ĐỀN PHỐ CÁT QUA GIÁNG BÚT, VĂN CHẦU, KINH MẪU SÒNG SƠN
Quần thể danh thắng Phố Cát gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh “Giáng trần Phố Cát, hiển Thánh Sòng Sơn”, trong đó đền Phố Cát là điện thần thể hiện uy quyền của Mẫu. Đền thiêng Phố Cát xuất hiện trong các công trình nghiên cứu của học giả nước ngoài: M. Durand, H. Le Breton, A. Lagrèze...; đồng thời được lưu trữ trong các thư tịch quý giá: Thần tích, sắc phong, văn bia... Bên cạnh đó, đền thiêng Phố Cát còn xuất hiện qua Giáng bút, văn chầu, kinh Mẫu Sòng Sơn. Điều này góp phần khẳng định vị thế của đền Phố Cát trong tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh.
Một loại tài liệu đặc biệt góp phần lưu giữ giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam là giáng bút. Giáng bút được coi là hiện tượng văn hóa tâm linh có thực trong xã hội Việt Nam. Điều này có nghĩa là cầu các vị tiên nho, liệt thánh, thần phật thông qua một người nào đó có năng lực đặc biệt cho mình những bài thơ cầu Tiên trả lời cho biết về những cầu xin: tiền bạc, con cái, thành đạt, thuốc men… Phần IV “Phụng bút hoặc phụng kê” trong công trình Tục thờ cúng thần tiên, học giả Nguyễn Văn Huyên đã đề cập đến vấn đề này. Theo khảo sát của Nguyễn Xuân Diện, thì Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ 254 bản sách thơ văn giáng bút về các trung thần, liệt nữ, vương thần … trong đó, có giáng bút được cho là của Mẫu Liễu. Trần Quang Huy đã mô tả giáng bút Tăng quảng Minh Thiện quốc âm chân kinh 曾廣明善國音真經 được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu AB.143. Ngay tờ đầu tiên, tên sách được nhà chế bản cho in bằng nét mực đen. Năm tờ kế tiếp được sử dụng mực đỏ để làm nổi lên hình ảnh 4 bức ảnh của Quan Âm 觀音 và Thánh Mẫu 聖母 khá đẹp. Tăng Quảng Minh Thiện chân kinh có niên đại Hoàng triều Thành Thái Giáp Thìn niên tứ nguyệt vọng trùng san (Trùng san vào ngày rằm tháng tư năm Giáp Thìn niên hiệu Thành Thái triều ta (1904)) cũng do đàn Khuyến thiện Đồng Lạc (Nam Định) in ấn. Trong phần mở đầu có bài Dụ của Chế Thắng Bảo Hòa Diệu Đại Vương, Vân Hương đệ nhất Thánh Mẫu như sau:… Phụng mệnh đế đình giáng bút ư Đồng Lạc khuyến thiện đàn (Ta vâng mệnh Thiên đình giáng bút ở Đồng Lạc khuyến thiện đàn)... với nội dung khuyên mọi người lấy thiện làm gốc, vợ kính chồng, trẻ giúp già, con kính thờ cha mẹ, em tôn trọng anh, trong nhà ngoài làng phải đối xử theo đúng đạo lý… Và kết lại bằng lời dặn của Đệ nhất thánh mẫu: Sau khi khắc in xong, một bản được đưa vào đền chính Sóc hương hạt Nghệ An, một bản được đưa vào đền Phố Cát tại Thanh Hóa, một bản đưa vào đền Sòng, một bản đưa vào đền chính Vân Hương, cả 4 bản đều hóa tấu (theo Trần Thị Băng Thanh, Bùi Thị Thiên Thai).
Với lời dặn trong giáng bút của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, chúng ta có thể khẳng định đó là sự đề cao vai trò, vị thế của đền Phố Cát trong việc thờ phụng mẫu Liễu ở nước ta. Không phải ngẫu nhiên mà đền Phố Cát lại trở thành một trong bốn ngôi đền được nhận ân huệ của Mẫu.
Cùng với giáng bút, văn chầu khẳng định địa danh Phố Cát trở thành nơi linh thiêng, gắn với hành trạng trắc giáng của Mẫu và khiến Mẫu Liễu trở thành vị thần của bốn phương. Qua văn chầu Tam tòa Thánh Mẫu hình ảnh Mẫu Liễu du ngoạn và trở về với Phố Cát rất thiêng liêng:
Rẽ mây phút lại ghé chơi cõi trần.
Kíp vời Quỳnh, Quế theo chân
Đồi Ngang, phố Cát làm thần bốn phương
Tiếng đồn nức đến đế vương
Tiên Hương Vân Cát khói hương phụng thờ.
Lời văn chầu thể hiện uy quyền của Mẫu Liễu Hạnh: Đồi Ngang, phố Cát làm thần bốn phương; phải chăng khi trắc giáng ở Phố Cát, tầm ảnh hưởng của công chúa Liễu Hạnh mới thực sự sâu sắc, phổ rộng trên mọi phương diện và chính điều đó đã góp phần làm tăng vị thế của Tiên Hương, Vân Cát quê hương, bản quán của mẫu.
Bên cạnh đó, bản Kinh mẫu Sòng Sơn cũng góp thêm vào dữ liệu Phố Cát một cách rất ấn tượng: Phan Văn Phái khi cử binh đi đến đèo Ngang (thuộc hạt Ninh Bình) ghé vào Phố Cát đền thờ Đức Tiên Chúa làm lễ tham yết mật nguyện âm phò mạc hựu rồi mới xuất quân, khi ông Phan Văn Phái kéo quân đến mặt trận lúc giao phong thì đột nhiên thấy ù ù sấm chớp gió cuốn cát bay nghe tiếng hò hét trên không trung rất dữ dội! Ngài và quân lính lấy làm kinh hoàng tuy vậy nhưng tự nghiệm biết đích rằng mình có cầu nguyện với Đức Tiên Chúa giúp sức nên truyền quân tấn công mới tấn công giây phút mà quả nhiên đã phá tan quân giặc. Bây giờ ông Phan Văn Phái bảo với quân lính rằng chúng ta không tài giỏi gì đây là toàn nhờ thần oai lực của Đức Tiên Chúa đánh tan quân giặc này. Lúc đó ông Phan Văn Phái với quân tướng đều cảm phục và vọng không bái tạ ơn Đức Tiên Chúa rồi kéo quân khải hoàn. Khi về đến Kinh Đô liền tâu chuyện mình vào đền Phố Cát cầu nguyện Đức Tiên Chúa với triều đình và kể rõ lại khi xuất trận và oai linh của Đức Tiên Chúa hiển hiện phá tan quân giặc thế nào, để triều đình nghe rõ. Vua Lê Huyền Tông nhớ tới công Đức Tiên Chúa: “Hộ quốc binh nhung” liền hạ chiếu gia phong: “Chế Thắng Bảo Hòa Diệu Đại Vương” và sắc phong cho ba tổng sở tại đó. Đoạn trích trong Kinh mẫu Sòng Sơn cho thấy được sự linh thiêng của đền Phố Cát và âm phù của Mẫu Liễu Hạnh cho quan quân triều đình giết giặc, hộ quốc an dân.
Giáng bút, văn chầu và kinh mẫu Sòng Sơn mặc dù mức độ không đậm nét như thần tích, thần sắc, bia ký; song cũng là một trong những biểu hiện rất thú vị, có phần linh diệu về cuộc đời trần tục, hiển thánh của Mẫu Liễu trên vùng đất Thanh Hóa nói chung, Phố Cát nói riêng. Đồng thời, nó góp phần tạo nên diện mạo hoàn chỉnh làm rõ vai trò, vị thế của đền Phố Cát trong hệ thống di tích thờ phụng Mẫu Liễu cũng như trong tâm thức, trong đời sống tinh thần, sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu của nhân dân ta. Vì thế, vào dịp trẩy hội mùa xuân, trong dân gian vẫn lưu truyền câu: Vái cô Chín rồi về Phố Cát/ Lễ quanh năm réo rắt cung văn.
NGUYỄN THỊ QUẾ