TRUYỀN THUYẾT DÂN GIAN VỀ LÊ LỢI VÀ KHỞI NGHĨA LAM SƠN
Khởi nghĩa Lam Sơn không chỉ là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc mà còn được ghi lại bằng dòng sử dân gian với những truyền thuyết cảm động được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Truyền thuyết Lam Sơn là cả một kho đồ sộ. Có điều khá thú vị và độc đáo là hầu hết đều thể hiện được tính chất “mặt trận”, tính chất nhân dân và dân chủ của cuộc khởi nghĩa và của vị Anh hùng dân tộc.
Hầu như đại biểu của mọi tầng lớp nhân dân, mọi ngành nghề đều có mặt trong hàng ngũ cứu nước và gắn bó với Lê Lợi. Có ông già chăn bò ở cánh đồng Ao Voi chỉ đường cho đội tượng binh tìm nơi có nước uống. Có ông già nuôi thỏ và đi bắt tép, mò cá bày cho Lê Lợi cách ngụy trang che mắt địch. Có bác thợ săn ở làng Ngòn đã bịa ra câu chuyện “Sông Cầu Chày chó lội đứt đuôi” để cứu Lê Lợi thoát nạn giặc lùng. Còn có bác thợ xây giúp Lê Lợi kiểu kiến trúc thành Lục Niên, có bác thợ mộc ở Quán Chua giúp nhà vua đóng cỗ xe mà sau này Nguyễn Trãi gọi là “Cỗ xe hư tả”. Tiếng gọi Lam Sơn, sức hấp dẫn của Lê Lợi thôi thúc người tráng sĩ miền núi bỏ đám hội làng để theo đường tụ nghĩa, sau những giây phút cân nhắc, xao xuyến trên một mỏm đá giữa rừng. Mỏm đá ấy là làng Xỏ (nay thuộc Văn Nho, huyện Bá Thước) còn in rõ lối bàn chân vừa quay xuôi, quay ngược. Sức sáng tạo, cái tài tưởng tượng của nhân dân quả là phong phú.
Nhiều nhất là câu chuyện Lê Lợi đặt tên cho các bản làng, vì nhiều nguyên nhân vừa ngạc nhiên, vừa cảm động mà cũng không thiếu vẻ buồn cười, chạy đến nơi này, giở cơm nắm ra ăn thì cơm đã lên men. Lê Lợi đặt ngay cái tên cho chỗ dừng chân ấy là làng Thiu; chạy đến nơi kia thì trời chập choạng, dân chúng đắp đuốc đỏ bừng lên để đón nghĩa quân, Lê Lợi đặt cho chòm ấy cái tên chòm Đỏ. Rồi thì làng này có ý thức giữ gìn bí mật, bưng tai bịt mắt giặc nên được cái tên là Chí Cẩn, làng kia chăm lo cày cấy, không mất thì giờ công sức vì những nghi thức rềnh ràng nên được đặt tên là Tiên Nông. Có chỗ được nhận tên do chính Lê Lợi đặt cho, có chỗ mang cái tên vì muốn lưu lại một kỷ niệm không ai muốn để phai mờ trong ký ức của nhiều thế hệ. Con suối được lấy nước hòa với rượu để khao quân thì gọi là suối Rượu. Suối này, thuộc vùng cư trú của dân tộc Thái nên chính tên nó là Huối Láu. Cái dốc mà dân chúng bày hương án để chào mừng nghĩa quân về hội tụ thì gọi là dốc Hương… Cứ theo kiểu duy danh mà suy nguyên như thế thì cũng dễ cho nhiều nơi theo cái đà sáng tạo mà tưởng tượng ra nhiều cách giải thích, miễn là phù hợp với tấm lòng ngưỡng mộ của họ đối với Lê Lợi, đối với Lam Sơn.
Lực lượng thần linh cũng đã được huy động về với khởi nghĩa Lam Sơn. Thần linh đến với Lê Lợi cũng là những thần linh mang tính chất của mặt trận. Có đủ ở đây Ngọc Hoàng, tiên thánh, thành hoàng, thần núi, thần sông, thần khắp trong nước như thần làng Chèm, Tiên Dung công chúa. Thần ở địa phương như Thành hoàng Nam Ngạn, Thành hoàng Yên Lãng. Có thần già và có thần trẻ, thần trẻ này ở làng Canh Hoạch (huyện Thọ Xuân) là một chú đồng tử hiền lành ở hồ Sao Xỉa đã khuyên Lê Lợi nên gấp rút xúc tiến hội thề Lũng Nhai, Duệ hiệu được tôn là Thông Tuệ.
Có một thiếu sót trong kho sử liệu trước đây là không chính thức ghi chép được công lao của những người phụ nữ đã góp phần vào sự nghiệp chiến đấu. Truyền thuyết cổ tích, lưu truyền trong dân gian đã bổ khuyết hộ điều này. Chúng ta đã thấy một kho thần tích lớn chung quanh cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Các cuộc khởi nghĩa và chiến đấu khác qua nhiều thế kỷ cũng vậy. Riêng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, từ Nam chí Bắc đều lưu hành những câu chuyện của các bà, các chị, biểu lộ tinh thần yêu nước, tích cực tham gia chiến đấu với nghĩa quân hay chăm sóc, bảo vệ lãnh tụ: một người ả đào, một bà hàng nước, một người mẹ lái đò… Những mẩu chuyện đã trở thành phổ biến chung và đôi khi được xem như những sử liệu. Ở miền Thanh, kho tàng này còn dồi dào chưa khai thác hết. Ta đã gặp những bà già ở đền Tép, ở Vân Am, Hoằng Hóa, ở Ngã Ba Si, ở cánh đồng Thạch… giúp cho Lê Lợi và binh sĩ một bữa cơm khi đói lòng, che chở cho Lê Lợi thoát nạn truy lùng của địch hoặc làm dấu hiệu chỉ cho nghĩa binh đến chốn an toàn. Một mô tuýp cũng khá quen thuộc là chuyện người phụ nữ bị nạn, chết hóa thành chồn cáo làm lạc hướng đánh hơi của bầy chó săn. Người ấy có thể là phụ nữ dân tộc Kinh như Hồ Ly phu nhân, có thể là một phụ nữ dân tộc Mường như nàng Ri ở Thạch Thành (câu chuyện hai nhân vật này hoàn toàn trùng hợp với nhau, phần dị biệt rất ít). Lại có thêm câu chuyện một cô gái Mường được tham gia vào đội nữ quân có tên là nàng ba Mường Rường. Cô gái Thái thì có một nàng vô danh vùng Thiết Ống đã giúp Lê Thạch tìm ra một kho lương thực giấu ở hang sâu. Câu chuyện rất giàu sắc thái nghệ thuật. Cô gái xuất hiện như một cái bóng khi ẩn, khi hiện trong đám sương mù, dẫn đoàn quân thầm báo tin đến mục tiêu, rồi nàng cũng đồng thời mất hút, khiến cho mọi người yên trí đó là một tiên nữ xuống giúp vua Lê. Và vì thế mới có cái tên Ngàn Tiên đặt cho khu rừng bên đèo Thiết Ống.
Những người phụ nữ Lam Sơn còn ghi được tên tuổi hầu hết đều đã trở thành nhân vật trong thần tích hơn là trong lịch sử. Đầu tiên phải kể đến bà Phạm Thị Ngọc Trần, vợ của Lê Lợi, chuyện kể là trong cuộc hành quân vào Nghệ An, bà đã tự nguyện xung phong làm vật hiến tế nhảy xuống sông trầm mình để bảo toàn tính mạng cho quân sĩ đang bị thủy thần gây sóng gió, đòi phải cung tiến người đẹp. Sách Lam Sơn thực lực (bản Hồ Sĩ Dương) chính thức ghi chuyện này và bảo là việc xảy ra ở Triều Khẩu, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Truyền thuyết địa phương Thanh Hóa lại nói việc xảy ra ở sông Lường và bà được quần chúng mệnh danh là bà Láng Thượng vôi, con trai bà sau làm vua, Lê Thái Tông đã xây lăng cho mẹ, tức là Lăng Hiền Nhân nay ở làng Quần Đội, huyện Thọ Xuân. Vợ Lê Lợi còn có bà Chiêu Nghi, giúp chồng việc lương thảo. Có bà công chúa Huy Chân con gái Trần Duệ Tông đã chiêu dân lập ấp, mở nhiều làng mới ở vùng Hương Sơn, Hà Tĩnh. Con gái Lê Lợi được vùng Lam Sơn nhắc đến nhiều là Thọ Mai công chúa giàu lòng bác ái, hay chu cấp cho kẻ bần hàn nên được thờ ở làng Dao Xá. Rồi đến Hồng Nương công chúa là một nữ tướng có tham gia các trận đánh giặc Minh, sau này còn đi đánh Chiêm Thành, nay được thờ ở làng Xuân Phả. Có cả chuyện “Người yêu” Lê Lợi nữa! Bà Hoa Nương ở làng Hội Hiền (nay là xã Tây Hồ, huyện Thọ Xuân), Lê Lợi hành quân qua đấy đã trú tạm vùng này được làm quen với Hoa Nương, hứa hẹn mối duyên cầm sắt. Hôn lễ chưa tổ chức được vương đã phải ra đi, khi trở lại thì Hoa Nương đã thành người thiên cổ. Nhưng mối tình không vì thế mà chấm dứt. Lê Lợi đã nằm mộng thấy người yêu đến bày tỏ tâm sự và hứa xin phù hộ cho cuộc khởi nghĩa thành công. Đất nước trở lại thanh bình, Lê Thái Tổ đã quay về Tây Hồ dùng lễ Hoàng hậu để viếng hương hồn người yêu cũ.
Số chị em là vợ, con của các tướng lĩnh cũng nhiều, phần lớn đều phải tìm tên tuổi trong các gia phả hơn là trong các bản thần tích. Ta đã biết bà Nguyễn Thị Bành vợ tướng quân Nguyễn Chích. Bà là một tướng tài, đã từng xông trận giao phong với giặc. Bà lại có mưu lược. Vùng đất Hoàng Sơn (Nông Cống) còn kể chuyện giai thoại: bà bố trí một đội quân hình nhân để lừa giặc Minh, chia sức địch, giành thế chủ động cho Nguyễn Chích tấn công thắng lợi. Vợ của Bùi Quốc Hưng là Lê Thị Ngọc Trinh, vợ Đinh Lễ là Bùi Thị Ngọc Liễu, vợ Bùi Bị là Lê Thị Ngọc Khiết… đều là những người hăng hái giúp đỡ hoặc cộng sự với chồng trên đường chinh chiến.
Trong kho tàng thần phá, thần tích còn có nhiều nữ thần khác hỗ trợ cho Lam Sơn động chủ. Nào Thủy Tiên công chúa (thờ ở Bàn Thạch, Thọ Xuân) giúp việc tiêu diệt Liễu Thăng, Ngọc Ban phu nhân (thờ ở Đống Cải, Nông Cống) báo mộng xin giúp đánh thành Trà Long; Ngọc Kim Bà vương (thờ ở Nam Kim Nội) hỗ trợ cho một trận thủy chiến. Trinh Bạch Công chúa hiện ra trong đêm mơ hẹn với Lê Lợi khi ông qua làng Đào Xá xin luôn bảo vệ kỳ đài (lá cờ), sau này được thờ luôn ở làng ấy. Có bao nhiêu thần thật, và bao nhiêu thần tưởng tượng trong những chuyện huyền thoại này, chắc không cần phải cân nhắc. Chỉ có điều đáng lưu ý số truyện dân gian có nhân vật chính là phụ nữ tham gia nghĩa quân Lam Sơn, hỗ trợ cho Lê Lợi chiếm một tỉ lệ đáng kể trong kho tàng chung, đồng thời vượt hẳn lên so với những mẩu chuyện tương tự ở trường hợp nhiều lãnh tụ, anh hùng khác. Trong số những mẩu chuyện ấy, Lê Lợi cũng được gắn với những mẩu thần thoại khá xa xưa. Rất nhiều là những câu chuyện các bà hàng nước, bà mẹ trên khúc sông, cô gái hóa thân trong khúc cây… đó là những chi tiết rất có ý nghĩa. Con người làm nên lịch sử, hóa thân với những gì gắn bó nhất với cội nguồn. Con người ấy là Lê Lợi.
Cây cỏ, loài vật cũng đóng một vai trò khá nổi bật chung quanh Lê Lợi, trong sự thực cuộc đời và trong hư cấu sáng tạo. Có con cọp đen sau rừng Như Áng, có đoàn voi chiến do Trịnh Đồ đưa từ Ai Lao về, có bầy chó săn của Nguyễn Xí huấn luyện. Có loài chồn, cáo, kỳ đà, có giống cuốc hay lủi trong bụi rậm, có bầy ong làm tổ trên cây. Tất cả đều trực tiếp, gián tiếp có công lao đặc sắc. Loại thực vật thì củ nâu cũng đã thành một nguồn thực phẩm, cây măng là một món ăn ngon, cây nứa được dùng để thay nồi tạo ra một kỹ thuật nấu nướng thích hợp trong cảnh rừng núi. Từ đó mà ra đời một món ăn lấy tên địa điểm khởi nghĩa “Cơm Lam”.
Rồi cây luồng, cây tăng, rừng mơ, rừng quế… tất cả đều đi vào Lam Sơn và có vị trí danh dự của mình trong sự nghiệp chung. Có những loài vật ở Lam Sơn mà câu chuyện liên quan đến rất nhiều lĩnh vực: Giáo dục, quân sự, phong tục, giao thông, thẩm mỹ, không phải chỉ có giá trị lịch sử nhất thời, chẳng hạn chuyện về giống chim bồ câu. Trước kia, ông bố Nguyễn Chích nuôi chim, thả chim thi nên truyền nghề này cho con. Bồ câu nuôi thì để xem con nào được dạy khéo. Thả chim lên trời, người ta đặt dưới mặt đất một chậu nước lã. Chim bay tít lên tận đỉnh mây xanh, phải bay thẳng thế nào cho bóng chim vẫn in vào chậu nước. Chim của Nguyễn Chích được huấn luyện để dùng vào việc binh. Có lần quân ta bị vây kín, người ra không lọt, chim đã bay ra đi báo tin để gọi quân cứu viện về, trong đánh ra, ngoài đánh vào làm cho giặc tan vỡ. Thả chim thi, đến nay vẫn còn là phong tục đẹp, là một nét đẹp văn hóa truyền thống.
Truyền thuyết dân gian về nhân vật Lê Lợi, về khởi nghĩa Lam Sơn đúng là một kho tàng đồ sộ. Nó vận động theo không gian và hình thành nên những điểm tụ và những điểm tụ này lại có khuynh hướng vận động theo thời gian chuyện có thực, chuyện hoang tưởng, chuyện xuất phát từ một cứ liệu hiển nhiên hay từ một ước mơ thành kính đều làm nổi lên tinh thần tụ nghĩa. Về với đại nghĩa Lam Sơn không phải chỉ có những con người mà cả quê hương xứ sở, cả loài sinh vật, cả giống vô tư. Ở đây, từ cậu bé đến ông bà già, từ nam đến nữ, miền ngược đến miền xuôi, chàng nho sĩ, bác thợ săn, thợ mộc, thợ cày cho đến cả con ong, con cọp, quả núi, khúc sông… đều có mặt trong trận tuyến diệt thù cứu nước… Lê Lợi xuất hiện ở đây dù có nhiều khi được viền bằng cả một đám hào quang thần thoại nhưng vẫn là một hình tượng anh hùng cụ thể, gần gũi với nhân dân… Lê Lợi không như một tướng thần linh nào trăm trận trăm thắng, nhưng trong cái thua của Lê Lợi cũng có rất nhiều cái được; Và những cái được chủ yếu nhất, có tác dụng nhất, chính là sự gan góc chịu đựng, thủy chung và tấm lòng bù trì, che chở của nhân dân.
Lê Lợi còn đi vào truyền thuyết dân gian với một hiện tượng độc đáo trong lịch sử văn học dân gian nước ta. Đó là hiện tượng Folklore mà có nhà nghiên cứu đã đưa vào đó để gọi Lê Lợi là con người giữa hai huyền thoại. Đó là hiện tượng thanh gươm Lê Thận đánh lưới bắt được ở sông Chu. Chuyện này có thực. Danh sách Lũng Nhai công thần ghi rõ việc Lê Thận “đắc bảo kiếm” (được gươm báu) nhưng không phải là của bắt được mà là của Lạc Long Quân giao cho Lê Lợi để vị chủ soái Lam Sơn xem đó là trời trao sứ mệnh cứu nước, cứu dân. Thanh kiếm đã đi theo Lê Lợi suốt mười năm khởi nghĩa. Cho đến khi Lê Lợi thành công, lên ngôi vua, dạo chơi trên hồ Tả Vọng thì rùa thần hiện lên để “xin bệ hạ hoàn gươm lại cho Long Quân”. Quả là một huyền thoại đầy ý nghĩa. Nhận gươm và trả gươm là một sứ mệnh và hoàn thành xong sứ mệnh gươm phải do đức tổ giống nòi (Lạc Long Quân) giao cho. Gươm phải tự tay người chài lưới bắt được giao cho một thủ lĩnh nông dân là tiêu biểu cho khối đoàn kết dân tộc. Hòa bình rồi thì gươm lại giao về cho đức tổ của giống nòi, để lần sau khi đất nước còn bị ngoại xâm thì đức tổ dân tộc sẽ giao cho một thủ lĩnh khác.
Từ khi ngọn cờ của khởi nghĩa Lam Sơn dấy lên, đến nay đã hơn 600 năm, xong những câu chuyện và ý nghĩa của nó đối với chúng ta vẫn luôn mới mẻ và hấp dẫn.
T.T.L