Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   LÊ PHỤNG HIỂU - NHÂN VẬT LỊCH SỬ ĐƯỢC HUYỀN THOẠI HÓA VÀ THẦN THÁNH HÓA
LÊ PHỤNG HIỂU - NHÂN VẬT LỊCH SỬ ĐƯỢC HUYỀN THOẠI HÓA VÀ THẦN THÁNH HÓA

1. Lê Phụng Hiểu - một nhân vật lịch sử đích thực có nhiều công tích dưới triều Lý Thái Tổ (1010-1028) và Lý Thái Tông (1028-1054) là nhân vật được nhiều sử sách cũ ghi chép từ khá sớm như Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên (1329), Việt sử lược (một tác phẩm khuyết danh được biên soạn ở thời cuối Trần) và Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu - cũng là bộ sử ở thời Trần, v.v…, rồi sau đó đến thời Hậu Lê dựa vào sự ghi chép của các sách cũ trước đó, cộng sự sưu tầm bổ sung mà nhà sử học Ngô Sĩ Liên đã ghi chép về nhân vật lịch sử Lê Phụng Hiểu trong sách Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) một cách cụ thể, súc tích, rõ ràng hơn, nhất là việc dẹp loạn ba vương đến việc bình Chiêm rồi được thưởng ruộng “Thác đao” cùng lời chú và lời bình về Lê Phụng Hiểu.
Để khẳng định Lê Phụng Hiểu là nhân vật tiêu biểu dưới thời Lý (thế kỷ XI), chúng ta hãy cùng nhau xem lại một đoạn ghi chép sau đây của ĐVSKTT như: 
“… Mùa xuân, tháng 2 (1028), vua (tức Thái Tổ) không khỏe. Tháng 3 ngày mồng 1 Bính Thân, nhật thực. Ngày Mậu Tuất vua băng ở điện Long An. Bề tôi đều đến cung Long Đức xin Thái tử vâng di chiếu lên ngôi. Ba vương là Đông Chinh, Dực Thánh và Vũ Đức nghe tin đều đem quân ở phủ mình vào phục sẵn trong cấm thành…
… Khi ấy phủ binh của ba vương vây bức càng gấp. Thái tử liệu không thể ngăn nổi được, nói: “Thế đã như vậy, ta còn mặt mũi nào trông thấy ba vương nữa. Ta chỉ, biết làm lễ thành phục đứng hầu tiên đế, ngoài ra đều uỷ (thác) cho các khanh cả. Bọn Nhân Nghĩa đều lạy hai lạy nói: “Chết vì vua gặp nạn là chức phận của bọn thần. Nay đã được chỗ đáng chết, còn từ chối gì nữa”. Bèn ra lệnh cho vệ sĩ trong cung mở cửa ra đánh, ai cũng vui lòng xông pha, đều là một người địch với trăm người. Quân đánh nhau chưa phân được thua, Phụng Hiểu tức giận rút gươm chạy thẳng đến cửa Quảng Phúc hô to rằng: “Bọn Vũ Đức Vương ngấp nghé ngôi báu, không coi vua nối vào đâu, trên quên ơn Tiên đế, dưới trái nghĩa tôi con, vì thế thần là Phụng Hiểu xin đem thanh gươm này để dâng”. Rồi xông thẳng đến chỗ ngựa của Vũ Đức Vương, Vương quay ngựa tránh, ngựa quỵ xuống, bị Phụng Hiểu bắt giết. Phủ binh của ba vương thua chạy. Quan quân đuổi theo chém giết không sót một mống, chỉ có hai vương Đông Chinh và Dực Thánh chạy thoát được.
Bọn Phụng Hiểu trở về, mặc áo trận đi vào báo tin ở trước linh cửu Thái Tổ, rồi đến điện Càn Nguyên báo cho Thái tử biết. Thái tử uý lạo rằng: “Ta sở dĩ được gánh vác cơ nghiệp to lớn của Tiên đế, toàn vẹn được thân thể của cha mẹ để lại đều là nhờ sức của các khanh cả. Ta thường xem sử nhà Đường thống Uất Trì Kính Đức giúp nạn vua, tự nghĩ là bề tôi đời sau không ai sánh được. Ngày nay gặp biến, mới biết Phụng Hiểu còn trung dũng hơn Kính Đức nhiều”. Phụng Hiểu lạy tạ hai tay nói: “Đức của điện hạ cảm động cả trời đất, kẻ nào manh tâm mưu đồ gì khác thì trời đất thần linh đều làm hết chức phận mà giết đi, bọn thần có công sức gì” (Phụng Hiểu người hương Băng Sơn ở Ái Châu, từ khi còn nhỏ đã có sức vóc hùng dũng. Hai thôn Cổ Bi và Đàm Xá tranh nhau địa giới, toan đánh nhau, Phụng Hiểu bảo người thôn Cổ Bi rằng: “Một mình tôi có thể đánh được bọn họ”. Các phụ lão mừng lắm, làm cơm rượu để thết. Phụng Hiểu ăn một bữa mấy đấu gạo, uống cũng quá mức, rồi đến khiêu chiến với thôn Đàm Xá. Phụng Hiểu cứ đứng thẳng lưng nhổ cây mà đánh tới tấp, nhiều người bị thương. Thôn Đàm Xá sợ phải trả lại ruộng cho thôn Cổ Bi. Thái Tổ nghe danh, dùng làm tướng, thăng đến chức Vũ Vệ tướng quân. Đến đây có công dẹp nạn, thăng Đô thống Thượng tướng quân, tước hầu. Trong khoảng niên hiệu Thiên Cảm, Thánh Vũ (1044-1048) theo Thái Tông đi đánh ở miền Nam, làm tiên phong, phá tan quân giặc, danh tiếng rung động nước phiên. Khi thắng trận trở về định công, Phụng Hiểu nói: “Thần không muốn thưởng tước, xin cho đứng trên núi Băng Sơn ném đao lớn đi xa, đao rơi chỗ nào trong đất công thì xin ban cho làm sản nghiệp. Vua nghe theo. Phụng Hiểu lên núi, ném đao xa đến hơn mười dặm, đao rơi xuống hương Đa Mi. Vua bèn lấy số ruộng ấy ban cho, tha thóc thuế cho ruộng ném đao ấy. Vì vậy người Châu Ái gọi (ruộng) thưởng công là (ruộng) thác đao.
…Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: “Cùng lòng, cùng đức, tất sự nghiệp có thể thành. Có vua, có tôi gian hiểm nào cũng vượt qua được. Thái Tông đương lúc đau xót, biến loạn sinh ngay kẽ nách mà vua tôi xử trí gãy gọn phải lẽ, vượt được hiểm nạn, làm nên sự nghiệp, tông miếu, nhờ đó được vững yên. Không phải là vua tôi gặp gỡ cùng đức cùng lòng mà được như thế ư? Xem sử chép thì tình cảm chân thành của Thái Tông phát ra ở câu nói “Cốt nhục giết nhau” lòng trung phẫn khích của nhân nghĩa tỏ ở chỗ dẫn việc Đường Thái, Chu Công, lòng nghĩa dũng hăng hái của Phụng Hiểu lộ ra ở lúc nhảy ngựa dâng gươm”(*). 
Qua đoạn ghi chép trên của ĐVSKTT, chúng ta thấy Lê Phụng Hiểu là nhân vật lịch sử tiêu biểu ở thế kỷ XI được lịch sử ghi nhận và đánh giá rất cao bởi một số công lao chủ yếu như sau: 
- Công lao dẹp “loạn tam vương” ở thời điểm Lý Thái Tổ vừa mất và chưa phát tang để giữ ngôi vị cho Lý Thái Tông - người được Thái Tổ lựa chọn và di chúc cho làm người kế vị, nhờ đó mà kỷ cương, trật tự của triều đình nhà Lý được lập lại một cách nhanh chóng, mà trước hết là giúp vị vua kế vị Thái Tổ là Thái Tông giữ được ngôi báu để điều hành đất nước trong thời khắc lịch sử đầy biến động sau khi Lý Thái Tổ vừa mất. Cũng theo sự ghi chép ĐVSKTT cho biết thì sau khi dẹp xong “loạn tam vương”, chính Lý Thái Tông (tức Lý Phật Mã) đã đánh giá công lao và lòng trung nghĩa của Lê Phụng Hiểu còn hơn cả Uất Trì Kiến Đức dưới triều Đường (Trung Quốc). Và cũng theo đánh giá của Lý Thái Tông thì “Lòng nghĩa dũng, hăng hái của Lê Phụng Hiểu lộ ra ở lúc nhảy ngựa dâng gươm”. Rồi trong lúc hỗn chiến giữa quân túc vệ với quân phản phúc của ba vương với tương quan lực lượng một người phải chống trả lại trăm người thì chỉ một mình Lê Phụng Hiểu nhảy ngựa vung gươm chém chết Vũ Đức Vương và dẹp xong quân phản nghịch để bảo vệ và giữ yên quốc thống chính là một nghĩa cử, một hành động cao cả, ngời sáng của tư tưởng trung quân, ái quốc mà ít ai có được. 
- Công lao bình định Chiêm Thành ở phía Nam đất nước mà ĐVSKTT chép rõ là “làm tiên phong, phá tan quân giặc, danh tiếng rung động cả nước phiên”. Nhờ đó mà sau chiến thắng trở về, chiểu theo nguyện vọng, Lý Thái Tông đã ban thưởng ruộng “thác đao” cho Lê Phụng Hiểu.
Như vậy, công lao to lớn, nổi bật của danh tướng Lê Phụng Hiểu mà sử sách cũ ghi chép cũng chỉ tập trung công lao ở việc dẹp “loạn ba vương” và việc dẹp giặc Chiêm Thành ở phía Nam, nhưng ông vẫn được đánh giá và ngợi ca là một nhân vật lịch sử tiêu biểu dưới triều Lý (thế kỷ XI). Và sau này, cho đến vương triều Nguyễn - vương triều cuối cùng trong nghìn năm phong kiến ở nước Việt ta, nhân vật lịch sử tiêu biểu Lê Phụng Hiểu đã được lựa chọn để đưa vào thờ phụng ở Miếu Lịch đại đế vương bên cạnh nhà Thái Miếu và Thế Miếu ở Cố đô Huế cùng với các nhân vật tiêu biểu ở các triều đại lịch sử khác nhau. Đó là một minh chứng để thấy được sự đánh giá của lịch sử và dân tộc là rất công bằng, khách quan. Cũng chỉ cần được sử sách ghi chép ngần ấy công lao, sự kiện trên, nhưng nhân vật lịch sử Lê Phụng Hiểu từ nhiều đời nay vẫn luôn xứng đáng được ngợi ca là một con người trung nghĩa, anh hùng, quả cảm luôn hết mình vì đại sự Quốc gia, dân tộc. Vì vậy mà từ một nhân vật lịch sử có thật 100% dưới triều Lý (thế kỷ XI), Lê Phụng Hiểu đã được dân gian hóa thành nhân vật huyền thoại và được nhiều nơi trong tỉnh, trong nước suy tôn là bậc thần thánh linh thiêng với cái tên dân dã, thân thuộc là vị Thánh Bưng, Thánh Tến, v.v… 
2. Về việc nhân vật lịch sử Lê Phụng Hiểu được dân gian chuyển hóa thành nhân vật, huyền tích, huyền thoại một cách khá đậm nét chính là một hiện tượng độc đáo, hiếm gặp trong hệ thống các nhân vật lịch sử ở Việt Nam. 
Đối chiếu qua hệ thống nhân vật lịch sử của Việt Nam từ các thời Đinh - Lê (Tiền Lê) - Lý - Trần - Lê - Nguyễn, các vị vua như Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lý Thái Tổ rồi Lê Thái Tổ, v.v… thì thấy vị nào cũng được ghi chép về những điều khác thường so với người đời (như về nguồn gốc xuất thân, hay tướng mạo và tính cách khác lạ), nhưng không phải, hay chưa phải là những tích truyện của các nhân vật huyền thoại, hay của các thần linh. Còn ở Lê Phụng Hiểu - một con người có thật dưới thời Lý (thế kỷ XI) lại xuất hiện và hành động mà sử sách ghi chép, hay dân gian tương truyền lại giống như là ba nhân vật có tính chất và màu sắc khác nhau: Đó là một nhân vật lịch sử có thật 100%, rồi là một nhân vật huyền thoại và một nhân vật thần linh được dân gian “thiêng” hóa thành Thánh Bưng, Thánh Tến. Điều đó đã làm cho Lê Phụng Hiểu trở thành một con người đặc biệt mà bất kỳ ai ở xứ Thanh, nước Việt cũng đều muốn nhắc đến tên tuổi và chiến công đã làm nên trong lịch sử để rồi cầu mong được che chở và ban phát những sự may mắn, tốt lành cho gia đình, bản thân, v.v… Và trên thực tế, Lê Phụng Hiểu đã thực sự trở thành một anh hùng văn hóa trong thế giới folklore vì đã được dân gian huyền thoại hóa như những nhân vật huyền thoại của thời tiền sử rất xa xưa. 
Qua những câu chuyện truyền thuyết mà dân gian thêu dệt, chúng ta thấy Lê Phụng Hiểu cũng có sự xuất thân đặc biệt như con trời, con thánh, con thần nên từ lúc tuổi thơ, cho đến lúc tráng niên, có lúc tưởng như là Thánh Gióng (Phù Đổng Thiên Vương), có lúc lại có sức vóc như một nhân vật khổng lồ có sức mạnh bê núi, đào sông, gây núi, gây rừng, v.v… Rất thú vị là những mẩu chuyện về cuộc đọ sức với ông Vồm và quật ngã ông Vồm thành núi Vồm, mà ông Vồm chính là vị khổng lồ trong thế giới thần thoại từ rất xa xưa phải chịu lép vế trước ông Bưng - Lê Phụng Hiểu ở thế kỷ XI. Rồi có cả những chuyện ông lại đánh thắng cả Cao Vương (tức Cao Biền) - nhân vật người Hán ở đất Việt hồi đầu Công nguyên. Và ngoài những câu chuyện Lê Phụng Hiểu chiến đấu và chiến thắng các thế lực trong xã hội, tự nhiên, chúng ta còn được biết đến chuyện ông đến vùng đất Bình Lâm giết hổ để cứu giúp dân làng, rồi khi giết được hổ dữ, ông để lại thanh kiếm rồi bay về trời giống như Thánh Gióng sau khi diệt xong giặc Ân, v.v… Ông còn được mô tả giống Thánh Gióng ở các nết ăn khỏe, nhờ đó mà ông mới có sức khỏe nhổ cả bụi tre để đánh nhau với làng Đàm Xá để đòi lại đất cho làng Cổ Bi. Tương truyền cũng nhờ tiếng tăm về sức lực phi thường này mà Lê Phụng Hiểu đã được Lý Thái Tổ tuyển dụng vào triều để làm đến chức Vũ vệ Tướng quân mà chính sử cũng đã chép…
Có thể nói những câu chuyện truyền thuyết, huyền thoại, thần tích viết về Lê Phụng Hiểu là khá phong phú. Và các sách xưa cũng đã ghi chép được nhiều sự tích lưu truyền trong dân gian từ rất sớm như Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh và các sách khác ở các thời kế tiếp cho đến thời cận - hiện đại. Vì giới hạn bài viết không cho phép kéo dài nên chúng tôi chỉ tóm lược và khái quát ngắn gọn về việc Lê Phụng Hiểu được huyền thoại hóa cụ thể như thế nào.
Phải nói rằng những mẩu chuyện truyền thuyết và huyền thoại về Lê Phụng Hiểu không phải là tư liệu lịch sử, nhưng lại chứa đựng tinh thần của lịch sử và có tác dụng tô điểm cho nhân vật được người đời và sử sách ngợi ca. Vì vậy mà nhờ những công lao đóng góp cho sự ổn định, phát triển của vương triều Lý và công lao trong cuộc chiến bình Chiêm mà sau khi mất Lê Phụng Hiểu còn được triều đình gia phong là Đô thống Khuông quốc vương, rồi sau đó lại được gia phong là Tá Thánh. Ở đền thờ chính của ông còn được ban nghi lễ quốc tế với duệ hiệu tối cao là Thượng đẳng thần.
3. Về việc Lê Phụng Hiểu được phong thần sau khi mất, rồi lại được dân gian một số nơi ở huyện Hoằng Hóa, xứ Thanh, nước Việt suy tôn là vị Thánh thiêng với tên gọi nôm na là Thánh Bưng, Thánh Tến cũng là một hiện tượng hiếm gặp so với nhiều nhân vật lịch sử danh tiếng khác.
Theo sách “Thanh Hóa chư thần lục” - một bộ sách thống kê các vị thần của tỉnh Thanh Hóa được biên soạn dưới triều Nguyễn, vào năm 1903 thì Lê Phụng Hiểu (tức Lê Đốc Thống tôn thần) được 14 nơi ở trong tỉnh thờ là: xã Trung Hy, thôn Văn, thôn Độ, thôn Đông Hà, Nhân Mỹ, thôn Trì Trọng, xã Quỳ Chử, thôn Đông Trung, thôn Thịnh Mỹ, thôn Xuân Sơn, huyện Mỹ Hóa (tức huyện Hoằng Hóa nay). Xã Bình Lâm, huyện Tống Sơn. Nhưng trên thực tế còn có thêm một số đền mới lập ở một số làng khác. Ngoài ra, nếu tính cả các địa phương như Nghệ An và các tỉnh, thành ở vùng đồng bằng Bắc Bộ thì cả nước có tới trên ba chục nơi thờ Lê Phụng Hiểu. Riêng ở cố đô Huế, Lê Phụng Hiểu còn được thờ ở miếu Lịch đại đế vương (bên cạnh Thái miếu và Thế miếu) - nơi thờ các nhân vật tiêu biểu ở các thời đại lịch sử trong nước như thời Hậu Lê, nhà Nguyễn cũng chỉ chọn 3 người để thờ ở miếu Lịch đại đế vương là Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông và Lê Trang Tông. Điều đó chứng tỏ nhà Nguyễn đã đánh giá Lê Phụng Hiểu rất cao. Qua tìm hiểu thì các triều đại đều có sắc phong thần cho Lê Phụng Hiểu sau khi ông mất.
Riêng về việc được dân gian suy tôn là Thánh Bưng là ở hương Băng Sơn (nay thuộc xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa) - nơi có đền thờ ông ở chân núi Bưng mà truyền thuyết nói là ông được vua Thái Tông ban thưởng ruộng “thác đao” sau khi bình Chiêm về bằng hình thức đứng trên đỉnh núi Bưng, quăng đao xa đến đâu thì ruộng được thưởng đến đó, còn là Thánh Tến là ở thôn - xã Quỳ Chử (thuộc xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa bây giờ). Tuy nhiên, người gần xa vẫn biết rõ Thánh Bưng, hay Thánh Tến tức là vị thần thiêng Lê Phụng Hiểu.
Theo tương truyền thì Thánh Bưng, hay Thánh Tến đã từng phù hộ Lê Thái Tổ đánh thắng giặc Minh và nhà Lê Trung Hưng đánh dẹp được quân Mạc sau mỗi lần đến đền thờ cầu cúng ông. Một điều đáng chú ý nữa là những nơi có đền thờ Lê Phụng Hiểu không gọi là Thánh Bưng, Thánh Tến thì lại gọi là Đại vương. Các nơi có đền thờ - đều mở hội hàng năm vào ngày mùng 8 tháng 3 với đầy đủ các tiết mục như: rước kiệu, tế lễ, xướng ca, chèo chải, đấu võ, đấu vật và đánh phết, v.v… 
*
Tóm lại, Lê Phụng Hiểu - nhân vật lịch sử dưới triều Lý (thế kỷ XI) là người có công lao dẹp loạn tam vương, ổn định triều chính và bình định giặc Chiêm ở đất phương Nam nên được sử sách xưa ghi chép và ngợi ca hết lời như một thần tượng trung dũng, kiên cường hết lòng vì nước và vì nghĩa lớn. Với những gì mà ông đã đóng góp công lao cho đất nước, quê hương mà ông đã được dân gian huyền thoại hóa và suy tôn là bậc thánh thần linh diện. Và trên thực tế lịch sử thì từ sự huyền thoại và suy tôn ấy mà sau nhiều thế kỷ mà ông vẫn được nhắc tới như một thần tượng vô cùng đáng kính rất đáng được ngưỡng mộ, ngợi ca trong tâm thức người Việt ở Thanh Hóa nói riêng và trong nước nói chung. Cũng nhờ được huyền thoại hóa và suy tôn là bậc thần thánh linh thiêng mà từ xưa tới nay, ông đã trở thành một anh hùng văn hóa trong thế giới tâm linh. Và rất đáng tự hào vì ở các đô thị, tỉnh, thành lớn nhỏ trong cả nước, chỗ nào cũng chọn tên ông làm tên đường phố và các công trình công cộng như trường học, vườn hoa, quảng trường, v.v… 
Nói chung, Lê Phụng Hiểu từ một nhân vật lịch sử được hóa thân thành nhân vật huyền thoại và thánh thần linh thiêng trong đời sống dân gian là một hiện thực độc đáo mà ít ai có được. Vì vậy mà tên tuổi, sự nghiệp sẽ còn sống mãi với thời gian và trong tâm thức nhân dân.
                                                                                                   

PHẠM TẤN


(*) Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr.248- tr.250.


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 100
 Hôm nay: 4829
 Tổng số truy cập: 9242019
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa