CỘI NGUỒN VÀ QUÁ TRÌNH LÀM TỪ ĐIỂN VIỆT - MƯỜNG THANH HÓA
NGUYỄN XUÂN LUẬT
Ai đó đã từng sinh ra ở một thời “giấy báo bay về khắp mọi nơi” có nghĩa là khi tốt nghiệp phổ thông sẽ có giấy báo gọi đi học đại học, không cần thi và cũng không cần nguyện vọng một, hai, ba, bốn; cho đến khi tốt nghiệp đại học ra trường thì giấy báo lại trao cho bạn tờ quyết định bổ nhiệm công tác ở một cơ quan nào đó, không cần phải xin xỏ, chạy chọt. Như thế giấy báo chỉ là thủ tục mà thủ tục càng dễ thì giải quyết vấn đề càng khó.
Tôi và các bạn của tôi, khóa 12 khoa Ngữ văn - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1967-1971) là người sinh ra ở thời đó. Thời của chúng tôi còn là sinh viên phải vác dao lên rừng chặt cây tự dựng lán làm nhà ở, nhà bếp và cả phòng học nữa. Giảng đường đại học của chúng tôi là một ngôi nhà tranh tre nứa lá lọt thỏm giữa rừng già. Cơm chỉ có bánh mì luộc, bo bo mì sợi, thế mà chúng tôi phải học nhiều, học giỏi đến nỗi nhà trường luôn nhắc nhở phải vừa hồng vừa chuyên mới có ích cho đời. Cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày càng ác liệt, cuộc đời sinh viên của chúng tôi gắn chặt với rừng núi Tràng Dương, suối Đôi như đàn kiến lầm lũi trong rừng học tập, lao động, tích lũy kiến thức. Thế rồi cũng đến năm thứ tư, phải làm khóa luận tốt nghiệp, tôi chọn đề tài “Từ vựng tiếng Mường Thanh Hóa”, người hướng dẫn khóa luận là GS.TS. Hoàng Thị Châu và người phản biện là GS.TS. Đoàn Thiện Thuật. Khóa luận của tôi viết kín 10 xếp giấy với những từ vựng Mường Khô (Bá Thước) sưu tầm từ năm 1969 được nhà trường cho 4/5 điểm, đủ điều kiện ra trường.
Cũng bởi mấy tờ giấy báo, tính chất của mỗi quyết định đã đưa đẩy chúng tôi đi khắp phương trời, người đi bộ đội, người làm phóng viên mặt trận, người thì đi dạy học hoặc về các ty văn hóa. Tất cả đều lẳng lặng ra đi làm nhiệm vụ không một lần gặp mặt để chia tay, không một buổi liên hoan ngày ra trường vì chiến tranh đang ở giai đoạn cuối. Mãi đến năm 2017, kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường tôi mới được gặp lại các bạn. Họ đã trở thành các nhà văn, nhà báo, các giáo sư, tiến sĩ và còn nhiều người không được gặp vì họ đã nằm lại ở chiến trường.
Sau khi ra trường, tôi được phân công công tác tại Ty Văn hóa Ninh Bình, rồi Hà Nam Ninh và năm 1982 trở về Thanh Hóa nơi xứ Mường của tôi. Hơn nửa đời làm cán bộ văn hóa của đất nước có chiến tranh, tôi cùng các đồng nghiệp chỉ biết xây dựng phong trào, phát động sáng tác rồi in ấn tác phẩm tuyên truyền để phát không, cho không. Năm 1995, khi ấy đất nước đã mở cửa gần chục năm, Mỹ đã bỏ cấm vận, chúng tôi bắt đầu học làm quản lý, mỗi cán bộ làm văn nghệ phải trực tiếp quản lý một loại hình cụ thể của văn hóa vì từ khi đó sản phẩm của văn hóa đã trở thành hàng hóa, chúng tôi rất mừng, chỉ có cái đói luôn là bạn đồng hành.
Vào một ngày đẹp trời của năm đó, có hai “ông bà Tây” đến tìm tôi. Qua trao đổi tôi được biết ông bà Quây Cơ thuộc một tổ chức phi Chính phủ của Mỹ. Họ đã qua trường đại học và có đọc khóa luận của tôi cùng lá thư của GS.TS. Hoàng Thị Châu. Đọc thư cô, tôi biết họ quan tâm đến khóa luận của tôi và cô khuyên tôi ra gặp cô để được hướng dẫn viết Từ điển tiếng Mường. Lúc này cả cơ quan đến chúc mừng tôi, cho rằng tôi sắp đổi đời rồi. Trong một tuần “ông bà Tây” được tham quan Bảo tàng, được đón tiếp nhiệt tình, dù ai cũng biết mới ngày hôm qua thôi họ còn là kẻ thù. Thế rồi niềm vui ngắn chẳng tày gang khi “ông bà Tây” bỗng biến mất cũng giống như khi ông bà thình lình xuất hiện.
Ông bà Quây Cơ đi rồi nhưng công việc làm Từ điển tiếng Mường của tôi mới bắt đầu, tôi cũng cảm ơn họ từ điều này. Ở cơ quan, tôi được phân công vào Tổ Văn hóa miền núi nghiên cứu văn hóa Mường - đúng là thả hổ về rừng. Tôi đi khắp các bản Mường, khai thác dàn dựng lại các trò diễn dân gian, các loại xường, mo, các loại hình dân ca khác và cũng nhân đó làm nốt phần từ điển của mình. Sau này cứ làm được 500 từ tôi lại đem ra Hà Nội nhờ GS. TS. Hoàng Thị Châu xem và hướng dẫn. Sau 5 năm, khi đã có bản thảo đầu tiên, tôi đem ra Viện Ngôn ngữ nhờ giúp đỡ. Ông Viện trưởng xem qua rồi nói: “Cái này mới chỉ là anh em của từ điển thôi, phải lấy thêm từ đối dịch của người Mường Hòa Bình thì mới hoàn chỉnh”. Nói đến người Mường Hòa Bình, tôi nhớ đến anh Quách Giao - một cán bộ Ty Văn hóa Hòa Bình học cùng khóa. Tuy nhiên, anh lại học chuyên ngành văn học. Tôi lên kế hoạch đi Hòa Bình tìm gặp anh để được giúp đỡ. Thế là tôi đã đi Hòa Bình 6 tháng, tôi đã chọn tiếng Mường Bi để lấy từ đối chứng. Thời gian đó tôi có hỏi về Quách Giao nhưng nghe nói anh đã mất rồi. Năm 2002, việc lấy từ vựng Mường Bi để đối chứng đã hoàn thành.
*
Qua 25 năm cày ải một mình, tôi đã khảo được khoảng 12.800 từ được đối dịch từ tiếng Việt qua tiếng Mường Khô (Thanh Hóa) có tham chiếu với tiếng Mường Bi (Hòa Bình) và mỗi từ tiếng Mường lại đưa vào các câu minh họa với các ngữ cảnh khác nhau. Công việc này chiếm nhiều thời gian và công sức nhưng đến hôm nay cũng đã hoàn thành.
Với mong muốn bảo tồn được 70% từ vựng tiếng Mường trong khi tiếng Mường đang bị xâm thực từng ngày chắc cũng là một điều khó khăn. Nhân dịp cuốn sách được xuất bản, tôi xin gửi lời cảm ơn tới các anh Minh Hiệu, Vương Anh, Hoàng Anh Nhân, Cao Sơn Hải, Bùi Nhị Lê... Các anh đã có công khai thác, truyền bá tinh hoa văn hóa của người Mường Thanh Hóa, tạo nguồn cảm xúc cho tôi làm phần ngôn ngữ. Tôi xin gửi lời cảm ơn các nghệ nhân người Mường, những anh em cán bộ người Mường; các phòng văn hóa Bá Thước, Quan Hóa, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thạch Thành - nơi tôi từng đến công tác và ăn bát cơm từ các làng Mường. Đặc biệt cảm ơn anh Bùi Nhị Lê đã hết lòng giúp tôi để hoàn thành cuốn sách này. Cuối cùng, tôi xin gửi lời cảm ơn anh em bạn bè ở Viện Ngôn ngữ, GS. TS. Hoàng Văn Hành, nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, GS. TS. Hoàng Thị Châu đã tận tình hướng dẫn cho tôi hoàn thành cuốn sách.
Lần đầu xuất bản, cuốn sách không tránh khỏi thiếu sót. Rất mong nhận được sự góp ý, xây dựng của bạn đọc để lần xuất bản sau cuốn sách được hoàn thiện hơn.
Thanh Hóa, tháng 8 năm 2022
N.X.L