Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   NÀNG BÌNH KHƯƠNG VỚI TRUYỀN THUYẾT HÒN ĐÁ THIÊNG
NÀNG BÌNH KHƯƠNG VỚI TRUYỀN THUYẾT HÒN ĐÁ THIÊNG

NGUYỄN HUY MIÊN

Theo chính sử: Tháng Giêng năm Đinh Sửu (1397), do đã có ý định từ trước, Hồ Quý Ly sai Thượng thư Lại bộ kiêm Thái sử lệnh Đỗ Tĩnh đi xem xét đo đạc động An Tôn phủ Thanh Hóa, đắp thành đào hào lập nhà miếu nền xã, mở đường phố, có ý muốn dời đô đến đấy, ba tháng làm xong. Sử ghi là như vậy, nhưng theo các thư mục khác thì thành An Tôn (sau gọi là Tây Đô) phải hơn một năm mới cơ bản hoàn thành và đến thời vua Hồ Hán Thương còn phải tiếp tục cho các địa phương góp gạch xây thành, phần trên tường đá. Cho dù làm xong trong ba tháng hay là một năm rưỡi, thì thành Tây Đô cũng là một hiện tượng lạ, một kì tích. Để xây dựng xong được thành này, căn cứ theo chu vi, chiều cao, chiều rộng, người ta ước tính phải đào đắp tới 80.000m3 đất, khai thác vận chuyển xây lắp từ 20.000 - 25.000m3 đá phiến. Có những khối đá nặng tới 25 tấn, như ở cổng thành phía Tây hiện nay. Công trình to lớn là vậy, nhưng vô cùng gấp gáp, vì thế nhà Trần phải huy động một lực lớn dân phu, binh lính, thợ kĩ thuật ở trong nước, tù binh Chiêm Thành, đến công trường, bất chấp nắng mưa, ngày đêm thi công cho kịp tiến độ, nhiều tai nạn đã xảy ra. Lao động ở đây là lao động khổ sai, mang tính chất cưỡng bức tệ hại. Nhiều người đã bỏ mạng trong lúc xây thành, trong đó có vợ chồng nàng Bình Khương.
Truyện kể rằng: Tiến độ thi công gấp rút nghiêm ngặt là thế nhưng một đoạn thành phía Đông do Trần Công Sỹ (Cống Sinh) phụ trách cứ xây gần xong lại bị sụt, không ai rõ nguyên nhân từ đâu. Tin đoạn thành phía Đông bị sụt đổ, cấp báo về triều đình, Hồ Quý Ly lúc bấy giờ đang làm Nhập nội phụ chính Thái sư, Bình chương quân quốc trọng sự, đã đến tận nơi thị sát. Hồ Quý Ly nghi ngờ Trần Công Sỹ có mưu làm phản, cố ý chậm trễ công việc xây thành. Cuối cùng Hồ Quý Ly tức giận đã sai người vùi thân chàng vào tường thành (có thuyết nói rằng Trần Công Sỹ bị chôn bên chân thành cho đến chết).
Hồ Quý Ly giết Cống Sinh nhằm nhiều mục đích, trước hết là ngầm răn đe những phần tử nào có ý định chống lại việc xây thành rời đô đều phải chết. Những ai cố tình dây dưa chậm tiến độ hoàn thành cũng phải chết. Mặt khác Hồ Quý Ly cho chôn xác Cống Sinh vào thân thành còn muốn không ai được xâm phạm vào mộ của Cống Sinh, bảo vệ cho Hoàng thành mãi mãi vững bền.
Nàng Bình Khương lúc đó đang ở quê nghe tin chồng đã bị xử chết, nàng không tin vào tai mình, tức tốc đến động An Tôn - là địa danh lúc bấy giờ, để xem chính xác tình hình của chồng mình thế nào. Trên đường xa đến tìm chồng, nàng đã gạt đi những suy nghĩ “không lành” để vững tâm tin tưởng chồng mình vẫn bình an vô sự. Khi đến nơi nàng gặp một người cùng quê, biết tin chồng mình đã chết, trời đất như quay cuồng... Cũng chính người thợ xây ấy đã cho nàng biết mộ chồng nàng ở đâu khi trỏ tay chỉ xuống một chỗ ở chân thành cửa Đông, nơi Cống Sinh bị vùi lấp.
