Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   “CÁC VỊ VUA, CÔNG THẦN THỜI KỲ ĐẦU LÊ TRUNG HƯNG VÀ LỄ HỘI VẠN LẠI - YÊN TRƯỜNG” - NHÌN TỪ MỘT CUỘC HỘI THẢO
“CÁC VỊ VUA, CÔNG THẦN THỜI KỲ ĐẦU LÊ TRUNG HƯNG VÀ LỄ HỘI VẠN LẠI - YÊN TRƯỜNG” - NHÌN TỪ MỘT CUỘC HỘI THẢO

Thọ Xuân là một không gian lịch sử - văn hóa, một vùng di sản tiêu biểu của xứ Thanh và cả nước, nhưng đậm đặc và quan trọng nhất là hệ thống di sản lịch sử - văn hóa về 100 năm thời Lê Sơ (1428-1527) và hơn 260 năm thời Lê Trung hưng (1527-1789). 
Đối với hệ thống di sản thời kỳ Lê Trung hưng, trong đó có khu di tích kinh đô Vạn Lại - Yên Trường, do những điều kiện khách quan, chủ quan, nên từ trước đến nay, những thành tựu nghiên cứu về một thời kỳ lịch sử kéo dài, với những biến cố lịch sử phức tạp vẫn còn khá nhiều khoảng trống. Nhận thức được điều này, ngay từ đầu năm 2019, Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa đã có ý kiến tham vấn với lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện Thọ Xuân, cần quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa các chương trình nghiên cứu, các dự án bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của thời Lê Trung hưng trên đất Thanh Hóa, đặc biệt là khu kinh đô kháng chiến Vạn Lại - Yên Trường. Vì vậy, đầu năm 2019, Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa đã phối hợp với Đảng ủy, HĐND, UBND xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân tổ chức một chương trình nghiên cứu về khu di tích Điện Càn Long (xã Nam Giang) và đến tháng 1 năm 2019, tổ chức Hội thảo khoa học “Lịch sử hình thành và việc bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Điện Càn Long (xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa)”, mở đầu cho nhiều chương trình nghiên cứu về thời kỳ Lê Trung hưng ở Thanh Hóa.
  Cuối năm 2021, thực hiện Quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) và các đơn vị có liên quan (trong đó Hội Khoa học Lịch sử), tiến hành công tác điều tra, thăm dò, khai quật di tích Hành cung Vạn Lại - Yên Trường tại nhiều địa điểm, với tổng diện tích là 294m2. Từ các kết quả nghiên cứu những năm gần đây, nhất là đợt khai quật khảo cổ học, tháng 12-2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc gia: “Kinh đô Vạn Lại - Yên Trường trong lịch sử Vương triều Lê”. Ý kiến chung của các nhà khoa học tại hội thảo đã khẳng định: Vạn Lại - Yên Trường chính là Kinh đô thực sự của chính quyền Nam triều trong suốt gần nửa thế kỷ (1546-1593). Mặc dầu đã bị tàn phá nhiều, nhưng khu di tích Vạn Lại - Yên Trường có nhiều giá trị lịch sử, văn hóa quan trọng, cần được đẩy mạnh nghiên cứu, bảo tồn, phát huy.
Tiếp tục những kết quả nghiên cứu trên, đầu năm 2023, được sự đồng ý của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Thọ Xuân và được sự ủng hộ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa, sau nhiều đợt khảo sát, điền dã tại khu di tích, tại mảnh đất Thọ Xuân giàu truyền thống lịch sử văn hóa, Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Thọ Xuân tổ chức cuộc Hội thảo khoa học “Các vị vua và công thần đời đầu Lê Trung hưng và lễ hội Vạn Lại - Yên Trường”. Điểm mới và hấp dẫn của hội thảo này là, các nhà khoa học đã bắt đầu nghiên cứu, bàn luận đến “phần hồn” của khu di tích - Đó là lễ hội truyền thống.  Đây cũng là bước đi quan trọng, để trong tương lai gần, khu di tích lịch sử - văn hóa Vạn Lại - Yên Trường được đề nghị công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, hay cao hơn là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đặc biệt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vào công tác giáo dục truyền thống và thỏa mãn nhu cầu văn hóa, tâm linh của Nhân dân.
Hội thảo đã nhận được 21 bản báo cáo khoa học của các nhà nhà nghiên cứu, các nhà quản lý văn hóa ở Trung ương, gồm: Viện Sử học Việt Nam, Viện nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Cục Di sản, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia... và của tỉnh Thanh Hóa, gồm: Các cơ quan nghiên cứu, quản lý văn hóa thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa, các trường Đại học Hồng Đức, Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa - Hai cơ sở đào tạo văn hóa, du lịch bậc đại học trở lên của tỉnh nhà... Đặc biệt trong hội thảo này, có sự tham gia của các chuyên gia nghiên cứu văn hóa, lễ hội hàng đầu của Việt Nam. 
Với chủ đề hội thảo đã nêu, Ban Tổ chức chia thành 2 nội dung chính: 1. Các vị vua, công thần thời đầu Lê Trung hưng và kinh đô Vạn Lại - Yên Trường; 2. Nghiên cứu đề xuất hình thức, nội dung lễ hội Vạn Lại - Yên Trường. Tất nhiên sự phân chia này chỉ mang tính tương đối, vì hầu hết các tham luận đều có phần đề nghị về sự cần thiết, những bước đi, những định hướng về cách thức xây dựng một lễ hội truyền thống ở Vạn Lại - Yên Trường.
Nội dung 1: Các vị vua, công thần thời đầu Lê Trung hưng và kinh đô Vạn Lại - Yên Trường, gồm 7 báo cáo. Trong tham luận của mình, PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ và TS. Nguyễn Văn Bảo (Viện Sử học Việt Nam) đã đánh giá: “Sự nghiệp của các vị vua đầu tiên của triều Lê Trung hưng bao trùm là công lao đánh dẹp, đặc biệt là vua Lê Trang Tông. Trước khi chiếm được thành Tây Giai và xây dựng được hành cung Vạn Lại - Yên Trường để làm nơi triều hội, vua Lê Trang Tông và Nguyễn Kim phải bôn tẩu nhiều nơi, gian truân hiểm nguy trăm bề. Từ thời Lê Trung Tông về sau, bên cạnh sự nghiệp chinh chiến, các vị vua còn có vai trò to lớn trong điều hành quản lý một đất nước trong thời chiến. Khuyến khích phát triển kinh tế, mở mang văn hóa, giáo dục”. Từ đó các tác giả đề nghị: “Trên địa bàn hành cung Vạn Lại - Yên Trường “kinh đô kháng chiến của nhà Lê” tồn tại từ năm 1546 đến năm 1592 gắn liền với tên tuổi, công lao sự nghiệp của các vị vua Lê Trang Tông, Lê Trung Tông, Lê Anh Tông và Lê Thế Tông, do đó cần thiết phải xây dựng một công trình thờ tự các vị này”. 
Về vai trò của các công thần tiêu biểu: Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm, Trịnh Tùng trong sự nghiệp trung hưng nhà Lê, PGS.TS. Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học Việt Nam), cho rằng: “Sự nghiệp trung hưng nhà Lê, do Nguyễn Kim khởi xướng, rồi được con rể Trịnh Kiểm và cháu ngoại Trịnh Tùng kế tục đi tới thành công, nói như người xưa là vì có cả 3 điều kiện: Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa… điều kiện Địa lợi là việc tạo dựng kinh đô Nam triều ở Vạn Lại - Yên Trường”… “Khu di tích lịch sử Vạn Lại - Yên Trường, giữ một vị trí nhất định trong tiến trình lịch sử Việt Nam”. Nhằm tôn vinh khu di tích lịch sử, tác giả đề xuất một số ý kiến cụ thể, như “Nên phục dựng lại lễ hội dân gian liên quan tới Khu di tích lịch sử Vạn Lại - Yên Trường, để biến nơi đây thành địa điểm du lịch vừa có Lễ (nơi cung điện - thờ phụng) vừa có Hội (hoạt động hội hè, vui chơi dân gian); Nên hướng tới trong tương lai gần, để Khu di tích lịch sử Vạn Lại - Yên Trường được công nhận là Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia…”.
Với lợi thế của mình, các nhà nghiên cứu địa phương, đã công bố tại hội thảo những tư liệu lịch sử mới, cần được thảo luận, như NNC. Lê Huy Hoàng (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Bá Thước), nhận định: “Vua Lê Trang Tông sinh ra ở đâu và thời gian ẩn tích trên vùng đất Mường Khoong (Bá Thước, Thanh Hóa)”. NNC Hoàng Hùng (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử huyện Thọ Xuân) thì kết luận bản báo cáo của mình: “Kết hợp cả 3 yếu tố: Lịch sử, di tích và tín ngưỡng, văn hóa dân gian, chúng tôi mạo muội khẳng định; Nhị quận công Hòa lương hầu Nguyễn Duy Nhất là người chỉ huy xây dựng kinh đô Vạn Lại”. NNC. Đại tá Phan Thanh (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thọ Xuân) đã trình bày “Những dấu ấn nổi bật của chính quyền “Vua Lê - Chúa Trịnh” trên các lĩnh vực: Chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa - xã hội tại kinh đô Vạn Lại - Yên Trường (1545 -1593)”. 
NNC. Phạm Tấn, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa thì nhấn mạnh: “Vùng đất Vạn Lại - Yên Trường có một vai trò quan trọng trong sự nghiệp trung hưng nhà Lê hồi thế kỷ XVI, đồng thời góp phần làm cho đất nước đổi thay, phát triển trên nhiều lĩnh vực. Vì vậy, để khơi dậy lòng tự hào của đất nước, quê hương và bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống lịch sử - văn hóa đã từng có trên vùng đất này, chúng ta cần phải có những hình thức kỷ niệm, tôn vinh phù hợp trong thời đại mở cửa hội nhập hôm nay”.
Với trách nhiệm là Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thọ Xuân, ThS. Mai Thị Mùi, trong tham luận của mình đã đánh giá khá toàn diện thực trạng, những thuận lợi, khó khăn và các giải pháp nhằm: “Bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử - văn hóa ở huyện Thọ Xuân nói chung, khu di tích lịch sử Vạn Lại -  Yên Trường nói riêng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương” mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thọ Xuân đã và đang thực hiện.
Như vậy, chỉ 1/3 số báo cáo, nhưng với nội dung 1 này, cùng kết quả của hội thảo quốc gia tháng 12-2020 là cơ sở khoa học, cơ sở lịch sử quan trọng để nghiên cứu xây dựng lễ hội Vạn Lại - Yên Trường.
Nội dung 2: Nghiên cứu đề xuất hình thức, nội dung lễ hội Vạn Lại - Yên Trường, là nội dung chính của hội thảo, nên có tới 14 báo cáo khoa học. Nội dung này tập trung ở 2 vấn đề sau:
Thứ nhất, nghiên cứu những cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng lễ hội mới Vạn Lại - Yên Trường. 
GS.TS. Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam sau khi trình bày khá kỹ các cơ sở pháp lý, cơ sở lịch sử, cơ sở khoa học, đã khẳng định: “Việc nghiên cứu xây dựng lễ hội Vạn Lại - Yên Trường tại Thọ Xuân, Thanh Hóa được đặt ra là hoàn toàn hợp lý”… “Những cơ sở thực tiễn của việc xây dựng lễ hội Vạn Lại - Yên Trường đối với tình hình hiện nay lại càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết”. Từ đó, GS đã gợi ý cụ thể về xây dựng lễ hội truyền thống Vạn Lại - Yên Trường trong đời sống hiện nay, như: không gian văn hóa, thời gian, nội dung phần tế lễ, phần hội của lễ hội trong tương lai.
GS.TS. Bùi Quang Thanh (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) nhấn mạnh thêm các cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng lễ hội Vạn Lại - Yên Trường: “Từ một số vấn đề khoa học gắn với nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đến nhu cầu tổ chức thực hành nghi lễ và lễ hội Vạn Lại - Yên Trường, huyện Thọ Xuân”.
Các tác giả: TS. Hoàng Bá Tường (Nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa); TS. Lê Thị Thảo (Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa), ThS Vũ Thị Hường (Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa)…trong các tham luận của mình đều khẳng định tính cấp thiết của việc nghiên cứu xây dựng lễ hội Vạn Lại - Yên Trường, nhằm bảo tồn phát huy giá trị khu di tích, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trước hết là kinh tế du lịch, giáo dục truyền thống, nhất là cho thế hệ trẻ và thỏa mãn nhu cầu văn hóa, tâm linh của nhân dân. 
TS. Nguyễn Văn Hải (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa) cho rằng, lễ hội Vạn Lại - Yên Trường sẽ nằm trong chuỗi các lễ hội mùa xuân của không gian văn hóa Lam Kinh, nên rất cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng.
Thứ hai, một số định hướng về hình thức, nội dung tổ chức lễ hội Vạn Lại - Yên Trường.
GS.TS. Bùi Quang Thanh cho rằng: “Trước hết, cần có sự thống nhất về mặt nguyên tắc, về phương hướng tiến hành tổ chức, phục dựng thực hành nghi lễ, đến việc xây dựng nghi thức thờ tự và thực hành nghi lễ, định hướng cho phạm vi và cấp độ xây dựng nghi thức tế lễ, định hướng cho phạm vi và cấp độ xây dựng nghi thức tế lễ”. Từ đó, tác giả đã đề xuất định hướng cho cách thức tổ chức thực hành nghi lễ và lễ hội Vạn Lại - Yên Trường”.
PGS.TS. Đặng Văn Bài (Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia) và TS. Nguyễn Thị Thu Trang (Trưởng phòng Di sản phi vật thể - Cục di sản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhấn mạnh, không gian lễ hội truyền thống dự kiến xây dựng ở Vạn Lại - Yên Trường phải đáp ứng các điều kiện sau: “Đáp ứng tốt yêu cầu thực hành lễ hội truyền thống hoành tráng kết hợp hai tính chất cung đình và dân gian (đại chúng); Có khả năng kết nối liên vùng giữa Vạn Lại và Yên Trường, giữa Vạn Lại - Yên Trường với lễ hội Lam Kinh và lễ tế Đàn Nam giao thành nhà Hồ; Có giá trị thẩm mỹ cao, đạt tiêu chuẩn quốc gia về điểm đến du lịch  hấp dẫn”.
Các báo cáo khoa học khác đã có những nghiên cứu về những vấn đề cụ thể có tính nguyên tắc, cách thức, bước đi xây dựng lễ hội Vạn Lại - Yên Trường: TS. Phạm Văn Tuấn (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa) đã có những ý kiến về công tác quy hoạch hệ thống di sản trong khu di tích, đặc biệt, những địa điểm di tích chính sẽ tổ chức lễ hội. TS. Phan Mạnh Dương (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) đã nêu rõ những nguyên tắc trong xây dựng lễ hội, trong đó quan trọng nhất là phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong việc thực hành lễ hội. ThS. Nguyễn Xuân Toán (Trưởng ban Quản lý khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh) đã có những ý kiến về việc phục dựng và đề xuất hình thức tế lễ tại Đàn Nam Giao ở Vạn Lại - Yên Trường. NNC. Nguyễn Ngọc Khiếu (Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa) nghiên cứu lựa chọn các trò chơi, trò diễn dân gian phục vụ lễ hội Vạn Lại - Yên Trường. NNC. Đại tá Lê Quốc Ẩm (Hội Khoa học Lịch sử Thọ Xuân) nghiên cứu về các di tích tôn giáo trên đất Vạn Lại - Yên Trường và đề xuất việc khai thác các yếu tố tôn giáo trong việc xây dựng lễ hội truyền thống ở đây.
Trong các tham luận của mình, PGS.TS. Hoàng Thanh Hải, PGS.TS. Mai Văn Tùng, TS. Dương Thị Hiền (Trường Đại học Hồng Đức), đã cho rằng: Việc xây dựng lễ hội Vạn Lại - Yên Trường sẽ làm sống động lại một khu di tích quan trọng, để khu di tích trở thành một khu du lịch trọng điểm của Thanh Hóa và cả nước, nhấn mạnh đến chức năng giáo dục truyền thống cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên của khu di tích và lễ hội Vạn Lại - Yên Trường trong bối cảnh hiện nay.
Các nhà khoa học cũng cơ bản nhất trí những định hướng chính cho cách thức tổ chức thực hành nghi lễ và lễ hội Vạn Lại - Yên Trường, những vấn đề cơ bản sau:
- Về tên gọi: Có thể lựa chọn tên gọi của lễ hội là: Lễ hội Vạn Lại - Yên Trường, hay Lễ hội kinh đô kháng chiến Vạn lại - Yên Trường. 
- Về thời gian: Nên lấy ngày đại kỵ vua Lê Trang Tông làm ngày chính hội (29 tháng Giêng hàng năm). 
- Về địa điểm chính: Đồi voi đá ngựa đá; vị trí thứ hai để tạo mối kết nối cho diễn trình lễ hội là khu vực được xác định tại địa điểm có dấu tích Đàn Nam Giao.
- Cần đề cao tính chủ thể văn hóa của người dân trong cộng đồng địa phương, từ lựa chọn phương án xây dựng kịch bản lễ hội, đến tất cả hoạt động trong lễ hội (cúng bái, rước sách, thực hành các diễn xướng, trò chơi dân gian)…
 - Trong khi chưa có lễ hội lớn, hàng năm nhân ngày giỗ vua Lê Trang Tông, hay những dịp lễ khác, có thể tiến hành làm lễ dâng hương tại di tích đồi voi đá, ngựa đá. Việc này sẽ tạo ra một tập quán vừa quen thuộc vừa in vào lòng người dân truyền thống uống nước nhớ nguồn với tổ tiên, để khi có một lễ hội lớn sẽ là điều tất nhiên trong tâm thức mọi người; Nên xây một bệ thờ trên đó có đặt các bài vị của các vị vua Lê (gồm Lê Lợi và 4 vị vua đầu thời Lê Trung hưng ở Vạn Lại - Yên Trường) để làm nơi hành lễ mỗi dịp tưởng niệm; Tiến tới sẽ xây dựng một kịch bản lễ hội thờ các vị vua nhà Lê tại Vạn Lại - Yên Trường.
Như vậy, hầu hết 21 bản báo cáo khoa học đều khẳng định, Kinh đô kháng chiến Vạn Lại - Yên Trường là một quần thể di tích lớn, gắn với một giai đoạn lịch sử đặc biệt và quan trọng của nhà Hậu Lê. Từ các nguồn tư liệu khảo cổ học, sử học và văn hóa dân gian, đã bước đầu cho phép nhận diện được diện mạo về một kinh đô gắn với bối cảnh của chặng khởi đầu cho triều đại Lê Trung hưng ở Việt Nam, làm cơ sở lịch sử, cơ sở khoa học cho quá trình nghiên cứu xây dựng một lễ hội truyền thống vừa mang tính cung đình, vừa mang tính văn hóa dân gian ở đây. 
                                                                                         

L.N.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 230
 Hôm nay: 3683
 Tổng số truy cập: 9249594
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa