Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   TRẢI NGHIỆM KỲ THÚ VỚI KHU DU LỊCH SINH THÁI LINH KỲ MỘC
TRẢI NGHIỆM KỲ THÚ VỚI KHU DU LỊCH SINH THÁI LINH KỲ MỘC

HÀ HUY TÂM                                                
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Ứng dụng                                        
Văn hóa truyền thống và Kiến trúc, Xây dựng Việt Nam

1. Tọa lạc tại phía Nam thành phố Thanh Hóa, Khu du lịch sinh thái Linh Kỳ Mộc ở phố Thịnh Vạn, phường Quảng Thịnh, thành phố Thanh Hóa là một địa chỉ du lịch có thể đáp ứng được nhiều nhu cầu trải nghiệm kỳ thú cho du khách.
Được kiến tạo bởi bố cục đa phong cách với nhiều loại hình thái, hạng mục trưng bày phong phú, hài hòa nhằm thỏa mãn các nhu cầu cảm nhận, tích nạp về sinh thái cảnh quan thiên nhiên, về truyền thống lịch sử văn hóa cho cư dân bản địa và du khách thập phương. Các tác phẩm nghệ thuật, các cảnh quan sinh thái hiện hữu ở đây đều có giá trị cao đẹp, nét dáng hàm chứa tâm linh thăm thẳm về một miền địa linh, nhân kiệt nức tiếng xứ Thanh. 
2. Từ trung tâm thành phố Thanh Hóa, du khách đến với Khu sinh thái Linh Kỳ Mộc, bắt đầu từ quốc lộ 45, đến quãng giữa cây số 7 và 8 là gặp cửa vào Linh Kỳ Mộc bằng một cái cổng lớn có kiến trúc đặc biệt với những khối đá đồ sộ, chồng xếp lên nhau, theo phong cách vững chãi về hình khối, độc đáo về kỹ thuật bố cục. Có thể nói rằng, từ ý tưởng của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, tác giả của công trình kiến trúc cầu Đầu Rồng (Đà Nẵng). Cùng các nghệ nhân, các thợ đá lành nghề thủ túc của ông đã kỳ công khắc họa những hình ảnh mang đậm nét văn hóa xứ Thanh được liên kết với nhau, tạo nên hình thế cái cổng bằng đá nguyên khối lớn nhất và đẹp nhất của thành phố Thanh Hóa. Mỗi một phiến đều được khắc họa những hình ảnh có ý nghĩa biểu trưng khác nhau về các trò chơi dân gian truyền thống của người Việt. (Du khách còn có thể chiêm ngưỡng thêm cái cổng chính, cổng khánh tiết hướng thẳng đến khu hội nghị sự kiện ở trung tâm Linh Kỳ Mộc được xây dựng hoàn toàn bằng chất liệu tre, luồng được cung cấp từ đại ngàn miền Tây Thanh Hóa).
Từ phía cổng đá đi vào, du khách sẽ gặp Bảo tàng gốm Tam Thọ, nơi lưu giữ, trưng bày hơn mươi ngàn hiện vật gốm sứ có niên đại trên dưới 2000 năm, thuộc nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ trong không gian nhà sàn. Phần lớn trong số lượng di sản đồ sộ và quý hiếm đó là hiện vật được phát hiện, khai thác, sưu tầm, phân loại từ năm 1937 đến năm 1939, tại các khu lò gốm cổ ở làng Tam Thọ và làng Văn Vật, thuộc xã Đông Vinh, huyện Đông Sơn (nay là phường Đông Vinh, thành phố Thanh Hóa) từ tháng 2 năm 1937 đến năm 1939 do nhà khảo cổ học người Thụy Điển Olov Janse và các đồng nghiệp của ông thực hiện. 
Từ năm 2004, Khu di tích gốm cổ Tam Thọ đã được Nhà nước xếp hạng di tích cấp tỉnh, bao gồm năm khu lò gốm cổ nằm trải dài từ làng Tam Thọ sang làng Văn Vật, nằm cạnh bên tả hệ thống sông đào nhà Tiền Lê dài đến 5, 6 km. Khu di tích gốm Tam Thọ và Bảo tàng gốm Tam Thọ ngày càng thu hút giới học giả khảo cổ học quan tâm nghiên cứu, giới thiệu và du khách khắp miền đến trải nghiệm, chiêm ngưỡng. 
Đặc biệt, bên cạnh không gian Bảo tàng gốm Tam Thọ có cây nhội cổ thụ 1500 tuổi. Xung quanh “cụ” thần mộc ngàn tuổi này có rất nhiều câu chuyện ly kỳ gắn với niên đại sinh thành của “cụ” bằng những truyền kỳ tâm linh lay thức, xao động hồn người.
“Cụ” cây nhội đã được Nhà nước công nhận là cây di sản Việt Nam và tầm vóc, niên đại trường tồn, linh khí của “cụ” đã hóa thân thành cái tên thiêng liêng Linh Kỳ Mộc, một quần thể du lịch văn hóa, lịch sử và sinh thái nổi tiếng của thành phố Thanh Hóa. Theo đó, một nhà sưu tập thảo mộc có lần nằm mơ lên rừng, gặp một cây đại thụ, ngay cạnh một đoạn bờ suối đang bị xói lở do nước nguồn đổi dòng. Rễ, thân cây đại thụ này bị phong hóa mục rỗng, có thể đổ xuống bất kỳ lúc nào. Trong mơ, nhà sưu tập còn được nghe lời nhắn nhủ từ rừng cao, núi xa, rằng ông là người có căn duyên cứu giúp và nối di sự trường tồn của đại thụ. Nếu hoàn thành được cơ duyên đó, cứu nhân sẽ gặp nhiều may mắn trong tiền đồ và cuộc sống.
Ngay sau giấc mơ kỳ lạ này, chủ nhân được báo căn duyên đã nuôi trong mình động lực dốc lòng tìm kiếm. Sau nhiều ngày lặn lộn, vượt suối băng rừng, ông và các cộng sự đã tìm thấy cây nhội cổ thụ ở xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân cách thành phố Thanh Hóa hơn 100 cây số, gần giống như các hình ảnh đã hiện trong mơ. Nghĩa là cụ cây này, cần phải được “thiên di” đến chỗ an toàn, cách xa đoạn bờ suối đang bị bào mòn, xói lở từng giờ. Sau khi làm việc với chính quyền địa phương và nhân dân trong bản thống nhất, cây nhội cổ thụ được đưa về thành phố Thanh Hóa bảo tồn chăm sóc. 
Việc thiên di “cụ” thảo mộc ngàn tuổi từ một bản xa xôi của huyện miền núi Thường Xuân về trung tâm thành phố Thanh Hóa trong mùa mưa lũ gặp vô vàn khó khăn. Từ nhiều phương án được đặt ra, các chuyên gia sinh vật cảnh có nhiều kinh nghiệm cũng như các nhân lực giao thông vận tải, an ninh trật tự đã tìm ra được một số biện pháp tối ưu: “Cụ” đại thụ sẽ giã từ bản Thái xa xôi về trung tâm tỉnh vào ban đêm và trên phương tiện giao thông vận tải chắc chắn bằng sự vận hành của những người nhiều kinh nghiệm, từng trải và mưu trí.
Thế là, trong thời gian hơn một tháng, kể từ khi phát hiện ra cây nhội đại thụ ở huyện Thường Xuân, bằng tâm sức của gia chủ, bằng sự cố gắng của nhiều người tham gia vào cuộc “thiên di” hiếm có, “cụ” cây ngàn năm tuổi đã được đưa về khu sinh thái vẹn toàn. 
Giữa một quần thể ken dày các hạng mục của khu sinh thái, cây nhội cổ thụ toát lên vẻ lực lưỡng, dung quang và thẳm sâu hồn cốt của một vùng thiên nhiên phong phú.
Căn duyên gặp cơ duyên, có lần một nhà nghiên cứu và sưu tầm cây cảnh nổi tiếng từ thủ đô vào thăm xứ Thanh. Đứng trước “cụ” cây nhội, ông đã thốt lên những lời ngưỡng mộ và đặt tên cho cụ đại thụ này là Linh Kỳ Mộc. Từ bấy, khu sinh thái được mang danh là Linh Kỳ Mộc.
Từ khi “cụ” đại thụ mang tên Linh Kỳ Mộc và cả khu sinh thái cũng mang danh xưng nhiều ý nghĩa này, những hoạt động trong khu du lịch có nhiều khởi sắc cả về hiện thực lẫn với biểu hiện tâm linh tinh tế và gợi mở. Thế nên những người chủ trì kiến lập khu sinh thái đã cho xây miếu thờ ngay cạnh “cụ” nhội bằng một kiến trúc đá khá hài hòa với các bối cảnh xung quanh và đặc biệt tôn thêm vóc dáng của đại thụ Linh Kỳ Mộc. Toàn cảnh miếu thờ thần linh, thổ địa, hồn thiêng của đại thụ cùng dòng suối róc rách với hồ cá koi bán nguyệt lượn quanh, cùng với hàng cây tùng uy nghi, khiến cho những người am hiểu về phong thủy đều cảm nhận được nhiều ý nghĩa sâu xa và tính chất độc đáo, huyền diệu của thế đất “Mặt hướng sông, lưng tựa núi”. Đứng trước cây Linh Kỳ Mộc, không ít du khách đã bày tỏ, rằng họ đã mường tượng ra những giây phút kỳ lạ, rằng trong họ đã cảm nhận được có sự tích tụ linh khí từ những nơi thẳm xa truyền đến. Đó là sự linh thiêng của trời đất, đó là điềm lành, tín đức từ các thiên thần…
Tiếp theo hành trình, sau khi chiêm bái “cụ” đại thụ Linh Kỳ Mộc, du khách sẽ trải nghiệm bộ sưu tập ấm trà độc đáo, phong phú. Khu trưng bày bộ sưu tập này, gồm nhiều đồ dùng sinh hoạt bằng chất liệu gốm, sứ… Trong đó, có đến gần 2000 loại ấm khác nhau từ cổ tới kim, với số lượng lớn cho từng chủng loại, mỗi chủng loại lại có các kiểu cách đa diện về màu sắc, hình dáng, lẫn kích thước… Có những chiếc ấm từ thời Đông Hán, Tây Hán ở Trung Quốc, có những chiếc từ thời Lý, Trần ở Việt Nam. Đặc biệt còn có nhiều bộ sưu đến từ các nước và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới như: Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, Nga, Thái Lan, Đức, Pháp và Trung Đông, Israel…
Nằm cạnh khu trưng bày ấm chén là khu trưng bày các hạng mục được sưu tập và chế tác từ gỗ. Tại đây các tác phẩm về bối cảnh kỳ thú của thiên nhiên trong văn hóa truyền thống; các nhân vật là anh hùng dân tộc, là danh nhân của đất nước được chạm khắc tinh xảo từ các gốc cây, thân cây của các loại gỗ quý có tuổi thọ hàng ngàn năm. Tại đây còn có những khối đá vô giá được sưu tầm không chỉ Việt Nam mà còn từ nhiều quốc gia khắp các châu lục của thế giới. Các nghệ nhân chạm khắc nghệ thuật trên đá, trên gỗ đã thể hiện một cách tài tình những truyền thuyết ngoạn mục về các vị thần linh để du khách và những người yêu thích văn hóa, lịch sử thỏa mãn nhu cầu trải nghiệm và tích nạp những điều thú vị, bổ ích… Hơn 30 tác phẩm nghệ thuật trưng bày trong thế giới gỗ và đá đều được chế tác công phu, đẹp mắt với nội dung đầy đặn kiến văn và chủ đề khơi mở thiên nhiên, về tôn giáo tín ngưỡng, về giá trị biểu tượng của đất nước và con người trong diễn trình lịch sử của dân tộc là những thông điệp giúp khách tham quan có những hiểu biết sâu hơn về văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là các thành tựu đặc sắc của lịch sử  và phong cách mỹ thuật Việt Nam…
Cũng còn phải kể đến các hạng mục kiến trúc và sưu tập khác như khu tre luồng, tranh, tre, nứa lá tạo nên nét dân dã, gần gũi với các miền quê của xứ Thanh bạt ngàn rừng tre, rừng luồng, đồi kè, cồn cọ, đồng cói, lá bổi…; như khu tắm bùn được mệnh danh là thế giới bùn, nơi mạch nguồn nước khoáng tự nhiên được đưa lên từ độ sâu gần 100 mét, hòa quyện với chất bùn có gốc gác thổ nhưỡng đã từng tạo nên một vùng đất gốm nhiều ngàn năm trước - gốm Tam Thọ, Văn Vật… và còn các khu sinh thái khác như vườn thú, vườn lan, cây cảnh nghệ thuật, khu nghỉ ngơi cao cấp mà khu nào cũng có những điểm nhấn ấn tượng…
3. Với diện tích tổng thể gần 9 ha, hiện tại Khu du lịch sinh thái Linh Kỳ Mộc đang từng ngày mang đến cho du khách nhiều hoạt động dịch vụ đa dạng. Đó là tham quan tổng thể, chiêm ngắm hồ cá koi với hàng trăm, hàng nghìn chú cá vô cùng quý hiếm và vóc dáng sinh động, đẹp mắt; Đó còn là những giây phút thư thái ngắm hoa, câu cá, bơi thuyền hoặc lên không gian đĩa bay ngắm trời mây, trăng sao, bình minh và hoàng hôn. Trong các thời khắc ấy, chắc chắn từng du khách, theo sở thích của mình tha hồ mà tưởng tượng ra không biết bao sự huyền bí của thiên hà mênh mông, cao vời. 
                                H.H.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 89
 Hôm nay: 4873
 Tổng số truy cập: 9242063
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa