“VAI TRÒ CỦA DANH NHÂN LƯU ĐÌNH CHẤT TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC VÀ VIỆC BẢO TỒN, PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ DI SẢN VỀ ÔNG” NHÌN TỪ MỘT CUỘC HỘI THẢO
HOÀNG THANH HẢI
Hoằng Hóa là một vùng đất cổ, có truyền thống lịch sử, văn hóa hàng nghìn năm, trong đó nổi bật là truyền thống hiếu học, khoa bảng. Thời phong kiến, huyện Hoằng Hóa có tới 48 vị đỗ đại khoa (từ tiến sĩ trở lên) trong tổng số 204 vị của cả tỉnh Thanh Hóa. Trong số đó, nổi bật những tấm gương tiêu biểu, bằng tài năng và đức độ, đã có những đóng góp to lớn cho quốc gia, dân tộc, giữ những chức vụ quan trọng trong các triều đình phong kiến, như Tể tướng, Tham tụng, Thượng Thư… được sử sách lưu danh, nhân dân truyền tụng. Danh nhân Lưu Đình Chất (1566-1627), người làng Đông Khê, nay thuộc xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, là một trong số đó.
Để đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ cuộc đời, sự nghiệp, công trạng, vai trò của Lưu Đình Chất trong lịch sử dân tộc, từ đó, nghiên cứu đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị di sản về ông trong bối cảnh hiện nay, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, Hội Khoa học lịch sử Thanh Hóa phối hợp với Hội đồng Lưu tộc Việt Nam xây dựng một kế hoạch nghiên cứu lớn, chuẩn bị cho Hội thảo khoa học: “Vai trò của danh nhân Lưu Đình Chất trong lịch sử dân tộc và việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản về ông”. Kế hoạch này đã được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa đồng ý, các cơ quan chuyên môn và UBND huyện Hoằng Hóa, UBND xã Hoằng Quỳ (quê hương của ngài) ủng hộ và nhiệt tình hưởng ứng.
Sau hơn nửa năm chuẩn bị, với 3 cuộc nghiên cứu, điền dã tại Nam Định, Hải Phòng và Thanh Hóa, Ban Tổ chức đã nhận được 24 bản tham luận của các nhà khoa học thuộc các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học ở Trung ương, các tỉnh Nam Định, thành phố Hải Phòng, Lưu tộc Việt Nam và Thanh Hóa. Với chủ đề hội thảo nêu trên, chúng tôi chia thành 2 nội dung lớn: Một là: Vai trò của danh nhân Lưu Đình Chất trong lịch sử dân tộc; Hai là: Việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản về Lưu Đình Chất. Tất nhiên, sự phân chia này mang tính tương đối, vì hầu hết trong mỗi báo cáo đều thể hiện ít nhiều cả 2 nội dung này.
Về nội dung 1: Vai trò của danh nhân Lưu Đình Chất trong lịch sử dân tộc, gồm 12 báo cáo: Lưu Đình Chất - Danh nhân tiêu biểu thế kỷ XVII của PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ (Chủ tịch HĐKH Viện Sử học Việt Nam); Cuộc đời và sự nghiệp Lưu Đình Chất qua thư tịch Hán Nôm của GS.TS. Đinh Khắc Thuân (Viện Nghiên cứu Hán Nôm); Bối cảnh lịch sử Đại Việt thế kỷ XVI-XVII và những đóng góp của Tể tướng Lưu Đình Chất của TS. Nguyễn Văn Bảo; Lưu Đình Chất và sự nghiệp ngoại giao của ông của PGS.TS. Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học Việt Nam); Thơ Lưu Đình Chất trong Toàn Việt thi lục của TS. Phạm Văn Ánh (Phó Viện trưởng Viện Văn học); Lại bộ hữu thị lang, Nhân Lĩnh hầu Lưu Đình Chất với những bài Khải dâng lên Bình an vương Trịnh Tùng vào các năm 1616 và 1618 của TS. Nguyễn Hữu Tâm (Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc - Trường Đại học Đại Nam); Khoa thi Đinh Mùi (1607) và Hoàng Giáp Lưu Đình Chất của TS. Lê Quang Chắn (Phó Viện trưởng phụ trách Viện Sử học Việt Nam); Lưu Đình Chất với công cuộc khai khẩn vùng đất Giao Thủy, trấn Sơn Nam Hạ của họa sĩ Lưu Thiên An (Phó Chủ tịch Hội đồng Lưu tộc Việt Nam); Về bản gia phả dòng họ Lưu Đình Chất tại Đồ Sơn, Hải phòng của NNC Trịnh Văn Tú (PGĐ Sở Văn hóa Thông tin thành phố Hải Phòng); Danh nhân Lưu Đình Chất với Lưu tộc Việt Nam của TS Lưu Văn Thành (Chủ tịch Hội đồng Lưu tộc Việt Nam); Lưu Cơ và họ Lưu Ái Châu trong kỷ nguyên Đại Việt sớm của TS. Nguyễn Việt (Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á); Các nhà khoa bảng họ Lưu trên đất Thanh Hóa của NNC Lê Thị Huệ (Trung tâm NCLS & BTDSVH Thanh Hóa); TS. Đặng Quốc Đỉnh, người cháu ngoại xuất sắc của Tể tướng Lưu Đình Chất - Hành trạng và di tích của NNC Đào Thị Châu (Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố Thanh Hóa).
GS. TS. Trịnh Khắc Thuân, qua khảo cứu các tài liệu thư tịch Hán Nôm về Lưu Đình Chất, nhất là tài liệu lịch sử, khoa cử, bang giao, đã kết luận “Đây là tư liệu quý giá cần sưu tập đầy đủ hơn, chỉnh lý và khai thác để đánh giá đúng về con người Lưu Đình Chất, cùng những đóng góp của ông với triều đình Lê Trịnh, với đất nước và quê hương Thanh Hóa”.
Đánh giá Lưu Đình Chất là một danh nhân tiêu biểu thế kỷ XVII, PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ cho rằng: “Thời kỳ Trịnh Tùng và Trịnh Tráng cầm quyền, ở Đàng Ngoài xuất hiện khá nhiều nhà chính trị tài năng như Nguyễn Thực, Nguyễn Nghi, Lê Bật Tứ, Nguyễn Duy Thì, Phạm Công Trứ. Trong số đó, Lưu Đình Chất, được đánh giá là người liêm, cần, trung, chính, giàu lòng nhân ái”.
Lưu Đình Chất sinh ra và lớn lên trong thời loạn, nên việc học và thi cử của ông gặp nhiều khó khăn. TS. Nguyễn Văn Bảo nhận xét: “Trong bối cảnh chính trị có nhiều hỗn độn, một bộ phận quan lại lui về ở ẩn, một bộ phận khác theo nhà Mạc chống lại nhà Lê hay theo chúa Nguyễn, thì Lưu Đình Chất với tư tưởng trung quân, lại được tập ấm từ người cha quận công Lưu Đình Thưởng vốn là công thần của triều Lê, nên ông đã sớm lựa chọn con đường ra làm quan phục vụ triều đình Lê - Trịnh”.
Về sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời, sự nghiệp của Lưu Đình Chất, đó là khoa thi năm Đinh Mùi (1607), TS. Lê Quang Chắn cho rằng: “Đặt trong bối cảnh chung của nền giáo dục, khoa cử Nho học ở Đàng Ngoài thời Lê Trung hưng, khoa thi năm Đinh Mùi (1607) cũng tuân thủ đầy đủ các quy định của thời bấy giờ, không có nhiều khác biệt. Điểm nhấn đáng chú ý là, khoa thi này đã lựa chọn và lấy đỗ 5 vị đại khoa, trong số đó, Hoàng giáp Lưu Đình Chất là nhân vật nổi trội nhất, cả về con đường làm quan cũng như công lao, đóng góp với quê hương, đất nước. Ông xứng đáng là danh thần lương đống, vị Tể tướng nổi danh thời Lê Trung hưng đầu thế kỷ XVII”.
Sau khi đỗ Hoàng giáp (1607), Lưu Đình Chất vẫn đảm nhận công việc ở Bộ Lại, đến năm 1613 thăng chức Tự khanh, tước Nhân Lĩnh bá. Đặc biệt sau đó, Lưu Đình Chất được cử làm Chánh sứ sang nhà Minh. Theo PGS.TS. Nguyễn Minh Tường: “Nước ta kể từ khi nền khoa cử Nho học được tổ chức khá thường xuyên và quy củ, từ đời Trần (1225-1400) trở đi, người được cử vào chức Chánh sứ đều phải là bậc đỗ Đại khoa (tức Tiến sĩ, Hoàng giáp trở lên). Chính vì yêu đức độ, trọng tài học của Lưu Đình Chất, cho nên Triết vương Trịnh Tùng đã cử ông làm Chánh sứ sang nhà Minh tuế cống vào năm 1613”.
Tiến sĩ Phạm Văn Ánh nhấn mạnh thêm: “Đối với người được chọn làm Chánh sứ sang Trung Hoa, một trong những tiêu chí hàng đầu là người đó phải có tài “chuyên đối”, tức khả năng ứng đối một cách sắc bén, linh động, thỏa đáng; sự ứng đối đó không chỉ bằng lời nói, mà còn phải bằng thơ văn. Nói cách khác, người làm Chánh sứ phải có tài văn chương. Có thể thấy, mặc dù Toàn Việt thi lục chỉ chép lại được 18 bài thơ sứ trình của Lưu Đình Chất, song ngần ấy cũng đủ để người đọc thấy được phẩm chất, tài năng thơ ca và phần nào là tài năng ngoại giao của ông”.
Năm 1614, tiến sĩ Lưu Đình Chất được ban chức Dinh điền Chánh sứ vùng biển Giao Thuỷ, Nam Định, đã xuất tiền đắp đê, lấn biển, lập ra 12 làng, trong đó có hai làng Hạ Cát (xã Hồng Thuận) và Diêm Điền (xã Bình Hòa), huyện Giao Thuỷ. Họa sĩ Lưu Thiên An ca ngợi: “Hình tượng và công trạng của danh nhân Thiếu bảo, Phúc quận công, Lưu Đình Chất sống mãi trong lòng người dân vùng đất cửa sông Ba Lạt, Hà Lạn, Lạch Giang, Cửa Đáy. Người đã cùng 10 vị tổ đầu tiên về đây, đắp đê ngăn mặn, khai hoang lấn biển để cho ngày nay có được cánh đồng thẳng cánh cò bay, bờ xôi, ruộng mật của các huyện ven biển, như Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng của tỉnh Nam Định”.
Về phẩm chất đạo đức, Lưu Đình Chất là một vị đại quan có tài, lại rất thanh liêm, một lòng phụng sự triều đình. TS. Nguyễn Hữu Tâm đánh giá: “Các bài khải của Lưu Đình Chất - một vị khoa bảng cự phách, một trọng thần lương đống của triều Lê - Trịnh đã thể hiện rõ tấm lòng lo lắng đau đáu đối với thời cuộc, về vận mệnh của đất nước, đặc biệt về cuộc sống hằng ngày của những người dân lao khổ trên mọi miền. Những kiến nghị thẳng thắn, không e dè, “trung ngôn nghịch nhĩ” như vây của ông đã phần nào có tác dụng tích cực với tầng lớp thống trị như An Bình Vương Trịnh Tùng phải suy nghĩ tìm cách thay đổi phương thức quản lý vương triều cho phù hợp với bối cảnh xã hội đương thời”.
Lưu Đình Chất cũng đã làm rạng danh Lưu tộc Việt Nam. TS. Lưu Đình Thành tự hào: “Lưu tộc Việt Nam, tuy chỉ chiếm khoảng 0,45% dân số cả nước, đứng thứ 25 trong các dòng tộc Việt Nam, nhưng thời nào cũng có anh hùng hào kiệt cống hiến cho đất nước. Qua khảo sát, Lưu tộc Việt Nam đã liệt kê được 180 danh thần họ Lưu được ghi danh sử sách và hoặc làm quan từ tứ phẩm trở lên hay được ban tước, phong sắc, được thờ phụng tại các di tích ở các địa phương. Lưu Đình Chất là một trong số những người con tiêu biểu của Lưu tộc Việt Nam”.
Về nội dung thứ hai: Việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản về Lưu Đình Chất, gồm 12 báo cáo khoa học: Bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa về Lưu Đình Chất ở huyện Hoằng Hóa hiện nay của Phòng Văn hóa Thông tin huyện Hoằng Hóa; Làng Đông Khê (Hoằng Quỳ) - Quá trình hình thành, phát triển với sự hình thành tài năng Lưu Đình Chất của NNC Nguyễn Ngọc Khiếu (Hội Khoa học lịch sử Thanh Hóa); Bảo tồn, phát huy giá trị các địa điểm di tích liên quan đến Danh nhân Lưu Đình Chất tại quê hương (xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) của NNC Phạm Tấn (Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Thanh Hóa); Danh nhân Lưu Đình Chất trong truyền thống khoa bảng của đất học Hoằng Hóa của TS. Lê Ngọc Tạo (Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thanh Hóa); Những đặc trưng cơ bản và giá trị kiến trúc đình làng Đông Khê - Truyền thống và hiện đại của TS. Phạm Văn Tuấn (Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thanh Hóa); Vai trò của tín ngưỡng Thành hoàng làng trong đời sống cộng đồng làng (Nghiên cứu trường hợp làng Đông Khê, xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa) của đồng chí Đoàn Văn Cảnh (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hoằng Quỳ); Nhà thờ Lưu Đình ở làng Đông Khê - Giá trị lịch sử và truyền thống văn hóa của ông Lưu Trọng Tài (Trưởng Lưu tộc xã Hoằng Quỳ); Các di tích thờ phụng Lưu Đình Chất ở huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định của 2 NNC Trần Quang Minh và Lê Thị Thanh Thủy (Bảo tàng Nam Định); Từ đường họ Lưu Đình ở phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, Thành phố Hải Phòng của đồng chí Trịnh Văn Tú (PGĐ Sở VHTT thành phố Hải Phòng) và ThS. Đỗ Đình Tuân (PTP QLDSVH, Sở VHTT thành phố Hải Phòng); Tục thờ cúng thần linh vùng đất cổ Quỳ Chử, xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa của ThS. Vũ Thị Hường (Trung tâm NCLS&BTDSVH Thanh Hóa); Giáo dục tấm gương hiếu học của Danh nhân Lưu Đình Chất cho học sinh, sinh viên ở huyện Hoằng Hóa hiện nay của TS. Nguyễn Thị Vân và TS. Nguyễn Thị Thu Hà (Trường Đại học Hồng Đức).
Lưu Đình Chất quê gốc ở Đồ Sơn, Hải Phòng, lại có thời gian giữ chức Dinh điền Chánh sứ vùng biển Giao Thủy, Nam Định, nên ngoài 10 báo cáo của các nhà nghiên cứu ở Thanh Hóa, đáng chú ý có 2 báo cáo của Gia tộc Lưu Đình ở xã Cát Hải, Đồ Sơn - Hải Phòng về ngôi nhà thờ họ Lưu Đình ở đây và của Bảo tàng Nam Định về hai cụm di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia: đền - chùa Diêm Điền và đền - chùa Hà Cát (Giao Thủy - Nam Định) nhiều năm nay đã được chính quyền, nhất là Bảo tàng Nam Định quan tâm đầu tư cùng nhân dân địa phương bảo tồn khang trang và chu đáo cả về di sản vật thể và phi vật thể. Các tác giả Trần Công Minh và Lê Thị Thanh Thủy kiến nghị “Sau Hội thảo khoa học này, để tôn vinh công trạng của Dinh điền Chánh sứ, Tiến sĩ Lưu Đình Chất và tri ân báo hiếu Đức Ngài, nhân dân huyện Giao Thủy, Nam Định mong muốn tại tỉnh Nam Định có đường phố và trường học mang tên Danh nhân lịch sử Lưu Đình Chất”. Cũng cần phải nhấn mạnh thêm, việc giáo dục truyền thống dòng họ, quê hương, sự tri ân những người con tiêu biểu của dòng họ, bảo tồn phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa về Lưu Đình Chất đã được Lưu tộc ở 2 địa phương này tiến hành liên tục, có hiệu quả.
Mười báo cáo của các nhà nghiên cứu Thanh Hóa tập trung trình bày thực trạng và đề xuất các giải pháp khoa học nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản về Lưu Đình Chất ở quê hương: Thôn Đông Khê, xã Hoằng Quỳ.
Đối với những di tích hiện có, gồm Đình Đông Khê, Từ đường dòng họ Lưu Đình, Khu Lăng mộ Lưu Đình Chất ở thôn Đông Khê, cần tiếp tục đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, xếp hạng (Đình Đông Khê và khu lăng mộ được xếp hạng cấp tỉnh năm 1993, cùng với các di tích khác trong cụm di tích ở Quỳ Chử).
Về ngôi đình Đông Khê, TS. Phạm Văn Tuấn cho rằng “Nhìn dưới góc độ không gian làng, cho thấy ngôi đình được chọn ở vị trí đẹp nhất làng về phong thủy địa lý. Trong chiều sâu các sự kiện lịch sử làng xã, đình Đông Khê không chỉ là một trung tâm thực sự về địa lý - giao thông của làng mà nó còn là trung tâm tế tự tập thể, trung tâm của bộ máy chính quyền cơ sở,… là biểu tượng mọi mặt của cuộc sống làng xã”, và đi vào tình cảm của người dân quê “như hình ảnh thân thuộc về làng quê xóm cũ”, vì thế nó giữ một vị trí hết sức có ý nghĩa trong đời sống tinh thần của cộng đồng cư dân làng xã ở đây tự bao đời”. Vì thế, các nhà khoa học đề nghị địa phương, cùng ngành Văn hóa lập lý lịch khoa học, đề nghị Khu di tích Đình Đông Khê là Di tích cấp Quốc gia, Từ đường dòng họ Lưu Đình ở Đông Khê được xếp hạng cấp tỉnh, vì tại đây còn lưu giữ sắc phong về Ngài. Khu lăng mộ Lưu Đình Chất khá rộng rãi, nhưng còn sơ sài, cần tôn tạo lăng, miếu thờ, phần mộ, sao cho xứng tầm là lăng mộ của vị quan đại thần.
Đối với những di tích liên quan đến Lưu Đình Chất không còn nữa, như Văn chỉ hàng Tổng, Nghè Đông Khê… cần tiếp tục nghiên cứu, tiến tới lập dự án phục dựng.
Một điều khiến các nhà khoa học khó lý giải, tại sao một vị khoa bảng tài đức vẹn toàn, một đại quan có công lao lớn được triều đình ban chức tước, nhưng lại không có hoặc chưa tìm thấy dấu vết ngôi đền thờ ông. Vì vậy, NNC Phạm Tấn cho rằng cần nghiên cứu lập dự án phục dựng ngôi đền thờ Lưu Đình Chất tại khu đất của khu văn chỉ hàng tổng xưa. Còn TS. Nguyễn Việt đề nghị: “Dòng họ Lưu Quỳ Chử, nơi đã sinh ra đại quan Lưu Đình Chất chính là một trong số những hậu duệ của những tiên tổ thời dựng nước xa xưa này. Trong tương lai gần, những thử nghiệm AND sẽ giúp làm sáng tỏ điều đó. Tôi hy vọng rằng, trong tương lai sẽ có một ngôi đền thờ tổ cho toàn vùng bắc Cửu Chân, Ái Châu được dựng lên ở cánh đồng Cáo, làng Quỳ Chử để lưu giữ và tôn thờ những tiên tổ đầu tiên của toàn vùng”.
Tiến sĩ Lưu Đình Chất là một nhà khoa bảng tiêu biểu trong dòng chảy khoa bảng của vùng đất Cổ Đằng xưa, Hoằng Hóa ngày nay. Vì vậy, TS. Lê Ngọc Tạo và nhiều tác giả khác đề nghị, cần đổi tên cho một trường học hiện nay (có thể là trường THPT Hoằng Hóa 2, hay trường THCS, trường Tiểu học xã Hoằng Quỳ mang tên Lưu Đình Chất, vì trước đây đã từng có trường THPT Lưu Đình Chất tồn tại 20 năm (2000-2020) ngay trên đất Hoằng Quỳ, nhưng vì nhiều lý do nên đã bị giải thể; Trong ngân hàng tên đường phố của Hoằng Hóa, hay thành phố Thanh Hóa phải có tên danh nhân Lưu Đình Chất; Trong nội dung các lễ hội, như lễ hội Bút Nghiên thường niên của huyện Hoằng Hóa (mới được tổ chức từ 2021 đến 2024), nên tăng cường nội dung giáo dục tấm gương của các danh nhân tiêu biểu của quê hương, trong đó có Lưu Đình Chất.
Những người làm công tác giáo dục lịch sử: TS. Nguyễn Thị Vân và TS. Nguyễn Thị Thu Hà đề xuất một số việc khả thi, cần thiết và có thể áp dụng ngay được: “Môn Giáo dục địa phương và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, ít nhất là ở huyện Hoằng Hóa, gần hơn nữa là ở xã Hoằng Quỳ cần đưa nhân vật này vào nội dung giảng dạy (phần mềm) ở cả 3 nội dung: Lịch sử địa phương, Văn học địa phương, Văn hóa địa phương. Cần tổ chức các buổi học tập, trải nghiệm tại các di tích có liên quan đến Lưu Đình Chất ở thôn Đông Khê, xã Hoằng Quỳ (Đình làng Đông Khê, Từ đường họ Lưu Đình, Khu lăng mộ cụ Lưu Đình Chất…), tổ chức các buổi nói chuyện, hay các cuộc thi tìm hiểu về các danh nhân tiêu biểu của quê hương…”. Sự nghiệp giáo dục lịch sử cho học sinh, sinh viên không thể khoán trắng cho các nhà trường, mà cần có sự chung tay của các ngành, các cấp và đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Như vậy, qua khảo chứng những tư liệu lịch sử, văn hóa đã được ghi chép, những gia phả, văn bia, sắc phong… còn lại, những tư liệu điền dã trong thời gian gần đây, 24 bản tham luận khoa học đã có những đánh giá khá sâu sắc, toàn diện về cuộc đời, sự nghiệp, công lao to lớn của Lưu Đình Chất, chủ yếu trên các mặt: Các chức quan, bang giao, khoa bảng, văn thơ và phẩm chất, nhân cách… Về khoa bảng, Lưu Đình Chất đỗ Tiến sĩ; về hoạn lộ, làm đến Thượng thư, Quận công. Có thể nói, ông là nhà khoa bảng, quan chức thành danh, xếp vào hàng “nguy khoa hiển hoạn”.
Danh nhân Lưu Đình Chất xứng đáng được tôn vinh đời đời. Các đề xuất kiến nghị trong hội thảo sẽ là những cơ sở khoa học quan trọng để chính quyền, cơ quan quản lý các cấp, con cháu dòng họ Lưu tộc và nhân dân đề ra các dự án, kế hoạch bảo tồn, phát huy các giá trị di sản về ông!
H.T.H