Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   DANH NHÂN ĐÀO DUY TỪ
DANH NHÂN ĐÀO DUY TỪ

DANH NHÂN ĐÀO DUY TỪ   

TRẦN THỊ LIÊN - Ths LÊ THỊ YẾN

Đào Duy Từ sinh ra ở làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, nay là xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Theo lời truyền văn thì Đào Duy Từ từ lúc nhỏ có khiếu thông minh, học giỏi. Cha là Đào Tá Hán mất sớm, mẹ là Nguyễn Thị Mạch tần tảo nuôi con, đã phải ép lòng, nhận lời lấy viên xã trưởng để được yên thân chăm sóc con mình. Bà hứa sau khi Đào Duy Từ công thành danh toại thì bà mới chính thức cải giá; Nhưng triều đình nhà Lê lúc bấy giờ tra xét, biết Đào Duy Từ là con nhà phường chèo (xướng ca vô loại) nên không cho Từ đi thi (cũng có thuyết nói rằng Từ đi thi đỗ Á nguyên kỳ thi Hương nhưng rồi bị phát hiện lý lịch nên kết quả thi bị xóa bỏ). Không được thi thố tài năng trên đất Bắc, Đào Duy Từ đã tìm đường vào Đàng Trong, cuối cùng đã gặp và được chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên) trọng dụng.
Đào Duy Từ giúp họ Nguyễn xây dựng một vương triều mới, ông được xem là một vị khai quốc công thần. Điều đó đúng với lịch sử vương triều nhà Nguyễn. Nếu xét trong toàn bộ lịch sử dân tộc thì có lẽ nên xem ông là người góp phần mở đầu, tạo nên những điều kiện cho sự phát triển ở Đàng Trong, mặc dù nhìn trên toàn bề mặt chỉ là giúp công cho họ Nguyễn đối đầu với họ Trịnh không chịu thừa nhận sự phân chia quyền lực. Việc đầu tiên của Đào Duy Từ là phải làm sao tạo cho vùng đất mới này một sự bình ổn để yên tâm xây dựng cơ đồ. Ý định sâu xa của việc đắp lũy Trường Dục, Lũy Thầy, phải xét ở mặt đó chứ không nên thấy hình thức phân tranh chia cắt vì những dãy lũy mà đưa đến nhiều cuộc xung đột liên miên. Có vị trí địa đầu chắc chắn mới ngăn chặn được sự xâm lăng ào ạt. Thực tế lịch sử đã diễn ra đúng như vậy. Suốt mấy chục năm, Trịnh Nguyễn đánh nhau chỉ là ở bên kia sông Gianh, chứ phần đất bên này vẫn được tổ chức an toàn, cho đến khi Hoàng Ngũ Phúc (cuối thế kỷ XVIII) nhân cơ hội rối ren, mang quân vào Thuận Hóa. Cả một thời gian dài như vậy, đất Đàng Trong mới có cơ hội mở mang. Có công lao của chúa Nguyễn sau này và có những tài năng xuất sắc như Nguyễn Cư Trinh, mới tạo nên một vương quốc thịnh vượng (người Tây phương đã dùng chữ Quảng Nam quốc) như vậy. Kết quả tốt đẹp ấy ở những năm cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII phải nhờ ở sự khởi đầu, ở biện pháp chiến lược của Đào Duy Từ. Không thể chỉ thấy Lũy Thầy mà phải thấy cả những hoạt động nhiều mặt, nhiều năm ở sau Lũy Thầy nữa. Câu của Đào Duy Từ nói với chúa Sãi: “Muốn mưu đồ sự nghiệp vương bá, cần phải có kế vẹn toàn”. Kế vẹn toàn được đề ra và đã được thi hành. Kế ấy đã làm nên lịch sử, cụ thể là tạo nên được Đàng Trong.
Lịch sử đã cho biết vùng Thuận Quảng dưới sự quản lý của các chúa Nguyễn hoàn toàn thay đổi diện mạo, trở thành một khu vực kinh tế phát triển. Những đồng ruộng được khai phá nhờ công sức khẩn hoang. Những quan hệ thông thương với các nhà buôn nước ngoài đã mở ra một tình hình mới so với cái nhìn hướng nội cố hữu. Địa bàn ngày càng rộng, bản đồ nước nhà trải dài thêm. Dù chỗ đứng phân tích có theo những giác độ khác nhau thế nào đi nữa thì cũng phải nhận đây là công lao to lớn của các thế hệ ông cha, con cháu ở Đàng Trong từ thế kỷ XVII, XVIII. Lịch sử đã thật sự phát triển, phát triển cho sự trưởng thành và thịnh vượng của dân tộc. Đào Duy Từ không trực tiếp chỉ đạo hay tiến hành sự nghiệp này nhưng vẫn có công lao của ông trong đó.
Ta không có được nhiều tài liệu thật cụ thể về sự đóng góp của Đào Duy Từ trong công việc ổn định chính quyền, tổ chức xã hội, giải quyết các vấn đề ruộng đất, chấn chỉnh phong tục ở miền Nam. Nhưng nếu nghĩ rằng ở đây có công phu hay gợi ý của Đào Duy Từ thì cũng không đến nỗi là xa sự thật. Không có những dự thảo hay điều trấn chính tay Đào Duy Từ viết, song ta có thể quan sát kỹ tình hình để phân tích và đưa ra nhận định nhìn vào bộ máy quản lý ở Đàng Trong lúc bấy giờ, số người tri thức có lẽ không nhiều, mà những quan chức giàu kinh nghiệm quả là quá ít. Nguyễn Hoàng đem bản bộ vào Nam, các con cháu ông rõ ràng không phải là những người quen nhiều với việc học hành nghiên cứu. Ngay bản thân Nguyễn Phúc Nguyên (Chúa Sãi) có lẽ cũng chỉ là người lo lắng sao cho đủ tài võ nghệ, có thể trấn thủ biên thùy, khỏi bị chê trách mà thôi. Họ chưa sẵn sàng tư tưởng lập thành một địa phương tự trị hay hơn nữa một quốc gia biệt lập. Kiến thức tổ chức chính quyền, quản lý xã hội, ổn định sinh hoạt cho nhân dân của họ, nếu không xa lạ thì cũng lờ mờ. Thế mà từ những năm 30 của thế kỷ XVII, tình hình đã có vẻ khởi sắc nhiều hơn. Một dẫn chứng cụ thể theo sách “Đại Nam thực lục tiền biên”, năm 1632 (nghĩa là chỉ vài năm sau khi hoàn thành mấy cái lũy chiến lược) Nguyễn Phúc Nguyên đã cho mở khoa thi. Các môn thi đã có thơ, văn sách, lại có thêm môn thi viết chữ Hoa văn. Người thi đậu được “học vị” nhiêu học, được miễn thuế sai, v.v… Trong số quan chức giúp đỡ chúa Sãi lúc bấy giờ, có được bao nhiêu người am hiểu việc học hành và chế độ thi cử. Và nếu có người am hiểu thì mấy ai đã có vị trí, có điều kiện như “Thầy” Đào Duy Từ là một kẻ sĩ, một nhà Nho. Nhà Nho trong việc quản lý xã hội, phụ trách chính quyền ai mà không để ý đến “y quan, lễ, nhạc”, chắc chắn Đào Duy Từ cũng thế. Cho nên không đáng nghi ngờ gì những điều truyền văn cho rằng Đào Duy Từ đã nghĩ ra được những hình thức lễ nghi, những điệu múa vũ khúc để dành cho việc cúng tế hay việc phục vụ triều nghi. Từ đó mà nghĩ rằng những nhà quản lý đất nước Đàng Trong rất muốn cho vùng đất mình quản lý khác Bắc Hà là một ý nghĩ có cơ sở.
Đối đầu với họ Trịnh, dù sao cũng là một chính quyền dựa được mấy trăm năm kinh nghiệm của các triều đại thuở xưa, không biết tổ chức quản lý xã hội thì trình độ hai bên: Đằng Trong, Đằng Ngoài sẽ vô cùng xa cách. Mà Đằng Trong nếu quá yếu kém, quá lạc hậu thì nguy cơ bị thôn tính càng rõ ràng. Thực tế tình hình Thuận Quảng lúc này là thấp kém, lạc hậu. Từ xưa, đây chỉ là nơi đày ải các tù nhân. Sách “Ô châu cận lục” viết vào cuối thế kỷ XVI, đã miêu tả vùng đất này: “Nhà ở toàn bằng cỏ tranh không có nhà ngói lợp, đường sá nghìn dặm, không có lấy một quán hàng…”. Xã hội thấp kém như vậy thì phải đẩy lên, không phải đẩy bằng gươm giáo nhà binh, mà phải tổ chức, lễ nghi, bằng hoạt động văn hóa. Số người di cư theo chúa Nguyễn vào Nam, số tướng tá, binh sĩ và nha lại đi theo Nguyễn Hoàng từ đầu thế kỷ XVI, tính đi tính lại có lẽ không có ai có được một trình độ uyên bác, một khả năng tổ chức như Đào Duy Từ. Cho nên, bảo rằng Đào Duy Từ nhất định có công trong việc này là điều hợp lý. Hợp lý với tình hình “cán bộ” của họ Nguyễn, với tư cách kẻ sĩ và nhất là với ý đồ chiến lược của Đào Duy Từ. Bởi vậy mà, ở đây dù hầu hết bằng chứng chỉ dựa vào truyền văn hay vào phán đoán, vai trò Đào Duy Từ vẫn cứ hiện ra quán xuyến tình hình. Ông lại trở thành nhân vật lịch sử xứng đáng mà không có gì đáng nghi ngại. Phải có ông, Đằng Trong mới được tổ chức thành một vùng văn hóa mới, đúng như câu thơ trong truyện Nôm Hồng Hoan Lương sử:
… Ngẫm xem phong tục khác nơi Bắc Hà
Một bầu thế giới bao la
Chốn ngâm bạch tuyết nơi ca thái bình.
Đào Duy Từ còn là một nhân vật lịch sử có vai trò quan trọng trong bình diện văn học. Đằng Trong mới được khai thác, Đào Duy Từ chính là người phất ngọn cờ tiên phong cho văn học được phát triển mạnh mẽ. Chứng cớ đã rất hiển nhiên. Song phải ghi thêm những nhận xét mà hình như lâu nay chưa có ý kiến nhấn mạnh. Chưa tìm được một tác giả văn học nào ở Đằng Trong trước Đào Duy Từ, do đó nếu viết lịch sử văn học miền này, tên ông phải đứng đầu. Mà đặc biệt ông lại đưa văn Nôm vào chứ không mở đầu bằng văn chương chữ Hán như thói quen của bao nhiêu học giả và sáng tác giả. Rõ ràng là ông có ý thức với quốc âm, muốn mở đầu những thảo tác quốc âm ở miền đất mới. Không rõ có phải nhờ đó mà sau này, những người ở miền Nam, có tên tuổi trong văn học sử, đều trở nên quen biết nhờ những tác phẩm văn Nôm như: Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Hào, Nguyễn Phúc Đán, Hoàng Quang… không thể cho rằng vì ở Đàng Trong ít người học chữ Hán nên muốn phổ biến tư tưởng diễn đạt tình cảm, người ta phải dùng văn Nôm. Muốn đọc được chữ Nôm, phải biết chữ Hán. Do đó, có thể khẳng định vai trò vinh dự của Đào Duy Từ trong lịch sử văn hóa quốc âm của dân tộc.
                                                                                    T.T.L - L.T.Y


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 212
 Hôm nay: 50754
 Tổng số truy cập: 12611392
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa