Đền thờ Triệu Quang Phục (Triệu Việt Vương) ở làng Trinh Hà còn có tên là Vạn Hà (xã Hoằng Trung, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) có lẽ là ngôi đền duy nhất trong tỉnh Thanh Hóa được làm vào nửa cuối thế kỷ thứ VI, để thờ ông. Đền tọa lạc trên vùng đất bãi bồi phù sa cổ của dòng Trà Giang thơ mộng, có vị trí địa lý khá thuận lợi cho việc phát triển kinh tế và dịch vụ thương mại.
Tháng hai năm Giáp Tý (544) Lý Bí lên ngôi Hoàng đế lấy hiệu là Lý Nam Đế đặt tên nước là Vạn Xuân, nhà nước độc lập đầu tiên sau gần một nghìn năm Bắc thuộc, đóng đô tại miền cửa sông Tô Lịch (Hà Nội) cho xây dựng điện Vạn Thọ nơi vua, quan luận bàn việc nước, lập hai ban văn võ phong Triệu Túc (cha của Triệu Quang Phục) làm Thái phó. Triệu Quang Phục là một tướng trẻ tài ba, uy tráng, dũng liệt có công lớn trong cuộc khởi nghĩa được nhà vua trọng dụng, phong chức Tả tướng quân và cử vào Cửu Chân trấn giữ. Chống giặc Lâm Ấp, Chiêm Thành và giặc phương Bắc. Triệu Quang Phục đã chọn vụng Tây Hà (phía trước đình Trinh Hà ngày nay) đoạn này sông Trà Giang rộng lớn, nước sâu, bên chân núi Bà Nga (núi Đẽn, xã Hoằng Trinh) đóng thủy quân.
Truyền thuyết kể rằng: Sau khi Lý Nam Đế mất, Triệu Quang Phục xưng hiệu là Triệu Việt Vương. Dân gian gọi ông là Dạ Trạch Vương. Trước khi Lý Nam Đế thất thế, Lý Phật Tử người trong họ cùng người anh vua là Lý Thiên Bảo đều là tướng của Lý Nam Đế đem quân chạy vào núi rừng Thanh Hóa. Năm Ất Hợi 555 năm thứ 7 Triệu Việt Vương, Lý Thiên Bảo (Đào Lang Vương) mất, không có con, binh quyền rơi vào tay Lý Phật Tử. Năm 557, Lý Phật Tử đem quân về đánh Triệu Việt Vương để giành lại ngôi nhà Lý, nhưng đánh mãi không thắng Lý Phật Tử xin chia đất giảng hòa. Triệu Việt Vương nghĩ tình nhà Lý ưng thuận gả con gái là Cải Nương cho Nhã Lang con Lý Phật Tử để tỏ rõ lòng hòa hiếu. Nhưng Lý Phật Tử vẫn có ý muốn thôn tính, ngấm ngầm chuẩn bị chờ cơ hội hành động. Năm Tân Mão 571, Lý Phật Tử bất ngờ đem quân đánh úp, vì không phòng bị Triệu Việt Vương thua chạy đến biển Đại Nha cửa sông Đáy cùng đường gieo mình xuống biển tự vẫn. Triệu Quang Phục thay Lý Nam Đế làm vua nước Vạn Xuân được 22 năm.
Thương nhớ ông người có công với nước, nhân dân nhiều nơi lập đền thờ trong đó có đền tại nơi ông mất và ở làng Trinh Hà (Vạn Hà) nơi ông từng đóng quân. Năm Trùng Hưng thứ nhất (1285), vua Trần Nhân Tông sắc phong là Minh Đạo Hoàng Đế; năm Trùng Hưng thứ 4 vua ban thêm hai chữ “Khai cơ”; năm Hưng Long thứ 21 (1313) đời Trần Anh Tông ban thêm 4 chữ “Thánh liệt Thần vũ”.
