Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   TÌM HIỂU VĂN HÓA DÂN GIAN XỨ THANH QUA TÁC PHẨM “THANH HÓA QUAN PHONG”
TÌM HIỂU VĂN HÓA DÂN GIAN XỨ THANH QUA TÁC PHẨM “THANH HÓA QUAN PHONG”

Trong di sản văn hóa Hán Nôm của cha ông để lại, ngoài những tác phẩm văn chương, từ phú, còn có khá nhiều tác phẩm lịch sử, địa dư chí, phong vật chí… viết về cả nước hoặc từng địa phương. Đặc biệt trong đó có tác phẩm Thanh Hóa quan phong của Vương Duy Trinh - Tổng đốc Thanh Hóa - soạn vào năm Thành Thái thứ 16 Giáp Thìn (1904). Nguyên bản sách viết bằng chữ Nôm, gồm 140 trang. Sách này được lưu trữ tại thư viện Viện Hán Nôm, ký hiệu VHv.1370 và một số thư viện ở Paris. Tài liệu chúng tôi viết bài này là bản phiên diễn của Nguyễn Duy Tiếu từ nguyên tác lưu trữ tại Viện Khảo cổ (miền Nam trước đây), ký hiệu VNT-17, do Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên (Sài Gòn) xuất bản năm 1973. Đây là cuốn sách sưu tầm, biên chép về thể loại văn nghệ dân gian như: dân ca, hò vè, các bài hát chúc, hát đối đáp giao duyên, các trích đoạn hát sắc bùa của các châu huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa cách đây gần một trăm hai mươi năm. Điều đáng ghi nhận ở sách này là đối với các câu dân ca, sắc bùa, hát đối đáp của bà con dân tộc miền núi Thanh Hóa thời bấy giờ đều được tác giả ghi bằng chữ Nôm theo thổ âm của đồng bào dân tộc. Đặc biệt, tác giả sách còn dùng chính văn tự của bà con dân tộc để ghi lại một khúc ca dài 435 chữ. Phía dưới mỗi chữ được tác giả phiên âm bằng chữ Nôm và chú thích: “Đây là chữ Châu tiếng Châu. Trên kia đã dịch làm tiếng Chợ, một khúc ca mười hai đoạn, có tầng thứ, có nông sâu, có mở đóng, có hồi cố. Có khác gì mười ba nước phong thi. Người làm ca là người có học. Vậy mới biết có văn tự thì phải có văn chương”.
Thanh Hóa, một trong những vùng kinh đô xưa của Việt Nam, được mệnh danh là đất “đế vương chung hội”. Đây chính là nơi “Lam Sơn tụ nghĩa” và cũng là nơi phát tích của tổ tiên, của vương triều nhà Nguyễn. Từ những cuộc di dân vào Thuận Hóa thời Trần, Lê sơ cho đến những đợt di dân theo chúa Nguyễn vào Nam, người dân các xứ Thanh Hóa, Nghệ An… đã mang theo dấu ấn văn hóa tinh thần của mình vào đất Thuận Hóa. Trải qua hàng mấy trăm năm, cái gốc văn hóa ấy vẫn luôn được các thế hệ người dân gìn giữ.  Đó chính là cội nguồn văn hóa dân gian của vùng đất Bắc Trung bộ nối liền từ Thanh Hóa đến Huế. 
Trong lời dẫn của sách, tác giả đã nhắc đến lời của Tiến sĩ Phan Hữu Nguyên (tức Phan Quang), huyện doãn (tri huyện) Nông Cống: “Tuy những câu ca dao ở địa phương, lời lẽ có phần thô tục, quê mùa, tựa hồ không đáng phổ biến tới những nơi xa ngái. Nhưng phong tục vốn chuộng thuần hậu thật thà, cho nên qua những câu ca dao ấy, người ta có thể hay biết dân tình thế thái từng địa phương một cách khái quát”. [Phan Quang là một trong năm người của tỉnh Quảng Nam cùng đỗ “đại khoa” trong kỳ thi Hội năm Thành Thái thứ 10 (1898), được mệnh danh là “Ngũ phụng tề phi” (Năm con phượng hoàng cùng bay)]. 
Vương Duy Trinh cũng viết mấy câu cảm tác khi làm sách “Thanh Hóa quan phong”:
𠳐 𡗶 𨷑 運
Vâng trời mở vận,
省 清 湯 沐 渃 茹
Tỉnh Thanh thang mộc nước nhà.
𠉞 清 化 𠓀 清 花
Nay Thanh Hóa, trước Thanh Hoa,
清 都 清 內 唐 羅 化 州
Thanh đô, Thanh nội, Đường là Ái châu.
𠁀 秦 象 郡 於 兜
Đời Tần Tượng quận ở đâu,
九 真 𠁀 漢 㐱 侯 拱 低
Cửu Chân đời Hán, chỉn hầu cũng đây.
計 名 勝 旹
Kể danh thắng thì:
渃 撑 窖 達 𡽫 邏 坤 排𡽫
Nước xanh khéo đặt, non lạ khôn bày,
麻 氣 𤍌 𤒚 𤒘 仍 𣈜
Mà khí thiêng nung đúc những ngày,
物 㐌 卒 𠊚 拱 能
Vật đã tốt, người cũng hay,
𩘬 坦 情 𡗶 𧡊 烝 課 里
Thói đất tình trời thấy chưng thuở lý.
巷 歌 謠 之 作
Hạng ca dao chi tác,
沒 尼 沒 恪
Một nơi một khác,
劄 吏 底 客 觀 風 𥋳 卓 此
Chép lại để khách quan phong coi trác thử.
Đáng trân trọng thay, dưới thời phong kiến, đã có không ít những vị quan đầu tỉnh, đầu huyện như Vương Duy Trinh, Phan Quang… biết đến giá trị của kho tàng văn hóa dân gian ngay nơi vùng đất mà họ đang thực hiện việc “trị quốc an dân”...
Tác phẩm Thanh Hóa quan phong của Vương Duy Trinh cho đến nay còn vẫn nguyên giá trị lịch sử, là tư liệu quý, giúp cho chúng ta hiểu thêm về văn hóa dân gian xứ Thanh. Ngoài tác phẩm Thanh Hóa quan phong, Vương Duy Trinh còn có cuốn Thanh Hóa kỷ thắng viết về danh lam thắng cảnh, cổ tích, truyền thuyết… ở Thanh Hóa.
Trong quá trình di dân từ miền Bắc vào Thuận Hóa, một bộ phận lớn dân cư Thừa Thiên Huế có nguồn gốc xuất xứ từ vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… (tức vùng châu Hoan, châu Ái xưa). Ngày trước, người dân ở các địa phương này vẫn giữ mối giao lưu qua lại, thể hiện trong cả sinh hoạt văn hóa vật chất lẫn văn hóa tinh thần. Từ đó hình thành nên những đặc trưng của văn hóa vùng Bắc Trung bộ. Thanh Hóa là Tổ hương của vua chúa nhà Nguyễn. Vương triều Nguyễn đã trị vì suốt 143 năm trên đất kinh đô Huế. Nơi đây, hậu duệ vua Nguyễn (Nguyễn Phước tộc) và nhiều thế hệ gia đình quan lại và người dân từ khắp nơi trong nước đã đến đây sinh sống. Sự giao thoa văn hóa từ các vùng miền và văn hóa bản địa đã tạo cho văn hóa Huế có nét đặc trưng riêng. Song bên cạnh đó, sự gần gũi giữa văn hóa Huế và văn hóa của một số vùng miền trong nước vẫn thể hiện rõ trong hoạt động văn hóa dân gian. Đặc biệt là văn hóa dân gian xứ Thanh.
Một bài ca dao ở huyện Nga Sơn, Thanh Hóa được Vương Duy Trinh ghi lại trong tác phẩm Thanh Hóa quan phong:
Ai lên nhắn chị hàng cau,
Chiếu buồm chận nước mượn màu cho tươi.
Cau tươi buồm chiếu mới tươi,
Phấn son dồi mặt là người phù hoa,
Lời gần mà ý tứ xa,
Thảo nào “tứ vật”, lời ca hãy còn.
Vương Duy Trinh đã chú thích về “Tứ vật” (bốn điều chớ nên):
“Vật giao An Hạnh hữu,
Vật thú Trị Cụ thê,
Vật mãi Đông Kinh bố,
Vật đả Bạch Câu đề”.
(Chớ kết bạn với người An Hạnh,
Chớ lấy vợ ở Trị Cụ,
Chớ mua vải Đông Kinh,
Chớ đánh cờ bài với người làng Bạch Câu).
Tứ vật đề cập trong bài ca dao này là một mô hình tục ngữ có 4 câu chữ Hán như thể thơ “ngũ ngôn tứ tuyệt” xuất hiện ở một số địa phương trong nước. Chữ đầu của 4 câu này đều dùng một trong ba trạng từ phủ định như: vật (勿); bất (不); mạc (莫). 
- Vật (勿): (chớ, chớ nên), dùng trong trường hợp khuyên can, ngăn cấm. Cũng có nghĩa là (không) như chữ vô (無), bất (不).
- Bất (不): (chẳng; không).
- Mạc (莫): (chẳng ai; chẳng nên; đều không).
Ở vùng Sơn Tây (Hà Nội) có bài sử dụng trạng từ phủ định “Mạc”: (chẳng ai; chẳng nên; đều không):
Mạc tranh Đại Đồng trưởng,
Mạc thú Tào Thương thê,
Mạc giao Đông Sàng hữu,
Mạc thực Mỹ Lương kê.
(Chẳng nên tranh chấp với người Đại Đồng,
Chẳng nên lấy vợ làng Tào Thương,
Chẳng nên kết bạn với người Đông Sàng,
Chẳng nên ăn thịt gà làng Mỹ Lương).
Ở Thừa Thiên Huế cũng có mô hình tục ngữ trên với những câu bắt đầu bằng trạng từ phủ định “Bất” (chẳng; không):
Bất giao Nguyệt Biều hữu,
Bất thú Dạ Lê thê,
Bất ẩm Thạch Hàn thủy,
Bất thực Lương Quán kê.
(Không kết bạn với người làng Nguyệt Biều,
Không lấy vợ làng Dạ Lê,
Không uống nước Thạch Hàn
Không ăn thịt gà làng Lương Quán).
Có thể do có sự mâu thuẫn nào đó giữa người làng này với người làng khác trong việc kiện tụng đất đai, hôn nhân gia đình, mua bán hay nhiều lý do khác… mà họ “đơm đặt” những hiện tượng tiêu cực, những nét xấu không hề có thật trong cuộc sống đối với cộng đồng của người mà họ không ưa. Hoặc cũng có lúc “trà dư tửu hậu” họ gán ghép tên của những làng xã ở địa phương vào mô hình của những câu tục ngữ trên, với mục đích đùa vui với nhiều dị bản khác nhau ở tên làng nhưng đa phần lại giống nhau về nội dung: kết bạn, lấy vợ, ăn thịt gà… Theo nội dung trong bài ca dao mà Vương Duy Trinh chép được ở Nga Sơn, Thanh Hóa, có thể do người bán loại cau để lâu ngày, không còn tươi; sau đó họ đã ngâm cau vào nước để người mua nhầm tưởng là cau còn tươi. Hoặc hàng xấu nhưng “làm mặt” cho đẹp, người mua bị lừa nên người mua đã làm mấy câu ca trách khéo chị hàng cau. Bởi nếu người bán hàng không thật thà, thì chẳng ai mua hàng của mình nữa.
Lời gần mà ý tứ xa,
Thảo nào “tứ vật”, lời ca hãy còn.
Một câu hò Vương Duy Trinh chép ở huyện Nga Sơn, cũng là câu hò phổ biến ở Thừa Thiên Huế:
Lênh đênh qua cửa Thần Phù,
Khéo tu thì nổi, vụng tu thời chìm.
Phải chăng đây là câu hò xuất xứ từ những cuộc di dân từ miền Bắc vào Thuận Hóa bằng đường biển (?). Nhiều câu ca dao ở Thanh Hóa cũng xuất hiện nhiều ở Huế và nhiều nơi trong nước:
- Thân em như tấm lụa đào,
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.

- Chẳng tham ruộng cả ao liền,
Tham vì cái bút, cái nghiên anh đồ.

- Còn trời còn nước còn non,
Còn cô bán rượu ta còn say sưa.

- Tu đâu cho bằng tu nhà,
Thờ cha kính mẹ, ấy là chân tu.
...
Thể loại phong phú nhất trong Thanh Hóa quan phong là hò giao duyên, đối đáp mà Vương Duy Trinh gọi đó là lời hát phong tình.
- Gần thời chẳng bén duyên cho,
Xa xôi cách mấy chuyến đò cũng theo.

- Thuyền tình đã ghé đến nơi,
Khát tình sao chẳng xuống chơi thuyền tình.

- Trai làng ở góa còn đông,
Cớ sao em vội lấy chồng ngụ cư.
Ngụ cư có lúa cho vay,
Có lúa bán đầy, em lấy ngụ cư.

- Em như cây quế giữa rừng,
Thơm tho ai biết, ngọt lừng ai hay.
Anh như cây phướn nhà chay,
Em như chiếc đũa sánh bày sao nên.
Có những câu ca dao ngoa dụ mang tính khoa trương:
Xăn quần bắt kiến cởi chơi,
Trèo cây rau má bỏ rơi tức mình.
Hoặc so sánh dí dỏm:
Dì thằng cu như cánh hoa lài,
Ba mươi sáu cánh tiếc tài nở đêm.
Tác giả Thanh Hóa quan phong đã ghi chép về tục hát sắc bùa ngày xuân của bà con người Thổ ở châu Như Xuân (nay là huyện Như Xuân), Thanh Hóa: 
Thổ tục, tết Nguyên đán sớm ngày, thì Thổ dân từ mười lăm, mười sáu tuổi trở lại, sáu bảy người một phường, tám chín người một phường, một người cầm một cái chiêng, đến nhà Thổ ty, Thổ mục, các nhà người đàn anh, hát một câu, đánh chiêng một hồi, ấy thế là phường hát sắc bùa.
Lời sắc bùa ở châu Như Xuân:
Năm cũ đã qua, bước sang năm mới. Quân phường bùa chúng tôi đi chơi đến nhà Lang. Ra mở cửa, ra mở cửa cho chúng tôi vào nhà. Chúng tôi ăn trầu, ăn trầu cho đỏ môi. Chúng tôi xin chúc vài lời Lang nghe. Lang nghe Lang thưởng tiền, thưởng tiền một quan hai. Thưởng cho mỗi người hai ba mươi đồng, đừng để cho ai ra không mà tủi năm mới.
(Hát)
Quân phường bùa chúng tôi vào nhà Lang,
Tôi mầng (mừng) nhà Lang,
Năm nay giàu sang phú quý.
Con nhà Lang bước chưn ra đường, tay cầm cây mía, cưỡi ngựa tía có dù che bang.
Các bà nương bước chưn ra đường, có võng đòn cong, có con hầu theo sau xách dép…
Nội dung sắc bùa ở Như Xuân, Thanh Hóa cũng tương tự như sắc bùa ở Mường Vang, Lạc Sơn, Hòa Bình.
Phường bùa chúng tôi, đi chúc đi chơi, đi chơi đi nhởi, đi đến chơi đây.
Tôi ngồi dưới sân tôi trông. Trông đi ngó lại, nhìn thấy nhà ông, khang khang ngút dậu. Không biết nhà ông, là ầu chậu hay ầu vá. Không biết nhà ông là cai xã hay cai đạo quyền anh.
Ông nhìn quan tiền trắng, dãy tiền đồng. Ông đem ra ông thưởng. Phải năm được mùa ông thưởng quan bảy. Phải năm không được mùa ông thưởng quan ba. Ông không cho chú nào ra suông, ra không, rủi ro mùa năm mới.
Ở làng Phò Trạch, xã Phong Bình, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có lễ hội sắc bùa ngày tết, nhưng 12 năm mới tổ chức một lần. Phần diễn xướng mang đậm yếu tố Lão giáo, nhất là ở phần khai môn tróc quỷ: 
Đệ tử phụng mệnh an phù, thỉnh thiên bồng thiên du, thỉnh thiên linh huyền đàng thượng tướng. Tật tốc ứng ngô khẩu. Tật tốc ứng ngô thanh. Thỉnh thiên linh huyền đàng. Tốc nhập tộ sơn đáo hải. Sát vạn quỷ trừ tà. Thỉnh Thái thượng lão quân. Thần phù cấp sắc…
Họa sắc!
Trong nhà tắt lửa thì thổi lửa lên, để chúng min(1) vào bắt thằng tà thằng quỷ, bắt thằng lũ lĩ(2) chân tay, bắt thằng ngay thằng vạy, đố thằng nào chạy khỏi tay ông. Tay ông là tay thiên bồng thiên tướng, đốt lửa sang sông. Đầu ông đội lá đa, má ông má sành, nanh ông nanh sắc. Ông bắt thằng quỷ ông chém làm ba.
Thỉnh Thái thượng lão quân thần phù cấp sắc.
Diễn xướng ở các phần tiếp theo khá dài, bao gồm nhiều nội dung: Cầu an thổ công, thổ chủ, an tằm, an táo (cầu an bếp núc), an sàng an tịch (cầu an giường chiếu)... Rồi đến phần khán nhà, trấn mộc, đóng bùa (dán bùa ở các cửa, nơi chăn tằm, chuồng trâu...):
Đóng bùa cửa tằm, tằm ăn dâu.
Đóng bùa cửa trâu, trâu sinh đàn sinh nái…
Phần cuối là chúc tụng gia chủ năm mới an khang thịnh vượng, sống lâu, con cháu thành đạt, chăn nuôi trồng trọt đều bội thu…
Trường là trường thọ sống lâu
Mọi người trăm tuổi, kẻo âu thọ trường
Sinh là sinh những ngọc hoàng
Lan tôn, quế tử đôi hàng sở sanh
Mừng thay nữ tú nam thanh
Chúc cho chữ thọ trường sanh dân là
Phú là danh đại phú gia
Dư ăn lại tích để hòa chân sau
Chữ rằng: Nhiều lúa bội trâu
Phòng khi cơ cẩn, kẻo âu lo lường
Chữ rằng tích y hằng thường
Phòng khi gió rét đêm trường gió mây
Ngoài vườn thì ta trồng cây,
Phòng khi hậu, để thuở nầy bán mua.
Sinh ra vạn vật nở đua
Cây càng tươi tốt, trái to xoan cành…
Kết thúc sắc bùa, bao giờ cũng được gia chủ thưởng tiền và quà bánh…
Nhìn chung, lễ hội sắc bùa từ các vùng đồng bào dân tộc ít người cho đến sắc bùa của người Kinh ở các vùng miền đang dần bị mai một. Phần ghi chép về sắc bùa của Vương Duy Trinh trong sách Thanh Hóa quan phong đã cho ta hình dung được việc thực hành lễ hội của bà con dân tộc miền Tây Thanh Hóa cách đây 120 năm là điều đáng quí.
Đặc biệt, trong sách Thanh Hóa quan phong, Vương Duy Trinh đã ghi lại được một phần văn tự của đồng bào miền núi Thanh Hóa mà ông gọi là chữ châu. Đặc biệt ông còn dùng chữ Nôm lập bản “Phụ Man mẫu tự tam thập ngũ tự” để “phiên thiết” âm đọc cho 35 mẫu tự của lối chữ này. Ông còn đưa ra lý giải về mối liên quan của chữ châu ở Thanh Hóa với chữ Việt cổ như sau: “Tỉnh Thanh Hóa, một châu quan, có chữ là lối thập châu đó. Người ta thường nói rằng nước ta không có chữ. Tôi nghĩ rằng không phải. Thập châu vốn là đất nước ta. Trên châu còn có chữ, lẽ nào mà dưới chợ lại không. Lối chữ châu là lối chữ nước ta đó”.
Giả thuyết của Vương Duy Trinh về chữ Việt cổ, có thể có nhiều người không tán thành. Song cho đến nay, việc nghiên cứu về chữ viết của người Việt cổ vẫn chưa có những lý giải thỏa đáng, kể cả việc giải mã những ký tự trên bãi đá cổ ở Sa Pa.
Tác phẩm Thanh Hóa quan phong của tác giả Vương Duy Trinh là một công trình nghiên cứu đặc sắc về văn hóa dân gian xứ Thanh cách đây 120 năm. Điều quý giá của tập sách này là phần chính văn được viết bằng chữ Nôm, một loại hình chữ viết do cha ông ta sáng tạo từ chữ Hán để ghi âm tiếng Việt. Chữ Nôm là văn tự mang tinh thần “độc lập dân tộc” của người Việt sau hàng ngàn năm lệ thuộc vào việc sử dụng chữ Hán của người Trung Quốc. Đặc biệt ở phần minh họa, dẫn chứng tư liệu đã được tác giả viết bằng chính văn tự của dân tộc Thái vùng Thanh Hóa. Hiện nay, người Thái ở Việt Nam có hơn 1,8 triệu người, phân bố khá đông ở các tỉnh Sơn La, Nghệ An, Thanh Hóa, Điện Biên, Lai Châu… Dân tộc Thái được xem là một dân tộc có chữ viết riêng khá sớm ở vùng Đông Nam Á cổ đại. Tác phẩm viết bằng chữ Thái cổ hiện nay vẫn còn gìn giữ được khá nhiều ở các cộng đồng dân tộc Thái. Hiện nay, kho tàng sách viết bằng chữ Thái cổ ở Tây Bắc và vùng lân cận vẫn còn đến hàng ngàn cuốn tập trung vào các thể loại chính như: văn học, lịch sử, nông nghiệp, lịch pháp, y học; các sách về văn hóa dân gian như: xem bói, xem ngày giờ tốt xấu, bùa chú, pháp thuật, văn cúng... Truyện thơ chữ Thái là thể loại văn học được người Thái sáng tác nhiều nhất. Thiên tình sử ca “Xống chụ xon xao” (Tiễn dặn người yêu) với 1846 câu thơ là tác phẩm văn học đỉnh cao của người Thái. Tác phẩm này đã được đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Ngoài ra còn có những truyện thơ phóng tác từ những tác phẩm chữ Nôm của người Kinh. Trong một chuyến đi công tác ở Sơn La, tôi đã từng tiếp cận với tác phẩm “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu được phóng tác bằng chữ Thái cổ hiện đang được bảo quản tại Bảo tàng Sơn La(3).
Tác phẩm Thanh Hóa quan phong của tác giả Vương Duy Trinh đã cho ta hiểu biết thêm về kho tàng văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc Thái ở tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay, vẫn còn nhiều tác phẩm được viết bằng văn tự Hán Nôm và văn tự của đồng bào Thái, Chăm… đang được lưu giữ ở các thư viện, bảo tàng, trung tâm lưu trữ… Mong rằng sắp tới những tác phẩm này sẽ được dịch thuật, công bố để chúng ta có thể hiểu biết thêm giá trị di sản văn hóa quý giá của dân tộc. Đặc biệt là văn hóa dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
                                    N.T

(1) Min: ta; chúng min: chúng ta (chữ Nôm cổ).
(2) Lũ lĩ: Số lượng người đông, thành cả một đoàn.
(3) http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p4/c18/n31552/Truyen-tho-Luc-Van-Tien-viet-bang-chu-Thai-co-o-Son-La.html


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 134
 Hôm nay: 4101
 Tổng số truy cập: 7659525
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa