quảng Nam. Năm Tự Đức thứ 20 (1867), ông thi đỗ Cử nhân; năm sau, đỗ Phó bảng; được bổ làm Biên tu sung Hàn lâm viện nội các, rồi thăng làm Giáo đạo trường Dưỡng Thiện, dạy các Hoàng tử. Năm Tự Đức thứ 34 (1881), ông làm Tham tá các vụ, lãnh Bộ Hộ thị lang, rồi nhận lệnh làm Chánh sứ sang Trung Quốc. Đến khi về nước, ông được thăng hàm Tham tri. Năm Tự Đức thứ 36 (1883), ông được cử làm Phó sứ, cùng Chánh sứ Phạm Thận Duật sang Thiên Tân (Trung Quốc) bàn việc nước ta ký hòa ước Giáp Tuất (1874) với Pháp, nhưng không thành công về ngoại giao. Trở về nước, lúc này vua Tự Đức mất (tháng 7 năm 1883), ông được vua Kiến Phúc bổ làm Tuần phủ Thanh Hóa (1884), trong năm này, ông được cử làm Chánh chủ khảo kỳ thi Hội (tác giả bài viết nhấn mạnh). Tháng 5 năm Ất Dậu (1885), quân Pháp đánh chiếm kinh thành Huế, vua Hàm Nghi xuất bôn ra Quảng Trị ban dụ Cần Vương; ông xin bãi chức vì người thân trong gia đình của ông ở quê có tham gia chống Pháp, nhưng không được triều Đồng Khánh chấp thuận. Sau đó, ông được sung chức Tả trực Tuyên úy, rồi Thượng thư bộ Hộ, Thượng thư bộ Lại, Hiệp Biện Đại học sĩ gia hàm Thái tử Thiếu bảo. Năm Đồng Khánh thứ hai (1887), ông được cử làm Tổng đốc Thanh Hóa (tác giả bài viết nhấn mạnh). Kỳ thi Hội năm này, ông cũng được cử làm Chánh chủ khảo. Năm Thành Thái thứ năm (1893), ông được triệu về kinh nhận hàm Hiệp tá đại học sĩ, tước An Trường tử, lãnh chức Thượng thư bộ Binh, sung Cơ mật viện đại thần...
Như vậy, trong một khoảng thời gian gần 10 năm (từ 1884-1893), danh sĩ Hà Đình đã hai lần “có duyên” với Thanh Hóa: Tuần vũ Thanh Hóa (1884-1885) và Tổng đốc Thanh Hóa (1887-1893). Cả hai lần nhậm chức ở Thanh Hóa, ông đều được vua Phúc Kiến và Đồng Khánh tin tưởng cử làm Chánh chủ khảo. Có thể khẳng định, cuộc đời của Hà Đình Nguyễn Thuật nói chung và giai đoạn ở Thanh Hóa nói riêng đã chứng tỏ ông là người có tư tưởng lớn trong lĩnh vực giáo dục; luôn nhìn thấy tầm quan trọng của giáo dục Phi trí bất hưng mà quan tâm và chú trọng đến việc đào tạo nhân tài cho đất nước. Trên phương diện này, ông là người vừa mang cái tài, vừa mang cái tầm và có cả chữ tâm. Đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của cụ Nguyễn thể hiện rõ ở lần ông giữ chức Tổng đốc Thanh Hóa qua việc ông viết sớ tâu lên triều đình với sự đề xuất cho sĩ tử Thanh Hóa được thi riêng ở trường thi Thanh Hóa với lý do năm Mậu Tý (đời Đồng Khánh thứ 3, 1888) sĩ tử Thanh Hóa phải vào trường thi Nghệ An vừa vất vả, vừa tốn kém vì phải đi bộ đường xa, bị ốm đau, bỏ thi nhiều. Tâm tư của ông thể hiện qua bức tấu đã được vua Thành Thái phê chuẩn, năm đó Thanh Hóa được mở lại trường thi. Cảm phục tấm lòng của Tổng đốc, sĩ phu Thanh Hóa đã ca ngợi công ơn của ông, các quan trong triều và ban ơn của triều đình đã quan tâm đến việc học, việc thi của tỉnh nhà. Nội dung tấu sớ của ông và tụng của sĩ phu được khắc thành bia dựng năm 1890-1891 ở ngã ba Trường Thi, Thanh Hóa. Bia đá có cỡ 2x1x0,2m chạm mặt hổ phù, hoa tiết; được đặt trong nhà bia 8 mái(1). Mặt bia ngoảnh hướng Đông Nam là lời tấu của ông, mặt bia ngoảnh phía Tây Bắc là lời tụng của sĩ phu và nhân dân Thanh Hóa. Hiện nay, bia đá vẫn còn và người ta gọi địa danh này là Ngã ba Bia. Một phần nội dung bia Trường Thi được dịch nghĩa như sau: Tổng đốc Thanh Hóa thị thần Nguyễn Thuật xin kính cẩn tâu rằng: Vì tương lai nghĩ hợp trường thi van vẫn nơi cũ biện thành, các duyên do cung kính tập hợp lại cùng tâu theo việc chiếu chỉ của nhà vua cứ như thị giảng: Đốc học Nguyễn Duy Tiên trình thuật: căn cứ theo các tú tài, sĩ nhân, v.v… của các huyện phủ hạt tỉnh Thanh Hóa có đơn thuật: Đồng Khánh năm thứ ba (1888) vâng cho phép các sĩ tử thuộc tỉnh Thanh Hóa hợp thi ở trường Nghệ An, thì đường đi trở lại: hoặc nghèo không đủ sức đi hoặc bị ốm đau khó vào trường thi phải cáo nghỉ quá nhiều. Gần đây các sĩ tử trở về rất nhiều nhân đó không phát học được. Khẩn xin thày đề mang được đội ơn, cho phép được dự thi ở tỉnh trường Thanh Hóa như cũ. Ngõ hầu được gần tiện lợi, trường thi đó như có tu bổ, phí tổn phải làm, v.v tình nguyện lo biện các việc nói rằng: Thần đã cùng bàn các đồng sự, thần (1848), vâng theo năm đầu Tự Đức, khâm phục theo thánh chỉ dụ: Thần tỉnh Thanh lãnh chức trách, năm Minh Mệnh thứ 12 (1832) định chế độ là một trường thi, 5 năm sau cho phép hợp thi với tỉnh Ninh Bình. Trải các khoa thi sĩ số trừ tỉnh Ninh Bình, tỉnh Thanh Hóa thần có hơn hai ngàn. Gần đây, sĩ số giảm không ở dưới con số một ngàn hai, ba trăm người. Ân khoa năm Mậu Tý, 1888, Đồng Khánh thứ 3 vâng cho phép hợp thi ở trường Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa thần dự thi hơn bảy trăm; trải tới nay vào trường không được nửa số đó. (Cáo bệnh ốm đau hơn 440 người). Giải ngạch chỉ được một người(2). Cuối bài tấu của mình, Tổng đốc Nguyễn đại nhân có lý giải tình hình văn học ngày càng hiếm, để giúp cho các sĩ tử được học, được thi thì việc cần làm ngay là cho họ thi ngay tại trường Thanh Hóa từ khoa thi Tân Mão về sau. Có như vậy mới “chấn hưng cung trường văn phong”. Đồng thời, vị đại quan tâm sáng hết lòng vì dân cũng đã trình bày kế hoạch và trù liệu tu bổ trường thi tỉnh Thanh một cách hiệu quả nhất để lại trong lòng nhân dân ơn cao không kể xiết.
Như một người đi trước thời đại, tầm nhìn xa trông rộng của Tổng đốc Nguyễn Thuật đã làm cho việc học của Thanh Hóa được cải thiện. Sau khi được vua Thành Thái chuẩn tấu, trường thi tại đây đã được tu bổ. Nhờ vậy mà việc học của người dân xứ Thanh ngày càng được quan tâm, số thăng phát nhiều; từ đó đóng góp cho quê hương tỉnh nhà và đất nước cũng được nhân lên. Tính từ 1892 (Nhâm Thìn) đến 1919 (Kỷ Mùi) (là khoa thi cuối cùng của đạo học Nho gia trên đất nước Việt Nam), Thanh Hóa đã có 12 người đỗ đạt cao; 05 Phó Bảng, gồm: Nguyễn Đình Văn, Nguyễn Xuân Đàm (Hoằng Hóa), Ngô Đình Chí (Thọ Xuân), Đỗ Xuân Phong (Thiệu Yên), Mai Duyên (Nga Sơn); 01 Hoàng Giáp là Trịnh Thuần ở Hà Trung; 06 Tiến sĩ, gồm: Lê Khắc Doãn (Tĩnh Gia), Mai Hữu Dụng (Nga Sơn), Lê Khắc Khuyến, Nguyễn Phong Di (Hoằng Hóa), Nguyễn Văn Tiêu (Vĩnh Lộc) và ông Lê Viết Tạo quê Hoằng Hóa là vị Đại khoa cuối cùng của tỉnh Thanh Hóa. Trong số 12 người đó, có một người đỗ Phó Bảng năm 39 tuổi dưới thời Thành Thái, khoa thi Nhâm Thìn 1892 là Nguyễn Đình Văn, khi Nguyễn Thuật còn đang là Tổng đốc Thanh Hóa. Tinh thần học tập của người Thanh Hóa luôn được đánh giá, ghi nhận rất hiếu học vì đây vốn là “đất Thang mộc”, “quý hương”; giờ đây nó lại có điều kiện phát triển, nảy nở, đơm hoa kết trái khi được Nguyễn đại nhân quan tâm ưu ái đề nghị được thi tại tỉnh nhà.
Đánh giá một cách công bằng, nếu không thi ở Thanh Hóa thì chắc chắn xứ Thanh vẫn có người đỗ đạt cao, số lượng có thể giảm vì ốm đau, bệnh tật; nếu tình trạng đó kéo dài rất có thể nền Nho học của người Thanh Hóa sẽ suy yếu, khủng hoảng… Danh Nho Hà Đình trước hết hiểu được nỗi lòng sĩ tử, sau đó thấu được nỗi vất vả của người lều chõng đi thi và hơn hết là tấm lòng yêu thương và gần gũi dân của một người có khoa bảng mà không kiêu căng, xứng danh là bậc “dân chi phụ mẫu”. Tấm lòng của ông cũng được vua Thành Thái ca ngợi: “Nguyễn Thuật là người khí tượng cao khiết, học thức uyên bác, từng đem ơn ích cao thượng cho kẻ khốn cùng. Ông là một người xứng đáng làm mẫu mực cho vạn thế”. Có thể nói, Tổng đốc Thanh Hóa là một nhà Nho hành đạo, lấy dân làm gốc, trọng người tài, chiêu hiền đãi sĩ để xây dựng nước nhà. Chính sách quan tâm việc học là một trong những tư tưởng thể hiện tầm chiến lược của ông. Qua chính sách trọng sĩ khẳng định một điều Hà Đình Nguyễn Thuật là người giữ lửa và truyền lửa đạo học xứ Thanh. Tấm bia ở Trường Thi vẫn đứng đó như một cơ duyên, một lời khẳng định tầm nhìn xa, trông rộng của danh sĩ Hà Đình; đồng thời đó cũng là sự biết ơn của nhân dân Thanh Hóa với tấm lòng trượng nghĩa của vị đại thần tiếp lửa thắp sáng sự học ở tương lai.
Hà Đình Nguyễn Thuật gắn với Thanh Hóa không chỉ với chức vị Tổng đốc học rộng tài cao mà còn là người tâm trong, cao khiết, quảng đại bao dung luôn đặt quyền lợi của nhân dân lên hàng đầu. Ông là người hâm nóng, tiếp lửa tinh thần học tập của các sĩ tử xứ Thanh, là người cổ xúy phong trào học tập, rèn đức luyện tài lập công danh xứng đáng là trang nam tử với tư tưởng: Tu, tề, bình, trị. Danh sĩ Hà Đình là người hết lòng vì giang sơn xã tắc, là người vừa biết yêu, vừa biết trân trọng cái đẹp. Thấp thoáng trong con người có tâm hồn cao đẹp ấy, phẩm chất của nhà Nho tài tử và nhà Nho hành đạo đang hòa quyện vào nhau để ngàn năm, hậu thế nhắc mãi cái tên kính yêu Hà Đình Nguyễn Thuật! Bia đá Trường Thi, bút tích ở động Kim Sơn… sẽ nhắn nhủ tới mỗi người dân Thanh Hóa biết trân trọng, tự hào lịch sử, văn hóa quê nhà vì đó là tài sản mà một danh Nho xứ Quảng đã dành tặng cho con người xứ Thanh bằng cả tâm huyết của mình.
NGUYỄN THỊ QUẾ
(1) Trần Văn Thịnh, Trịnh Mạnh, Lê Bá Chức, Nguyễn Thế Long (1995), Danh sĩ Thanh Hóa và việc học thời xưa, Nxb Thanh Hóa, tr 190.
(2) Trần Văn Thịnh, Trịnh Mạnh, Lê Bá Chức, Nguyễn Thế Long (1995), Danh sĩ Thanh Hóa và việc học thời xưa, Nxb Thanh Hóa, tr 192, 193.