Đền thờ Triệu Quang Phục (Triệu Việt Vương) Trinh Hà tọa lạc trên một khu đất cao ráo, bằng phẳng, thoáng mát có diện tích chừng ½ ha nằm phía cuối làng, xung quanh đền là những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi tỏa bóng râm mát quanh năm tạo cho ngôi đền đã cổ kính càng thêm phần thâm nghiêm. Trải qua bao năm tháng ngôi đền được trùng tu nhiều lần, lần gần đây nhất là vào năm 1879 dưới thời vua Tự Đức đền được tôn tạo to và đẹp vào loại nhất nhì trong huyện, đến nay hầu hết các hạng mục của đền vẫn còn khá nguyên vẹn. Đền xây kiểu chữ nhị có chính tẩm mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn quay mặt về hướng Tây Bắc. Trước đền có nghinh môn ba tầng cao chừng 9,3m, 03 cửa vòm, cửa chính to hai cửa phụ nhỏ trên tầng 3 của nghinh môn còn 4 chữ Hán “Nam thiên cổ miếu - Miếu cổ dưới trời Nam”. Qua nghinh môn là một khoảng sân rộng lát gạch bát. Tiền đường 5 gian 2 trái, tường hồi bít đốc, 06 hàng cột vừa phải, các quá giang và xà soi chỉ mây không chạm trổ, cuối mỗi đầu hồi chạm cá hóa long. Đền có diện tích trên 100m2, hai hàng cột sát hai đốc chạm hổ phù rất đẹp, tinh xảo; chính giữa có bức hoành phi với dòng chữ Nho “Tiền vương bất vong” và các câu đối như:
- Dạ Trạch đế linh kê miếu vũ.
- Vạn Hà Quốc tự cổ kim môn.
Dịch nghĩa là:
- Dạ Trạch là nơi linh hiển đế vương còn mãi miếu thờ phụng.
- Vạn Hà là chốn quốc lễ xứng danh nơi cửa tướng.
Cửa võng, hoành phi câu đối sơn son thếp vàng, bình phong bằng đá nhưng đều làm mới cách đây vài năm. Qua tiền đường đến 3 gian hậu cung nối liền với chính tẩm, hậu cung cũng được làm bằng gỗ lim. Ban thờ cao nhất trong chính tẩm có ngai và bài vị của Triệu Việt Vương, nàng Sủng Cơ cũng được phối thờ tại đây, các ban thờ không có tượng phật. Như vậy đủ thấy ở đền này chủ yếu thờ “Dạ Trạch Vương”. Theo lời ông từ, người trông coi, hương khói ở đền cho biết toàn bộ sắc phong đã bị mất cắp năm 2001.
Hàng năm việc tế lễ cùng với tổ chức hội làng được tiến hành 3 ngày 11, 12, 13 tháng 2 âm lịch, đây là ngày hội lớn của nhân dân trong vùng. Thời xưa hội được tổ chức theo nghi thức Quốc tế do nhà vua đứng ra hành lễ, năm nào vua không về được thì gửi lễ vật và giao cho quan đầu tỉnh chủ trì, chiều ngày mùng 10 kiệu được rước từ đền về đình trông ra vụng Tây Hà (nơi xưa kia Triệu Quang Phục đóng thủy quân). Hết ba ngày rước kiệu trở lại đền, ngoài các nghi lễ cần thiết, phần hội có rất nhiều trò chơi nhưng không thể thiếu được trò chạy thẻ nấu cơm thi, nét đẹp đằm thắm, mộc mạc, dân dã của vùng nông thôn Thanh Hóa, tuy đơn giản nhưng rất vui và vô cùng sinh động, người xem cổ vũ vòng trong, vòng ngoài. Nấu cơm thi thì nhiều làng có nhưng ở đây có sự khác biệt, mỗi lần thi có 4 đội mỗi đội 3 người, hai trai một gái trang phục đẹp: Nam mặc áo dài đen, quần trắng, đầu chít khăn nhiễu, thắt dây lưng xanh; Nữ áo mớ ba, mớ bảy, quần lĩnh, yếm đào thắt lưng hoa lý, má phấn, môi son. Chạy thẻ nấu cơm thi ở làng Trinh Hà được tổ chức ngay tại sân đình, mở đầu cho cuộc thi một người cao tuổi nhất trong làng đại diện cho nhân dân thắp hương lễ thần phù hộ, độ trì cho mùa màng tươi tốt, các gia đình hạnh phúc, ấm no. Trò chơi này được chia làm hai cung đoạn:
Cung đoạn một: Chạy thẻ không phải chạy trên cạn, mà mỗi đội hai người con trai chèo thuyền từ điểm xuất phát vòng qua cột mốc khéo léo cho thuyền lướt nhanh đến đích, đoạn sông dài chừng 100m nhận thẻ đánh số nhất, nhị, tam, tứ, thuyền nào đến đích sớm nhận thẻ nhất lần lượt đến sau nhận thẻ sau. Khi nhận được thẻ cho thuyền quay trở về điểm xuất phát nhanh nhưng không để thuyền bị lật, không rơi mất thẻ. Đội nào có thẻ sớm sẽ được phát dụng cụ đánh lửa sớm vào thi trước.
Cung đoạn hai: Đánh lửa đây cũng là vấn đề không hề đơn giản, mỗi đội được phát một mỏ lửa gồm một thanh giang còn cật một ít than xoan trộn diêm sinh, keo da trâu, một ít tinh tre phơi khô và một sợi dây kéo lửa. Để lấy được lửa người chơi phải kiên trì kéo sợi dây trên thanh giang nhanh dần sao cho phát lửa. Cuộc thi phải nhanh mắt, nhanh tay, nhưng hết sức cẩn thận để giữ lửa, nếu để lửa tắt cơm không chín thì coi như thua cuộc. Các đội thi vừa đi vừa nấu cơm lúc vòng lên, khi vòng xuống, đòn gánh tre uyển chuyển, người xem có cảm giác như rồng, phượng đang nhảy múa trông thật vui mắt và hấp dẫn. Người con gái phải hết sức nhanh nhẹn, khéo léo giữ sao cho bó lửa luôn bám đít nồi, người con trai phải tinh ý giữ sao cho gióng sắt không đung đưa, vung vẩy quá nhiều, cả hai phải phối hợp ăn ý, nhịp nhàng. Trò chơi này mô phỏng cách nấu cơm của quân lính Triệu Quang Phục khi hành quân từ Bắc vào đây và đã được ông tổ chức tại nơi này vài lần, đội thắng cuộc là thời gian nhanh, cơm chín dẻo. Trải qua bao biến cố thăng trầm của thời gian người dân làng Trinh Hà vẫn xem trò chơi này vừa là nghi thức tâm linh vừa là nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần, cứ thế từ đời này truyền sang đời khác, người dân nơi đây vẫn luôn gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp của ông cha để lại.
Một nét sinh hoạt tâm linh khác hết sức độc đáo, có một không hai mà tôi chưa từng nghe, từng đọc không thấy xuất hiện ở các đền, chùa nào Thanh Hóa đó là lễ “Cầu mưa - Cầu đảo - Đảo vũ”. Trước Cách mạng tháng 8-1945 vào những năm hạn hán kéo dài tại ngôi đền này dân quanh vùng tổ chức lễ Cầu mưa. Các làng như: làng Chiêng, làng Đầu (Hoằng Giang); Phượng Mao, Chùa Gia (Hoằng Phượng); làng Nga Phú, Xuân Phú, Nghĩa Hương (Hoằng Xuân), Mỹ Cầu, Đại Điền, Kênh Thôn (Hoằng Khánh), Kim Sơn, My Du, Nghĩa Trang (Hoằng Kim); làng Phú Khê (gồm 2 xã Hoằng Phú, Hoằng Quý bây giờ) cùng kiệu làng Xa Vệ, Trung Hậu, Dương Thanh, Tự Nhiên (Hoằng Trung). Những làng này thuộc ba tổng: Lỗ Hương, Dương Sơn, Dương Lĩnh, huyện Hoằng Hóa rước kiệu có bài vị Thành hoàng làng mình tập trung về đây, các thánh gặp nhau chiêng trống vang lừng, tưng bừng náo nhiệt. Đội rước áo the, khăn xếp ăn mặc chỉnh tề, trước dâng lễ vật, sau thành kính, trang nghiêm hành lễ. Kiệu các làng xếp theo thứ tự Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần... Người chủ tế đại diện cho các làng đọc văn tế, nội dung văn tế chủ yếu là nhờ Triệu Việt Vương tâu với Ngọc Hoàng thượng đế cho trời mưa cứu mùa màng. Lễ Cầu đảo không tổ chức vui chơi, diễn xướng.
Đền thờ Triệu Quang Phục (Triệu Việt Vương, Dạ Trạch Vương) Trinh Hà là ngôi đền duy nhất trong tỉnh Thanh Hóa thờ ông, đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia theo Quyết định số 985 ngày 07-5-1997. Ngôi đền có nhiều giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng, một nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa, tinh thần của cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung, của nhân dân vùng châu thổ sông Mã, sông Trà nói riêng. Ngày nay đất nước ta đang trong thời kỳ đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế, thì các giá trị lịch sử, văn hóa nơi đây càng có giá trị trong việc “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Cần tiếp tục được giữ gìn, bảo quản, tôn tạo, vừa là cảnh quan du lịch, vừa là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ.
Tháng 7-2023
NGUYỄN XUÂN LONG