KHÔNG GIAN HÀM RỒNG TRONG DÒNG CHẢY LỊCH SỬ XỨ THANH
TRẦN THỊ LIÊN
Từ văn hóa Đông Sơn đến bộ Cửu Chân nước Văn Lang
Thanh Hóa là một vùng đất sớm được kiến tạo, là nơi có lịch sử phát triển lâu dài và liên tục.
Vùng đất Đông Sơn - Hàm Rồng là nơi hội tụ những di tích có liên quan đến lịch sử dựng nước của dân tộc.
Tài liệu điều tra, khai quật và những công trình nghiên cứu lịch sử vùng đất đồi bờ sông Mã trong hơn nửa thế kỷ qua đã khẳng định: Châu thổ sông Mã mà trung tâm là vùng đất cổ Đông Sơn là một trung tâm phát triển của văn hóa Đông Sơn. Văn hóa này đã góp phần quan trọng vào việc hình thành nên bộ Cửu Chân - một trong 15 bộ của nước Văn Lang.
Tài liệu khảo cổ học cho biết: Trước khi văn hóa Đông Sơn ở khu vực châu thổ sông Mã hình thành, vùng đất này đã hình thành những di tích, nhóm di tích tiền Đông Sơn.
Kết quả điều tra, khai quật, nghiên cứu các di tích cư trú của con người ở khu vực Đông Sơn và phía Nam vùng đất Ngã Ba Đầu (nơi sông Chu gặp sông Mã) cho biết: Cách ngày nay khoảng 4.000 năm, khi châu thổ sông Mã đang kiến tạo con người đã chiếm lĩnh, khai phá. Với những thành tựu của cuộc “cách mạng luyện kim” con người đã biến vùng đất này thành một vùng phát triển để chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa của văn minh.
Văn hóa Đông Sơn được phát hiện vào năm 1924 tại địa điểm Đông Sơn thuộc xã Đông Sơn, huyện Đông Sơn (nay thuộc phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa) và sau đó địa danh này vinh dự được mang tên “Văn hóa Đông Sơn”. Trong thời điểm văn hóa Đông Sơn được phát hiện, văn hóa này là một trong số ít văn hóa được phát hiện đầu tiên trên đất Việt Nam. Đây là một văn hóa khảo cổ có nhiều ảnh hưởng trong khu vực được nhiều nhà khoa học ở nhiều nước trên thế giới biết đến.
Di tích này được phát hiện cách ngày nay tròn một thế kỷ (năm 1924). Ngay sau khi được phát hiện, di tích Đông Sơn cùng với những di vật được phát hiện và công bố đã thu hút các nhà nghiên cứu. Vào đầu thập niên ba mươi của thế kỷ XX thuật ngữ “Văn hóa Đông Sơn” đã ra đời và được các nhà khảo cổ thừa nhận đây là một văn hóa khảo cổ tiêu biểu trong khu vực.
Cùng với các loại công cụ sản xuất, vũ khí, đồ trang sức, tại di tích Đông Sơn còn phát hiện được nhiều ngôi mộ táng với các táng thức mang nét riêng của chủ nhân văn hóa Đông Sơn. Các tài liệu về nhân chủng ở đây đã góp phần quan trọng vào việc khẳng định thành phần nhân chủng của người Đông Sơn.
Đặc biệt tại khu vực đã phát hiện được nhiều trống Đông Sơn. Các trống Đông Sơn ở đây với kiểu dáng hài hòa, hoa văn phong phú là loại trống tiêu biểu cho nhóm trống mang đặc trưng riêng của trống Đông Sơn phổ biến ở khu vực sông Mã.
Ý nghĩa, giá trị của di tích văn hóa Đông Sơn không chỉ là ở chỗ di tích này vinh dự mang tên một nền văn hóa, văn minh có ảnh hưởng lớn trong khu vực mà còn ở chỗ các di vật ở di tích này đã phản ánh một giai đoạn phát triển của văn hóa Đông Sơn.
Đối với thời kỳ “các vua Hùng đã có công dựng nước” (lời Bác Hồ) văn minh Đông Sơn là cơ sở vật chất của nhà nước Văn Lang. Trong những thành tựu của văn minh Đông Sơn, trống Đông Sơn là di vật tiêu biểu cho tài năng, trí sáng tạo của tổ tiên ta trong thời kỳ dựng nước và giữ nước đầu tiên.
Đối với địa bàn tỉnh Thanh Hóa, hệ thống các di tích văn hóa Đông Sơn đã tạo dựng thành một khu vực trung tâm phát triển ở vùng hạ lưu sông Mã. Trên nền tảng văn hóa vật chất của văn hóa Đông Sơn. Ở khu vực này, bộ Cửu Chân của nước Văn Lang đã hình thành và phát triển.
Cùng với châu thổ sông Hồng, nơi quê hương buổi đầu của lịch sử dân tộc, châu thổ sông Mã với văn hóa Đông Sơn đã góp phần vào bản hùng ca thời kỳ dựng nước đầu tiên. Hào khí Đông Sơn là sức mạnh để đất nước ta chống lại âm mưu đồng hóa của kẻ thù trong nghìn năm Bắc thuộc.
Từ thành cổ Dương Xá đến Thành Hạc
Vùng đất Đông Sơn - Hàm Rồng không chỉ có vai trò quan trọng trong bộ Cửu Chân của nước Văn Lang mà vị trí trung tâm này vẫn còn được duy trì trong dòng chảy lịch sử xứ Thanh. Sự ra đời của thành Dương Xá và Hạc Thành đã khẳng định vị thế lịch sử của không gian văn hóa này. Trước khi thành Dương Xá được tạo dựng, vùng đất Dương Xá - núi Vồm là địa bàn của thành Tư Phố. Thành Tư Phố là một thủ phủ của vùng đất xứ Thanh trong những thế kỷ đầu của thiên niên kỷ đầu tiên. Thành cổ Dương Xá là một tòa thành được xây dựng từ rất sớm trên đất Dương Xá.
Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết về trấn thành cũ này với đôi dòng sơ lược: “Trấn thành cũ: ở bãi Dương Xá huyện Đông Sơn, từ nhà Lê đến Tây Sơn trấn thành ở đây, bản triều dời đến làng Thọ Hạc mà bỏ thành này(1).
Sự tồn tại của thành Dương Xá trong nhiều thế kỷ đã tạo điều kiện để vùng đất phía Nam Ngã ba Đầu phát triển thành một đô thị cổ sầm uất và ảnh hưởng tới các khu vực. Dấu vết tòa thành cổ Dương Xá nay là một trong những điểm đến của du lịch Hàm Rồng.
Vương triều Tây Sơn đã để lại dấu ấn đậm nét trên vùng đất Hạc Oa - Thọ Hạc. Theo lời truyền văn, trong cuộc hành quân thần tốc ra Bắc tiêu diệt quân xâm lược Mãn Thanh, Hoàng đế Quang Trung đã dừng chân ở làng Hạc để bổ sung thêm quân, lương thực và làm lễ thệ sư, quyết tâm tiêu diệt quân Mãn Thanh. Cảm kích về ý chí quyết tâm đánh giặc và sự tham gia của nhân dân Thanh Hóa, vua Quang Trung đã tặng cho làng Hạc chữ “Thọ” để ghép với chữ “Hạc” thành địa danh “Thọ Hạc”(2).
Trên vùng đất này vẫn lưu truyền câu ca dao nói về đạo quân “áo vải cờ đào” và sự tham gia của người dân Thanh Hóa “theo chúa Tây Sơn”.
Thùng thùng trống đánh quân sang
Chợ Già trước mặt quán Nam bên đàng
Qua Triêng thì sẽ sang Giàng
Qua quán Đông Thổ vào làng Đình Hương
Anh đi theo chúa Tây Sơn
Em về cày cuốc mà thương mẹ già
(Ca dao)
Từ đầu thời Nguyễn, trấn lỵ của xứ Thanh được dời về làng Thọ Hạc và thành Hạc đã được tạo dựng trở thành tỉnh lỵ của xứ Thanh trong thời kỳ vương triều Nguyễn.
Sách Đại Nam nhất thống chí đã cho biết về thành tỉnh Thanh Hóa khá cụ thể: “Thành tỉnh Thanh Hóa chu vi 600 trượng, cao 1 trượng, mở 4 cửa, hào rộng 8 trượng 8 thước, sâu 6 trượng 5 tấc, ở địa phận xã Thọ Hạc, huyện Đông Sơn... bản triều Gia Long năm thứ 3 dời đến xã Thọ Hạc hiện nay(3).
Khác với các kiểu thành truyền thống được xây dựng dựa vào địa hình tự nhiên hay hình chữ nhật, thành Thọ Hạc được xây theo kiểu vô băng, kết hợp được hai yếu tố thành và thị tạo điều kiện cho đô thị Thanh Hóa sớm hình thành và phát triển.
Cùng với việc xây thành, một số công trình khác như Hành cung, Văn Miếu, Võ Miếu, đàn Tiên Nông, Xuyên Sơn, miếu Hội Đồng, miếu Thành Hoàng đã được xây dựng và đô thị Thanh Hóa từng bước hình thành.
Sự ra đời của thành Dương Xá và thành Thọ Hạc có thể xem là hai sự kiện lớn đã tác động đến sự phát triển của không gian văn hóa Hàm Rồng và khẳng định vị thế trung tâm của vùng đất này.
Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ xâm lược địa danh Hàm Rồng đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc với huyền thoại bắn rơi 47 máy bay giặc Mỹ trong hai ngày 3 và 4 tháng 4 năm 1965. Hào khí Hàm Rồng, sức mạnh của chiến tranh nhân dân đã góp phần hạ uy thế của không quân Hoa Kỳ.
Chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã tạo nên chiến thắng Hàm Rồng. Huyền thoại Hàm Rồng trong thời kỳ đánh Mỹ và chiến thắng giặc Mỹ xâm lược đã làm rạng rỡ thêm hào khí Hàm Rồng,
Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, bảo vệ cầu Hàm Rồng, sức mạnh truyền thống của văn minh Đông Sơn đã góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp, làm nên chiến thắng:
Cánh chim lạc bay lên từ thuở ấy
Nâng ta lên cánh én bạc ngày nay
Đánh quỷ Mỹ bằng bốn ngàn năm đứng dậy
Đồng Đông Sơn là xương cốt núi sông này.
(Huy Cận)
Truyền thống lịch sử vùng đất Hàm Rồng trong dòng chảy lịch sử xứ Thanh đã góp phần quan trọng tạo dựng nên không gian văn hóa Hàm Rồng, một thành tố của văn hóa xứ Thanh.
T.T.L
(1),(2) Quốc sử quán triều Nguyễn (1992) - Đại Nam nhất thống chí, tập 2, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr 213, 272.
(3) Chi hội Sử học Thành phố Thanh Hóa (2010) - Thành phố Thanh Hóa, Nxb Thanh Hóa, tr 105.