 Bình Khương đau khổ và uất hận vô cùng. Nàng khóc than vật vã, thương chồng và nàng cũng thương cho bản thân mình nữa. Trong những giây phút đau khổ tột cùng, nàng không biết làm gì hơn liền lao tới bức tường đá nhằm xô đổ bức tường để thấy được xác chồng. Nàng xô mạnh tới mức mười đầu ngón tay chảy máu và lõm sâu in hằn vào mặt đá. Nàng lấy hết sức bình sinh đẩy nhưng tường thành không hề rung chuyển, càng gắng sức xô mạnh bao nhiêu thì nàng càng bất lực trước những phiến đá bấy nhiêu. Chẳng có cách nào, Bình Khương đành đập đầu vào đá để cùng được chết theo chồng. Lạ thay oan khí, khi nàng đập đầu vào tảng đá thì khối đá lớn lõm xuống và nàng cũng tắt thở.
Đoạn thành bị đổ rồi sau cũng tìm được nguyên nhân, đó là dưới móng đoạn tường thành có mạch nước ngầm lớn chạy qua, địa chất không ổn định, cát đùn lên làm cho đoạn tường thành bị đổ. Để khắc phục sự cố trên, người ta đã làm một cái cống ở đoạn tường thành bên cạnh. Đoạn bị sụt thì đào sâu xử lý lại phần móng, đặt những phiến đá có kích thước rộng phía dưới, rồi mới xây dựng tường thành lên trên. Tuy vậy tường thành cũng chỉ khắc phục được một phần (đoạn thành bị sụt lún đến nay vẫn còn). Nỗi oan khuất của Cống Sinh đã được giải, nhưng vợ chồng chàng đã “Hồn bay theo gió/ Xác vương chân thành”.
Dân phu xây dựng kinh thành và nhân dân trong vùng vô cùng tiếc thương, cảm phục cái chết của nàng Bình Khương. Người ta ngấm ngầm an táng bà, dân trong vùng bí mật thờ bà nơi hai vợ chồng bà tử tiết. Về sau khi thành Tây Đô được giải phóng, thoát khỏi ách đô hộ của nhà Minh, vua Lê Thái Tổ lên ngôi ở Thăng Long, thành Tây Đô không còn là kinh đô nữa, nhân dân địa phương mới lập miếu thờ nàng Bình Khương. Miếu được lập ngay tại nơi bà đập đầu và chồng bà là Cống Sinh bị chôn sống.
Buổi đầu nơi thờ bà chỉ là một miếu nhỏ, nhưng gương sáng tiết liệt, linh thiêng, mọi nơi đều biết danh tiếng, đến xem và chiêm bái, các tao nhân mặc khách khi đến thăm viếng đã cảm xúc đề thơ ca ngợi nàng, phê phán họ Hồ bạo ngược. Lưu Công Đạo tri huyện Vĩnh Lộc thời Gia Long (1816), viết sách “Thanh Hóa tỉnh Vĩnh Lộc huyện chí”, mục Thành Tây Đô có nhận xét: “Góc Đông Nam thành, có một phiến đá lớn, ở giữa lõm xuống như hình đầu người, hai bên có hai vết lõm nhỏ như hình đôi tai. Lại thấy hai bên lại có hai vết lõm như in hình đôi bàn tay người còn thấy rõ hình ngón tay. Tục truyền, xưa nhà Hồ xây thành, dân phải đi phu dịch hết, sau không đủ cung cấp, họ Hồ tức giận lấy thân người lấp vào chỗ thành khuyết đó rồi xây lên. Người vợ là Khương (văn bản ghi là Cương Nương), tục gọi là nàng Đá Cương Nương, xót thương chồng chết, giận dữ chẳng tiếc tính mệnh, gào lên ba tiếng, đập đầu vào đá chỗ đá ấy, hai bàn tay vỗ lên đá làm đá lõm xuống. Thời ấy không người nào là không rơi lệ, cảm động đến sự trinh tiết của nàng, khiến đá cũng phải lõm.
Xét truyện này có người nói có, có người nói không, cho nên không khảo xét được. Lúc đó việc công dịch rất khổ, chính sự bạo ngược như vậy, khiến cuộc sống của dân chúng càng khốn đốn, thì người không cam chịu cũng chỉ là muôn một tiếng vang của gương tiết liệt vẫn còn in trên đá, ngàn năm không mòn.
Trích truyện này gương tiết liệt còn truyền, tính danh vẫn đủ, truyện lại đầy đủ thì không thể mai một. Nên vẫn còn gương người phụ nữ ấy”.
Khoảng đời vua Đồng Khánh (1885 - 1889), người ta nghe tin đồn về dấu tay và đầu nàng Bình Khương qua 500 năm vẫn còn in rõ trên phiến đá tường thành, nên khách xa gần hiếu kì tìm về đây rất đông. Có viên hào lý trong làng Đông Môn lo ngại tiếng đồn ngày càng vang xa sẽ gây nhiều phiền nhiễu nên thuê thợ về đục cả phiến đá đem chôn. Công việc này làm trộm trong đêm, không để một ai biết. Nhưng sau khi đục xong phiến đá ấy, người thợ bỗng nhiên mắc bệnh lạ và chết, rồi viên hào lý kia cùng con gái cũng theo nhau mà chết, không rõ nguyên nhân. Bấy giờ, Tri phủ Quảng Hóa là Đoàn Văn Thước nghe tin, lo sợ mới sai lính tìm bằng được và đào phiến đá đó lên, lắp đúng vào chỗ cũ và khắc dòng chữ: 陳朝貢生平姜娘夫人之石 “Trần triều Cống Sinh - Bình Khương nương, phu nhân tri thạch” (nghĩa là: Tảng đá này ghi dấu vết của nàng Bình Khương, là nương tử của ông Cống Sinh, triều nhà Trần - khi đó Hồ Quý Ly chưa lên làm vua nên vẫn thuộc triều Trần). Tri phủ lại dựng thêm một phiến đá ở chân thành, nơi xưa kia Cống Sinh bị chôn lấp, trên đó cũng khắc một dòng chữ: 陳朝貢生平姜夫君之貶 “Trần triều Cống Sinh - Bình Khương phu quân chi biếm” (nghĩa là: Nơi chôn lấp chồng bà Bình Khương, là Cống Sinh triều Trần).
Đến thời vua Thành Thái thứ 15, Quý Mão (1903), tổng đốc Thanh Hóa lúc bấy giờ là Vương Duy Trinh trong một đêm nằm mộng, đã gặp người phụ nữ khóc lóc kêu oan cho chồng. Sau khi hỏi thăm người trong vùng và được biết đó là nàng Bình Khương, ông liền cho quyên tiền xây dựng ngôi đền khang trang để thờ nàng và cho dựng bia ghi lại sự tích Cống Sinh - Bình Khương. Trong bia còn khen ngợi nghĩa cử của Tri phủ Đoàn Văn Thước, trong việc tìm được phiến đá dưới hố sâu, khắc chữ, đặt lại nơi thành Đông sáng sủa. Tri phủ Đoàn Văn Thước còn dựa vào lời truyền tụng của thôn quê, mà thu thập được mấy bài thơ khắc vào đá lập bia đình dựng bên trái miếu thờ.
Lòng can trường, tiết liệt, vàng đá còn lay động, huống chi là lòng người, Tổng đốc Vương Duy Trinh đã dâng biểu tâu lên triều đình, xin ban khen cho nàng Bình Khương, nhưng chưa được nhà vua ban sắc, (Tổng Đốc Vương Duy Trinh viết lời nhún nhường trong sách “Thanh Hóa kỷ thắng” và trong bia đá: “Tứ ngũ bách niên ư thử, triều đình bao biểu sở bất cập. Bại quan ký tái bất đáo, bất thành thâm khả tích dư?” (Trải bốn năm trăm năm nay, [ta] muốn dâng biểu lên triều đình để ban khen nhưng không được. Bởi do chức quan thấp kém, lời tấu không đến được, không phải là thật đáng tiếc sao?).
Lời bàn: Việc xây thành phía Đông không đúng tiến độ, hay bị sụt, gây nên cái chết của Cống Sinh triều Trần, bị chôn lấp theo thành là có thật. Nàng Bình Khương là vợ của Cống Sinh, nghe tin chồng bị chết oan khuất, nàng thấy đời thật là bất công, kêu gào không thấu tới Hoàng thiên, nàng bèn gieo đầu vào đá trên thành, tự vẫn theo chồng, đầu đập vào đá thì máu chảy, người chết, trở thành hòn đá thiêng. Khi lập mộ xây đền, dân lành và thợ tạc đá thời trước cảm thương cho cái chết của nàng, cảm phục tấm lòng trinh tiết, người ta đã tạc hình đầu và hai bàn tay vào phiến đá đó. Mục đích của việc tạc phiến đá lõm xuống theo hình đầu và tay người nhằm tôn vinh, tạo thêm sự tôn kính linh thiêng, đồng thời là đánh dấu cho đời sau biết phiến đá này chính là nàng Bình Khương đã đập đầu tự vẫn theo chồng. Trải theo thời gian, đền nàng Bình Khương biết bao lần tôn tạo, huyền tích truyền mãi đến đời sau. 
Bên cạnh phiến đá và bia mộ do Tri phủ Đoàn Văn Thước cho khắc, đền thờ nàng Bình Khương đến nay còn ba tấm bia lớn dựng hai bên phía sau đền, gồm các nội dung: Một bia ghi lại sự tích đền Bình Khương cùng mộ của Cống Sinh họ Trần, do Hiệp Biện Đại học Sỹ, người Hà Nội làm Tổng đốc Thanh Hóa Vương Duy Trinh soạn, niên đại Thành Thái (1903), đề thêm bốn bài thơ của tác giả: Trạng Nguyên thời Lê là Giáp Hải; Đốc học Thanh Hóa, quê ở Hoằng Hóa là Nhữ Bá Sỹ; Đệ tam giáp Tiến sỹ quê ở Nghệ An là Nguyễn Xuân Ôn, Cử nhân quê ở làng Xuân Giai là Tiết Hữu Tố. Một bia đề thơ của các tác giả: Tri huyện Quảng Bình là Tiến sỹ Phan Hữu Nguyên; Tri phủ Quảng Hóa quê ở Thừa Thiên là Cử nhân Đoàn Văn Thước; Hàn lâm trước tác Hồ Đắc Dự. Một bia ghi việc trùng tu miếu Bình Khương kèm danh sách những người cung tiến xây dựng đền. 
Trải bao thăng trầm lịch sử, dâu bể đổi dời, đền thờ nàng Bình Khương vẫn được nhân dân bốn mùa hương khói. Các thời đại ý thức giữ gìn, năm Bảo Đại thứ 5 - 1930, đền được trùng tu tôn tạo, dựng bia ghi nhận công đức. Năm 1995, đền thờ - Bi ký nàng Bình Khương, được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Lần trùng tu gần đây nhất là năm 2009, khi đào móng hậu cung đã tìm thấy ngôi mộ của bà. Từ ngày phát lộ bộ hài cốt đến nay, người dân trong vùng đã lấy ngày 1-9 Âm lịch làm ngày giỗ bà. Ngoài dâng lễ vật, tế nữ quan; nhân dân trong vùng còn tổ chức phần hội như múa chèo cạn hát dân ca, tổ chức các trò chơi dân gian. Đây cũng là một trong những lễ hội lớn nằm trong vùng Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ.
                                                                                           N.H.M


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 66
 Hôm nay: 4739
 Tổng số truy cập: 9241929
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa