Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   CÓ MỘT HẬU LỘC NHƯ THẾ
CÓ MỘT HẬU LỘC NHƯ THẾ

Theo Đại Nam nhất thống chí (quyển 6), thời các vua Hùng, đất Hậu Lộc tên là Dư Phát do bộ lạc Dư Phát là chủ nhân. Có lẽ đây cũng là cái tên cổ nhất của vùng đất này và kéo dài suốt thời Bắc thuộc. Dưới các triều đại phong kiến, sau nhiều lần tách nhập địa bàn, Hậu Lộc từng mang nhiều tên khác, như: Thống Bình, Thống Ninh, Thần Hậu, Thuần Hựu, Thuần Lộc, Phong Lộc. Năm 1821, vua Minh Mạng đổi tên huyện thành Hậu Lộc và cái tên này tồn tại cho đến ngày nay. Như vậy, nếu Hậu Lộc định kỷ niệm “sinh nhật” địa danh mang tên Hậu Lộc thì năm 2021 đã tròn 200 năm.
Tạo hóa đã ban tặng cho vị thế Hậu Lộc những ưu đãi phong phú về địa hình, địa mạo (vừa có rừng, vừa có biển, vừa có đồng bãi), khiến vùng đất này trở thành vùng đất trù mật, hấp dẫn con người đến cư trú từ rất sớm. Đó là lý do Hậu Lộc “ôm” trong lòng những dấu tích về những nền văn hóa - văn minh cổ. Nơi đây đã từng là địa bàn cư trú của người cổ đại: di chỉ Cồn Trũng (xã Phú Lộc) thuộc nền văn hóa Đa Bút (sơ kỳ đồ đá mới chuyển sang hậu kỳ đá mới) cách đây trên 5000 năm; Di chỉ văn hóa Hoa Lộc xếp vào giai đoạn từ đồ đá sang đồ đồng (trước văn hóa Đông Sơn) cách đây khoảng trên 4000 năm. 
Đó cũng là lý do Hậu Lộc nổi tiếng với nhiều làng nghề cổ, bởi, ở đâu dân cư trú lâu đời thì ở đấy chắc chắn sẽ có những ngón nghề tinh xảo được truyền dạy. Minh chứng đây cũng là vùng giáp biển nhưng ở đâu có cách lấy “nước mắm rút” đặc sắc như Hậu Lộc? Mỗi chai nước mắm này “gấp mười lần chai nước mắm ngon thông thường”. Hồi có trận dịch tả gớm ghiếc lan tràn ở thủ đô, mắm tôm Hậu Lộc đã chịu tiếng oan. Người ta đổ vấy tại mắm tôm Hậu Lộc (một cách chủ quan, thiếu hiểu biết) đã gây ra dịch này (mắm tôm Hậu Lộc bị đổ xuống cống, bị tẩy chay). Dĩ nhiên, sau đấy khoa học đã rửa nỗi oan tày liếp này. Nhưng qua đấy mới biết dân thủ đô và cả các vùng khác “nghiện” mắm tôm Hậu Lộc thế nào, mắm tôm Hậu Lộc phổ biến đến mọi vùng miền thế nào để phục vụ các thượng đế nghiện “thịt chó mắm tôm”, “bún - đậu mắm tôm”. Mắm tôm Hậu Lộc cũng đã lên máy bay sang trời Âu, sang cả xứ cờ hoa đồng hành với các tín đồ không thể thiếu mình. Riêng về mắm tôm, có lẽ phải dành riêng một bài luận về thứ đạt đến tầm “quốc hồn, quốc túy” này. Để có những thứ mắm đặc sản (nước mắm, mắm tôm, mắm chua) không vùng nào có được, liên quan đến thứ nguyên liệu đặc biệt để làm mắm: muối! Hậu Lộc cũng là đất làm muối lâu đời. Mắm Hậu Lộc làm bằng chính muối Hậu Lộc và từ xa xưa người Hậu Lộc đã biết cách “ủ” để muối bớt đi vị chát và cặn bẩn, khi đem thứ muối ấy làm mắm sẽ tạo nên thứ mắm “thơm ngọt” đặc trưng không vùng nào có được. 
Nghề rèn cũng là minh chứng của vùng đất cổ. Nghề rèn gắn với việc rèn đúc dụng cụ lao động và vũ khí. Các di chỉ văn hóa Đa Bút, văn hóa Hoa Lộc cho thấy bộ lạc Dư Phát xưa đã rất giỏi trong rèn đúc công cụ lao động và vũ khí bằng đồng, sắt để phục vụ cho lao động và chiến đấu (những dụng cụ và vũ khí ấy đã được tìm thấy và hiện đang được lưu giữ trong bảo tàng của tỉnh và bảo tàng Bác cổ Việt Nam). Nên nhớ, những cuộc chiến đấu ác liệt nhất của khởi nghĩa Bà Triệu chống quân Ngô diễn ra trên đất Hậu Lộc xưa. Những lò rèn vũ khí cho nghĩa quân đỏ lửa suốt đêm ngày nằm dưới chân núi Bần, địa phận Tất Tác (nay thuộc xã Tiến Lộc). Làng rèn Tất Tác bây giờ chỉ còn rèn dao. Với kỹ thuật thủ công bí truyền, dao Tất Tác - Tiến Lộc, Hậu Lộc vẫn sắc và bền nổi tiếng, trở thành thương hiệu để những tiếng rao “dao Hậu Lộc đơi” vẫn vang lên trên khắp các con đường, ngõ xóm xứ Thanh. 
Hậu Lộc còn cổ kính với những ngôi chùa cổ. Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh được xây dựng từ nghìn năm trước (năm 1116) vào thời Lý. Ngôi chùa được xây cất trên đất Duy Tinh. Không gian Duy Tinh - Chợ Phủ xưa (bao gồm các xã Văn Lộc, Mỹ Lộc, Thuần Lộc ngày nay) nghìn năm trước đã sầm uất, trù phú đến nỗi khi vua Lý Nhân Tông vi hành qua vùng đất này, ngài đã cho di dời trị sở về vùng đất thủy bộ đều thuận, xóm ấp đông đúc, làng nghề đỏ lửa suốt đêm ngày. Những ngôi đình, chùa, nghè cổ khác của Hậu Lộc, như: chùa Ngọc Đới, chùa Vích xây dựng từ thời nhà Trần; Nghè Vích còn có tuổi đời cao hơn (cuối đời Tống); Chùa Liên Hoa, Đình Ráng, đình Thượng Phú, đền Thiều Xá, chùa Tam Giáo, v.v… đều là những công trình tín ngưỡng có tuổi ngót nghét nghìn năm. Điều này tạo dựng cả một không gian của nền nếp văn hóa. Người Hậu Lộc từ rất xa xưa đã tạo dựng cho mình một không gian sống vững chãi cả về vật chất và tinh thần. 
“Hậu Lộc Trương Xá, Hoằng Hóa Bút Sơn”, Trương Xá nay thuộc xã Hòa Lộc, nổi tiếng về cả độ trù phú, sầm uất và học hành, đỗ đạt giống như Bút Sơn (nay là huyện lị Hoằng Hóa). Các văn thần, võ tướng dưới những triều đại xưa cũng như các danh sĩ, các nhà hoạt động xã hội gần đây của vùng đất Hậu Lộc còn mãi danh thơm cùng sông núi: Cao Đáp, Lê Cảnh Tuân, Lê Thiếu Dĩnh, Đỗ Tất Quý, Mai Châu Điểm, Lê Doãn Giai, Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt, Lê Hữu Lập, Đinh Chương Dương… 
Người ta đã từng hiểu nhầm phương ngữ “nhất Xương, nhì Gia, thứ ba Hậu Lộc” với ý Hậu Lộc đứng thứ ba (về đói nghèo của tỉnh Thanh) sau huyện Quảng Xương và Tĩnh Gia. Song, Hậu Lộc, đất Dư Phát xưa trong lịch sử chưa bao giờ “bị” điểm danh về đói nghèo, thậm chí, ngược lại, luôn là vùng đất sầm uất, trù phú: Lắm tiền nhà Chúa, lắm lúa Sơn Đông (Sơn Đông nay là xã Thành Lộc, cũng nổi tiếng về nấu rượu); Vua yêu chúa dấu là làng Bà Đa, lắm lính hầu trong là làng Giang nọ (xã Liên Lộc); Em về kẻ bể với anh/ Chấp gai, đan lưới cho thanh con người/ Kẻ bể là đất ăn chơi/ Chẳng giàu cũng khá, trên đời nhất anh, v.v... Quảng Xương và Tĩnh Gia cũng vậy, có chăng, được điểm tên về sự thông minh, linh hoạt, như: “Mẹo mực Quảng Xương, văn chương Hoằng Hóa”; Hoặc, địa chỉ của đặc sản: “Cơm Nông Cống, cá Quảng Xương, văn chương Hoằng Hóa”. 
Thế mà không gian văn hóa ấy một thời từng bị mờ nhòe bởi những khó khăn, thách thức. Người ta chỉ biết đến một Hậu Lộc chen chúc với mật độ dân số 900 người trên một cây số vuông, một Hậu Lộc ô nhiễm với những núi rác chất cao, một Hậu Lộc luôn phải đối mặt với thảm họa thiên nhiên mỗi khi mưa bão về… Bỗng dưng, Hậu Lộc gây chú ý là địa phương vất vả, đói nghèo (!). Người Hậu Lộc dường như đã không muốn để tiếng dở này kéo dài, nghị lực và trí tuệ của con cháu vùng đất Dư Phát đã nhanh chóng vượt qua thách thức. Họ đã khẳng định bản lĩnh của một vùng đất từng góp phần gây dựng nên những nền văn hóa - văn minh cổ. Giờ đây, Hậu Lộc đang trở lại với tư thế của một vùng đất với tiềm lực khỏe khoắn và năng động.
Ngắm Hòn Nẹ cách đất liền chừng hơn cây số như trạm gác tiền tiêu, một suy nghĩ chợt đến: thảo nào, ngày xưa các cụ đặt tên cho đất này là Dư Phát! đã “dư” còn “phát”, vừa “phát” vừa “dư”, thậm chí “phát dư” (!). Liệu có phải đặt tên chỉ để gửi gắm niềm mong ước hay người xưa đã nhìn thấy thế đất để gọi tên? Lý do nào thì vùng đất này cũng là “mạch” thịnh vượng, “dư phát”, cho dù đã có lúc thăng trầm, chìm nổi. 
Nhìn sự vận động, phát triển của Hậu Lộc hôm nay với đà tiến dũng mãnh, hai câu trong bia ký dựng tại đền Bà Triệu như văng vẳng đâu đây: 
Vùng đây người vật ngàn thu vọng
Sông Mã, Tùng Sơn vọng gió lùa!             

                                                                                     

HỎA DIỆU THÚY


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 127
 Hôm nay: 1665
 Tổng số truy cập: 7531088
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa