Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   SÁP NHẬP HUYỆN ĐÔNG SƠN VÀO THÀNH PHỐ THANH HÓA LÀ PHÙ HỢP VỚI ĐIỀU KIỆN LỊCH SỬ, VĂN HÓA VÀ XU THẾ PHÁT TRIỂN
SÁP NHẬP HUYỆN ĐÔNG SƠN VÀO THÀNH PHỐ THANH HÓA LÀ PHÙ HỢP VỚI ĐIỀU KIỆN LỊCH SỬ, VĂN HÓA VÀ XU THẾ PHÁT TRIỂN

HOÀNG THANH HẢI

Tháng 11-2024, thành phố Thanh Hóa long trọng tổ chức kỷ niệm 220 năm ra đời đô thị tỉnh lỵ Thanh Hóa (1804-2024), 30 năm thành lập thành phố Thanh Hóa (1994-2024) và công bố quyết định sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa. Việc sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa là phù hợp với điều kiện lịch sử, văn hóa và xu thế phát triển, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển thành phố xứng tầm đô thị loại I, với vai trò, vị thế là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật của một trong những tỉnh lớn nhất cả nước. 
Điều kiện lịch sử, văn hóa
Hơn 2000 năm thời Bắc thuộc và phong kiến tự chủ, tỉnh lỵ Thanh Hóa đã dời đổi qua nhiều địa điểm: Thời thuộc Hán, quận trị Cửu Chân ở Tư Phố (nay thuộc Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa); Từ thời Tiền Tống, Tuỳ, Đường đến thời Đinh, Lê, quận trị Cửu Chân đóng ở Đông Phố (nay là làng Đông Phố, Đông Hòa, Đông Sơn); Thời Lý, Trần, trấn lỵ Thanh Hóa đóng ở Duy Tinh (nay thuộc thị trấn Hậu Lộc); Thời thuộc Minh, quân Minh và chính quyền tay sai đóng ở Tây Đô; Từ thời Lê Thái Tổ (1428) đến khi Gia Long lên ngôi (1802), trấn lỵ Thanh Hóa chuyển về làng Giàng, đóng ở Dương Xá và Doanh Xá (nay thuộc Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa). 
“Trong quá trình dời đổi trên, chưa lúc nào tỉnh lỵ Thanh Hóa thực sự là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa đúng nghĩa. Cho đến năm 1804, khi tỉnh lỵ dời về tổng Thọ Hạc, nơi đầu mối giao thông thuận lợi ra Bắc vào Nam, lên rừng xuống biển, nhưng vẫn chỉ là một trị sở nằm giữa xã, thôn”. Thành phố Thanh Hóa khi ấy nằm trên phần đất giáp ranh của 2 huyện Đông Sơn và Quảng Xương được cắt ra. Năm Gia Long thứ 3 - 1804, nhà Nguyễn đã cắt đất làng Thọ Hạc, làng Phú Cốc, làng Mật Sơn để chia thành 2 giáp cho thuộc vào trấn lỵ, mỗi giáp lại chia thành các ấp. Hai giáp có tên là Đông Phố và Nam Phố, nằm xung quanh thành Thanh Hóa. Giáp Đông Phố có 10 ấp: Ấp Văn Trường, Đông Trường, Tiền Nghĩa, Hậu Thanh, Đông Lâm, Đông Lạc, Tả Biên, Phú Mỹ, Hữu Biên, Bắc Biên. Giáp Nam Phố có 7 ấp: Ấp Tây Lý, Hữu Môn, Tiền Môn, Nhân Lý, Đông Lý, Nam Lý, Đông Thành”(1).
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, dưới quyền cai trị của công sứ Pháp, đã mở rộng tỉnh lỵ về phía đông, thuộc địa phận tổng Bố Đức (gồm các làng Cẩm Bào Nội, Cốc Hạ, Phú Cốc và Đức Thọ Vạn).
Ngày 12 tháng 7 năm 1899, vua Thành Thái ký đạo dụ thành lập thị xã Thanh Hóa gồm 7 làng: Thọ Hạc, Đông Phố, Nam Phố (thuộc tổng Thọ Hạc), Đức Thọ Vạn, Cẩm Bào Nội, Cốc Hạ, Phú Cốc (thuộc tổng Bố Đức). 
Đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đẩy mạnh khai thác thuộc địa ở nước ta. Kinh tế hàng hóa được phát triển nhất định, tầng lớp thị dân kể cả người nước ngoài (chủ yếu là người Pháp, người Ấn, người Hoa) dần tập trung về tỉnh lỵ, một trung tâm kinh tế hàng hóa dần xuất hiện bao quanh tỉnh lỵ, các phố phường bắt đầu mọc lên. Năm 1918, trấn thành Thanh Hóa (thường được gọi là Hạc Thành) được chia làm 10 phường: Tả Môn (Cửa Tả), Đông Lạc, Thành Thị, Bắc Môn (Cửa Hậu), Nam Môn (Cửa Tiền), Nam Lý, Phú Cốc, Văn Trường, Bào Giang, Đức Thọ.
Ngày 31 tháng 1 năm 1929, toàn quyền Đông Dương đã ký nghị định nâng cấp thị xã Thanh Hóa lên thành phố Thanh Hóa. Các phố phường bắt đầu mang tên Pháp: Rue Roousseau, Rue Julles Ferry, Rue Paul Bent… và do người Pháp trực tiếp cai trị.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, do điều kiện kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi kháng chiến chống Mỹ, thành phố Thanh Hóa là một đơn vị hành chính cấp thị xã trực thuộc tỉnh Thanh Hóa.
Ngày 1 tháng 5 năm 1994, Thủ tướng Chính phủ ký nghị định số 37/CP thành lập thành phố Thanh Hóa thuộc tỉnh Thanh Hóa trên cơ sở thị xã Thanh Hóa. 
Ngày 6 tháng 12 năm 1995, Chính phủ ra Nghị định số 85-CP điều chỉnh địa giới để mở rộng thành phố Thanh Hóa, sáp nhập xã Đông Cương thuộc huyện Đông Sơn, các xã Quảng Thành, Quảng Hưng và một phần đất của xã Quảng Thịnh (sáp nhập vào phường Đông Vệ) thuộc huyện Quảng Xương vào thành phố, nâng tổng số lên 17 phường, xã.
Ngày 29 tháng 4 năm 2004, thành phố Thanh Hóa được công nhận là đô thị loại II. Năm 2008, thành phố Thanh Hóa có diện tích 57,94 km², với 12 phường, gồm: Ba Đình, Điện Biên, Đông Sơn, Đông Thọ, Đông Vệ, Hàm Rồng, Lam Sơn, Nam Ngạn, Ngọc Trạo, Phú Sơn, Tân Sơn, Trường Thi và 6 xã: Đông Cương, Đông Hải, Đông Hương, Quảng Hưng, Quảng Thắng, Quảng Thành. 
Ngày 29 tháng 02 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị quyết 05/NQ-CP điều chỉnh địa giới để mở rộng địa giới hành chính thành phố Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc thành phố Thanh Hóa. Theo đó, sáp nhập một số xã và thị trấn: Thị trấn Tào Xuyên và 5 xã Hoằng Lý, Hoằng Long, Hoằng Anh, Hoằng Quang, Hoằng Đại thuộc huyện Hoằng Hóa; thị trấn Nhồi và 4 xã Đông Lĩnh, Đông Tân, Đông Hưng, Đông Vinh thuộc huyện Đông Sơn; 3 xã Thiệu Dương, Thiệu Khánh, Thiệu Vân thuộc huyện Thiệu Hóa; và 5 xã: Quảng Thịnh, Quảng Đông, Quảng Phú, Quảng Tâm, Quảng Cát thuộc huyện Quảng Xương. Đồng thời, chuyển thị trấn Tào Xuyên thành phường Tào Xuyên và chuyển thị trấn Nhồi thành phường An Hoạch. Sau khi mở rộng địa giới hành chính, thành phố Thanh Hóa có 14.677,07 ha diện tích tự nhiên, dân số là 393.294 người với 37 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 14 phường và 23 xã(2).
Ngày 19 tháng 8 năm 2013, theo Nghị quyết số 99/NQ-CP của Chính phủ, quyết định thành lập các phường: Đông Cương, Đông Hương, Đông Hải, Quảng Hưng, Quảng Thành, Quảng Thắng thuộc thành phố Thanh Hóa trên cơ sở các xã tương ứng.  
Ngày 29 tháng 4 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 636/QĐ-TTg công nhận thành phố Thanh Hóa là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Thanh Hóa.  
Ngày 16 tháng 10 năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 786/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Thanh Hóa (Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 12 năm 2019). Theo đó: Sáp nhập xã Đông Hưng và phường An Hoạch để thành lập phường An Hưng; Sáp nhập xã Hoằng Lý vào phường Tào Xuyên; Sáp nhập xã Hoằng Anh và xã Hoằng Long thành xã Long Anh.
Ngày 9 tháng 12 năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1108/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập các phường thuộc thành phố Thanh Hóa (Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 2 năm 2021). Theo đó, chuyển 10 xã: Đông Lĩnh, Đông Tân, Long Anh, Quảng Cát, Quảng Đông, Quảng Phú, Quảng Tâm, Quảng Thịnh, Thiệu Dương, Thiệu Khánh thành 10 phường có tên tương ứng.
Đến nay, thành phố Thanh Hóa có 34 đơn vị hành chính cấp xã, phường trực thuộc, bao gồm 30 phường: An Hưng, Ba Đình, Điện Biên, Đông Cương, Đông Hải, Đông Hương, Đông Lĩnh, Đông Sơn, Đông Tân, Đông Thọ, Đông Vệ, Hàm Rồng, Lam Sơn, Long Anh, Nam Ngạn, Ngọc Trạo, Phú Sơn, Quảng Cát, Quảng Đông, Quảng Hưng, Quảng Phú, Quảng Tâm, Quảng Thành, Quảng Thắng, Quảng Thịnh, Tào Xuyên, Tân Sơn, Thiệu Dương, Thiệu Khánh, Trường Thi và 4 xã: Đông Vinh, Hoằng Đại, Hoằng Quang, Thiệu Vân, với tổng diện tích là 147,2 km2, dân số gần 500.000 người (là thành phố trực thuộc tỉnh có nhiều phường nhất và dân số lớn thứ 4 cả nước)(3).
Như vậy, sau 220 năm (1804 - 2024), từ trấn lỵ của tỉnh Thanh Hóa, với địa bàn chủ yếu của huyện Đông Sơn cũ, thành phố đã phát triển liên tục qua các chặng đường, trở thành thị xã, thành phố thời Pháp thuộc, rồi thành phố đô thị loại III, loại II và loại I trực thuộc tỉnh thời hiện đại, ngày càng xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của một tỉnh rộng lớn, đông dân. Trong quá trình mở rộng thành phố, nhất là 30 năm qua, nhiều xã lân cận thuộc huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa, Quảng Xương đã được sáp nhập, trở thành đơn vị xã, phường của thành phố Thanh Hóa. Dù là tỉnh lỵ, thị xã, hay thành phố, thì tên gọi thành phố Thanh Hóa vẫn không thay đổi.
Về văn hóa, thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn đều nằm trên lưu vực sông Mã, cùng trong không gian văn hóa nền văn hóa Đông Sơn, với nhiều di tích nổi tiếng từ ngàn năm trước. Đời sống văn hóa của cộng đồng cư dân thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn có những mặt tương đồng. Vì vậy, sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa càng tạo điều kiện bảo tồn, phát huy được những giá trị lịch sử, văn hóa to lớn nêu trên. 
Xu thế phát triển
Trong những năm gần đây, xu thế phát triển của các đô thị ở Việt Nam cũng như thế giới là sáp nhập, mở rộng không gian, để tập trung nguồn lực, khai thác những lợi thế phát triển. Ngay Hà Nội đã có hai lần sáp nhập Hà Tây, Hà Đông, Sơn Tây và một phần Hòa Bình vào thủ đô.
Huyện Đông Sơn hiện nay có số dân 101.272 người, diện tích tự nhiên: 82,87 km2. Xét tiêu chí của một đơn vị hành chính cấp huyện, Đông Sơn chưa đảm bảo tiêu chuẩn về quy mô dân số (84,39%) và diện tích tự nhiên (18,41%)(4), theo quy định nên việc nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa là cần thiết nhằm tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và mở rộng không gian đô thị trong giai đoạn mới. Nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa sẽ tạo ra không gian đô thị loại I đủ tầm và tạo được một vùng động lực mở cho thành phố phát triển. Với quỹ đất lớn, nguồn lực đầu tư không bị phân tán, thành phố Thanh Hóa mới có nhiều điều kiện để phát triển hạ tầng đồng bộ và hiện đại, phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch, y tế, giáo dục chất lượng cao... Qua đó phấn đấu đến năm 2030, thành phố Thanh Hóa trở thành thành phố thông minh, văn minh, hiện đại, là 1 trong 5 thành phố trực thuộc tỉnh dẫn đầu cả nước, tạo động lực góp phần quan trọng đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc Tổ quốc, mà Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ.
Tên gọi của thành phố Thanh Hóa sau khi sáp nhập huyện Đông Sơn
Về danh xưng thành phố Thanh Hóa mới sau khi sáp nhập huyện Đông Sơn, đã có những ý kiến khác nhau, tập trung ở 2 luồng ý kiến: Thành phố Thanh Hóa và thành phố Đông Sơn. 
Trong suốt 220 năm ra đời và phát triển (1804 - 2024), từ khi là tỉnh lỵ Thanh Hóa, thị xã Thanh Hóa hay thành phố Thanh Hóa thời Pháp thuộc, Thành phố Thanh Hóa thời hiện đại, tên gọi: Thanh Hóa là không thay đổi.
“Tên gọi lỵ sở - trấn thành Thanh Hóa hay thị xã Thanh Hóa trước đây và thành phố Thanh Hóa ngày nay luôn thể hiện vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, là hậu phương rộng lớn, vững chắc, đóng góp sức người, sức của vào thắng lợi chung của cả nước trong các cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cho đến công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội với những thành tựu to lớn như hiện nay; đã được định vị và nhận diện rộng khắp trong nước và quốc tế; gắn liền với quá trình hội nhập, phát triển của tỉnh Thanh Hóa nói chung và thành phố Thanh Hóa nói riêng”(5).
Ở nước ta, hiện có 29 thành phố thuộc tỉnh trùng tên với tỉnh. Riêng khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có 20 thành phố thuộc tỉnh trùng tên với tỉnh, như: Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Yên Bái, Lào Cai... và chưa có thành phố thuộc tỉnh nào đổi tên trong giai đoạn gần đây.
Ngoài những lý do trên, việc giữ tên gọi thành phố Thanh Hóa còn tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý đô thị và quan hệ, đầu tư quốc tế.
Vì vậy, tên gọi là thành phố Thanh Hóa sau khi sáp nhập huyện Đông Sơn là thành phố Thanh Hóa là phù hợp với điều kiện lịch sử, văn hóa và nguyện vọng của nhân dân.
                                                                                      H.T.H


(1) Nguyễn Thị Thu Hà, Thành phố Thanh Hóa - Quá trình hình thành và phát triển từ năm 1804 đến năm 2010, Luận án Tiến sĩ lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015, Tr. 27.
(2); (3) thanhphothanhhoa.thanhhoa.gov.vn, Giới thiệu tổng quan về Thành phố Thanh Hóa.
(4) https//dongson.thanhhoa.gov.vn
(5) Thành phố Thanh Hóa có tên gì sau khi sáp nhập huyện Đông Sơn, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 29-10-2024.


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 92
 Hôm nay: 4818
 Tổng số truy cập: 9242008
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa