Làng Thọ Đồn thuộc xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Xưa là Thọ Sơn trang thuộc xã Thổ Sơn, huyện Vĩnh Lộc. Theo lịch sử của địa phương, từ giữa thế kỷ XII, một số cư dân của làng Thổ Sơn (nay gọi là Thổ Phụ) đã lên đây khai phá trồng trọt, tạo nên một xóm nhỏ. Sau này các dòng họ Bùi, họ Nguyễn, họ Phạm, họ Dương, họ Lê... dần dần lên đây khai cơ lập nghiệp. Đông nhất hiện nay là dòng họ Phạm, thủy tổ là ông Phạm Đức Thuần, thuộc dòng dõi con trai thứ ba của ông Phạm Đốc, một danh tướng có công trong công cuộc trung hưng nhà Lê ở thế kỷ XVI.
Làng Thọ Đồn tọa lạc trên dãy núi Ngưu Ngọa, núi thấp. Làng ở theo hướng Tây, phía sau là đồng ruộng, phía trước nhìn ra cánh đồng bãi bồi đất phù sa rộng ngút ngát, phía ngoài là dòng sông Mã uốn lượn như ôm lấy mảnh đất nơi đây. Thiên nhiên ưu đãi cho làng trên có núi có đồng, dưới có sông có bãi, rất thích hợp cho việc trồng trọt và chăn nuôi. Người dân Thọ Đồn từ xưa tới nay chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp. Cây trồng chính là lúa và ngô, bãi bồi gieo trồng rau cải xen ngô, khi xưa làng có ruộng Tự điền, dành cho việc tế tự trong năm. Làng Thọ Đồn có đình lớn 9 gian, nền cao nhiều bậc thềm, do thời gian bị xuống cấp hư hỏng, ngày nay đình được làm theo kiểu mới trên nền đình cũ. Làng có chùa, nghè xuôi, nghè ngược, nhưng hiện nay chỉ còn lại nghè ngược (gọi là nghè Đồn).
Nghè Đồn hiện nay đang phối thờ ba vị thần là Long Vương tôn thần, được tôn là đức thánh cả. Thành Hoàng Bản thổ Côn Ông, được tôn là đức thánh nhì. Sơn thần Long Hổ Huyền Đàn, Thượng tướng quân, tôn là đức Thánh tam. Nghè Đồn được xây dựng từ rất sớm. Theo truyền ngôn, nghè hình thành được gắn liền với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, do Bình Định vương Lê Lợi lãnh đạo. Truyện kể rằng: Nghĩa quân Lam Sơn, trong những năm đầu gặp muôn vàn khó khăn trở ngại, bị giặc Minh luôn tìm cách bao vây, truy tìm chủ tướng. Một lần, Lê Lợi cải trang đi quan sát tình hình ở thành Tây Đô, lúc này do giặc Minh chiếm đóng. Khi qua Thọ Sơn trang, Lê Lợi cùng tùy tùng lên đỉnh núi Ngưu Ngọa, trên núi trông thấy có một cái giếng nước trong vắt, sâu nhìn không thấy đáy. Lê Lợi lấy một hòn đá khắc vào đó 6 chữ “Thủy Thần hộ Quốc cứu dân”, rồi cầm bỏ xuống giếng. Năm sau, khi Lê Lợi có việc đi đò qua sông vào ngay sát chân núi Sơn Trang, Lê Lợi rất ngạc nhiên lại nhìn thấy hòn đá khắc 6 chữ đó, nằm ngay bến đò. Khi đó Lê Lợi cầm hòn đá đem lên đỉnh núi và bỏ xuống giếng, rồi sai lính lấy đất đá lấp luôn cái giếng, lại trồng bên cạnh một cây si để đánh dấu. Xong xuôi, Lê Lợi cho lập bàn thờ cỏ để hành lễ, khấn xin Long Vương phù hộ cho nghĩa quân đánh thắng giặc Minh. Kể từ đó nghĩa quân lớn mạnh không ngừng, đánh đâu thắng đó, bao vây thành trì, tiêu diệt viện binh. Cuối năm Đinh Mùi, đầu năm Mậu Thân (1428), cuộc khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng. Lê Lợi lên ngôi củng cố triều chính. Nhớ tới công đức của Thủy Thần, nhà vua lệnh cho dân trong vùng lập ngôi nghè, để thờ phụng đức Thủy Thần, đã có công hộ Quốc cứu dân, ban danh hiệu cho thần là: “Long Vương Uyên Tịnh, Cao Sơn trấn Quốc”.
Ban đầu nghè có 3 gian chỉ làm bằng gỗ lợp lá, trải qua các triều đại nhiều lần trùng tu tôn tạo, lần gần đây nhất là năm Quý Mùi 1943. Hiện nay nghè có 5 gian, chiều dài 13,6m, chiều rộng 8m, cửa bức bàn, cột nhà bằng gỗ, riêng dãy cột ngoài hiên bằng đá được đục đẽo vuông vức, xà và bẩy kẻ chạm trổ tinh xảo, gian giữa đặt án thờ công đồng, hai bên đặt kiệu và cờ biển chiêng trống. Hậu cung hai gian có án thờ, đặt long ngai bài vị, thờ Long Vương tôn thần. Trải qua các triều đại, đều được phong sắc ban mỹ tự. Nghè Đồn hiện nay còn lưu giữ được một đạo sắc phong và một cuốn sách Hán cổ, chép lại nội dung 11 đạo sắc phong khác do các triều vua ban tặng. Nghè Đồn được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 1993.
Nghè Thọ Đồn nổi tiếng linh thiêng, được nhân dân trong vùng và khách thập phương đến dâng hương lễ bái, trong những ngày sóc vọng lễ tết. Đại lễ chính vào mùa xuân hàng năm, làng làm lễ Kỳ Phúc vào các ngày 9, 10, 11 tháng 3 âm lịch.
Theo lệ cổ thường niên, cứ đến tháng hai là làng Thọ Đồn lại nhộn nhịp chuẩn bị vào đám, sửa sang lại đình, nghè, đường sá, chỗ nào cũ kĩ thì lau rửa sơn vẽ lại, đồ gì hỏng thì thay mới. Về phần nhân dân thì sắm may, sắm mặc, nhất là những người phải vào chân khiêng kiệu, vác cờ, ai ai cũng sắm bộ đồ tươm tất để đi lễ hội. Trước nửa tháng, ai vào việc gì phải luyện tập việc ấy. Cai đồng văn dạy tập đánh trống, mẹ chèo dạy các con chèo múa hát, cai kiệu thì tập hợp các trai kiệu lên nghè để tập khiêng... Quan viên cũng áo mũ tập tế thử xem nghi vệ đã chỉnh tề cả chưa để hôm vào lễ khỏi lầm lỗi.
Lễ Kỳ Phúc của làng Thọ Đồn, xưa làm trong 3 ngày lễ như sau: Lễ Phụng Nghinh an vị, lễ chính tế Kỳ Phúc, lễ tạ Phụng Tống. Trước lễ Phụng Nghinh một ngày (tức là ngày 8 tháng 3), thủ từ biện lễ khấn cáo tại nghè, sau đó trai đinh và những người được cắt cử sẽ đi chở nước lấy từ sông Mã đưa lên nghè để làm lễ mộc dục, lau chùi long ngai, bài vị, các đồ tế tự, đưa hương án ban công đồng ra ngoài hè, đưa 2 kiệu ra ngoài sân để lau rửa, các loại cờ biển cũng được dựng ra ngoài, để chuẩn bị cho việc phụng nghinh ngày mai. Hai người trai khỏe thì khiêng chiếc chóe sứ xuống bờ sông, lên thuyền ngồi ra giữa dòng lấy nước đầy chóe đưa lên nghè, để dùng cho nước cúng cả năm.
1. Lễ Phụng Nghinh: Sáng ngày mùng 9 tháng 3, dân làng tập trung tại nghè để làm lễ Phụng Nghinh, rước các thánh về đình, đường sá trong làng được cắm cờ xí trang trọng, chủ tế cáo yết xong, lễ rước bắt đầu, khi người thủ hiệu nổi trống thì tài tử đồng văn nổi nhạc, điểm trống, cờ biển đi đầu tiên, sau đó là đến chiêng trống, hương án gồm bốn người khiêng được rước từ trong nghè ra, trên có bài vị thần sắc, đi hai bên có lọng tàn cờ sắc rực rỡ, tiếp theo là kiệu mai luyện, bốn người khiêng. Sau cùng là kiệu Bát cống, tám người khiêng. Khi đến ngã ba đường rẽ vào đình, thì kiệu nhỏ mai luyện dừng lại, hương án và kiệu Bát cống cùng đoàn rước đưa hương án vào gian giữa hè đình, kiệu Bát cống đặt ở dưới sân đình phía bên trái. Kiệu Mai luyện cùng đoàn rước tiếp tục ra bờ sông, một chức dịch trong làng đội bát nghinh (bát lớn để đựng nước) trên đầu, cùng với các trai kiệu, bắt đầu lội xuống sông đưa kiệu ra ngoài xa. Khi nào nước ngập đến cổ thì đầu kiệu quay ngược lên dòng nước, chờ cho kiệu Thánh hết lắc lư, người đội bát nghinh mới đưa bát xuống, múc nghiêng theo dòng nước, kiệu được hạ thấp, bát nghinh nước được đưa vào kiệu, nước được rước về đình làm nước thờ trong ba ngày đại lễ. Lên đến bờ đoàn rước kiệu đang chờ sẵn, thay bốn trai kiệu khác, khiêng kiệu về sân đình đặt phía bên phải hương án, trên đường về, mặc dù kiệu Thánh lắc lư, nhiều đoạn dốc nhưng bát nước lớn vẫn không đổ tát. Lễ vật phụng nghinh an vị, ngoài của làng đã phân cho các giáp, có thêm cỗ của các dòng họ và các gia đình. Trước hương án, hè đình rất rộng, kê thêm các đẳng để bày cỗ. Chuẩn bị xong xuôi, bắt đầu vào tế yết, lễ an vị, nghi thức như lễ chính, chỉ khác phần chúc văn: “Vị hữu phụng nghinh an vị tất cáo lễ dã”. Chúc văn trong ba ngày lễ, do câu đương phe Văn đảm nhiệm viết, dán vào giá chúc. Tế an vị xong trong buổi sáng. Buổi chiều có tổ chức các trò chơi dân gian như cờ người, tổ tôm, có năm tổ chức bơi chải. Ăn cỗ phụng nghinh, chỉ các quan viên và những người phục vụ. Ban đêm các con chèo dưới sự đạo diễn của mẹ chèo, mỗi bên bảy người, vào múa quạt, hát chúc hỗ, đầu tiên là hát vịnh, ca ngợi công đức của chư vị thánh thần, có công hộ quốc cứu dân, cầu thánh thần anh linh phù cho mọi sự an bình, làng quê no ấm, tiếp là múa hát chúc hỗ chúc cho toàn thể nhân dân, nhà nhà được chữ bình an, tháng ngày hưởng phần lợi lạc, sau cùng là chúc hỗ quan viên minh trí thanh tâm, dĩ công vi thượng. Sau phần hát chèo lại đến bản ty (ban nhạc) hay còn gọi là bát âm vào tấu nhạc hầu thánh.
2. Lễ chính tế Kỳ Phúc: Buổi sáng ngày mùng 10 tháng 3, cả làng dậy từ rất sớm, ra đình dự lễ Kỳ Phúc (cầu phúc). Các quan viên trong hội tế mặc áo thụng xanh lam, mũ hia cũng màu xanh, quần trắng, riêng chủ tế trang phục màu đỏ, ngực áo có gắn bối tử. Chủ tế được chọn từ một cụ ông thuộc bàn nhất hoặc bàn nhì trong năm, có đủ điều kiện về sức khỏe và vai vế trong làng. Ban tế có hai bô lão làm bồi tế, hai người làm Đông xướng, Tây xướng, bốn người làm chấp sự, hai người làm phụ từ đứng bên cạnh hương án, một người đọc chúc, ngoài ra còn có hai đồng văn (người đánh chiêng, trống) và đội nhạc tế. Trình tự các bước tế, sau khi đèn hương tinh tươm, trống và nhạc dạo lên một lúc, rồi im bặt, người Đông xướng, xướng: Khởi chinh cổ: Đồng văn đánh ba hồi chiêng trống, kế đến xướng: Cổ sơ nghiêm: đánh ba tiếng chiêng, trống; Cổ tái nghiêm: đánh sáu tiếng chiêng, trống; Cổ tam nghiêm: Đánh chín tiếng chiêng, trống.
Kế đến xướng: Nhạc sinh tựu vị: (nhạc tế lưu thủy nổi lên). Các bước sau là: Củ soát tế vật; Nghệ quán tẩy sở; bồi tế viên tựu vị; chủ tế viên tựu vị; thượng hương; hiến rượu ba lần; đọc chúc văn: (Tư hữu kỳ phúc tất cáo lễ dã). Nội dung chúc văn là đọc duệ hiệu của thần, kèm theo các mỹ tự được ban phong, sau là tán dương công đức của thần, có công hộ quốc cứu dân, nổi tiếng linh thiêng ứng nghiệm, cuối cùng là sở nguyện cầu thần anh linh phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cầu ngũ phúc tam đa, mãi mãi ơn nhờ bảo hộ. Phần cuối là ẩm phước, thụ tộ, tạ lễ; phần chúc. Trong khi tế, những lúc dâng hương, dâng rượu, phủng chúc văn, hóa chúc, nhạc sinh đều cử nhạc, các con chèo múa phụ họa hai bên. Đến lúc tế xong, các bô lão, chức sắc và dân làng, theo thứ tự lần lượt vào trước hương án bái lạy, cũng có đánh trống. Phần lễ chính đã xong.
Buổi chiều ngày chính lễ là việc chế biến cỗ ăn uống. Các trai đinh, người phụ việc, ngồi ăn ở hai giải vũ (ống muống). Bô lão, quan viên, chức dịch, dân làng và con chèo ăn trong đình. Ngồi ăn theo thứ bậc: Các cụ bàn nhất, bàn nhì, bàn tam, bốn người một mâm, ngồi trong cùng. Các mâm khác là sáu người một mâm. Khi ăn xong được làng chia lộc mang về, các cụ bàn nhất được làng đem vào tận nhà. Riêng chủ tế được làng biếu thêm khoanh tràng hoa (nọng cổ). Buổi tối, chương trình múa hát, nhạc, cũng như đêm hôm trước.
3. Lễ tạ Phụng Tống: Sáng ngày 11 tháng 3, dân làng tập trung ra đình để làm lễ tạ. Phần nghi thức cũng như các ngày trước, chỉ có khác là lễ vật nhỏ hơn, bài chúc văn là: “Tư hữu kỳ phúc mãn nguyện tất cáo lễ dã”. Sau khi lễ tạ, phần chúc, hóa vàng, là lễ Phụng Tống, đưa hương án, kiệu và các đồ tế khí về lại nghè ngược. Lễ Phụng Tống cũng diễn ra trang nghiêm như lễ Phụng Nghinh, hương án, kiệu, đồ tế khí, cờ lọng... được đưa vào vị trí cũ trong nghè. Thủ từ rước bài vị thần sắc vào trong hậu cung, cúng an vị tọa, dân làng về nhà, những người phục vụ lễ hội, tiếp tục trở về đình thụ lộc, dỡ rạp, thu dọn, lễ Kỳ Phúc đến đây kết thúc, trong làng không khí hồ hởi, hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp trong năm.
Mặc dù trải qua thăng trầm dâu bể, lễ hội Kỳ Phúc của làng Thọ Đồn đến nay vẫn được duy trì, có cải biên cho hợp với thời đại công nghiệp hóa, nhưng vẫn giữ được những nét đẹp văn hóa truyền thống. Lễ Kỳ Phúc thường niên, chỉ tế ở nghè, làm một ngày, là ngày mùng mười tháng ba âm lịch. Thời gian ba năm, hoặc khi làng có sự kiện lớn, mới tổ chức rước kiệu. Lễ hội truyền thống của làng ngày nay, mở rộng nhiều về phần hội, tổ chức các trò chơi dân gian như kéo co, bịt mắt bắt vịt, cờ tướng, thi cỗ giữa các họ, bóng đá, bóng chuyền, văn nghệ quần chúng... Lễ hội Kỳ Phúc của làng Thọ Đồn thực sự đã lắng đọng, trong tiềm thức của nhân dân trong làng, với niềm tin và lòng ngưỡng mộ các đấng siêu nhiên, phù trì bảo hộ cho dân làng quanh năm an khang thịnh vượng, nhà nhà hạnh phúc. Lễ hội làng cần được bảo tồn và phát huy hơn nữa.
NGUYỄN HUY MIÊN
Tài liệu tham khảo:
Lịch sử xã Vĩnh Yên, nhà xuất bản Thanh Hóa 2011, tái bản 2023.
Sắc phong nghè Đồn: Cảnh Hưng nguyên niên, thất nguyệt, nhị thập tứ nhật ( ngày 24 tháng 7, năm Cảnh Hưng thứ nhất 1740) và một cuốn sách chữ Hán cổ đang được lưu giữ, y sao 11 đạo sắc phong khác của các triều Lê, Nguyễn, ban sắc cho nghè Đồn.
Sách ghi và lời kể của cụ Nguyễn Văn Hy 97 tuổi, người thôn Thọ Đồn, người đã được tham gia các kỳ lễ hội của làng.