Ở xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa có một số hang động trên núi đá cao dựng đứng sát cạnh sông Mã, sông Lò và sông Luồng mà nhân dân địa phương vẫn quen gọi là “Hang Ma”, vì ở những hang động đó, người xưa đã sử dụng để chôn, đặt và treo quan tài người đã chết.
Với sự công bố của các nhà khảo cổ và phóng viên trên các phương tiện thông tin đại chúng mà hơn hai thập kỷ qua, nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học và du khách trong, ngoài nước đã lần lượt đến Hồi Xuân - Quan Hóa để tham quan, tìm hiểu một số hang Ma này.
Từ thành phố Thanh Hóa đi Hồi Xuân (theo Quốc lộ 47, hay Quốc lộ 217), với khoảng cách chỉ từ 130 - 140 ki lô mét, ô tô và xe máy các loại chỉ mất 2, 3 giờ đồng hồ là đến nơi vì hiện nay, đường sá đã được mở rộng và nâng cấp rất tốt.
Có đến Hồi Xuân (Quan Hóa), du khách và bạn bè gần xa mới có dịp thưởng thức một vùng đất tươi đẹp, hùng vĩ ở phía Tây xứ Thanh với liên tiếp những cánh rừng đại ngàn, với núi non cao tít tầng mây. Đây chính là vùng thượng nguồn của sông Mã - nơi có con sông Lò và sông Luồng đổ vào đã tạo ra cho Hồi Xuân một cảnh trí tuyệt mỹ. Và có người đã ví Hồi Xuân - Quan Hóa giống tựa một bức tranh thủy mặc giàu màu sắc với các cảnh rừng - núi - mây trời - sông nước và bản làng quanh quất, v.v... Những lúc ban mai, hay lúc chiều tà, Hồi Xuân hiện ra như một vùng tiên cảnh, mơ màng, huyền bí đến kỳ lạ. Nhưng khi gặp những ngày giông bão, tố lốc thì Hồi Xuân lại trở nên dữ dằn bởi mưa ngàn, thác lũ ồn ào suốt ngày đêm. Còn trong những ngày bình lặng, nghỉ ngơi dưới mái nhà sàn trong buổi đêm, ai cũng có cảm tưởng được nghe tiếng nhạc rừng làm lay động tâm hồn. Đó là tiếng róc rách của thác, suối. Đó là tiếng hót của các loài chim và tiếng hú kêu của các loài thú... Tất cả đã hòa tấu vào nhau thành bản nhạc sống giàu giai điệu mà bất kể những ai ở xa đến cũng phải nao lòng, thổn thức.
Ở trên độ cao từ 1000 - 1500 mét so với mặt nước biển, Hồi Xuân - Quan Hóa cũng có thể được xem như vùng đất “cổng trời”. Ấy thế mà từ cách đây trên một vạn năm đã có mặt của người tiền sử. Và trải qua biết bao thời kỳ lịch sử cho đến tận hôm nay, rất nhiều dấu tích của người xưa còn để lại trong các hang động và vách đá đã mách bảo chúng ta cần tìm hiểu, khám phá về cách sống, cách sinh hoạt của người xưa. Và một trong số những dấu tích đó chính là những quan tài (đựng xác chết) được chôn, đặt, treo ở một số hang động cheo leo trên núi đá cao vút ven sông Mã, sông Lò, sông Luồng của Hồi Xuân - Quan Hóa này.
Theo sự chỉ dẫn đưa đường của một số cán bộ địa phương, chúng tôi đã lần lượt đến với các hang Lũng Mu, hang Ko Phày và hang Pha Ké. Đây chính là cuộc hành trình leo núi không dành cho những người yếu tim và sức khỏe yếu vì đường lên hang cheo leo và dốc đứng. Đối với người địa phương vì thông thạo địa hình và quen leo núi nên vẫn lên băng băng. Còn chúng tôi thì cứ phải bám vào vách đá, vào dây leo và cây dại để leo từng bước một cách ì ạch. Từ độ cao trên, dưới 100 mét nhìn xuống phía dưới mà đã thấy sâu hút một cách dễ sợ. Nhưng với trí tò mò của nghề nghiệp và sự gắng sức, quyết tâm, rồi cuối cùng chúng tôi cũng đến được với những hang cần đến. Có một điều thú vị là trong cuộc hành trình đến các hang Ma, chúng tôi còn được các cán bộ địa phương cho đi thuyền độc mộc (được khoét rỗng từ một thân gỗ to) đến địa điểm trèo hang như là cuộc hành trình thám hiểm ở rừng Amazon mà phim ảnh vẫn chiếu. Và có như vậy thì mới phần nào hình dung được sự đi lại trên sông nước của người xưa trên những khúc sông này.
Sau đây là những “hang Ma” mà chúng tôi đã được đến:
- Hang Lũng Mu: Thuộc địa bàn bản Khằm, xã Hồi Xuân, cách trung tâm huyện lỵ Quan Hóa khoảng gần 3km đường chim bay. Nằm về phía Bắc sông Luồng thuộc dãy núi Pha Lý chạy theo hướng từ Tây Bắc đến Đông Nam. Hang ở độ cao khoảng trên, dưới 170m so với mặt nước sông Luồng. Xung quanh hang và núi, cây cối vẫn còn tốt um tùm. Hang có một cửa rộng quay mặt về hướng Nam. Đi vào trong, thấy hang có 3 ngăn, gồm:
+ Ngăn chính có trần hang, cao khoảng gần 20m được bố trí thành 3 cấp. Trên cùng có 2 giá đỡ được đặt 2 quan tài đang còn đủ nắp đậy. Ở cấp thứ hai là sàn ván gỗ rộng 4,45m, dài 4,7m được kê đặt trên các giá đỡ. Theo dự đoán thì sàn gỗ ván có thể cũng là chỗ đặt quan tài, hoặc có thể là chỗ đứng để người ta đưa quan tài lên (vì từ sàn đến chỗ đặt quan tài chỉ cách có 1.54m). Cũng có người cho rằng sàn ván có thể là nơi đặt đồ lễ để cúng bái người đã chết. Còn cấp thứ 3 - cấp dưới cùng là mặt nền hang được đặt khá nhiều quan tài (tổng cộng có đến 28 quan tài) mà các tấm thiên, tấm địa đã bị bật tung ngổn ngang, làm cho chúng ta khó xác định được vị trí của từng quan tài. Sở dĩ nắp quan tài đã bị bật tung vì lý do nào đó cũng còn phải xem xét. Có ý kiến cho rằng do thú lớn bật ra, nhưng cũng có ý kiến cho là do người xấu bật ra để tìm cổ vật, v.v...
+ Ngăn thứ hai là ngăn tiếp theo có diện tích hẹp hơn ngăn chính và cao hơn ngăn chính độ hơn 2,5m. Trong ngăn này có thấy đặt 5 quan tài.
+ Ngăn thứ ba lại thấp hơn ngăn chính 3m, nhưng mặt hang lại bằng và rộng. Ở ngăn này được xếp những 40 quan tài cũng trong tình trạng bị lật nắp thiên như ở hang chính.
Tổng cộng cả 3 ngăn ở hang Lũng Mu có tới 75 bộ quan tài. Đây là hang có số lượng quan tài lớn nhất ở Hồi Xuân, Quan Hóa.
- Hang Ko Phày: Là hang đá trên độ cao gần 200m so với mặt nước sông Luồng. Ở về phía tả ngạn sông nhưng vẫn thuộc địa bàn của bản Khằm, xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa. Hang có cửa quay mặt về hướng Đông Bắc. Trong hang thấy đặt 10 quan tài.
- Hang Pha Ké: Thuộc dãy núi đá Pha Ké - một dãy núi lớn chạy theo hướng từ Tây Bắc đến Đông Nam dọc theo phía hữu ngạn sông Mã trong địa phận của bản Ban, xã Hồi Xuân, gần đối diện với huyện lỵ (thị trấn Quan Hóa) về phía Bắc. Tại dãy núi Pha Ké, người địa phương cho biết là đã phát hiện ra 5 hang động và mái đá có đặt và treo quan tài. Cả 5 hang này đều rất khó lên vì đa số là núi đá tai mèo dựng đứng.
Qua số liệu điều tra của huyện, xã và cơ quan chuyên môn được biết:
Hang Pha Ké 1 nằm trên độ cao 120m so với mặt nước sông Mã. Cửa hang tuy rộng nhưng lại thấp về chiều cao (trung bình chỉ từ 1,5m - 1,7m, có chỗ đi vào phải cúi lom khom). Trong hang phát hiện được 2 quan tài đã mủn nát. Được biết, trong hang này, một số nhà khảo cổ đã phát hiện được một số mảnh gốm thô, ốc núi và mảnh xương có dấu đẽo, mài thuộc văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn. Ngoài ra, họ còn phát hiện được cả hạt mã não, 1 dao sắt và 1 đồng tiền có chữ “Khai nguyên thông bảo” cùng rất nhiều xương, răng người và động vật, v.v...
Hang Pha Ké 2 ở trên độ cao khoảng 80m so với mặt nước sông Mã. Trong hang có đặt 3 quan tài và có phát hiện được một số mảnh gốm thô giống như gốm tìm thấy ở hang Pha Ké 1.
Hang Pha Ké 3 cũng ở lưng chừng núi và thấp hơn hang Pha Ké 2. Trong hang thấy có 2 quan tài đặt trên giá treo. Một đầu giá tựa vào vách núi, còn một đầu tựa trên cột gỗ cao 1,5m - 2m, dài 4,2m ở trong hang và mái đá Pha Ké 3 cũng phát hiện được nhiều xương, răng của người và thú cùng nhiều mảnh sành sứ thời phong kiến, v.v...
Hang Pha Ké 4 cao khoảng 100m so với mặt nước sông Mã. Trong hang đặt 4 quan tài và thấy một mảnh của một quan tài nhỏ đã vỡ vụn.
Hang Pha Ké 5 cao khoảng 80m so với mặt nước sông Mã, trong đó có đặt 5 quan tài và cũng phát hiện được các xương răng cùng gốm, sứ ở giai đoạn muộn, v.v...
Trong tất cả các hang đặt, treo quan tài ở Hồi Xuân, Quan Hóa, chúng ta thấy hang nào cũng nằm trên độ cao lớn ở núi đá ven sông. Đường lên hang đều cheo leo, dốc đứng. Trèo bộ lên hang đã khó, khi đưa quan tài lên hang lại càng khó hơn. Với địa hình dốc đứng và rất cheo leo nên ít ai có thể hình dung được là bằng cách nào mà người xưa có thể khiêng vác quan tài lên hang được. Có rất nhiều ý kiến cho rằng chỉ có cách dùng dây kéo, đẩy dần lên mới có thể di chuyển được bộ quan tài nặng hàng tạ từ dưới lên đến hang. Đây vẫn còn là điều dự đoán.
Các quan tài táng trong các hang động ở Hồi Xuân đều được chế tác từ những cây gỗ lớn, bằng cách bổ đôi thân gỗ rồi cho đục khoét rỗng lòng. Ở hai đầu của cả tấm thiên và tấm địa đều chừa lại tay khiêng dài 0,02m. Về kích thước thì quan tài lớn thường có chiều dài 3,3m, rộng 0,50m, sâu lòng từ 0,20m - 0,25m. Hai đầu chừa lại của quan tài để nguyên không có khoét thường có chiều dài từ 0,02m - 0,30m.
Về niên đại, qua những dị vật phát hiện được ở hang Pha Ké 1, Pha Ké 2, các nhà khảo cổ học, dân tộc học và nhà nghiên cứu bảo tàng, di tích đều thống nhất cho rằng tục treo, đốt quan tài trên các hang đá cao có thể bắt đầu từ thời văn hóa Đông Sơn đến thế kỷ XV sau Công nguyên. Chủ nhân của kiểu táng thức này rất có thể là của tộc người Thái - một tộc người từng có một quá trình cư trú lâu dài ở đây.
Theo những tài liệu khoa học đã công bố thì kiểu táng thức đặt, treo quan tài trên các hang động và mái đá như ở Hồi Xuân cũng từng phát hiện nhiều ở các hang trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc - nơi có nhiều người dân tộc Thái cư trú khá ổn định và lâu dài. Ở Việt Nam, kiểu táng thức này cũng đã được phát hiện ở các vùng núi đá của tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Sơn La, Lạng Sơn, v.v...
Tuy nhiên, sự hiện hữu của hàng trăm quan tài trên các “hang Ma” ở Hồi Xuân, Quan Hóa vẫn là những chứng cứ quan trọng góp phần vào việc nghiên cứu cách thức, tập tục mai táng của một (hoặc vài) tộc người ở trong nước và trong khu vực Đông Nam Á cùng Trung Quốc nói chung.
Có thể nói, các “hang Ma” ở Hồi Xuân, Quan Hóa là địa chỉ tham quan, du lịch hấp dẫn đối với nhiều du khách trong, ngoài nước. Hơn nữa, địa chỉ này sẽ đặc biệt hấp dẫn đối với những ai thích du lịch mạo hiểm, hoặc những ai thích tìm hiểu về lĩnh vực cảnh quan - sinh thái ở vùng núi cao.
Hiện tại, huyện Quan Hóa đã khuyến khích cho những người có điều kiện đầu tư một số nhà sàn có đầy đủ tiện nghi ở ven sông Lò, sông Luồng và sông Mã - nơi gần với các “hang Ma” để phục vụ nhu cầu ăn, nghỉ, tham quan, bơi thuyền, leo núi, trèo hang theo ý muốn. Và khi đã đến đây, hang Ma, sông, suối và rừng núi đại ngàn cùng các bản làng tụ cư trong các thung lũng Các-xtơ ở vùng đất Hồi Xuân, Quan Hóa sẽ mang đến cho bạn bè, du khách những ấn tượng tốt đẹp làm nhớ mãi không phai.
PHẠM TẤN