Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   DU LỊCH THANH HÓA TIỀM NĂNG VÀ PHÁT TRIỂN
DU LỊCH THANH HÓA TIỀM NĂNG VÀ PHÁT TRIỂN

Ts. Ls. LÊ XUÂN THẢO                                                            

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa

Mượn Xuân một dải lụa đào
Bắc cầu hò hẹn em vào xứ Thanh
Quê mình biển biếc, rừng xanh
Ngàn năm câu hát kết thành đồng dao...

Xứ Thanh, vùng đất không chỉ giàu có về tài nguyên, giá trị lịch sử, di sản, mà còn được đấng tạo hóa ban tặng cho nhiều danh lam thắng cảnh đẹp nên thơ, hùng vĩ! Tất cả tạo nên một dòng chảy văn hóa, diện mạo, cốt cách, tâm hồn con người và một xứ Thanh với hương sắc bốn mùa trên dải đất hình chữ S thân thương. Bởi vậy, Thanh Hóa hội tụ đầy đủ điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch và hướng tới du lịch bốn mùa.
Với diện tích tự nhiên 11.120 km2 đứng thứ 5 cả nước, Thanh Hóa có 3 vùng sinh thái đặc trưng: trung du, miền núi và đồng bằng ven biển. Và với bề dày truyền thống lịch sử hào hùng, văn hóa đặc sắc... Thanh Hóa hiện có 1.535 di tích, với 858 di tích được xếp hạng, trong đó có: Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ; 5 di tích Quốc gia đặc biệt; 139 di tích Quốc gia; 713 di tích cấp Tỉnh; 25 di sản văn hóa phi vật thể và nhiều di tích lịch sử, văn hóa có thắng cảnh đẹp như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, Vườn Quốc gia Bến En... Các Khu bảo tồn thiên nhiên: Xuân Liên, Pù Hu, Pù Luông; các bãi biển: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa... 
Nhằm khai thác và phát huy hiệu quả thế mạnh này, thời gian qua, Thanh Hóa đã đẩy mạnh thu hút đầu tư và đã đón nhận được làn sóng đầu tư mạnh mẽ của các tập đoàn kinh tế lớn như: Sun Group, Vingroup, FLC, Flamingo… đầu tư nhiều dự án lớn về du lịch, hướng tới du lịch bốn mùa, thực hiện khát vọng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tạo dấu ấn đậm nét trên bản đồ du lịch Việt Nam. Với việc quan tâm chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp, sự vào cuộc tích cực của Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa trong việc tuyên truyền, quảng bá các địa danh, các loại hình du lịch...; Du lịch Thanh Hóa đã dần trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước; tạo nền tảng bước đầu của một ngành công nghiệp du lịch, đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển chung của tỉnh. 
Để du lịch Thanh Hóa phát triển bền vững và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; thời gian qua, Thanh Hóa đã huy động các nguồn lực, chỉ đạo các ngành, các địa phương đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật... nhằm kết nối các trọng điểm du lịch trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển. Đặc biệt, tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào khai thác các dự án đầu tư tổ hợp du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch cao cấp, có tính cạnh tranh cao như: Dự án Quảng trường biển, Trục cảnh quan lễ hội thành phố Sầm Sơn, Dự án Flamingo Linh Trường, Bến du thuyền - Khu phức hợp du lịch Tâm linh - Thể thao Anh Phát, khai trương Phố đi bộ Phan Chu Trinh và Không gian Văn hóa Quảng trường Lam Sơn, ra mắt nhiều sản phẩm du lịch mới tại Khu du lịch trải nghiệm Không gian Văn hóa Việt, Linh Kỳ Mộc thành phố Thanh Hóa... 
Các địa danh du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm trọng điểm như: Thành Nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc); Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân); Suối cá thần Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy)... được đầu tư bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử; tổ chức các lễ hội, các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống... nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch theo hướng vừa hấp dẫn vừa đậm đà bản sắc địa phương. Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, sinh thái cộng đồng gắn với tìm hiểu văn hóa, ẩm thực, làng nghề, hoạt động trải nghiệm, khám phá thiên nhiên... Các khu du lịch sinh thái cộng đồng ở phía Tây Thanh Hóa cũng đã khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh từ thiên nhiên, phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Hiện nay, Thanh Hóa có hơn 1.300 cơ sở lưu trú, với gần 48.600 phòng nghỉ tiêu chuẩn; trong đó có 3 khách sạn 5 sao, 5 khách sạn 4 sao, 30 khách sạn 3 sao; có 53 doanh nghiệp lữ hành; trong đó có 6 doanh nghiệp lữ hành quốc tế... Với hơn 1.000 nhà hàng, quán ăn tại các khu du lịch; có trên 57.800 lao động làm việc trong ngành du lịch, số lao động được đào tạo, bồi dưỡng là 47.950 lao động. Cùng với đó, Thanh Hóa đã tạo mọi điều kiện để xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, nhằm đáp ứng xu hướng của thị trường; hình thành liên minh kích cầu du lịch với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; kêu gọi, vận động, hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch phối hợp thực hiện chiến dịch kích cầu du lịch, với phương châm “Tăng tối đa chất lượng sản phẩm, giảm tối đa giá thành sản phẩm”, đảm bảo tiêu chí an toàn, hấp dẫn khách du lịch... Đồng thời, tích cực triển khai chương trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và phát triển du lịch. Phát triển du lịch thông minh, thực hiện du lịch thực tế ảo trên ứng dụng của thiết bị điện thoại tại các khu du lịch trọng điểm. Đồng thời, giới thiệu các ấn phẩm, vật phẩm gắn với bộ nhận diện thương hiệu du lịch Thanh Hóa; đẩy mạnh truyền thông trên các kênh truyền hình của Trung ương, của tỉnh, trên website và nền tảng số... Đây chính là nền tảng để xóa bỏ việc kinh doanh du lịch mùa vụ, manh mún, khơi dậy tiềm năng du lịch tỉnh Thanh, biến Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, thành phố Thanh Hóa trở thành những trung tâm du lịch sôi động suốt bốn mùa, từng bước vươn tầm quốc tế. 
Với việc quan tâm đầu tư cho phát triển du lịch, năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đón được trên 12,4 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt trên 24,5 ngàn tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đón được trên 14.450.000 lượt khách, tăng 19,6% so với cùng kỳ 2023, đạt 104,7% kế hoạch năm 2024; trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt trên 550 nghìn lượt khách, tổng thu du lịch ước đạt trên: 31.935 tỷ đồng, tăng 39,2% so với cùng kỳ 2023, bằng 98,6% kế hoạch năm 2024; trong đó, tổng thu từ khách du lịch quốc tế ước đạt: 285,42 triệu USD.
Vì vậy, để góp phần thúc đẩy du lịch Thanh Hóa phát triển tương xứng với tiềm năng lợi thế của tỉnh. Trong thời gian tới, Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh và tăng cường tính đoàn kết, sáng tạo, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; thường xuyên định hướng, hỗ trợ và liên kết các thành viên trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh, xúc tiến… tạo chuỗi giá trị bền vững trong phát triển du lịch, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hình ảnh du lịch xứ Thanh. Đồng thời, Hiệp hội sẽ nâng cao hơn nữa vai trò cầu nối, là chỗ dựa vững chắc cho các doanh nghiệp du lịch địa phương. 
Để Hiệp hội vững mạnh, hoạt động hiệu quả, mỗi doanh nghiệp hội viên cũng phải lớn mạnh. Vì vậy, các hội viên cần nhanh chóng đổi mới hình thức kinh doanh, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ du lịch, gắn với nâng cao chất lượng; mạnh dạn đầu tư chỉnh trang cơ sở vật chất du lịch, đầu tư các dịch vụ du lịch cao cấp để mở rộng thị trường khách, sẵn sàng đáp ứng đa dạng nhu cầu, thị hiếu khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch phân khúc cao; phục vụ du lịch cả năm. 
Cuộc cách mạng 4.0 và nền kinh tế số sẽ mở ra cơ hội tiếp cận khách hàng một cách nhanh chóng, thuận lợi; do đó, Hiệp hội mong muốn các doanh nghiệp nghiên cứu, khai thác các nền tảng thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng và giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp mình tới du khách trong và ngoài nước. 
Ngoài ra, đội ngũ nhân sự của các khách sạn, nhà hàng, công ty lữ hành cần được thường xuyên trau dồi kỹ năng nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp… thông qua các chương trình tập huấn, bồi dưỡng và chương trình đào tạo tại chỗ để hình ảnh du lịch Thanh Hóa ngày càng chuyên nghiệp và đẹp hơn trong mắt du khách. 
Hiệp hội Du lịch tỉnh và các hội viên sẽ chủ động phát huy tối đa nội lực để đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến; xây dựng, quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp, cũng như tham gia tích cực các hoạt động xúc tiến du lịch của tỉnh; góp phần nâng tầm, khẳng định vị thế du lịch Thanh Hóa tại các sự kiện du lịch trong và ngoài nước. 
Hy vọng, với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của tỉnh Thanh Hóa, sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp và sự hoạt động tích cực của Hiệp hội Du lịch… du lịch Thanh Hóa sẽ sớm tăng tốc, bứt phá, ghi dấu ấn đậm nét trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế.
                                                                                       L.X.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 66
 Hôm nay: 4747
 Tổng số truy cập: 9241937
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa