Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   NGƯỜI CHIẾN SĨ ĐIỆN BIÊN ẤY!
NGƯỜI CHIẾN SĨ ĐIỆN BIÊN ẤY!

Người mà tôi muốn nói đến là một cựu chiến sĩ Điện Biên, bác Nguyễn Huy Sanh. Cách đây đúng 10 năm, tại Mù Cang Chải (Yên Bái), tôi đã bất ngờ gặp bác. Khi đó bác đang trên đường trở lại chiến trường xưa nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tháng 5-2014. 
Bác Nguyễn Huy Sanh sinh năm 1930 tại vùng đất nổi danh khoa bảng xứ Thanh, đó là xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa. Dưới thời Nguyễn, so với các làng khoa bảng ở miền Bắc nước ta, số người đỗ từ Cử nhân đến Tiến sĩ của làng Lưỡng Bột (xã Hoằng Lộc) là 27 người, đứng thứ 3, chỉ sau làng Hành Thiện (Xuân Trường - Nam Định) 88 người và Đông Ngạc (Từ Liêm - Hà Nội) 42 người. Dưới thời phong kiến, tỉnh Thanh Hóa có 206 người đỗ đại khoa thì xã Hoằng Lộc có 12 người. Thân phụ bác Nguyễn Huy Sanh là cụ tú Nguyễn Huy Cừ, một nhà nho yêu nước. Cụ là nhà giáo, thầy thuốc đông y, từng là Nghị viên Hội đồng dân biểu Trung kỳ thời cụ Huỳnh Thúc Kháng làm Viện trưởng. Sau Cách mạng tháng 8-1945, cụ làm Chủ tịch Mặt trận Việt Minh Liên Việt, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa. 
Tiếp bước truyền thống quê hương, gia đình, năm 17 tuổi bác Nguyễn Huy Sanh nhập ngũ và được cử đi học khóa 5 trường võ bị Trần Quốc Tuấn và tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, bác Nguyễn Huy Sanh được phân công về công tác tại Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1957, với quân hàm Trung úy bác được biệt phái sang công tác tại Bộ Văn hóa để rồi từ đó gắn bó trọn đời với lĩnh vực Văn hóa nước nhà. Sau 16 năm làm việc tại Bộ Văn hóa, năm 1973 bác Nguyễn Huy Sanh về quê hương Thanh Hóa và đảm nhận các cương vị Phó Ty rồi quyền Trưởng ty Văn hóa, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, Giám đốc Nhà xuất bản Thanh Hóa. Đến năm 1990 bác nghỉ hưu tại quê nhà. 
Xuất thân quân ngũ nhưng bác Nguyễn Huy Sanh có 33 năm gắn bó với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Đây là quãng thời gian bác dành nhiều tâm huyết, công sức cho công việc quản lý và sáng tạo. Đến khi nghỉ hưu bác lại đi sâu nghiên cứu, sáng tác, dịch thuật và cho ra mắt nhiều tác phẩm. Bác đã cho xuất bản trên 50 đầu sách với nhiều thể loại như tiểu thuyết, truyện lịch sử, truyện ngắn, ký, kịch bản sân khấu, lý luận mỹ học, triết học, kinh dịch phương Đông, đông y học… Với thành quả lao động đáng khâm phục như vậy bác lại rất khiêm nhường khi nói về mình. Bác từng chia sẻ: “Tôi chỉ là một người làm công tác trong ngành văn hóa lâu năm, có nghiên cứu một số vấn đề về văn hóa nên tạm gọi là nhà nghiên cứu văn hóa. Tôi cũng từng viết văn, in được vài tác phẩm, tấp tểnh làm nhà văn, được mấy anh em văn nghệ đồng hương phong cho chức nhà văn. Kể từ khi về hưu, có thời gian rảnh rỗi. Tôi đi sâu vào lĩnh vực phong tục tập quán đến Kinh Dịch, phong thuỷ, đã dịch và in một số sách. Tôi cũng đi vào dịch các sách y học cổ truyền vì đó là nghề truyền thống của gia đình”. 
Trong gia đình, được bác chăm lo dạy dỗ nên cả ba người con trai của bác đều thành đạt, tiếp nối truyền thống quê hương. Anh con đầu Nguyễn Huy Sơn là đạo diễn, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Thanh Hóa, anh con thứ Nguyễn Huy Văn, kiến trúc sư, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch kiến trúc Thanh Hóa và người con út Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Thanh tra Ngân hàng Nhà nước. 
Qua cuộc đời của bác Nguyễn Huy Sanh chúng ta có thể thấy được hình ảnh một thế hệ trí thức, những kẻ sĩ của những năm đầu đất nước độc lập thật lấp lánh. Họ sẵn sàng tham gia quân đội, xả thân để bảo vệ nền độc lập nước nhà khi cuộc chiến tranh vệ quốc xảy ra. Hòa bình họ lại vui vẻ chấp hành mọi sự phân công của tổ chức. Ở bất cứ đâu, ở cương vị nào họ cũng nêu cao phẩm chất cao quý là lao động miệt mài, liêm chính công tâm, có phẩm cách đúng mực, ứng xử khiêm tốn, sống nhân ái giản dị, trung thực và hòa đồng. Điều đáng khâm phục ở bác Nguyễn Huy Sanh là luôn suy nghĩ tìm tòi, trăn trở với lịch sử, tư duy sáng tạo và không ngại cái mới. Tuy tuổi cao nhưng luôn lạc quan yêu đời, miệt mài làm việc đến những ngày cuối đời. 
Là thế hệ con cháu, lại may mắn có thời gian công tác cùng ngành, tôi có đôi ba dịp được gặp gỡ, tiếp chuyện bác. Năm 2017, khi biết tin bác về với tổ tiên, ngay trong đêm tôi cầm tay lái chạy vội về quê nhà thắp cho bác nén hương. 
Những ngày cả nước đang tưng bừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên, tôi lại nhớ đến cựu chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Huy Sanh, nhớ lại cuộc gặp mặt với bác cách đây 10 năm. Một con người, một thế hệ mà bây giờ nhìn lại ta thấy khâm phục và tự hào tự đáy lòng mình!
                                

NGÔ HOÀI CHUNG


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 267
 Hôm nay: 1591
 Tổng số truy cập: 9243758
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa