Bà Triệu sinh ngày mồng 2 tháng 10 năm Bính Ngọ (226) ở quận Cửu Chân. Bà là người giỏi võ nghệ, khí phách hiên ngang, ngày đi bộ hàng trăm dặm, thường đi guốc ngà, thích cưỡi voi. Bà đến vùng Bồ Điền (Hậu Lộc) sinh cơ lập nghiệp, khai khẩn đất hoang, làm cho đời sống nhân dân trong vùng ngày càng thêm no ấm. Trong vùng có người cậy thế lực giàu có định ép hỏi bà làm vợ bé. Bà đã thể hiện khí phách bằng câu nói nổi tiếng: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”. Năm 20 tuổi (246) bà cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt dựng cờ khởi nghĩa, đánh đuổi quân Ngô. Trong một trận giao tranh với giặc, Triệu Quốc Đạt bị tử trận, bà đã “mặc áo giáp vàng, cài trâm vàng, đi guốc ngà cưỡi voi ra trận” thay anh lãnh đạo nghĩa quân chiến đấu. Nghĩa quân dưới sự chỉ huy của bà đã chiến đấu kiên cường, đánh nhiều trận thắng lớn làm cho “toàn thể Châu Giao - Cửu Chân đều chấn động”… Thanh thế của nghĩa quân ngày càng lớn, nhân dân các vùng đều nô nức kéo đến hưởng ứng theo bà cứu nước. Quân Đông Ngô thường gọi bà là Lệ Hải Bà Vương và truyền nhau câu đối:
Hoành qua đương hổ dị
Đối diện Bà Vương nan.
Nghĩa là:
Múa giáo chống hổ thì dễ
Đối mặt với Bà Vương thì khó.
Nhà Ngô huy động đại quân do Lục Dận chỉ huy sang đàn áp cuộc khởi nghĩa của bà, bà đã cưỡi voi xung trận làm cho quân giặc nhiều phen bạt vía kinh hồn. Sau ba năm chiến đấu, giặc Ngô tăng thêm nhiều viện binh vẫn không thắng nổi ta. Cuối cùng, chúng đã ngầm sai do thám tìm hiểu và biết được bà khí tiết thanh cao, không chịu nổi những điều hôi tanh, dơ bẩn, chúng đã dùng mưu kế hèn hạ bằng cách cho toàn bộ quân lính không mặc quần áo, xông vào khiêu chiến, bị bất ngờ, không kịp ứng phó bà đã tuẫn tiết tại núi Tùng Sơn vào ngày 21 tháng 2 năm Mậu Thìn (248). Tinh thần yêu nước, chí khí quật cường của bà không chỉ làm cho kẻ thù run sợ mà còn là nguồn cổ vũ lớn lao đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự chủ của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử. Tưởng nhớ công đức ấy, nhân dân đã lập đền thờ bà tại núi Bần, xây lăng mộ bà trên núi Tùng và dựng một ngôi đền lớn ở giữa làng Bồ Điền quanh năm hương khói thờ bà.
Hàng năm từ ngày 19 đến ngày 24 tháng 2 âm lịch, nhân dân địa phương tổ chức tế lễ ở đền và ở lăng. Trước Cách mạng tháng Tám, ở đây thường có một hình thức gần như hội trận, theo lời các cụ thì hình thức ấy cũng được gọi là hội, lấy tên là hội Ngô Triệu giao quân.
Vào ngày hội, làng tự chia ra làm hai xóm, lấy ngôi đình lớn ở giữa làng làm ranh giới, phía Bắc gọi là xóm trên, phía Nam gọi là xóm dưới. Trai tráng của hai xóm từ 18 đến 45 tuổi đều được tham gia tập trận. Mỗi người chuẩn bị sẵn một cây gậy bằng tre, dài ngắn tùy ý. Đúng sáng ngày hội lễ, trai xóm nào tập trung ở xóm nấy dàn thành thế trận.
Mở đầu, mỗi bên cho một vài người ra khiêu khích, tìm cách dụ đối phương tiến về địa phận của mình. Đội ngũ mai phục trong xóm đổ xô ra tấn công, phe bên kia ào ạt tràn sang tiếp ứng. Họ đánh nhau rất dữ dội, gậy gộc có khi phang cả vào nhau, nhưng theo các cụ thì từ xưa đến nay có điều lạ là chưa có ai vì thế mà bị thương tật cả. Một vài đòn đau, sau đó cũng chỉ xoa bóp hoặc chữa qua loa bằng thuốc lá trong làng là khỏi. Mọi người lại tin là có tập trận như vậy thì năm đó làng mới làm ăn sung túc hơn.
Đoạn đường rộng nhất trước cửa đình làng là “bãi chiến trường”. Hai bên lề đường, nhân dân tập trung đông đảo, reo hò cổ vũ cho đội quân của mình. Lệ của làng là xóm nào xông lên nhiều lần là quân chiến thắng, được gọi là quân Bà Triệu. Bên nào phải rút chạy nhiều lần thì bên ấy là quân Ngô. Cuộc tranh chấp diễn ra từ sáng đến trưa, rồi tất cả hòa vào với nhau để cùng đi rước kiệu bà. Thêm một tục lệ có ý nghĩa nữa, hôm đó tất cả làng đều ăn nguội (ăn thức ăn nấu sẵn từ hôm qua), để đến chiều mới nấu nướng linh đình. Các cụ giải thích là ra đánh trận thì phải ăn lương khô, đến khi khải hoàn mới mở tiệc ăn mừng.
Những dịp hội lễ đền Bà Triệu cũng là dịp tế lễ cầu cúng ngay ở đền bà. Rước kiệu từ đền vào lăng, dâng trầu nước hương vàng, rồi lại rước bát hương về đền dùng lễ tam sinh cung tiến. Điều đặc biệt là bên cạnh cỗ tam sinh lại có cả bát cơm đơm đầu như các tư gia vậy.
Những ngày này, chung quanh đền bà, lúc nào cũng tấp nập đông vui. Ban ngày thì đấu vật, leo dây, thổi cơm thi, đánh cờ tướng… Ban đêm thì hầu bóng. Hầu bóng sau này đã thành một hình thức mê tín, do những con nhang đệ tử và khách thập phương không am hiểu lịch sử đã đem nhập những trò mê tín vào đây, nhầm lẫn việc kỷ niệm Bà Triệu với những nhân vật huyền thoại khác như Mẫu Thoải, Liễu Hạnh. Thật ra, trước đây cũng có những buổi hầu bóng được gọi là “giá đồng Bà Triệu”. Giá đồng không lâu, không có truyền phán gì. Người ngồi giá đồng khoác áo đỏ, giắt kiếm ngang lưng, chỉ ban trầu rượu cho người xung quanh. Cung văn chầu chực và hát những bài hát ngợi ca công trạng của bà. Những bài hát đã truyền qua nhiều thế hệ nên không còn nguyên vẹn, chúng tôi xin ghi lại một bài tiêu biểu trong những bài hát ấy:
Sao khuê vằng vặc Viêm bang
Anh thư gặp vận nữ Hoàng nổi ra
Nhớ xưa gây dựng nước ta
Bà Vương ở đất Thanh Hoa anh hào
Người yểu điệu, chất thanh tao
Vú dài ba thước, mình cao một vừng
Ganh đua đương lúc bụi trần
Nữ nhi cũng phải một lần bồng tang
Trông lên chẳng thẹn Trưng Vương
Mà cho tỏ mặt phi thường mới nao
Áo lam đổi lấy chiến bào
Đem thân bồ liễu gửi vào kiếm cung
Hịch truyền rộng khắp Tây Đông
Thu về tướng mạnh binh hùng trong tay
Cửu Chân thế cả ai tày
Đồn dăng sông núi, trận bày ngược xuôi
Trận tiền trống chửa dứt hồi
Giặc đà tan tác sớm lui tối dồn
Sa cơ Lục Dận cuống cuồng
Nát gan tướng khách tan hồn quân Ngô
Giang sơn giữ vững cơ đồ
Dân yên nước thịnh, lũ Hồ tan hoang
Tích xưa Lệ Hải Bà Vương
Má hồng để tiếng hùng cường thế gian.
Những thập kỷ gần đây, đền Bà Triệu đã được tôn tạo và xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt. Việc hương khói cúng lễ ở đền thì vẫn liên tục nhưng hội trận thì không được duy trì, song mỗi khi nhắc về lễ hội người Thanh Hóa vẫn rất tự hào vì hội trận là một nét văn hóa đẹp, niềm tự hào về truyền thống tôn vinh anh hùng, tưởng nhớ tổ tiên của quê Thanh.
TRẦN THỊ LIÊN