Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, VĂN NGHỆ Ở CHIỀU SÂU VÀ TẦM CAO TRONG HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, VĂN NGHỆ Ở CHIỀU SÂU VÀ TẦM CAO TRONG HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Văn hóa luôn là một “mặt trận” quan trọng trong sự nghiệp cách mạng quang vinh của Đảng ta. Từ 3 đặc trưng cơ bản: dân tộc, khoa học, đại chúng trong Đề cương văn hóa năm 1943 và quan điểm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, những cán bộ làm công tác văn hóa, văn nghệ trở thành lực lượng xung kích cùng toàn dân tộc làm nên những kỳ tích hào hùng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước theo con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay, việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để phát triển ổn định và bền vững càng đòi hỏi sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền các cấp, sự nỗ lực quyết tâm vươn lên của những cán bộ văn hóa, văn nghệ toàn tỉnh.
Văn hóa, văn nghệ luôn đồng hành cùng dân tộc
Lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước anh hùng và bi tráng của dân tộc đã chứng minh văn hóa, văn nghệ luôn đồng hành, đổi mới và phát triển cùng dân tộc. Những âm mưu, thủ đoạn tàn ác, thâm độc của quân xâm lược nhằm đồng hóa dân tộc ta đều thất bại thảm hại trước lòng yêu nước nồng nàn, sức mạnh đoàn kết và bản sắc văn hóa Việt Nam được bồi dưỡng, vun đắp qua nhiều thế hệ. Nắm vững sức mạnh tiềm tàng của văn hóa, văn nghệ nên ngay từ khi ra đời Đảng ta và Bác Hồ luôn xác định văn hóa là một mặt trận quan trọng trong cách mạng dân tộc dân chủ. Từ những bài học kinh nghiệm đấu tranh trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, 1936 - 1939 và Mặt trận Việt Minh từ 1941 trở đi, Đảng quyết định thành lập Hội Văn hóa cứu quốc và xây dựng bản Đề cương văn hóa Việt Nam với 3 đặc trưng cơ bản: tính dân tộc, tính khoa học, tính đại chúng. Ba đặc trưng trên là quan điểm, định hướng cơ bản của Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển văn hóa trong cách mạng giải phóng dân tộc.
Nhờ khơi dậy lòng yêu nước nồng nàn, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, chúng ta đã giành chính quyền về tay nhân dân, xây dựng nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Trong muôn vàn khó khăn của chính quyền cách mạng non trẻ khi nguồn tài chính trống rỗng, nạn đói nặng nề, thù trong giặc ngoài chống phá quyết liệt nhưng Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã công bố thành lập Nha Thông tin - Tuyên truyền ngày 28-8-1945 (tiền thân của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông ngày nay).
Thực hiện quyết định của Chính phủ, Ty Thông tin, Tuyên truyền Thanh Hóa được thành lập tại nhà Bác Cổ (nay là Công ty Cổ phần Sách Thanh Hóa). Chín năm chống Pháp, Thanh Hóa là vùng tự do. Đây là nơi đứng chân của nhiều cơ quan Trung ương, nhiều trường học, nơi hoạt động của các văn nghệ sĩ toàn quốc. Phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền tỉnh sớm kiện toàn tổ chức bộ máy văn hóa và chỉ đạo ngành tích cực tuyên truyền chủ trương “kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”, “xây dựng một nền văn nghệ nhân dân”, “xây dựng nếp sống mới”,… Các ban chức năng như tuyên huấn, tuyên truyền thông tin, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, biên tập báo với nhiều loại hình phương thức hoạt động đa dạng, phong phú, tạo sự lạc quan, tin tưởng trong nhân dân. Đường lối kháng chiến của Đảng, Nhà nước, công cuộc xây dựng đời sống mới, phổ biến khoa học kĩ thuật thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ đã động viên các tầng lớp nhân dân góp công, góp của ủng hộ kháng chiến. Các đoàn văn công Cúc Hoa, Nam Hoa, Thanh Kì, Phụng Các được thành lập. Ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền của Nhà máy in Ba Đình, Thư viện tỉnh được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi ở mọi vùng miền đã huy động sức người, sức của lớn nhất của Thanh Hóa làm nên kì tích Điện Biên Phủ được Bác Hồ ca ngợi: “… Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.
Trong hơn 20 năm cải tạo, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin tuyên truyền bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh đã góp phần xây dựng chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong lao động sản xuất và chiến đấu. Thiết chế bộ máy cơ sở vật chất hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin tuyên truyền được tỉnh quan tâm, đầu tư nên hình thức hoạt động phong phú, chất lượng hoạt động được nâng cao. Các phòng, ban chức năng tham mưu cho Ty Văn hóa, Ty Thông tin làm tốt chức năng quản lí nhà nước. Các đơn vị sự nghiệp hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ chuyên ngành cho các Phòng Văn hóa thông tin huyện, thị. Hệ thống nhà văn hóa, thư viện, đội chiếu bóng, phát hành sách, cửa hàng nhiếp ảnh phát triển mạnh ở các huyện, thị tổ chức nhiều hoạt động phong phú. Các đoàn văn công tuồng, chèo, cải lương, ca múa,… được thành lập, tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân nhiều vùng miền trong tỉnh. Công tác bảo tồn, bảo tàng, sưu tầm tư liệu, hiện vật, vốn quý văn hóa, văn nghệ dân gian, biên soạn giới thiệu, quảng bá lịch sử, văn hóa truyền thống, sáng tạo của văn nghệ sĩ được tỉnh quan tâm. Việc trưng bày, giới thiệu vốn di sản văn hóa, thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh gặt hái nhiều thành tựu. Việc bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa, văn nghệ sĩ được chú trọng. Nhờ đó đội ngũ nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ, tác giả kịch bản,… tên tuổi ngày càng nhiều. Với nhiều loại hình hoạt động văn hóa, văn nghệ đa dạng, phong phú đã góp phần tạo khí thế hồ hởi, lạc quan, huy động nhiều sức người, sức của cùng với cả nước “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, thu non sông gấm vóc về một mối, trong niềm vui sum họp Bắc - Nam một nhà.
Xây dựng và phát triển văn hóa, văn nghệ ở chiều sâu và tầm cao trong hội nhập, phát triển bền vững.
Buớc vào giai đoạn hàn gắn, cải tạo vết thương chiến tranh, bảo vệ và xây dựng đất nước, các loại hình hoạt động văn hóa, văn nghệ dần chuyển hướng xây dựng hình tượng văn hóa, văn nghệ từ chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu sang lao động sản xuất, dựng xây đất nước theo con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Thực hiện Đường lối đổi mới của Đảng từ Đại hội VI (1986), các chiến sĩ văn hóa, văn nghệ khắc ghi lời dạy của Bác: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” đã hồ hởi, xung kích vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội với khí thế mới, quyết tâm mới. Từ bỏ cơ chế quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hoạt động văn hóa, văn nghệ có những thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Nghị quyết TW5 (khóa VIII), Kết luận Hội nghị TW10 (khóa IX), Nghị quyết 23 Bộ Chính trị (Khóa X), Nghị quyết 33 Hội nghị TW9 (khóa XI), các Nghị quyết Đại hội XII, XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVIII, XIX của tỉnh và Hội nghị Văn hóa toàn quốc (24-11-2021) của Trung ương tiếp tục xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, là sức mạnh nội sinh góp phần xây dựng, phát triển đất nước.
Bám sát đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của các ban, bộ, ngành Trung ương, những năm qua Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa thường xuyên quan tâm xây dựng phát triển sự nghiệp văn hóa, văn nghệ của tỉnh theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với nhiều loại hình, phương thức hoạt động đa dạng, phong phú. Thiết chế văn hóa từ tỉnh đến huyện, thị, thành phố, xã, phường được rà soát, hoàn thiện theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tỉnh quan tâm lựa chọn, bố trí cán bộ có năng lực, trách nhiệm, đam mê nghề đảm nhiệm các vị trí chủ chốt trong hoạt động văn hóa, văn nghệ. Công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn được duy trì thường xuyên trong năm giúp cán bộ cập nhật thông tin, kiến thức chuyên ngành để nâng cao chất lượng hoạt động. Cơ sở vật chất trang thiết bị hoạt động được đầu tư, cải tạo, nâng cấp đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa, văn nghệ của người dân. Tỉnh chỉ đạo xây dựng các công trình, tác phẩm có giá trị về nội dung tư tưởng, nghệ thuật tham dự các hội thi sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc với hàng nghìn tác phẩm, tác giả đoạt huy chương vàng, bạc, đồng, bằng khen; Tham dự các liên hoan, hội thi văn nghệ không chuyên, triển lãm, trưng bày ảnh nghệ thuật, mỹ thuật toàn quốc, khu vực. Những năm qua nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ có quy mô hoành tráng, có sức lan tỏa cả trong, ngoài tỉnh được tổ chức nhân các ngày kỉ niệm năm chẵn, các sự kiện chính trị của quê hương, đất nước tạo ấn tượng sâu đậm trong mắt bạn bè du khách về đất và người xứ Thanh.
Nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Đảng bộ, chính quyền các cấp nên nhiều vốn di sản vật thể, phi vật thể được bảo tồn, phát huy giá trị. Toàn tỉnh có 1533 di tích được thống kê, phân loại, xếp hạng, trong đó có 6 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt (có 1 di tích là di sản văn hóa thế giới), 99 cụm, di tích thắng cảnh được xếp hạng quốc gia và 706 di tích được công nhận cấp tỉnh. Toàn tỉnh có 18 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Phần lớn các xã, phường trong tỉnh đều xây dựng được các thiết chế văn hóa, văn nghệ như đội văn nghệ, thông tin, câu lạc bộ, thư viện, phòng đọc sách báo, tụ điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao cho người dân. Xã hội hóa được đẩy mạnh đã huy động nguồn lực của nhiều cấp, ngành, tầng lớp xã hội với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tiêu biểu như xây dựng gia đình văn hóa, làng, thôn, xã, phường, cơ quan, trường học văn hóa đi vào chiều sâu chất lượng và gắn kết hài hòa với phong trào Chung sức xây dựng Nông thôn mới. Với những tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, tỉnh đề nghị trao Giải thưởng Nhà nước cho 7 tác giả; có 7 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân và 41 nghệ sĩ ưu tú; có 3 nghệ nhân nhân dân và 62 nghệ nhân ưu tú và nhiều bằng khen của tỉnh trong các năm.
Bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được nêu trên, công tác văn hóa, văn nghệ của tỉnh ta còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Chưa tận dụng và phát huy hết tiềm năng lợi thế, tập hợp sức mạnh trí tuệ đội ngũ cán bộ văn hóa, văn nghệ sĩ chưa tạo bước đột phá, chiếm lĩnh đỉnh cao trong các lĩnh vực hoạt động. Năng lực, trình độ, uy tín của cán bộ văn hóa, văn nghệ sĩ chưa ngang tầm với xu thế phát triển, nhu cầu xã hội; cơ sở vật chất trang thiết bị hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ,… Cơ chế, chính sách cho văn hóa, văn nghệ chưa ngang tầm với kinh tế - xã hội, chậm bổ sung, hoàn thiện, ban hành.
Nhằm đưa sự nghiệp văn hóa, văn nghệ của tỉnh phát triển ở chiều sâu và tầm cao trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 theo chúng tôi thì:
Trước hết, cán bộ làm văn hóa, văn nghệ phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống lành mạnh, có trình độ chuyên môn sâu, có uy tín, thực sự yêu nghề; là chiến sĩ xung kích trong tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chống mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa trong nội bộ”; chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.
Hai là, đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đi vào chiều sâu chất lượng, gắn kết hài hòa với phong trào Chung sức xây dựng Nông thôn mới, các phong trào thi đua khác nhằm huy động sức mạnh toàn xã hội thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển toàn diện; thực hiện thắng lợi mục tiêu “đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước”.
Ba là, rà soát, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển sự nghiệp văn hóa, văn nghệ tương xứng hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ chủ chốt văn hóa, văn nghệ có tâm, có tầm, có năng lực, uy tín nghề nghiệp, thực sự yêu nghề để tập hợp, phát huy sức mạnh trí tuệ của đội ngũ làm văn hóa, văn nghệ; xây dựng nhiều công trình tác phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật xứng tầm, có sức lan tỏa sâu rộng trong và ngoài tỉnh. Thực hiện chế độ thù lao, đãi ngộ, vinh danh cho tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động văn hóa, văn nghệ.
Từ mạch nguồn truyền thống văn hóa của vùng quê “địa linh nhân kiệt”, những chiến sĩ văn hóa, văn nghệ bằng trái tim nhiệt tình, khối óc đam mê, sáng tạo nguyện tiếp bước cha, anh viết tiếp những trang sử vàng của văn hóa, văn nghệ Thanh Hóa trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, phát triển ổn định, bền vững.
                                                                                     

PHẠM MINH TRỊ


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 233
 Hôm nay: 1494
 Tổng số truy cập: 9243661
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa