Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   HÁT KHÚC TĨNH GIA
HÁT KHÚC TĨNH GIA

Hát khúc là làn điệu hát ru do dân gian sáng tác, diễn tả các cung bậc tình cảm của người ru tới đối tượng mà họ hướng tới. Hát khúc là lời ru của mẹ ru con, bà ru cháu, bố ru con, chị ru em chứa đựng nhiều cảm xúc. Những bài hát ru thường ngắn nên khi diễn xướng được hát từng đoạn, từng khúc, không có tính liên hoàn như các loại hình dân ca khác. Hình thức hát ru này chỉ phổ biến và mang tính riêng biệt đối với cư dân phía Nam huyện Tĩnh Gia, nay là thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.        
Hát khúc là loại hình hát ru có tính nguyên hợp. Cùng với các thành tố lời thơ thì làn điệu mang tính chủ đạo và bền vững. Thông qua làn điệu để phân biệt giữa hát khúc với các loại hình nghệ thuật dân ca khác, làm nên nét riêng của hát khúc - hát ru không lẫn với các làn điệu dân ca Bắc Trung bộ.
Về cấu trúc làn điệu, hát khúc là một trong những loại hình dân ca, do vậy trong hát khúc có hai thành tố hợp thành đó là âm nhạc và lời ca. Vì vậy mà hát khúc vừa bao hàm lời ca, lại vừa bao hàm cả tiếng đệm, tiếng láy và điệp khúc.
Tiếng đệm, tiếng láy và điệp khúc là thành phần chủ yếu của làn điệu hát khúc. Trong hát khúc Tĩnh Gia, tiếng đệm là những thanh âm đặc trưng trong từng điệu hát được lặp lại nhiều lần như: Hầu ơi, hầu hỡi... à ơi. Trong mỗi bài hát ru những tiếng đệm đó thường xuất hiện ở chặng đầu, chặng cuối hoặc cả chặng giữa của bài hát khúc. 
Tiếng đệm là những âm đặc trưng của lời hát khúc, được lặp đi lặp lại nhiều lần như: Hầu ơi, hầu hỡi..., À...ơi...ơ..., à...Ớ...a... à... ơi..., A... a.... ơi...
(À... ơi... ơ...) Bồng bồng đổ lộc ra hoa
Một đàn con gái trẩy ra thăm chồng...
hoặc: (A... a.... ơi...) Bống bống bang bang/ Bống tịch bống tang/ Bống ở bên Biện/ Bống sang An Hòa...
Tiếng lót là những tiếng thêm vào lời bài hát từ đầu cho tới khi kết thúc bài hát như các tiếng: chứ, là, mà... Têm trầu mà đợi/ (Chứ) Chẳng thấy (mà) o mô/ (Chứ) Để cho trầu héo (chứ) cau khô (là) thuốc (mà) giòn.
Tiếng láy là những từ trong lời hát khúc được lặp lại để nhấn mạnh ý nghĩa hay chủ ý của người hát như: Làm cho anh thảm/ Làm cho anh thiết. Hoặc: Thăm chim coi thử/ Viếng chim coi thử...
Làn điệu hát khúc có thể chia thành hai loại là hát khúc nhịp chặt và hát khúc nhịp lơi.
Hát khúc nhịp chặt luôn diễn ra trong một trạng thái ổn định, chặt chẽ, nhịp vừa phải, hơi nhanh, chắc khoẻ... Trong cả khúc hát thường cấu trúc từng nhịp hai tiếng, ba tiếng và bốn tiếng... phản ánh nhịp điệu lao động trong các bài hát khúc: Cùng nhau hái củi, Hiu hiu gió thổi tứ bề; diễn tả nhịp điệu tâm hồn: Xa hỡi hời xa, Sao chẳng lấy anh, Tình duyên dang dở...
Hát khúc nhịp lơi khác với hát khúc nhịp chặt vì nhịp điệu không ổn định mà có lúc chậm, lúc nhanh, ngưng nghỉ, nhịp điệu của lời hát tương đối tự do thấy rõ như các bài: Than thở cùng ai, Giả ơn cái cối, cái chày... Lời hát theo nhịp lơi phổ biến là bốn tiếng, nhưng cũng có trường hợp có tới năm hay sáu tiếng. Nhịp lơi vừa thể hiện nhịp điệu lao động, lại vừa thể hiện tình cảm, tâm hồn của người diễn xướng bày tỏ nỗi niềm của lòng mình tới người nghe và đối tượng mà họ trao gửi.
Hát khúc Tĩnh Gia là một bài ru dài khoảng ba bốn chục câu theo kiểu văn vần, mỗi câu 4 chữ theo nhịp 3 nhưng câu mở đầu và câu kết lại theo thể thơ lục bát và ngâm theo nhịp 2 phách có khuynh hướng tự do giống như các câu mữu tiền và mữu hậu của lối hát nói thể ca trù. 
Nội dung lời ru thường mang chất kể lể tình duyên, than thân, trách phận hoặc mơ ước tình duyên lứa đôi hạnh phúc mà người ru muốn thông qua đối tượng là con hoặc cháu để gửi gắm lòng mình cho người khác và cũng có khi là hát ru để tự ru, an ủi lòng mình. Nhưng phần nhiều thì Hát khúc Tĩnh Gia là lời ru của mẹ ru con, bà ru cháu, bố ru con, chị ru em với nhiều cung bậc tình cảm khá đa dạng và phong phú. Cũng có khi khó phân biệt giữa lời ru - hát khúc với những bài hát đồng dao ở các làng quê phía Nam huyện Tĩnh Gia này. Song, những bài hát ru theo kiểu của đồng dao trong hát khúc chủ yếu là những bài hát của chị ru em.
Hát khúc Tĩnh Gia hàm chứa tính trữ tình thể hiện trong nội dung lời hát và mang tính thi pháp về thể thơ, kết cấu lời và nghệ thuật ngôn từ.
Nổi bật trong các bài hát khúc là tính trữ tình luôn chiếm yếu tố chủ đạo. Trong hầu hết các bài hát, mặc dù là lời hát của nam hay nữ, hoặc lời hát của những người bình dân phản ánh cuộc sống và những cảnh đời, tất cả lời hát đều xuất phát từ tiếng nói của trái tim, thể hiện tình cảm thương yêu, sẻ chia sâu sắc: Buổi chiều chăn bò/ Sớm sớm đuổi trâu/ Ăn quán nằm cầu/ Thương mẹ nhớ cha/ Ăn rồi nước mắt chảy ra/ Chẳng biết quê quán gần xa mà về.
Tính trữ tình đó phản ánh về tình yêu quê hương, đất nước, tính nhân văn và tiếng hát nặng nghĩa tình về tình yêu đôi lứa, nghĩa vợ tình chồng thuỷ chung, gắn bó: Ra về én Bắc nhạn Đông/ Hai hàng nước mắt ròng ròng chảy xuôi/ Nhớ miệng anh cười/ Lòng em bát ngát/ Nhớ lời anh hát/ Nước mắt dâng lên...
Về thi pháp: Hát khúc Tĩnh Gia là những bài thơ do dân gian sáng tác, thi pháp của hát khúc cũng là thi pháp của dân ca với cấu trúc thể thơ, ngôn từ có điểm chung, song cũng có những nét riêng trong thi pháp và ngôn từ. 
Về hình thức văn bản lời: mở đầu, kết thúc bằng một câu lục bát, hoặc lục bát biến thể, bao giờ câu trên cũng hợp vần với câu dưới. Trong hát khúc lời thơ có hai câu: Xa hời xa hỡi hời xa/ Có về mà ở với ta thì về.
Lời thơ có bốn câu: Lắng tai nghe tiếng chuông đồng/ Phượng Hoàng cũng quyết sổ lồng mà ra/ Hai ta về ở cùng nhà/ Yêu nhau vì nết, mặn mà vì duyên.
Lời ca trong hát khúc còn sử dụng lục bát biến thể. Lục bát biến thể là những câu ca có hình thức lục bát nhưng không theo luật dòng trên sáu âm tiết, dòng dưới tám âm tiết mà luôn có sự co giãn nhất định về âm tiết, trong đó khuôn hình về vần vẫn được giữ, còn số âm tiết trong dòng thơ có thể thay đổi. Ví như trong bài Sao chẳng lấy anh: Têm trầu mà đợi/ Chẳng thấy o mô/ Để cho trầu héo, cau khô, thuốc giòn.
Thể vãn là đặc trưng trong Hát khúc Tĩnh Gia. Mỗi câu thơ thường gồm 4 chữ: Này vườn anh rộng/ Trồng trúc, trúc tốt/ Trồng chè, chè cao/ Này anh đào ao/ Trồng sen thả cá/ Dưới anh lát đá/ Trên anh xây tường/ Trồng bụi mướp hương/ Leo dây bầu ngọt/ Cây cam cây quýt/ Cây cậy cây hồng/ Một tay anh trồng/ Đủ no mọi thứ.
Đôi khi là 5 chữ và vần chân: Anh qua truông mấy bận/ Em qua đó mấy lần/Anh đi khỏi cửa tuần/ Dạ em còn trắc trở.
Trong kết cấu của hát khúc, lời hát kết cấu chủ yếu là một vế tự tình. Kết cấu một vế tự tình là hình thức diễn xướng mà chủ thể tự bày tỏ tình cảm, nỗi lòng, mong ước của mình với đối tượng mà họ hướng tới để bày tỏ nỗi niềm, giãi bày, chia sẻ cảm thông hay giận hờn, trách móc. 
Kết cấu một vế tự tình trong hát khúc phản ánh tiếng lòng và thích hợp với mọi cung bậc tình cảm của người hát, họ hát cho mình, cho người mình nhớ thương và cho cả những người khác có cùng cảnh ngộ và tâm trạng: Trời nắng đổ thóc phơi khô/ Đổ ra kịp nắng, đổ vô kịp thì/ Ba bốn năm nay/ Anh chờ em mãi.
Kết cấu một vế tự tình có phần vần. Kiểu kết cấu này thường miêu tả ngoại cảnh (cỏ, cây, sông, núi, đất, trời…) để gợi hứng (tức cảnh sinh tình). Giữa phần gợi cảnh và tình ý của lời hát có mối quan hệ liên tưởng với nhau: Ngồi buồn chặt thép uốn câu/ Đốn cần, xe nhợ, gọt phao, mắc mồi/ Mình lấy được ta/ Bõ công ao ước/ Ta lấy được mình/ Thỏa nỗi ước ao.
Hát khúc phản ánh thiên nhiên và các hiện tượng tự nhiên như: mặt trời, trăng, sao, mây, gió, sông biển, núi non… Trên trời có một đám sao/ Xung quanh chẳng mọc, mọc vào đám mây.
Phản ánh thế giới thực vật: cỏ, cây, hoa, lá… Khi đi cây khế chưa trồng/ Khi về khế mọc vườn trong, vườn ngoài/ Lắm mít, lắm gai/ Lắm chè lắm chuối/ Trông lên trên núi/ Lắm cậy nhiều hồng. 
Sống trong môi trường sông biển, có non cao, cồn cát và đồng bằng nhỏ hẹp chạy dài đã chi phối tới nghề nghiệp và đời sống của người dân nơi đây một chân bám đất, một chân bám biển vừa làm nghề ruộng, vừa trèo non hái củi, vừa vỡ ruộng cấy trồng. Quan sát trong một buổi chợ cũng thấy hiện ra những sản phẩm nghề nghiệp của người dân nơi đây: Đình làng họp chợ/ Những cá cùng khoai/ Lạc bùi, bánh trái...
Phương thức sản xuất và các ngành nghề cũng được phản ánh trong hát khúc đó là nghề nông, nghề chài lưới, buôn bán, trèo non hái củi, di (đi) lính, ở đợ, làm thuê... Ví như nghề chài lưới: Ngồi buồn chặt thép uốn câu/ Đốn cần, xe nhợ, gọt phao, mắc mồi/ Trải chiếu ra ngồi/ Bờ sông đủng đỉnh/ Là chốn thanh nhàn/ Là chốn ngao du/ Cá vược cá thu/ Nghe mồi tìm lại/ Cá ở dưới bãi/ Cá trắng như bông. 
Cùng với ngôn ngữ toàn dân, phương ngữ Tĩnh Gia là yếu tố không kém phần quan trọng làm cho hát khúc nơi đây vừa giống với dân ca - hát ru của mọi miền đất nước, vừa phản ánh tính đa dạng, phong phú của ngôn ngữ tiếng Việt, vừa mang sắc thái riêng của miền đất cuối Khu Ba, khởi đầu Khu Bốn: Ra đường mới gặp o ni/ Mời vào nhà chơi nhởi/ Têm trầu mà đợi/ Chẳng thấy o mô...  Có đôi con mèo/ Đánh chắc con hổ/ Có đôi hòn đỗ/ Lăn vô xó vườn…
Phương ngữ nơi đây thể hiện trong hát khúc mang ngôn ngữ cổ Việt - Mường của cư dân bản địa, đến nay ở các xã Tân Trường, Tùng Lâm vẫn có đồng bào Mường và một bộ phận đồng bào Thái sinh sống. Cùng với ngôn ngữ của cư dân bản địa vẫn ít nhiều có ảnh hưởng ngôn ngữ Chăm và Mã lai đa đảo trong quá trình giao lưu, tiếp xúc văn hóa và trao đổi thương mại, buôn bán với các tàu thuyền ghé lại ở vịnh biển Nghi Sơn và cửa sông Lạch Bạng. Đặc biệt phương ngữ của cư dân đảo Nghi Sơn, xưa là Cù lao Biện (cù lao - đảo, ngôn ngữ Chăm) có cách phát âm rất khác với các làng biển Hải Bình, Hải Thượng. Cù lao Biện xưa là nơi Quang Trung tập dượt thủy binh, có pháo đài Tĩnh Hải đồn trú, binh lính và dân binh có cả người Việt, người Chăm lưu trú và sinh sống trên đảo.
Hát khúc Tĩnh Gia có những điểm chung khá phổ biến trong dân ca và hát ru, song vẫn mang cốt cách và tâm hồn chân chất, hiền như khoai sắn của con người bao đời sinh sống trên miền đất nơi đây dẫu chưa hết đói nghèo, gian khó. Hát khúc là tiếng lòng, điệu tâm hồn của những người dân vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ, khúc hát đó hòa điệu với thiên nhiên, với môi trường diễn xướng càng thể hiện rõ giá trị thẩm mỹ và nhân văn của chủ nhân đã sáng tạo ra nó và bức tranh ruộng đồng, sông biển và núi non nơi đây sâu nặng nghĩa tình.
Hát khúc là một trong những loại hình diễn xướng dân gian bắt nguồn từ trong cuộc sống lao động và môi trường sống nơi đây. Vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, cuộc sống rất khó khăn. Chính điều này đã tạo nên sự đoàn kết đặc biệt giữa con người với con người để cùng khắc phục sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Sống trong hoàn cảnh ấy đã hình thành tính cách phóng khoáng, thẳng thắn, ngang tàng, bộc trực… sẵn sàng đối chọi với các thách thức. Những yếu tố đó cũng in dấu trong dân ca và hát khúc. 
Các yếu tố tạo nên môi trường diễn xướng của hát khúc chính là: Thời điểm, địa điểm, chủ thể diễn xướng và đối tượng tiếp nhận.
Về hình thức diễn xướng, hát khúc được thể hiện với các hình thức đó là hát ngâm và hát nói, hát đơn lẻ và hát theo nhóm, song hát nói và hát đơn lẻ là chủ yếu.
Với hát ngâm: Trong khi hát, người hát thường ngâm những câu mở đầu và câu kết của bài với thể thơ lục bát. Lời thơ lục bát trong hát khúc giúp cho người ngâm dễ diễn tả được tình cảm, tâm trạng và chuyển tải lời ca đến với người nghe. Những câu hát ngâm như: Xa hời xa hỡi hời xa/ Có về mà ở với ta thì về. Hay: Phượng hoàng làm tổ cành thông/ Em về có nhớ anh không hỡi nàng.
Với hát nói: Gọi là hát nói vì thể hát này là những lời nói thông thường gắn với một chủ đề nhất định, có âm, có tiết, có vần…
Hát nói là cách hát khá phổ biến trong hát khúc: Đã thanh lại lẹn/ Đã lịch lại ngoan/ Ăn nói dịu dàng/ Nết na thùy mị/ Người trên vì nể/ Kẻ dưới mến yêu/Ăn ở phải điều/ Một nhà hòa thuận/ May duyên đẹp phận/ Lấy được vợ hiền.
Hát khúc ít nhất phải có hai người. Có thể hát theo hình thức đối đáp giữa nhóm này với nhóm khác và cũng có khi là cùng hát đồng ca một bài hát khúc.
Hát khúc đơn lẻ: Đối tượng là một người hát và một người nghe hát. Song, phổ biến là người hát cũng là người nghe - hát cho mình nghe, hát tự ru mình với những điều không biết bày tỏ, chia sẻ cùng ai: Bao giờ cho đến tháng ba/ May quần may áo tôi ra tôi về. Hay: “Thương em lắm lắm em ơi/ Thương em vò võ như xôi nếp vò/Ăn chẳng thấy no/ Quạt thời chẳng mát/ Tương tư nhớ nàng.
Hát khúc theo nhóm: Đối tượng chủ yếu là thiếu nhi, anh hay chị hát ru em. Hình thức hát là anh chị bắt cái hát trước, một số trẻ em theo lời xướng của anh hoặc chị cùng đồng thanh hát theo. Thường hình thức hát theo nhóm các bài hát có hình thức giống với hát đồng dao: Bong bóng thì chìm/ Gỗ lim thì nổi/ Đào ao bằng chổi/ Quét nhà bằng mai/ Hòn đá dẻo dai/ Cục xôi cứng chắc/ Chuồn chuồn đánh giặc/ Voi đậu bờ rào/ Một đàn cào cào/ Đuổi đàn cá rô/ Hột thóc trong bồ/ Nhao nhao đuổi chuột.
Cũng như các loại hình dân ca khác, hát khúc là tấm gương phản chiếu con người và vùng đất Tĩnh Gia trong diễn trình lịch sử, phản ánh sự cố kết cộng đồng, quan niệm đạo đức thẩm mỹ, đời sống tinh thần, văn hóa nghệ thuật và quan hệ ứng xử giữa con người với tự nhiên cần được bảo tồn, trao truyền và phát huy giá trị trong cuộc sống hôm qua, hôm nay và mai sau.
                                                                                       

HOÀNG MINH TƯỜNG


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 316
 Hôm nay: 247
 Tổng số truy cập: 9246158
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa