Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   TỪ XỨ THANH, HỌ QUÁCH TÌM VỀ
TỪ XỨ THANH, HỌ QUÁCH TÌM VỀ

Cách đây trên 15 năm, bà con họ Quách ở hai huyện Như Xuân và Như Thanh tỉnh Thanh Hóa bắt đầu cuộc tìm kiếm ngôi mộ cụ tổ. Theo gia phả thì mộ cụ tổ táng ở Đống Tràng, làng Chiềng, xã Ngọc Lâu, huyện Phụng Hóa, phủ Thiên Quan (Thanh Hóa). Rất may, tên làng Chiềng và xã Ngọc Lâu không thay đổi, nên đã xác định được địa danh này nay thuộc miền cao huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, mà từ xa xưa người ta gọi là Mường Khụ (Mường Đá).
Ngày 25-12-2005, một đoàn người từ Như Thanh, Thanh Hóa theo đường rừng Cúc Phương đến phố Cát, chợ Rịa, vào Yên Thủy rồi tìm đường tới Vụ Bản, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Thật không may, khi đó cầu Chum chưa đi ô tô được, nên chuyến hành hương đầu tiên không thành. Tuy vậy, họ cũng đã xác định được sơ bộ nơi cần đến.
Ngày 16-01-2006, đoàn người họ Quách lại xuất phát từ Như Thanh đến huyện Bá Thước (Thanh Hóa). Từ đỉnh núi Bóp Nhai nhìn xuống bên kia là đất Hòa Bình. Sau nhiều giờ trèo đèo lội suối, họ đến xóm Rì, xã Tự Do. Chiều muộn ngày 17-01-2006, họ đến được làng Chiềng, xã Ngọc Lâu. Cả đoàn con cháu họ Quách từ Thanh Hóa ra và tại Ngọc Lâu, Ngọc Sơn tụ quanh cột bia đá có khắc chữ Hán đứng xiêu vẹo bên một hố đất cỏ mọc dày tại Đống Tràng. Những người dân họ Quách còn lại không nhiều tại chính nơi này, chỉ biết đây là ngôi mộ cổ của dòng họ đã bị người ta đào bới từ những năm 80 của thế kỷ XX. Sáng hôm sau (19-01), họ mới chính thức thắp hương, chụp ảnh, ghi lại từng chữ Hán rồi thuê xe ôm quay về xã Tự Do để lại ngược núi Bóp Nhai về Bá Thước, Thanh Hóa.
Ông Quách Lục Kinh, nguyên Huyện đội trưởng Huyện đội Như Xuân, hậu duệ đời thứ 13 của cụ tổ họ Quách Mường Khụ. Là người biết chữ Hán - Nôm, nên ông quyết định trực tiếp đến đọc và soát lại từng chữ ghi trên bia mộ, để yên tâm dịch ra chữ Quốc ngữ. Đúng ngày 08-3-2006, đoàn gồm 6 người lại xuất phát bằng xe máy từ thành phố Thanh Hóa theo đường Triệu Sơn, Cẩm Phong ra đường Hồ Chí Minh rồi vào Vụ Bản. Thời kỳ này đường từ Vụ Bản lên 3 xã vùng cao là Ngọc Sơn, Ngọc Lâu và Tự Do của huyện Lạc Sơn chưa được nâng cấp, đi lại rất khó khăn. Xe máy ặc è leo dốc rất vất vả, nhất là phải ngược dốc Đầm. Mặc dù gian khổ như vậy, nhưng là đường tìm về quê hương, nơi cụ tổ đang an nghỉ nên ai cũng gắng sức vượt qua. Ông Quách Vĩnh Thích một thành viên trong đoàn đã tức cảnh sinh thơ:
Đường lên Mường Khụ đá cheo leo
Dốc núi thẳm sâu lắm tai mèo
Vi vu gió lộng rừng xanh thẳm
Lên đỉnh trời mây, mây với mây
Quê cha đất tổ hồn sông núi
Tổ tiên ân phúc thật cao đầy!
Văn bia được ông Quách Lục Kinh phiên âm như sau:
Thiên Quan phủ, Phụng Hóa huyện, Ngọc Lâu xã. Thổ tù đặc tiến phụ quốc, Thượng tướng quân tả đô đốc, cẩm y vệ, Chỉ huy sứ Đông đô, Đô đốc Chỉ huy sứ Vĩnh lục hầu Quách Phúc Thiêm, bản mệnh Bính Thân niên, thọ thất thập thất tuế.
Bản nguyên tứ nguyệt nhị thập lục, nhật thân hóa mệnh chung. Tử tôn để tang, thủy tạo, trác thạch tứ trụ lưu truyền vạn thế.
Dịch nghĩa:
Ông Quách Phúc Thiêm, quê quán Ngọc Lâu, huyện Phụng Hóa, phủ Thiên Quan. Chức vụ Tù trưởng, vì có công giúp nước đặc biệt được ban chức Thượng tướng quân, Tả đô đốc, Cẩm y vệ, Chỉ huy sứ Đông đô, Chỉ huy sứ Vĩnh lục hầu.
Ông mất năm Bính Thân (1716) đời vua Lê Dụ Tông niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11. Hưởng thọ 77 tuổi. Ngày 24 tháng Tư năm đó thì mai táng, con cháu lo chôn cất chu đáo.
Sau đó mới trồng bốn cột đá và đục khắc bia này để lưu lại cho muôn đời sau. Bia dựng 24 tháng 12 năm Nhâm Tý (1732).
Như vậy, ông Quách Phúc Thiêm sinh năm 1639 (Kỷ Mão), mất năm 1716 (Bính Thân) và 16 năm sau (1732) khắc tấm bia đá này.
Theo người dân sở tại kể thì khi ngôi mộ bị đào bới, kẻ gian đã mang cột bia đá này đi, nhưng một thời gian sau thì bí mật trả lại và trồng vội bên miệng hố đã đào. Tấm bia đứng đó, đợi đến khi con cháu dòng họ Quách từ Thanh Hóa ra tìm và nhận được cụ Thượng tổ Quách Phúc Thiêm.
Ông Quách Thuận Lương, nhà giáo nghỉ hưu và là hậu duệ đời thứ 13 cụ Quách Phúc Thiêm kể: Ngay từ những năm 40 thế kỷ XX, các ông đã được các vị cao niên nhắc nhở tìm về và xây mộ cụ tổ tại Đống Tràng, Mường Khụ. Để tỏ lòng biết ơn tiên tổ, con cháu ở bất cứ nơi đâu, khi chết đều phải mo “Nhòm Mường” (nhìn về) Đống Tràng, Mường Khụ. Nhưng rồi chiến tranh liên miên, hết đánh Pháp lại đánh Mỹ, đánh quân bành trướng Trung Quốc xâm lược… Thế nên đầu thế kỷ XXI, họ mới tìm về quê cha, đất tổ Ngọc Lâu - Mường Khụ. Tiếc thay, mộ cụ tổ chỉ còn là một hố sâu, cỏ mọc. Vật quý giá nhất là tấm bia đá ghi tên tuổi và công đức của cụ Thượng tổ Quách Phúc Thiêm từ thời nhà Lê Trung hưng mà thôi.
Tìm ra mộ cụ tổ là Quách Phúc Thiêm ở quê gốc Ngọc Lâu (Mường Khụ) là niềm hạnh phúc của con cháu dòng họ Quách Mường Khụ ở Thanh Hóa, Hòa Bình, Tây Nguyên và các nơi. Bên cạnh đó, mở ra hướng tìm tòi, nghiên cứu có hiệu quả về kỳ trung, cận đại xứ Mường và các địa phương có người Mường sinh sống - phần còn rất khuyết thiếu trong sử sách hiện nay. 
Một địa hạt chưa có người khai phá thường mang lại sự hấp dẫn cho những người dám “đặt chân”. Từ đó, hễ có thông tin liên quan đến thời trung, cận đại của xứ Mường là chúng tôi xăm xắn lên đường.
Đại tá, nhà văn Đỗ Viết Tuyển, năm nay đã vào tuổi 80, là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hòa Bình, vài năm nay ông không còn khỏe như trước nữa. Một ngày đầu tháng 10-2021, ông Tuyển đến Hội và cung cấp cho tôi thông tin về một nhân vật họ Quách đệm chữ Phúc có bia mộ ở Mường Khụ (Ngọc Lâu - Lạc Sơn). Cảm ơn ông Đỗ Viết Tuyển, tôi điện ngay cho người họ Quách là ông Quách Cảnh, sinh 1950 quê Ngọc Lâu, hiện đang sinh sống tại xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk (5 tuổi, ông Quách Cảnh theo người lớn vào Đắk Lắk và từ đó chưa một lần trở lại Hòa Bình). 
Vừa nhắc đến cụ Quách Phúc Thiêm, ông Quách Cảnh nói ngay: “Cụ tổ của chúng tôi đấy”. Rồi ông Quách Cảnh cho gọi ông Quách Hữu Phước, sinh 1957 (là em trai thứ tư của ông Quách Cảnh) đến chụp và chuyển cho tôi sơ đồ gia phả dòng họ Quách có nguồn gốc tại Mường Khụ (Ngọc Lâu - Lạc Sơn). Tuy nhiên, các ông chưa cung cấp được nhiều những thông tin mà chúng tôi mong muốn. Chỉ biết rằng, từ cụ Quách Phúc Thiêm, đến ông Quách Cảnh là đời thứ 13 và đến nay (2021) là 17 đời. Các nhánh họ Quách từ đây hiện đang có mặt nhiều nơi như Thanh Hóa, Hòa Bình, Đắk Lắk và một số nơi khác. Ông Quách Cảnh giới thiệu tôi với ông Quách Tuấn, chi trưởng họ Quách ở Như Thanh, Thanh Hóa và tôi có thêm tư liệu về cụ Quách Phúc Thiêm từ Thanh Hóa gửi ra. Khi đã có một số tư liệu “đi xa để tìm gần”, chúng tôi tổ chức chuyến điền dã tại Mường Khụ - Ngọc Lâu. 
Được sự phối hợp ăn ý của ông Bùi Văn Nỏm, nguyên Bí thư Huyện ủy, nay là hội viên Hội VHNT chuyên ngành nhiếp ảnh; ông Bùi Tiến Ịn, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn, chúng tôi đã có mặt tại Mường Khụ trong cái mưa tầm tã của những ngày đầu đông (trung tuần tháng 9 âm lịch). 
Tại gia đình bà Quách Thị Hải và ông Bùi Văn Chính, chúng tôi gặp các ông Quách Ngọc Long, sinh 1954, ông Quách Văn Hoàn, sinh 1965 đều là anh ruột của bà Quách Thị Hải, họ đại diện chi họ Quách tại Ngọc Lâu đón tiếp chúng tôi rất chu đáo. 
Đặc biệt bất ngờ và cảm động khi nhà giáo nghỉ hưu Quách Nam Tấn, sinh 1957, hậu duệ đời thứ 13 của cụ Quách Phúc Thiêm đã đội mưa, đi xe máy vượt mấy chục cây số từ xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy đến đây từ hôm trước để chờ chúng tôi.
Vừa là quê gốc, vừa có nhiều năm dạy học ở Ngọc Lâu và lại là vai trên của nhiều bà con họ Quách sở tại, nhà giáo Quánh Nam Tấn chủ động tiếp đón và nhiệt tình chia sẻ những điều mình biết. Thật vô cùng quý giá đối với chúng tôi, những người đang khát khao tìm hiểu về xa xưa xứ Mường. 
Về cụ tổ Quách Phúc Thiêm và phần bia mộ của cụ, chúng tôi đã sơ bộ giới thiệu trong phần 1: “Từ tấm bia mộ cụ tổ họ Quách”. Và từ đây mở ra hướng tìm tòi, nghiên cứu nhiều hơn, sâu hơn về lịch sử, về dòng họ Quách, về vùng đất Mường Khụ, người Mường Khụ của tỉnh Hòa Bình và tỉnh Thanh Hóa thời trung, cận đại. 
Là giáo viên dạy văn lại quan tâm đến lịch sử, nhà giáo Quách Nam Tấn chia sẻ với chúng tôi nhiều điều xưa, ông được các cụ, cả khẩu truyền, cả trong gia phả về dòng họ Quách có nguồn gốc từ Ngọc Lâu lưu lại. Ví như lý do cụ Thiêm được đổi từ Quách Văn Thiêm sang Quách Phúc Thiêm; lý do họ Quách có gốc ở Ngọc Lâu tuyệt đối không ăn thịt chó; căn cứ địa Ngọc Lâu và con đường bí mật từ Lam Kinh - Thanh Hóa qua Ngọc Lâu ra Thăng Long, v.v… Họ Quách ở Ngọc Lâu một thời rất phát triển; đến đời thứ 5 tính từ cụ tổ Quách Phúc Thiêm thì có cuộc di dân lớn lần thứ nhất vào vùng Như Xuân, Như Thanh (Thanh Hóa) ngày nay.
                                

LÊ VA


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 55
 Hôm nay: 1690
 Tổng số truy cập: 9247601
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa