LƯU GIỮ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA ĐÔNG SƠN TẠI BẢO TÀNG CỔ VẬT ĐÔNG SƠN
NGUYỄN THANH HIỀN
Bảo tàng cổ vật Đông Sơn Thanh Hóa
Bảo tàng cổ vật Đông Sơn nằm trong Không gian văn hóa Việt, số 01 Cù Chính Lan, phường Trường Thi, thành phố Thanh Hóa. Tại không gian phía ngoài bảo tàng có hàng trăm cây cảnh với những loài khác nhau được cắt, tỉa, tạo dáng theo nghệ thuật bonsai từ bàn tay khéo léo của các nghệ nhân dân gian. Những sản phẩm của làng nghề mộc, làng nghề đục đá truyền thống xứ Thanh đặc sắc, những đồ án lớn chạm khắc gỗ đạt kỷ lục quốc gia với nhiều đề tài phong phú, đa dạng; Ngôi nhà gỗ 7 gian với những mảng điêu khắc và nghệ thuật dân gian. Những ngôi nhà tranh tre nứa lá, nhà vì kèo bằng luồng, đánh dấu quá trình định cư và phát triển của cư dân đồng bằng châu thổ sông Mã. Tất cả hòa quyện tạo nên sự hội tụ, giao thoa giữa truyền thống và hiện đại trong một không gian hoàn mỹ.
Năm 2015, từ chỗ chỉ có một nhóm đồ đồng văn hóa Đông Sơn khoảng vài chục hiện vật. Đến nay, Bảo tàng cổ vật Đông Sơn đã có hơn 1000 hiện vật, trong đó chiếm 90% đồ đồng, còn lại là chất liệu gốm, đá, thủy tinh… Nội dung trưng bày chính của bảo tàng giới thiệu các bộ sưu tập sản phẩm nghề đúc đồng truyền thống xứ Thanh, trải dài từ văn hóa Đông Sơn, đồ đồng từ thế kỷ I - XIX và kết thúc trưng bày là giới thiệu sản phẩm nghề đúc đồng truyền thống của làng Trà Đông (làng Chè), xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa.
Văn hóa Đông Sơn được phát hiện năm 1924 là đỉnh cao thời Tiền - Sơ sử của thời đại Kim khí ở Việt Nam. Văn hóa Đông Sơn có niên đại khoảng thế kỷ VII trước Công nguyên đến thế kỷ I - II sau Công nguyên. Trải qua 100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn, nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa Đông Sơn đã được công bố, đưa nhận thức về nền văn hóa này lên một đỉnh cao mới.
Sưu tập đồ đồng văn hóa Đông Sơn trưng bày tại bảo tàng rất đa dạng và phong phú. Nhóm công cụ sản xuất có cả một bộ nông cụ chuyên dụng tiên tiến như lưỡi rìu, lưỡi cày, lưỡi liềm, lưỡi câu, chì lưới, dũa, thuổng, đục… Rìu đồng có nhiều kiểu dáng như: Rìu chữ nhật, rìu tứ giác, rìu xòe cân, rìu lưỡi xéo, rìu gót vuông, rìu gót nhọn. Bảo tàng còn có bộ sưu tập cày trong đó có hai lưỡi cày hình cánh bướm mang đặc trưng văn hóa Đông Sơn vùng sông Mã. Việc sử dụng cày đánh dấu sự phát triển của nông nghiệp, đưa xã hội Đông Sơn bước vào ngưỡng cửa văn minh.
Nhóm vũ khí bằng đồng của bảo tàng cũng đa dạng về loại hình, độc đáo về kiểu dáng. Vũ khí đánh gần gồm có giáo, dao găm (dao đốc củ hành, dao chuôi tượng người, dao cán chữ T), qua, kiếm, rìu chiến… Vũ khí đánh xa có mũi tên, mũi lao. Vũ khí phòng hộ có tấm che ngực, bao tay, bao chân. Loại vũ khí chiếm số lượng lớn là các loại giáo: Giáo lưỡi hình tam giác, giáo búp đa.
Nhóm đồ dùng sinh hoạt trưng bày tại bảo tàng là những hiện vật phổ biến như thạp, thố, bình, nồi, ấm, bát, muôi, chậu, đỉnh, lư… Hiện vật nổi bật là những thố lớn trên vành miệng có các khối tượng bồ nông, khối tượng ốc, tượng cóc quay ra ngoài; Chiếc bình có dáng gần hình cầu, kích thước to lớn (cao 31cm; đường kính miệng 22cm; chu vi chỗ rộng nhất 135cm), toàn thân phủ kín hoa văn răng cưa, hình thoi lồng nhau, vòng tròn kép chấm giữa có tiếp tuyến. Nhiều loại vật dụng đã thể hiện sự trau chuốt, cầu kỳ trong kỹ thuật chế tác và sự tỉ mỉ trong trang trí hoa văn góp phần tạo nên những đặc trưng truyền thống của đồ đồng Đông Sơn.
Đồ trang sức gồm có các loại trâm, vòng tay, vòng chân, khóa thắt lưng… điều này cho thấy đối với người Đông Sơn, đeo đồ trang sức không chỉ để làm đẹp mà còn để khẳng định địa vị xã hội, quyền uy và sự giàu sang; Bộ sưu tập nhạc khí chuông đồng, thanh la… cũng gây ấn tượng cho khách tham quan.
Những hiện vật kiểu Hán có nhiều và đẹp, nhiều nhất là gần 10 chiếc chậu trống - hình dáng là chậu nhưng trang trí hoa văn mặt trống đồng; Đôi bình to lớn cao từ 49 - 51cm có nắp vồm, chân thông phong; Chiếc bình đồng cao 20,7cm có hai quai tròn đối xứng nhau nằm trong núm hình mui thuyền, trên quai trang trí mặt hổ phù, bình phủ kín các vòng hoa văn vòng tròn kép có chấm giữa, hình tam giác xen kẽ các chấm nhỏ; Ấm đồng dáng hình cầu có ba chân cao và tay cầm ngang; Một đồ đồng hiếm gặp nữa là chiếc đĩa đèn gắn cặp giao long có giắng xích… Đồ đồng với những kiểu dáng và hoa văn trang trí cho thấy mối giao lưu qua lại giữa văn hóa Đông Sơn và văn hóa Hán trong giai đoạn muộn của văn hóa Đông Sơn. Chính sự giao thoa này đã bổ trợ làm phong phú thêm sắc thái văn hóa Việt Nam.
Hoành tráng nhất là bộ sưu tập trống đồng với gần 200 chiếc các loại, là điểm nhấn của phòng trưng bày. Có thể nói đây là bảo tàng thứ hai sau Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có đủ cả 4 loại trống theo phân loại của học giả người Áo F.Heger, với những loại cơ bản Heger I; H.II; H.III; H.IV. Trống Đông Sơn (loại I Heger) - sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn có gần 20 chiếc gồm các nhóm A, B, C trong đó nhiều nhất là trống nhóm B. Dáng cân đối và hoa văn đẹp là chiếc trống phát hiện ở Xuân Lập, Thọ Xuân. Trống thuộc kiểu A4 có dáng to và cao, tang phình, thân chia làm ba phần rõ rệt. Kích thước: đường kính mặt: 66cm; đường kính chân: 70,8cm; chiều cao thân trống: 53cm. Mặt trống chờm nhẹ khỏi thân, chính giữa là ngôi sao nổi 12 cánh biểu tượng của mặt trời, phản ánh tục thờ mặt trời của cư dân trồng lúa nước. Không chỉ đẹp ở dáng, trống còn khắc họa trang trí hoa văn phong phú gồm chữ S gãy khúc; Vòng tròn có chấm giữa tiếp tuyến; Vạch ngắn song song; Hồi vuông; Hình chim có mỏ nhọn, sải cánh rộng bay ngược chiều kim đồng hồ; Hoa văn người hóa trang đầu đội mũ lông chim nhảy múa... Đáng chú ý phần tang trống trang trí 6 thuyền có mái chèo, trên mỗi thuyền có 10 người, xen giữa các thuyền là 9 con chim mỏ nhọn đứng trong tư thế bắt cá, xung quanh thuyền có 8 con cá…
Chiếm số lượng trống nhiều nhất là bộ sưu tập trống minh khí văn hóa Đông Sơn với gần 100 chiếc. Trống minh khí ở đây có hai dòng lưng thẳng và lưng choãi. Có trống để trơn, có trống trang trí hoa văn hình học như vạch ngắn song song, chữ V ngược lồng nhau… mặt trống có loại phẳng, có loại núm quai hình mui thuyền. Kích thước cái nhỏ nhất đường kính mặt 0,15cm; cao 0,20cm cho đến trống có kích thước đường kính mặt 22,0cm; cao 25,0cm.
Tiếp theo là bộ sưu tập trống đồng loại II (trống Mường), trống loại III, loại IV, trống lưu niệm và những chiếc trống đồng được đúc mới theo phương pháp thủ công truyền thống của cơ sở Trống đồng Việt, thành phố Thanh Hóa và của các nghệ nhân làng Trà Đông - Thiệu Hóa.
Ngoài việc trưng bày một cách có hệ thống về những sưu tập trống đồng, Bảo tàng còn giới thiệu những tư liệu lịch sử có giá trị là những bản trích về đúc đồng trong Mo sử thi Mường, các bản vẽ hoa văn trống đồng bảo vật quốc gia, những hình ảnh về 2 ngôi đền thờ Thần trống đồng ở Thanh Hóa (Đền Đồng Cổ ở Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định; Đền Đồng Cổ ở thôn Mỹ Đà, xã Hoằng Minh cũ - sau sáp nhập thuộc xã Hoằng Đức, huyện Hoằng Hóa), cùng các sắc phong của các triều đại phong kiến phong cho thần Đồng Cổ là những chứng cứ khoa học xác đáng, giúp người xem hiểu rõ trống đồng là di vật biểu trưng của văn hóa Việt. Trống được sử dụng trong đời sống như là một nhạc khí, là biểu tượng của quyền lực thủ lĩnh, là báu vật có ý nghĩa tâm linh. Do vậy trống đồng luôn được tôn thờ là vị thần của cộng đồng cư dân Việt trong suốt dặm dài lịch sử dựng nước và giữ nước.
Là quê hương của nền văn hóa Đông Sơn, nghề đúc đồng truyền thống xứ Thanh không ngừng phát triển. Trải qua các triều đại phong kiến Lý, Trần, Lê, Nguyễn, các loại hình sản phẩm đồ đồng không chỉ chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh, cũng như trong cuộc sống hàng ngày của người dân Việt mà còn chứa đựng các giá trị lịch sử, mỹ thuật. Đó là những chiếc bình đốt trầm TK.13-14 có tay cầm cong, đỉnh nắp hình tháp, hình hồ lô; các loại gương đồng TK.1-3 có đường kính 13cm, gương tròn TK.15-16 có nhiều hoa văn nổi đẹp; Ấm dáng tỳ bà TK.17-18; Ấm tròn TK.19 trang trí rồng; Bộ cồng chiêng và nhóm gia dụng nồi, mâm, vạc, niếng có niên đại từ TK.17-20… trưng bày trong bảo tàng đã góp phần giới thiệu sự tiếp nối đồ đồng từ văn hóa Đông Sơn cho đến ngày nay.
Qua thực tiễn hoạt động của các bảo tàng trong nước cũng như trên thế giới đã minh chứng một điều rằng: Bảo tàng nào sưu tầm được nhiều hiện vật gốc, đặc biệt là có nhiều bộ sưu tập hiện vật có giá trị độc đáo, quý hiếm, hấp dẫn thì bảo tàng đó khẳng định được vị thế và sự trường tồn trong đời sống của xã hội. Xuất phát từ nhận thức thế mạnh của bảo tàng là các sưu tập hiện vật gốc. Bảo tàng cổ vật Đông Sơn đã đặc biệt chú trọng quan tâm đến công tác sưu tầm hiện vật nhằm bổ sung và hoàn thiện các bộ sưu tập hiện vật. Bảo tàng đã đầu tư nguồn kinh phí lớn để mua được những cổ vật lành, đẹp. Công tác sưu tầm mua hiện vật của Bảo tàng cổ vật Đông Sơn cũng góp phần hạn chế, ngăn chặn nạn “chảy máu cổ vật” đang diễn ra hàng ngày, mọi lúc, mọi nơi.
Nguồn sưu tầm hiện vật then chốt của bảo tàng là công tác xã hội hóa. Trong đó phải kể đến hiện vật do mối quan hệ thân quen, đối tác, một số nhà sưu tập tư nhân, các doanh nghiệp sau khi đến làm việc, xem trưng bày hiến tặng. Thông qua các chương trình tổ chức sự kiện tại Khu Không gian văn hóa Việt, bảo tàng cũng nhận được sự hảo tâm của bạn bè trao tặng nhiều di vật, cổ vật quý giá. Nhiều cá nhân, tập thể đã phối hợp đóng góp, cho mượn hiện vật tham gia trưng bày trong Bảo tàng cổ vật Đông Sơn cũng như ở Không gian văn hóa Việt.
Ngoài trưng bày hiện vật gốc, bảo tàng sử dụng tài liệu khoa học phụ bổ trợ như tranh, ảnh, bản vẽ, bản trích… Các bản trích đã tóm lược các bộ sưu tập hiện vật. Những hiện vật căn bản chưa có, chúng tôi dùng tư liệu ảnh hiện vật văn hóa Đông Sơn độc đáo phát hiện ở Thanh Hóa đang lưu giữ ở nước ngoài. Sử dụng ảnh hiện vật tiêu biểu của các bảo tàng Trung ương, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa. Trưng bày các bản vẽ hoa văn những hiện vật đặc sắc như bản vẽ mặt trống Quảng Thắng, hoa văn nhà sàn trên trống Quảng Xương, hoa văn thuyền và người trên thạp Xuân Lập… một số ảnh bảo vật quốc gia như trống đồng Ngọc Lũ, trống Cẩm Giang, kiếm ngắn núi Nưa, khóa thắt lưng làng Cả, tượng hai người cõng nhau thổi khèn… với mục đích hoàn thiện nội dung trưng bày về văn hóa Đông Sơn.
Như một căn duyên, quá trình hoạt động của bảo tàng đã sưu tầm được nhiều cổ vật về văn hóa Đông Sơn, nâng tầm giá trị các bộ sưu tập trong bảo tàng. Đầu tiên phải kể chiếc thạp đồng có gờ nắp đậy nhỏ hơn chiếc thạp Xuân Lập. Bảo tàng có hơn 10 chiếc thạp nhưng miệng đều thẳng, hoa văn hình học đơn giản. Thạp có nắp rất hiếm, đây là chiếc duy nhất của bảo tàng thuộc loại có gờ nắp đậy, trang trí hoa văn thuyền và người.
Tiếp phải kể đến là hai lẫy nỏ bằng đồng mà bảo tàng sưu tầm. Đây là loại vũ khí chiến đấu lợi hại đã đi vào lịch sử thời kỳ Hùng Vương dựng nước. Ngoài ra, bảo tàng còn sưu tầm bổ sung nhiều hiện vật đồ đồng độc đáo có giá trị như rìu chiến lành lặn có hoa văn đẹp, hai dao găm có cán tượng người đeo khuyên tai, tay khuỳnh chống nạnh thể hiện uy phong, hùng dũng của người Đông Sơn, cùng với bộ dao găm cán chữ T hơn 10 chiếc là loại vũ khí đánh gần mang đặc trưng văn hóa Đông Sơn vùng sông Mã. Chúng là công cụ trong thời bình, nhưng trong chiến tranh là vũ khí. Qua đó chúng ta thấy được sự tài tình trong sử dụng công cụ với tính đa chức năng của cha ông xưa.
Những di vật đồ đồng văn hóa Đông Sơn trưng bày giới thiệu tại Bảo tàng cổ vật Đông Sơn đã góp phần khẳng định nghệ thuật và kỹ thuật đúc đồng của người Đông Sơn đã đạt đến trình độ điêu luyện. Nghệ thuật Đông Sơn đạt tới đỉnh cao thể hiện tư duy thẩm mỹ, thế giới quan của một cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Đồ đồng Văn hóa Đông Sơn - loại hình sông Mã là tiêu chí để có thể nhận biết cho đồ đồng thuộc loại hình địa phương khác hay để phân biệt giữa Đông Sơn với những nền văn hóa kim khí khác. Sản phẩm đồ đồng trưng bày tại bảo tàng góp phần phản ánh nghề đúc đồng truyền thống của người Việt cổ đã được duy trì phát triển qua các giai đoạn lịch sử dân tộc. Thanh Hóa là địa phương có nhiều làng nghề đã kế thừa được nghề đúc trống đồng tinh xảo với những nét hoa văn đẹp có từ thời trống đồng Đông Sơn. Chiếc lớn nhất là phiên bản trống Ngọc Lũ nặng gần 4 tấn, đường kính mặt 2,35m; cao 1,87m, phá kỷ lục Guinness Việt Nam, hiện trống đang được trưng bày tại khu vực làng nghề Trà Đông. Làng Trà Đông trở thành làng nghề đúc đồng truyền thống nổi tiếng, được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2018.
Di sản văn hóa là một bộ phận cực kỳ quan trọng của nền văn hóa mỗi dân tộc. Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, dân tộc ta đã tích lũy được một kho tàng di sản văn hóa rất đáng tự hào. Những hiện vật của Bảo tàng cổ vật Đông Sơn mang hơi thở quá khứ về lịch sử đã góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Theo Luật di sản văn hóa, để đủ điều kiện cấp phép hoạt động bảo tàng tư nhân. Bảo tàng cổ vật Đông Sơn đã thực hiện đăng ký được 633 di vật, cổ vật. Đây là điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý cổ vật, góp phần ngăn chặn nạn “chảy máu cổ vật” cũng như tạo điều kiện cho bảo tàng trong việc giao lưu, tổ chức trưng bày lưu động phối hợp vì những hiện vật đăng ký đều là những hiện vật thật và đã được giám định niên đại, góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hóa địa phương, của dân tộc, góp phần lành mạnh thị trường cổ vật.
Bảo tàng cổ vật Đông Sơn thực sự là công cụ có hiệu quả, góp phần vào sự phát triển của xã hội. Bảo tàng đã có những hoạt động thiết thực nhằm giáo dục, phát huy truyền thống lịch sử văn hóa của địa phương; phối hợp với các cơ quan chuyên ngành, hệ thống bảo tàng Trung ương và các bảo tàng khác làm rõ chứng cứ khoa học về khảo cổ, lịch sử, văn hóa… trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc trên đất Thanh Hóa.
Đối với công tác trưng bày tuyên truyền phát huy giá trị, bảo tàng luôn thường xuyên bổ sung hiện vật phòng trưng bày, thuyết minh giới thiệu hiện vật về di sản văn hóa truyền thống trong khuôn viên Không gian văn hóa Việt, hướng hoạt động này vào khuôn khổ của pháp luật, hướng vào những giá trị vốn có của di sản nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Công tác hướng dẫn tham quan trực tiếp từ hiện vật gốc đã góp phần quan trọng để bảo tàng thực hiện chức năng giáo dục và phổ biến khoa học.
Trong xã hội ngày nay, một thực tế phổ biến là các em học sinh - những chủ nhân tương lai của đất nước, kiến thức lịch sử còn hạn chế, nhầm lẫn các sự kiện và danh nhân lịch sử, văn hóa. Trước tình hình đó, bảo tàng lại càng phải có vai trò quan trọng trong việc thông qua các di vật, cổ vật bổ trợ kiến thức lịch sử cho các thế hệ trẻ nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam. Bộ sưu tập đồ đồng trưng bày tại bảo tàng trở thành những tư liệu sống động, phản ánh cuộc sống sôi động, hào hùng của chủ nhân văn hóa Đông Sơn từ hơn hai nghìn năm trước. Văn minh Đông Sơn đã trở thành một thành tố quan trọng cho việc lập nên một quốc gia dân tộc Việt Nam, và là niềm tự hào của chúng ta về tổ tiên thuở bình minh của lịch sử.
Bảo tàng cổ vật Đông Sơn nằm trong Không gian văn hóa Việt - điểm đến tuyến du lịch của thành phố Thanh Hóa. Địa chỉ này đã đưa vào hoạt động và đón khách tham quan hơn 10 năm nay. Du khách đến tham quan nơi này đã được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của không gian vườn lắng đọng chất thơ và được ngắm những di vật, cổ vật trưng bày trong bảo tàng. Nơi đây đã trở thành địa chỉ quen thuộc rất ấn tượng, mang đến trong lòng du khách một nỗi niềm hoài cổ trong một không gian văn hóa Việt gần gũi, thân thương. Với phương châm phục vụ cộng đồng, tạo điều kiện cho các cá nhân, tập thể chiêm ngưỡng di sản văn hóa lưu giữ tại điểm du lịch, Không gian văn hóa Việt - Bảo tàng cổ vật Đông Sơn thường xuyên mở cửa trưng bày phục vụ khách tham quan, nhất là vào ngày lễ, ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước, địa phương.
Nơi đây được đón các đoàn Famtrip đến thăm và khảo sát tuyến du lịch của các công ty lữ hành. Qua việc thực hiện các tour du lịch Famtrip, địa chỉ này được đánh giá là có tiềm năng hấp dẫn đối với du khách. Đây cũng là điểm được phường Trường Thi đưa vào Đề án xây dựng, quảng bá các sản phẩm, chương trình du lịch (trong đó có Bảo tàng cổ vật Đông Sơn). Các giải pháp tăng cường kết nối tour, tuyến du lịch, tạo ra các sản phẩm mới chất lượng, định hướng du lịch đặc trưng là những tín hiệu tốt cho sự phát triển du lịch của tỉnh nhà.
Về công tác trưng bày lưu động phối hợp, Bảo tàng cổ vật Đông Sơn thường xuyên đưa di vật, cổ vật tham gia trưng bày và giới thiệu sản phẩm của công ty (Mật ong rừng Chí Linh Sơn, Rượu sâm Ngọc linh, Rượu Lan kim tuyến…) tại Công viên Hội An phục vụ Tuần văn hóa Thanh Hóa - Hội An và dịp chào mừng Quốc khánh 2-9; Tháng 6 năm 2023, liên kết với Công ty CP Ma Hao và phối hợp với địa phương, các ban ngành tổ chức thành công Lễ hội Chí Linh Sơn tại Lang Chánh, tham gia gian hàng trưng bày giới thiệu hiện vật văn hóa dân tộc và các sản phẩm của công ty tại lễ hội. Tháng 1-2024, bảo tàng đưa bộ cồng chiêng và mô hình nhà sàn Thái tham gia Tuần Văn hóa, Du lịch Điện Biên - Thanh Hóa tại Quảng trường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa.
Về ấn phẩm xuất bản, hàng năm, bảo tàng đều có nhiều hiện vật văn hóa Đông Sơn giới thiệu trong bài viết tham gia “Hội nghị Thông báo Những phát hiện mới về khảo cổ học” do Viện Khảo cổ - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức. Cuốn sách “Không gian văn hóa Việt xứ Thanh” của hai tác giả Lê Ngọc Minh - Hà Huy Tâm đã dành nhiều trang giới thiệu về bộ sưu tập đồ đồng Đông Sơn tại bảo tàng.
Về công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch: Bảo tàng cổ vật Đông Sơn thuộc Công ty CP Du lịch Mã Giang. Bảo tàng thường xuyên phối hợp với các Hiệp hội Du lịch tổ chức các cuộc họp tại bảo tàng xây dựng kế hoạch kết nối tour du lịch, tham gia các hội nghị về xúc tiến du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Xây dựng nhiều clip quảng bá như “Thác Ma Hao - viên ngọc giữa núi rừng”, “Không gian văn hóa Việt”, “Bảo tàng cổ vật Đông Sơn”...; Tổ chức thành công Lễ công bố Quyết định điểm du lịch Không gian văn hóa Việt; Công bố Quyết định hoạt động Bảo tàng cổ vật Đông Sơn; Công bố hiện vật đạt kỷ lục Việt Nam cho các tác phẩm: “Đôi sập đá xanh nguyên khối”, tác phẩm điêu khắc gỗ hương “Thanh kỳ khả ái” và Bộ 4 tác phẩm gỗ hương “Tứ bất tử”... Ngoài ra, bảo tàng còn cung cấp tư liệu thông tin đăng tải hoạt động và giới thiệu hiện vật về văn hóa Đông Sơn trên các báo địa phương, tạp chí Đông Nam Á, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, VTV1… quay hình giới thiệu khuôn viên Không gian văn hóa Việt - Bảo tàng cổ vật Đông Sơn trên kênh Youtube.
Ngày 29-12-2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 4249/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng giai đoạn 2024-2026”. Theo Đề án, các bảo tàng công lập và ngoài công lập trên toàn quốc thực sự trở thành trung tâm giáo dục thường xuyên về truyền thống yêu nước, tinh thần dũng cảm, kiên cường đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, ý thức giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc thu hút đông đảo công chúng, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và phát triển du lịch. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án là: Đổi mới nội dung, hình thức trưng bày và giới thiệu di sản văn hóa tại bảo tàng; Đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động, đưa bảo tàng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các đối tượng công chúng.
Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành đề ra, hoạt động của Bảo tàng cổ vật Đông Sơn thời gian tới cần phải đổi mới và nâng cao chất lượng nội dung trưng bày, tạo sự phong phú, sinh động, hấp dẫn thu hút khách tham quan;
Để đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, ngoài việc tuyên truyền quảng bá về giá trị của các hiện vật trên các phương tiện thông tin đại chúng, bảo tàng tổ chức giao lưu, tọa đàm chuyên đề về các hiện vật lịch sử gắn với du lịch văn hóa, thu hút học sinh ở các bậc học phổ thông, đại học tới tham quan tìm hiểu về lịch sử, văn hóa dân tộc, để các em cảm nhận và yêu thích môn lịch sử;
Cần có sự nghiên cứu, xây dựng kết nối tour cho du khách sau khi xem bảo tàng sẽ tham quan di tích khảo cổ học Đông Sơn - địa điểm đầu tiên phát hiện ra những di vật đồ đồng Đông Sơn năm 1924, nay thuộc phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa;
Bảo tàng cổ vật Đông Sơn cần được nghiên cứu, sưu tầm và trưng bày như một chuyên đề đặc trưng của đồ đồng xứ Thanh tại bảo tàng, để nơi đây trở thành điểm du lịch văn hóa phục vụ cộng đồng, du khách gần xa.
N.T.H