LỄ PỒN PÔÔNG ENG CHÁNG MỘT VỞ BI KỊCH THƠ DÂN GIAN MƯỜNG
Trong văn học - nghệ thuật dân gian Mường có thể loại Lễ Pồn Pôông. Đã gọi là lễ thì ít nhiều mang chất tâm linh, lễ là cho các bậc thần thánh, còn hội là phù hợp với lễ nhưng để cho người trần thế vui chơi.
Nhiều người đã biết Lễ Pồn Pôông ma vua được các nghệ nhân ở Ngọc Lặc trình diễn hay Lễ Pồn Pôông ở xã Cẩm Thành (Cẩm Thủy) đều là lễ tri ân các vị thần sư, các ông bà đồng, các thầy thuốc đã có công chữa bệnh cho con mày, con nuôi. Còn hội ở các buổi lễ này là diễn ra các trò vui nhộn dân gian: phản ánh sản xuất, săn bắn, cày cấy hái lúa, giã gạo, tìm thuốc quý. Hoặc hát ru hoặc xường đối đáp giữa con mày và con nuôi với các thầy bà và giữa con mày, con nuôi với nhau trong ngày lễ. Nội dung các bài hát là ca ngợi công ơn, đức độ của các vị thần sư và các thầy bà, tình bạn bè con mày, con nuôi với nhau.
Khác hẳn với Pồn Pôông trên, Lễ Pồn Pôông Eng Cháng (Song ngữ)(*) là một bản minh oan, chiêu tuyết cho những chàng trai, cô gái trẻ mang mối hận tình oan khuất. Đó là cách làm độc đáo.
Ở xã hội xưa kia của người Mường, con trai, con gái lớn lên được “Pồn vảo dông mài” yêu đương như có vẻ tự do, nhưng đi đến hôn nhân phải do cha mẹ định đoạt. Thường các cha mẹ muốn gả con vào nhà giàu có, quyền thế, có lắm vàng bạc, dưới sân lắm trâu nhiều bò, trên nhà giàu cơm xôi lúa nếp. Chế độ cưới xin xưa của người thường là chế độ gả bán, bán nhiều hơn là gả. Cái thiệt, cái hại trước hết thuộc về những chàng trai nghèo và đau khổ hẫng hụt khi bước vào đời lại thuộc về những cô gái có tình yêu chân chính tự do, thủy chung với người mình yêu.
Với những “chế định”, những phong tục nghiệt ngã như vậy, trong thực tế đời sống biết bao đôi trai gái đã phải ngậm đắng nuốt cay, không ít những bi kịch đã diễn ra. Trong dân ca Xường, rang có biết bao nhiêu áng bi ca. Đặc biệt trong các bản tình ca mà thường gọi là truyện thơ còn để lại những hình ảnh nghệ thuật lấp lánh nhưng cũng đầy bi tráng đẫm nước mắt như các đôi trai đẹp, gái lành: Nàng Nga - Đạo Hai Mối; Nàng Út Lót - Đạo Hồi Liêu và Nàng Ờm - Chàng Bông Hương. Những đôi trai gái này họ đã yêu nhau tha thiết và xây mộng đời đẹp cùng nhau, hứa không bao giờ xa nhau dù có “trời long đất lở”. Khi bị cản trở rẽ thúy chia uyên họ đã chống lại. Vượt lên những trở lực họ đã chống lại cường quyền, thần quyền nhưng không cân sức, họ đành phải cùng nhau quyên sinh để giữ trọn mối tình lứa đôi thủy chung, son sắt. Cái chết của họ để lại bao oán sầu, ân hận, tiếc thương với người chết đã đành và cả người sống trên cõi đời, nhất là những bậc cha mẹ, anh chị có con, em trong cùng cảnh ngộ luôn phải ân hận, dằn vặt, tâm thần bất an và đôi khi sinh ra ốm đau. Trong dân gian cho rằng đó là hồn oan khuất của những con người bất hạnh đó trở về quấy quả. Vì vậy cần phải làm Lễ Pồn Pôông, tức là chơi bông giỡn hoa để xua đi nỗi oan khuất, chiêu tuyết cho những mối tình trắng trong. Với người nhà cũng vơi đi những cái nợ với người đã khuất. Không biết ở bên kia thế giới những đôi trai gái ấy có được giải oan không, nhưng trước hết những người còn sống trút đi phần nào được gánh nặng ân hận đè lên cuộc đời. Lễ Pồn Pôông này do các gia đình có người bị oan khuất đứng ra tổ chức, mời bà đồng là người thờ vong hồn các chàng trai, cô gái bị oan khuất tiêu biểu làm thần sư. Ở đây có điểm đáng chú ý là quan điểm của dân gian. Chỉ có những người đã từng đau khổ mới có thể cứu những thân phận khổ đau. Lễ Pồn Pôông chiêu tuyết cho những mối tình oan khuất của người Mường ở Thanh Hóa biến thành một vở kịch thơ rất độc đáo. Xưa nay và đó đây có biết bao truyện bi tình đầy nước mắt, biết bao những bài bi ca, nhưng chưa tìm đâu thấy dựng thành bi kịch thơ để chiêu tuyết. Bao nỗi oan xưa, muốn được giải, họ phải mời thầy bà lập đàn chay, đàn tràng với trống mõ inh ỏi, với gươm khua, lời quát nạt ma quỷ ầm ĩ. Vậy mà để giải oan cho những mối tình ở đây lại là những lời ca ngọt ngào với sự trình diễn của kịch đặc sắc chưa thấy ở đâu có được. Thế ra văn học, nghệ thuật cũng có thể chữa vơi đau khổ và làm lành những vết thương lòng chăng!
Lễ Pồn Pôông chiêu tuyết cho những mối tình oan khuất còn có tên gọi là Lễ Pồn Pôông Eng Cháng. Qua sự diễn trình và diễn xướng, tác phẩm dân gian này đã thành một vở bi kịch thơ dân gian Mường với những yếu tố tuy còn đơn sơ nhưng gần với hiện đại.
Trước hết nó có kịch bản. Xưa cha ông ta nói “Có tích mới dịch nên trò”. Kịch bản khi diễn xướng có thứ tự, có màn có lớp; có sân khấu, có nhân vật, có mâu thuẫn, có đối thoại, có chất bi, có chất thơ. Thơ ở đây không phải để đọc mà là ca theo làn điệu rang của người Mường. Người tham gia diễn xuất ở đây thực sự là những nghệ nhân chứ không phải ai cũng có thể diễn và có giọng tốt để hát suốt cả một đêm từ đầu hôm cho tới sáng.
Trước khi đi vào một nội dung chính của vở kịch, chúng ta hãy làm rõ những điều nói ở trên.
Kịch bản của trò này là trong nhà đã từng có con hay em đã yêu tha thiết người yêu nhưng bị ngăn cản lại còn bắt phải đi lấy người khác. Quá đau khổ họ đành phải quyên sinh. Hồn oan dưới suối vàng đang rất ấm ức, trong gia đình người thân sống không được yên ổn, an lành. Vì vậy cần phải được chiêu tuyết bằng một lễ để được minh oan cho mối tình của người đã khuất. Vở kịch chia làm năm màn.
- Màn thứ nhất: Anh chàng và cô nàng gặp nhau thăm hỏi, tìm hiểu nhau.
- Màn thứ hai: Biết được hai người ai cũng “còn không”, họ chơi bông chơi hoa với nhau hồn nhiên vui vẻ của tuổi trẻ. Dần dần xiêu lời, mến tiếng nhau, rồi yêu nhau thắm thiết, những ước mong nên cửa nên nhà và cùng hứa không bao giờ xa nhau dù có “trời long đất lở”.
- Màn thứ ba: Đôi bạn đang yêu nhau đằm thắm như không thể rời nhau, thì chàng trai có việc phải đi xa. Màn kịch thể hiện sự bịn rịn, lưu luyến không muốn rời nhau. Người con gái lau “nước mắt chảy đầy má non” tiễn đưa và họ hứa với nhau giữ mãi mối tình, chàng trai dặn lại, chờ đợi anh “đừng để cho ai vít cành dâu non hái lá”. Nàng tiễn anh một chặng đường xa nơi non xanh núi thẳm “nghe tiếng vượn ru con mới trở lại”. Chàng đi rồi người con gái ở lại hết nhớ lại mong. Than thở, tự nhủ lòng chờ đợi. Trong suốt vở kịch đều có đối thoại, riêng ở màn này tác giả dân gian để cho nhân vật độc thoại thể hiện lòng thủy chung, tính cách của nhân vật. Khi cha mẹ bắt phải đi lấy chồng, cô con gái không nghe, bị mắng mỏ, đánh đập, bị vùi dập, trong lúc ấy người yêu đi xa đã qua bao mùa măng đắng, bao đêm chim từ quy kêu khàn trong đêm vắng vẻ.
- Màn thứ tư: Sau bao ngày xa vắng chàng trai trở về gặp lại người tình, những mong ước mộng đẹp sẽ thành hiện thực. Lòng chàng đang vui, háo hức bao nhiêu thì được biết người yêu đã có chồng. Chàng trai rơi vào tâm trạng buồn nản đến rã rời. Người con gái ra sức an ủi, cao trào kịch ở màn này lên cao nhất. Ở đây dồn lại mâu thuẫn và cũng dềnh lên yếu tố bi và không lối thoát. Các tác phẩm “Nàng Nga - Đạo Hai Mối”; “Nàng Út Lót - Đạo Hồi Liêu”; “Nàng Ờm - Chàng Bông Hương”, các đôi trai gái đều quyên sinh. Ở nước ngoài vở bi kịch Rômêô và Juliét của đại văn hào Sếcxpia cũng để cho đôi tình nhân này phải chết. Nhưng ở vở kịch dân gian chiêu tuyết cho mối hận tình của dân tộc Mường không để cho họ chết trên sân khấu vì thực tế họ đã chết trong quá khứ, cũng là một cách giải quyết hay. Sau màn này còn có màn cuối, màn thứ 5 với tính chất vĩ thanh. Ở màn này có chi tiết mua bán bông hoa và cũng kết thúc Lễ Pồn Pôông, một nhân vật có lời rằng:
Nhà ông Chủ Áng
Đã dứt công rồi nợ
Dứt như chài lưới dưới sông.
Và:
Tháng này năm nữa mai sau
Không còn phải lo làm lễ lại.
Như vậy sự oan trái trong tình yêu trên cõi đời này từ nay cũng chấm dứt. Đó là một sự mong ước.
Nhân vật trong vở kịch hay trong Lễ Pồn Pôông này có hai nhân vật chính là người con trai: Đạo Chàng do bà đồng lên đồng nhập vai Đạo Chàng. Vai này không phải là người trần gian mà là hồn của chàng trai có mối tình bị oan khuất nhập đồng. Nhân vật thứ hai là người hát đối đáp với Đạo Chàng đóng vai cô gái, người yêu Đạo Chàng lại là người trần gian. Vở kịch thơ hay Lễ Pồn Pôông hát bằng làn điệu rang nên gọi người này là người “trả rang”. Vì âm phủ và dương gian cách biệt nên hai nhân vật hát với nhau suốt đêm bằng lời đưa đi đáp lại rất đằm thắm, thiết tha mà suốt đêm không gặp mặt nhau, chỉ có một lần chạm mặt trên sân khấu khi trời đã sáng, lúc tàn cuộc. Đây cũng là một sự lạ, độc đáo của Lễ Pồn Pôông hay vở kịch này. Có ở đâu diễn ra một sự kiện như thế này không, còn cần phải nghiên cứu tìm hiểu. Thực ra thì còn một nhân vật nữa là nhân vật tạo nên kịch tính - mâu thuẫn và đi đến bi kịch lại không xuất hiện. Đó là nhân vật, thế lực cản trở trong bóng tối là cường quyền, thần quyền, những phong tục lạc hậu mà thấp thoáng sau bóng cha mẹ, mà trong vở kịch này chỉ được nói đến chứ không xuất hiện. Cuối cùng có một nhân vật phụ: Thằng Tịu (Lâu Tiu) xuất hiện với chân đi tập tễnh, quãy đôi thúng vừa đi vừa hát nghêu ngao. Anh ta đi nhặt bông gánh hoa cho hàng xứ khi tàn cuộc lễ.
Sân khấu ở vở kịch hay buổi lễ này cũng rất đáng nói. Sân khấu ở đây khá rộng và quy mô không nhỏ, suốt từ gian chái cầu thang nhà gác đến suốt cả sân rộng bên ngoài nhà gác. Trên sân khấu, nhìn từ phía trong nhà ra có phản kê cao, có lụa vải che mâm mời thần sư và nơi hành sự của bà đồng. Phía xa hơn một chút có một lều riêng cho người “trả rang” là người đóng vai nàng con gái. Nơi này được che kín. Ngoài sân có rặng cây hoa gồm 7 cây hoa nến làm lễ giải oan cho con trai và 9 cây hoa nến là giải oan cho con gái. Cây bông được xếp đều có khoảng cách qua lại được làm hai hàng 3 - 4 hoặc 4 - 5. Gần như suốt đêm diễn, nhân vật Đạo Chàng hát đối thoại trên sân khấu bên cây bông. Cây bông có nhiều tầng, nhiều lớp. Bông hoa nói ở đây là hoa gỗ, nhưng được đẽo gọt từ loại cây rất trắng mềm dẻo, hoa có hình đồng tiền nhiều lớp và được quét nhuộm phẩm màu rồi được cắm vào các thanh nan tre mỏng mảnh nhìn sinh động. Các chùm bông được cắm vào các cây chuối làm cây bông. Các cây bông này thấp dần và ít bông dần từ phía trong ra ngoài. Hai bên có đài thờ trên đó có hương đèn, trầu, rượu, hoa quả đặt vào hai mâm, mỗi mâm có 10 cái bánh dì nhỏ. Ở đó là thờ những vong hồn bị oan khuất. Dưới các đài thờ này có dàn nhạc ống được tấu lên rất rộn rã trước khi vào diễn. Ngoài xa nữa có dàn trống dàn một bộ hoặc hai được tấu lên dồn dập như thôi thúc. Các dàn nhạc này chỉ được thực hiện lúc đầu và kết thúc, còn khi đang hát có sáo ôi cất lên đệm cho các câu hát. Khi vào cuộc có rất đông người đến dự, đến xem gồm những thanh niên, trung niên và người già. Họ đến dự để nghe rang, xem sự việc mà đời họ từng qua. Đây không phải là chợ tình như ở đâu đó, nhưng không phải không có những người đã từng yêu nhau, nhưng rồi phải xa nhau, đêm nay nhân có dịp này họ cũng gặp lại nhau.
Bản thân chúng tôi đã khán dự, những đêm như thế này thấy người đông hẳn, và không ai bỏ cuộc ra về sớm hơn. Họ đến để nghe hát, nghe đối đáp. Những người trung niên, người già để tìm lại những ký ức non tươi một thời. Bởi ở cái xã hội xưa mấy ai được xây dựng gia đình từ tình yêu, có thể có nghĩa rồi mới có tình, còn nhiều người sống với nhau vì nghĩa trong ký ức vẫn thấp thoáng một bóng hình... Đến đây như được giải tỏa một phần. Chính đó cũng là giá trị của tác phẩm đã nói là kịch phải có mâu thuẫn và đối thoại dù là kịch nói hay kịch thơ, dù là hài kịch hay bi kịch và dù là tính chất chúng có khác nhau.
Mâu thuẫn trong Pồn Pôông Eng Cháng không phải là mâu thuẫn giữa Đạo Chàng và Cô Nàng, họ cùng một tuyến. Tuyến bên kia mang tính xã hội mà đại diện là cha mẹ không xuất hiện chỉ được nói tới, nhưng rất to lớn, mạnh mẽ. Cuộc đấu tranh không cân sức. Chính đây là giềng mối của mâu thuẫn. Cái mâu thuẫn giữa cái đẹp, trong sáng, chân chính với cái thấp hèn, thô bạo, cái gò bó thiếu tự do. Trong xã hội xưa, cuộc đấu tranh không cân sức ấy, cái thắng lợi chưa đến được với cái cao đẹp, trong sáng tất yếu nảy sinh yếu tố bi - cái bi xuất hiện. Cái bi trong Pồn Pôông Eng Cháng chưa giải quyết được mâu thuẫn. Tác giả dân gian không để cho các nhân vật chàng trai, cô gái chết trên sân khấu mà như để mọi người mang cái bi đó trong suốt cuộc đời!
Pồn Pôông Eng Cháng như một vở bi kịch thơ dân gian. Trên kia tôi đã nói tới kịch bản, nhân vật, sân khấu, mâu thuẫn, cái bi trong tác phẩm, nếu không đề cập tới đối thoại là một sự thiếu sót. Nhưng khuôn khổ của bài viết không thể nói hết được vì cả tác phẩm với 1.236 câu là những cuộc đối thoại dài.
Cuộc đối thoại đầu tiên là người con trai: Đạo Chàng dò hỏi cô gái một cách ý nhị:
- Nương rau dền nhà em/ Đã ai đến gieo vãi/ Ruộng rau cải nhà em/ Đã ai đứng rào/ Vũng cá suối sâu nhà em/ Đã ai buông chài thả lưới?
Cô gái đáp lại:
- Thương thế anh ơi/ Nương rau dền nhà em/ Chưa ai đứng rào/ Vũng cá suối sâu nhà em/ Chưa ai tung chài thả lưới/ Em là phận con gái/ Còn đang sống ở nhà/ Còn ăn nhờ cha mẹ/ Mặc nhờ có mẹ.
Cuộc đối thoại gay cấn và lâu nhất là cuộc đối thoại sau bao năm xa cách những mong ngày trở lại dựng xây mộng đời, nhưng người con gái yêu đã có chồng sắp cưới vì phải làm theo lời bố mẹ. Đôi trai gái nói gì với nhau.
Đạo Chàng:
- Đôi ta thương nhau/ Ba mùa măng trúc đã tàn/ Ba mùa chim quy kêu khàn trên bến/ Tiếc rằng chẳng nên thứ chi cùng chi/ Bây giờ em phải nghe mẹ nghe cha/ Đi làm cửa làm nhà/ Tiếc tình đôi ta/ Cửa nhà người khác/ Bây giờ anh thấy tan tác rã rời/ Người chơi vơi không chỗ dựa.
Cô gái:
- Thương thế anh ơi/ Đôi ta thương nhau/ Như ngôi sao mai sao hôm/ Cùng mọc cùng lặn/ Cùng ao ước yêu nên cửa, thương nên nhà/ Nhưng bố mẹ già nhà em/ Không muốn cho đôi ta đi chung một ngõ/ Thì em quyết về nơi bên đó/ Cùng anh chung một đống/ Quyết ăn lá ngón/ Để hại thân vóc/ Trầm ngọc tự hại thân mình/ Tình ta không nên tại vì bố mẹ/... Cửa nhà bố gả, mẹ cho/ Ốm o như con vịt đói/ Cửa nhà em thầm mơ ước/ Sáng chói như đấng sao mai/ Chồng em đó chồng nơm, chồng đó/ Chồng có cũng như chưa/ Chồng như bông úa, trái rụng.
Trước tấm lòng thủy chung của người tình, Đạo Chàng tiếc mối tình nhưng rất quý trọng cuộc sống của người con gái, đã:
Đạo Chàng:
- Bố nhà anh khó, mẹ nghèo/ Ăn cơm vào mâm pheo đũa nứa/ Bố mẹ nhà em/ Muốn gả em vào cửa đạo, nhà lang/ Nơi lắm vàng nhiều bạc/ Nhưng dẫu thế em cũng đừng ăn lá ngón làm chi/ Để hại thân vóc/ Đừng trầm ngọc làm chi/ Để hại thân mình!
Như trên kia đã nói Pồn Pôông Eng Cháng như là một vở bi kịch thơ. Như vậy nội dung của vở kịch phải được chuyển tải bằng thơ. Thực ra lâu nay chúng ta đã lầm lẫn thơ với ca, hoặc không muốn phân biệt thơ với ca, cứ thấy các câu có vần vè thì đều cho là thơ! Đằng thằng khoa học mà nói các cộng đồng người còn ở trình độ thấp chưa có thơ, nhất là các dân tộc không có chữ viết, không có thơ. Thơ là để đọc bằng chữ để ngẫm suy, ít để hát. Còn ca thể hiện ở câu có vần và là dùng để hát, không ai sáng tác ca để đọc. Thơ lan truyền bằng chữ trên giấy và cố định. Còn ca lan truyền bằng truyền miệng. Như vậy người Mường cũng như một số dân tộc thiểu số mới có câu dân ca, chứ chưa có thơ thực thụ, theo đó cả ca dao Việt Nam cũng chỉ là dân ca chứ không phải thơ, ít nhất xét theo khởi nguồn của nó. Khi nói thơ ca dân gian là một cách nói ít mang tính khoa học. Ở lĩnh vực này chỉ có dân ca hoặc là thơ. Theo đó nói bi kịch thì ở Pồn Pôông Eng Cháng, thì nói thơ ở đây cũng chỉ là dân ca theo điệu hát rang mà thôi, nhưng không ai cấm dân ca không cô đọng, súc tích, có hình tượng đẹp, lời hay... Như vậy nói bi kịch thơ ở đây là nói theo cái đã quen thôi, chứ thực ra ở tác phẩm Pồn Pôông Eng Cháng lời hát ở đây là dân ca. Nhưng dân ca hay là thơ đều có giá trị như nhau, nếu nó hay. Nhiều câu trong tác phẩm này có không ít câu hay thể hiện được tính chất thơ sử dụng được thủ pháp nghệ thuật tỷ dụ, so sánh ví von, nhân hóa...
Khi nói cảnh nghèo: “Nhà anh kiếp nghèo/ Ăn mâm pheo đũa nứa”.
Có cái ước táo bạo: “Ước gì trời long đất lở/ Để đôi ta được ở bên nhau”.
Khi yêu nhau đắm đuối, nhưng cũng cần tỉnh táo: “Đôi ta thương nhau/ Không để đắm con nốc/ Thương nhau không để trúc con thuyền”.
Khi xa nhau, lòng những dặn lòng: “Thương anh đừng để cho con nhà người/ Vít cành dâu non hái lá/ Đừng để cho con nhà người/ Cầm ná bắn chim”
Khi xa nhau có cuộc tiễn đưa với tình lưu luyến, lời đẹp và cảm động: “Em đưa anh đến dặm xa tít/ Nơi tận núi cùng non/ Nghe vượn ru con/ Em mới trở lại”.
Ngợi ca mối tình đẹp có những câu hay: “Ước cùng nhau mặc chiếc áo/ Có chung đường kim/ Có đường chìm đường nổi”. Và: “Đôi ta như đôi chim ca/ Cùng chung một áng/ Như đũa lạng một đôi”.
Người con gái tỏ thái độ về sự gả bán ép uổng của cha mẹ và ca ngợi mối tình mình tự chọn, yêu thương. Đó cũng là sự phản kháng đối với xã hội lúc bấy giờ: “Cửa nhà bố mẹ gả cho/ Ốm o như con vịt đói/ Cửa nhà em yêu thầm thương trộm sáng chói/ Như đấng sao mai”. Và coi người chồng mà cô phải chung sống: “Chồng em đó/ Chồng nơm chồng đó/ Chồng có cũng như chưa/ Chồng hoa rơi, trái rụng”.
Pồn Pôông Eng Cháng nhằm chiêu tuyết cho những mối tình oan khuất, ít nhiều mang yếu tố tâm linh nhưng là vấn đề của trần thế con người. Tác phẩm này độc đáo hơn về đề tài và cách thể hiện như một vở bi kịch thơ còn ít thấy; phải chăng đây là dấu hiệu phát triển của văn học - nghệ thuật dân gian ở Thanh Hóa.
CAO SƠN HẢI
(*) Xin xem Lễ Pồn Pôông Eng Cháng - Cao Sơn Hải - Nxb Sân khấu - 2017. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật 2022.